Tạo bài viết thảo luận

Nếu bạn đam mê ẩm thực và mong muốn đưa đến cho mọi người trải nghiệm tuyệt vời  qua những món ăn, thức uống ngon, dịch vụ tốt tại các nhà hàng và quán ăn, ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống là một trong những lựa chọn đáng cân nhắc.

Ngoài sở thích, đam mê trên, bạn cần những tố chất gì, có cần biết nấu ăn hay không để thành công trong ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống? Học xong có phải sẽ trở thành đầu bếp hay nhân viên pha chế? Cơ hội việc làm và triển vọng của ngành này? Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu về ngành này nhé.

1.Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống là gì

Ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (Restaurant Management and Gastronomy) là ngành học thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực về việc lên chiến lược, lập kế hoạch, vận hành, giám sát các hoạt động của nhà hàng và các quán ăn - uống để phục vụ nhu cầu ăn uống cho khách hàng.

Nội dung của ngành học bao gồm quản trị tất cả các hoạt động của nhà hàng và các quán ăn - uống như: xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động, xây dựng thương hiệu, truyền thông, marketing, quản lý cơ sở vật chất, quản lý hàng tồn kho, mua nguyên liệu, lên thực đơn, lên danh mục các dịch vụ, quản lý chất lượng thức ăn- thức uống- dịch vụ, quản lý nhân sự, quản lý tài chính...

Như vậy, mục tiêu của Ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống là đào tạo các nhà quản lý trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage Service - Dịch vụ nhà hàng và quầy uống), không phải đào tạo đầu bếp hay nhân viên pha chế.  Đây là ngành ứng dụng Quản trị kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống.

Có thể hiểu, để quản lý thành công một nhà hàng hay một địa điểm ăn-uống, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng như: vị trí, diện tích, cách lựa chọn khách hàng mục tiêu, cách bày trí không gian, độ tươi ngon và đặc sắc của món ăn-thức uống, thời gian phục vụ, giá cả, âm nhạc, bàn ghế, chén đũa, đồng phục nhân viên, thái độ phục vụ…và ngành Quản lý nhà hàng và dịch vụ ăn uống đào tạo sinh viên có những kiến thức, kỹ năng để quản lý tốt các yếu tố này.

2. Triển vọng của ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống

Theo khảo sát của Vietnam Report, sau 2 năm gặp khó khăn vì COVID-19, quý I/2022, doanh nghiệp F&B mới thực sự hồi phục trở lại. Sự hồi phục và phát triển của du lịch cũng kéo theo sự phát triển của ngành nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Doanh thu ngành F&B nửa đầu tháng 4/2022 cũng phần nào phản ánh xu hướng này, khi mức tăng trưởng của các doanh nghiệp đạt gần 40% so với cùng kỳ quý 1/2022 và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ quý 4/2021.

Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, đời sống người dân đang được nâng cao, có nền ẩm thực phong phú, ngành du lịch cũng đang phát triển. Những đặc điểm này là tiền đề để ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống phát triển mạnh trong tương lai.Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.

Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, từ 10-12% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.

Xu hướng của ngành này trong tương lai là xu hướng quan tâm đến trải nghiệm tổng hợp của người dùng và xu hướng đặt đồ ăn, thức uống qua các ứng dụng trực tuyến. Theo thống kê của Gojek tại TP.HCM và Hà Nội, doanh nghiệp F&B đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể trong xu hướng người dân sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng khi lượng đơn hàng đặt qua GoFood trong quý 1/2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tần suất đặt món trực tuyến tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong số hàng triệu người dùng Gojek, trung bình mỗi khách hàng cứ 5 ngày lại đặt một đơn đồ ăn GoFood trong 3 tháng đầu năm nay.

3. Cơ hội việc làm trong ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống 

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí:

  • Chuyên viên tại các sở ban ngành liên quan đến lĩnh vực nhà hàng, du lịch, văn hóa.
  • Chuyên viên trong các nhà hàng - khách sạn ở các vị trí: tổ chức sự kiện ẩm thực, quản trị các dịch vụ chăm sóc khách hàng, sales và marketing, phòng kế hoạch.
  • Chuyên viên tư vấn, tổ chức và điều hành tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, chuỗi nhà hàng, chuỗi cà phê – đồ uống, trung tâm tiệc cưới- hội nghị.
  • Chuyên viên kinh doanh, phát triển các dịch vụ du lịch, khách sạn.
  • Giám sát nhà hàng và dịch vụ ẩm thực: đảm bảo chất lượng thức ăn- uống, chất lượng phục vụ đúng tiêu chuẩn đề ra.
  • Chuyên gia ẩm thực, chuyên gia về rượu.
  • Quản trị quầy bar.
  • Hướng dẫn viên du lịch, thiết kế tour, tổ chức sự kiện, hội nghị cho đoàn khách trong và ngoài nước.
  • Lập nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, chuỗi thương hiệu F&B.
  • Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch và ẩm thực quốc tế.
  • Giảng dạy về các lĩnh vực Quản trị khách sạn, nhà hàng, du lịch, ẩm thực tại các trường đại học cao đẳng có đào tạo ngành học này.

Có thể nhận thấy, đa số các bạn sinh viên sau khi ra trường sẽ làm việc ở các nhà hàng, khách sạn, resort với các vị trí chuyên viên, nhân viên. Sau thời gian làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, tích luỹ kinh nghiệm sẽ có khả năng thăng tiến lên các vị trí quản lý cấp trung: nhóm trưởng, tổ trưởng bộ phận, quản lý bộ phận; giám đốc các phần hành: nhân sự, marketing, thương hiệu...; quản lý cấp cao: giám đốc điều hành, giám đốc chuỗi hoặc chủ doanh nghiệp.

Xu hướng ưu tiên trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ trong ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Ảnh: Elavate- Pexels.com

4. Các yêu cầu để thành công trong ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống

Để trở thành nhà quản lý nhà hàng và dịch vụ ăn uống giỏi bạn cần cái nhìn tổng quát về nền kinh tế ẩm thực, đối thủ cạnh tranh, các xu hướng đồng thời phải giám sát các vấn đề chi tiết ảnh hưởng đến từng thành phần. Katie Wokas, tổng giám đốc nhà hàng BBQ The Pioneer tại San Diego cho biết: “Thật khó khăn ở chỗ bạn phải xem và làm nhiều thứ cùng một lúc. Bạn thực sự phải học cách quản lý thời gian và ủy quyền khi bạn cần."  Là một quản lý nhà hàng, bạn cần giao tiếp tốt, xử lý các vấn đề với khách hànng, đối tác, thúc đẩy nhân viên làm việc, quyết định thực đơn, giá cả để đảm bảo rằng thức ăn và dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn, các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn, đảm bảo việc kinh doanh hợp pháp với các vấn đề liên quan đến đồ uống có cồn. Ngoài ra, tùy vị trí, bạn cần phải đưa ra định hướng hoạt động, quản lý hoạt động truyền thông, định giá món ăn marketing, quản lý tài chính, mua sắm...Vì vậy, bạn cần thời gian để học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm.

Để làm trong các nhà hàng, khách sạn quốc tế hoặc chuyên phục vụ khách quốc tế thì ngoại ngữ là một trong những kỹ năng quan trọng.

Một câu hỏi thường được đặt ra là quản lý nhà hàng và dịch vụ ăn uống có cần biết nấu ăn hay không. Hướng nghiệp 4.0 CDM xin đưa ra ý kiến của ông Lý Quí Trung- chủ tập đoàn Nam An Group, chuyên kinh doanh lĩnh vực ẩm thực, trong đó có chuỗi cửa hàng Phở 24 - một trong những thương hiệu nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam với hơn 70 cửa hàng trong và ngoài nước. Ông nói: “Kinh doanh nhà hàng mà không biết nấu ăn càng tốt”. Lý do ông đưa ra là vì những người biết nấu ăn thường cứng đầu, không muốn chiều khách, nhiều khi còn cự lại khách vì bị chê; còn những người không biết nấu ăn thì biết ăn ngon và quản trị tốt luôn biết lắng nghe nhu cầu của khách, ưu tiên khách hàng là số 1.

Theo Hướng nghiệp 4.0 CDM, ý kiến trên cũng có phần hợp lý nhưng trên thực tế có rất nhiều chủ nhà hàng và dịch vụ ăn uống xuất phát từ vai trò đầu bếp, nhà pha chế giỏi. Người có kinh nghiệm đầu bếp sẽ dễ dàng đảm bảo chất lượng, hương vị của món ăn; đảm bảo khâu tuyển chọn và đào tạo nhân viên bộ phận bếp; biết cách sử dụng, bảo quản và tính toán số lượng mua nguyên vật liệu hợp lý; có sẵn mối quan hệ từ các nhà cung ứng...nên có nhiều lợi thế khi quản lý. Tuy nhiên, như ở trên đã đề cập, để làm một nhà quản lý nhà hàng và dịch vụ ăn uống thành công, bạn còn cần rất nhiều kiến thức và kĩ năng khác nhau nên nếu nấu ăn ngon, đó có thể là lợi thế nhưng không đảm bảo sẽ quản lý thành công.  

Ngược lại, người quản lý nhà hàng và dịch vụ ăn uống có thể không phải là đầu bếp giỏi nhưng phải có kiến thức về văn hóa ẩm thực, kỹ thuật chế biến các món ăn để đưa ra định hướng, thực đơn, lựa chọn đầu bếp và thay đổi món ăn, hương vị khi cần thiết. (Các bạn có thể yên tâm vì đa số trong chương trình đào tạo của các trường đều có học phần kỹ thuật chế biến món ăn và pha chế thức uống).

5. Các tố chất cần có để học ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống

  • Niềm đam mê ẩm thực, kinh doanh
  • Sự quan tâm đến nhu cầu của khách hàng trong lĩnh vực ẩm thực
  • Ham học hỏi
  • Tập trung vào quy trình

6. Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống học những gì

Các môn học tiêu biểu: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Văn hóa ẩm thực, Quản trị học, Marketing căn bản, Nguyên lý kế toán, Dinh dưỡng học, Phương pháp xây dựng khẩu phần thực đơn, Vệ sinh và an toàn thực phẩm, Quản trị du lịch, Quản trị khách sạn Quản trị nhà hàng, Quản trị và vận hành quầy bar, Quản trị sự kiện, Tâm lý và giao tiếp kinh doanh du lịch, Quản trị nguồn nhân lựcQuản trị chất lượng du lịch, Marketing khách sạn và nhà hàng, Quản trị chuỗi cung ứng thực phẩm, Quản trị resort, Quản trị xung đột trong nhà hàng, Nghiệp vụ nhà hàng, Kỹ thuật chế biến các món ăn Âu, Kỹ thuật chế biến các món ăn Á, Kỹ thuật chế biến các món ăn Việt Nam, Kỹ thuật cắt tỉa rau- củ- quả, Kỹ thuật pha chế thức uống, Kỹ thuật chế biến các món bánh.

Ảnh Nguyen Quang Vinh, pexels.com

7. Các trường đào tạo ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống trình độ đại học

Khu vực miền Bắc 

  • Trường Đại học Hạ Long 
  • Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Khu vực miền Trung

  • Trường Đại học Duy Tân
  • Trường Du lịch- Đại học Huế
  • Trường Đại học Phan Thiết
  • Trường Đại học Đông Á
  • Trường Đại học Yersin (ngành Quản trị Nhà hàng- Khách sạn)

Khu vực miền Nam

  • Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
  • Trường Đại học Tài chính – Marketing
  • Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM
  • Trường Đại học Hoa Sen
  • Trường Đại học Kinh tế  Tài chính TPHCM
  • Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
  • Trường Đại học Văn Lang
  • Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu 
  • Trường Đại học Nam Cần Thơ
  • Trường Đại học Trà Vinh 

Kim Tuyến tổng hợp

Tạo bài viết thảo luận
Ngành Quản trị nhân lực

Ngành Quản trị nhân lực

27-09-2022
Ngành Thương mại điện tử

Ngành Thương mại điện tử

15-04-2022
Bất động sản

Bất động sản

15-10-2021
Ngành Kinh doanh quốc tế

Ngành Kinh doanh quốc tế

19-06-2022
Ngành Truyền thông Marketing tích hợp

Ngành Truyền thông Marketing tích hợp

31-01-2023