Tạo bài viết thảo luận

Khi dân số cùng với mức sống người dân tăng lên, nhu cầu chăm sóc y tế tốt hơn là tất yếu. Sự phát triển của hệ thống y tế nói chung và các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế nói riêng đã nảy sinh nhu cầu nguồn nhân lực. Ngoài lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng chuyên môn, còn nảy sinh nhu cầu nhân lực về công tác hỗ trợ, hậu cần, hành chính đặc biệt là nhu cầu nhân lực các vị trí quản lý. Ngành Quản lý bệnh viện ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Tuy đã có lịch sử lâu đời trên thế giới nhưng tại Việt Nam ngành này là ngành mới. Các bạn học sinh còn chưa nắm rõ về ngành này nhất là những “tin đồn”, “định kiến” xoay quanh.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu về ngành Quản lý bệnh viện: Ngành Quản lý bệnh viện là gì? Triển vọng; Cơ hội việc làm; Các định kiến thường gặp; Tố chất cần có và các trường hiện đang đào tạo nhé!

1. Ngành Quản lý bệnh viện là gì?

Ngành Quản lý bệnh viện là ngành thuộc lĩnh vực Quản trị kinh doanh, đào tạo về cách thức điều hành một cơ sở y tế, chăm sóc sức khoẻ, phối hợp các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, vốn, công nghệ... để đạt được mục tiêu của cơ sở một cách tốt nhất.

Cơ sở y tế, chăm sóc sức khoẻ: bệnh viện, phòng khám, trung tâm xét nghiệm y học, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế.

Mục tiêu của cơ sở: bao gồm cả các mục tiêu lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận

Ngành Quản lý bệnh viện còn có tên khác là ngành Quản trị bệnh viện. Có thể xem đây là ngành áp dụng nghệ thuật quản trị và quản lý trong các cơ sở y tế, chăm sóc, sức khoẻ.

Mục tiêu đào tạo của ngành Quản lý bệnh viện là đào tạo được đội ngũ chuyên viên có kiến thức và làm việc hiệu quả trong lĩnh vực quản lý bệnh viện. Cụ thể:

  • Có kiến thức nền tảng về hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam và thế giới.
  • Hình thành tư duy quản lý của người điều hành trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ.
  • Hiểu biết về cách thức hoạt động của các cơ sở y tế, chăm sóc sức khoẻ. Hiểu biết về các công cụ trong quản trị và áp dụng các công cụ, cách thức để điều hành cơ sở y tế, chăm sóc sức khoẻ có hiệu quả: quản trị chiến lược, quản trị nhân lực, quản trị marketing, quản trị tài chính – kế toán, quản trị hệ thống thông tin, quản trị thương hiệu, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị rủi ro, quản trị thiết bị.
  • Có năng lực nhận thức giải quyết các vấn đề một cách có hệ thống hoặc ra các quyết định hiệu quả trong quản lý cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc sức khoẻ.

2. Triển vọng của ngành Quản lý bệnh viện

Lĩnh vực y tế ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng do sự thay đổi về nhân khẩu học, sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Dịch Covid bùng phát đã chúng minh rằng sức khoẻ đang và chắc chắn sẽ tiếp tục là ưu tiên của hầu hết người Việt Nam. Mặt khác, những lo ngại về an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường và điều kiện sống - làm việc không an toàn đã khiến người dân sẵn sàng chi tiêu cho thuốc men và chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tăng nhanh.

Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm có dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số; đến năm 2050, nhóm này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020, tổng số cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc là 13.544 cơ sở. Bệnh viện công ở Việt Nam được chia thành ba cấp trung ương (47 bệnh viện); cấp tỉnh (419 bệnh viện) và cấp huyện (684 bệnh viện), trong đó có 306 bệnh viện tư nhân (năm 2018 là 219 bệnh viện) và 37.350 phòng khám tư nhân.

Do đó, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ tăng nên việc bệnh viện, phòng khám sẽ càng phát triển về cả số lượng, chất lượng, quy mô/đơn vị là tất yếu. Kèm theo đó, sự phát triển của kinh tế, công nghệ yêu cầu nhân lực tại các cơ sở cũng phải nâng cao thái độ, trình độ phục vụ cả về chuyên môn và các lĩnh vực hỗ trợ.

3. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp

Chúng ta hãy xem xét sơ đồ tổ chức của bệnh viện Chợ Rẫy – một bệnh viện công lập thuộc tuyến Trung ương và bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn – một bệnh viện tư nhân.

Sơ đồ tổ chức Bệnh viện Chợ Rẫy.  Nguồn: http://choray.vn

 

Sơ đồ tổ chức Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Nguồn: https://www.hoanmysaigon.com

Có thể nhận thấy, ngoài các khoa chuyên môn, sẽ có các phòng, trung tâm chức năng – vận hành như phòng Kế hoạch, phòng Tài chính- Kế toán, phòng Nhân sự, phòng Hành chính, phòng Trang thiết bị y tế, Phòng Tiếp thị, phòng Công nghệ thông tin… Ngay cả trong các khoa chuyên môn có quy mô lớn, cần các nhân sự phục vụ về hành chính, văn phòng, thiết bị riêng, Không có các bộ phận này, bệnh viện không thể hoạt động.

Đây là những vị trí việc làm cần thiết có kĩ năng vận hành, quản lý và sự hiểu biết về lĩnh vực y tế. Trước đây, các vị trí này sẽ do những người tốt nghiệp các ngành sức khoẻ đảm nhận nhưng họ lại không được đào tạo về quản lý. Hoặc do những người tốt nghiệp những ngành về kinh tế, kĩ thuật khác nhau đảm nhận nhưng họ lại thiếu chuyên môn về y tế, chăm sóc sức khoẻ. Vì vậy, nhân sự phù hợp nhất và giúp cơ sở không cần đào tạo lại là nhân sự ngành Quản lý bệnh viện.

Các vị trí việc làm cụ thể

  • Chuyên viên tại các phòng ban chức năng về kế hoạch, tài chính, kế toán, nhân sự, hành chính, thiết bị, chăm sóc khách hàng, quan hệ công chúng, marketing, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, đảm báo chất lượng, hạ tầng, kho bãi, quản lý rủi ro, quản lý quỹ bảo hiểm, hệ thống thông tin…
  • Sau khi tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm, sẽ chuyển lên các vị trí quản lý: phó – trưởng phòng – ban-trung tâm, phó giám đốc, giám đốc.
  • Giảng dạy, nghiên cứu.

Nơi làm việc

  • Các cơ quan quản lý nhà nước về y tế từ cấp bộ đến cấp cơ sở; các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực y tế.
  • Các bệnh viện, phòng khám, trung tâm xét nghiệm, trung tâm y tế từ cơ sở đến trung ương; bao gồm cả các đơn vị công lập và tư nhân.
  • Có khả năng tự kinh doanh trong các tổ chức y tế và các tổ chức liên quan,
  • Các dự án về y tế trong và ngoài nước; Các chương trình hợp tác của các bệnh viện, trung tâm y tế.
  • Các doanh nghiệp liên quan như đơn vị phân phối trang thiết bị- vật tư y tế - dược phẩm.
  • Giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục, viện- trung tâm nghiên cứu.

Một số định kiến thường gặp

Ngành Quản lý bệnh viện học để ra làm giám đốc nên nếu nhà có mở bệnh viện, phòng khám thì mới nên học để về làm “sếp”.

Như đã đề cập ở trên, có nhiều vị trí khác nhau cho nhân sự ngành này. Ngành Quản lý bệnh viện trước hết đáp ứng nhu cầu lực lượng chuyên viên cho các phòng, ban của các cơ sở y tế, chăm sóc sức khoẻ. Tất nhiên, với kiến thức đã được đào tạo nhân sự ngành này được định hướng sẽ lên các vị trí quản lý sau thời gian tích luỹ kinh nghiệm, chứng tỏ năng lực.

Để làm các vị trí Giám đốc hay Phó Giám đốc tại bệnh viện, trung tâm y tế phải là bác sĩ giỏi.

Ở Việt Nam hiện nay có tình trạng giám đốc bệnh viện phải là những bác sĩ giỏi chuyên môn đặc biệt là ở các bệnh viện công vì cho rằng phải có chuyên môn giỏi thì cấp dưới mới phục. Tuy nhiên khi những người rất giỏi về chuyên môn lại không làm chuyên môn mà chuyển sang hẳn lĩnh vực quản lý, một lĩnh vực mà họ không hề giỏi, không có kinh nghiệm và không thật sự tâm huyết thì hệ quả rất có thể là “mất đi một nhà chuyên môn giỏi, thêm một nhà quản lý tồi”. Ở các nước Châu Âu, bác sĩ giỏi thường chỉ giữ cương vị giám đốc về chuyên môn hoặc trưởng khoa điều trị. Giám đốc quản lý bệnh viện thường là người đã học rất bài bản về tài chính – quản trị.

Định kiến này tồn tại lâu và cần thời gian để thay đổi. Tuy vậy, việc nhiều giám đốc bệnh viện vướng vòng lao lý trong công tác đấu thầu, mua sắm, quản lý tài chính trong gần đây đã cho thấy chúng ta cần thay đổi. Sự thay đổi này đã tiến hành ở một số bệnh viện tư nhân và dần dần sẽ tiến đến khu vực công.

Để một cơ sở y tế thành công cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chuyên môn và bộ phận vận hành

4. Ngành Quản lý bệnh viện cần những tố chất gì

Là một ngành thuộc lĩnh vực quản trị, ngành Quản lý bệnh viện cần khả năng học hỏi cao, khả năng giải quyết vấn đề, tư duy logic. Bên cạnh đó, định hướng việc làm trong lĩnh vực y tế, sức khỏe yêu cầu khả năng ứng xử linh hoạt, khéo léo, khả năng chịu áp lực cao.

Ngành Quản lý bệnh viện cũng được đề xuất cho các bạn có kết quả điểm cao về Quản lý hoặc Xã hội hoặc Nghiệp vụ trong bài test nghề nghiệp Holland. Làm khảo sát nghề nghiệp Holland tại đây.

5. Ngành Quản lý bệnh viện học những gì

Các môn học tiêu biểu: Kinh tế vi mô;Kinh tế vĩ mô; Toán dành cho kinh tế và quản trị; Thống kê ứng dụng cho kinh tế và kinh doanh; Luật kinh doanh; Nguyên lý kế toán; Kỹ năng mềm; Khởi nghiệp kinh doanh; Quản trị học; Quản lý y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe; Thuật ngữ y khoa và bệnh lý học; Dịch tễ học; Quản lý chăm sóc và điều trị; Quản trị điều hành bệnh viện; Kế toán quản trị; Kế toán công; Quản trị hành chính bệnh viện; Pháp luật, y đức và chính sách y tế; Phương pháp nghiên cứu trong y khoa và quản lý; Quản trị nguồn nhân lực; Quản trị tài chính bệnh viện và bảo hiểm y tế; Quản trị chiến lược bệnh viện; Quản trị hệ thống thông tin bệnh viện; Quản trị bệnh án; Quản trị chuỗi cung ứng dươc và thiết bị y tế bệnh viện; Kinh tế y tế trong chăm sóc sức khỏe; Marketing dịch vụ y tế; Quản trị chất lượng dịch vụ bệnh viện; Quản trị dự án; Quản trị rủi ro chăm sóc sức khỏe trong bệnh viện; Lập kế hoạch kinh doanh; Phân tích định lượng dành cho nhà quản trị; Quản trị dược trong bệnh viện; Quản lý dinh dưỡng bệnh viện; Giới thiệu về cơ sở dữ liệu; Hệ hỗ trợ quản trị thông minh trong kinh doanh; Thương mại điện tử.

6. Các trường đào tạo ngành Quản lý bệnh viện trình độ đại học

  • Trường Đại học Thăng Long
  • Trường Đại học Phan Châu Trinh
  • Trường Đại học UEH (Trường Đại học Kinh tế TPHCM)
  • Trường Đại học Hùng Vương
  • Trường Đại học Hồng Bàng
  • Trường Đại học Nam Cần Thơ

Kim Tuyến (tổng hợp)

Tạo bài viết thảo luận
Ngành Quản trị Hàng không

Ngành Quản trị Hàng không

14-06-2022
Ngành Quản trị sự kiện

Ngành Quản trị sự kiện

03-10-2021
Ngành Logistics

Ngành Logistics

15-05-2022
Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống

Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống

07-07-2022
Ngành Truyền thông Marketing tích hợp

Ngành Truyền thông Marketing tích hợp

31-01-2023
Ngành Thẩm định giá

Ngành Thẩm định giá

23-06-2022