Tạo bài viết thảo luận

Để đưa hàng hoá từ người bán đến tay người mua, cần một chuỗi các hoạt động gồm: đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản. Yêu cầu đặt ra là hàng hoá đến tay người tiêu dùng được đảm bảo số  lượng - chất lượng, thời gian nhanh nhất và chi phí tiết kiệm nhất, yêu cầu trên là cơ sở để ngành Logistics ra đời.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu về ngành đang rất được quan tâm hiện nay nhé.

1. Ngành Logistics là gì

Logistics là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm: đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản, các thủ tục liên quan cho tới khi hàng hoá được giao đến người tiêu thụ cuối cùng.

Như vậy, Ngành Logistics là ngành học nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ logistics liên quan đến hàng hóa gồm: đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản, các thủ tục liên quan cho tới khi hàng hoá được giao đến người tiêu thụ cuối cùng.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2017, dịch vụ logistics được cung cấp bao gồm:

1. Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay;

2. Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển;

3. Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải;

4. Dịch vụ chuyển phát;

5. Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa;

6. Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan);

7. Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải;

8. Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng;

9. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển;

10. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa;

11. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt;

12. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ;

13. Dịch vụ vận tải hàng không;

14. Dịch vụ vận tải đa phương thức;

15. Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật;

16. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác;

17.Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại.

Tầm quan trọng của Logistics

  • Tiết kiệm và giảm thiểu các chi phí phát sinh trong hoạt động lưu thông phân phối
  • Gia tăng giá trị kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải giao nhận, biến họ từ những người kinh doanh các dịch vụ vận tải đơn giản trở thành những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp
  • Trở thành chiếc cầu nối trong việc chuyển dịch hàng hóa đến các thị trường quốc tế, logistics có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác và mở rộng thị trường kinh doanh cho doanh nghiệp
  • Giảm chi phí, hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ trong kinh doanh quốc tế. Các phần mềm logistics hiện nay sẽ giúp hạn chế đến mức tối đa chi phí cho giấy tờ, chứng từ trong vận chuyển và lưu thông hàng hóa.

 

Sự khác nhau giữa logistics và chuỗi cung ứng. 

Logistics là một phần của chuỗi cung ứng, là khâu vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng là lĩnh vực rộng hơn, là quy trình liên quan đến việc hoạch định nguyên liệu, tìm nguồn cung ứng, mua nguyên liệu, vận chuyển, lưu kho- xuất kho để tạo ra thành phẩm và giao thành phẩm đến khách hàng.

2.Triển vọng của ngành Logistics

Triển vọng

Phát triển dịch vụ logistics sẽ đem lại nguồn lợi khổng lồ cho nền kinh tế đất nước. Đối với những nước phát triển như Mỹ và Nhật, logistics đóng góp khoảng 10% GDP. Đối với những nước kém phát triển thì tỷ lệ này có thể cao hơn 30%. Khi logistics phát triển sẽ thúc đẩy các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và giao dịch quốc tế diễn ra dễ dàng hơn, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng quy mô sản xuất ra quốc tế, mang lại nguồn lợi nhuận lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hơn thế nữa, logistics phát triển sẽ kéo theo rất nhiều các ngành khác phát triển như thương mại quốc tế, bảo hiểm, đóng tàu, hàng không…góp phần nâng cao vị thế của quốc gia trên thị trường quốc tế.

Theo công bố Báo cáo điều tra về chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp hạng 39/160 nước điều tra trên thế giới, tăng 0,29 điểm và 25 bậc so với năm 2016. Ngoài ra, Việt Nam là nước đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba, sau Singapo (hạng 7) và Thái Lan (hạng 32).

Xem thêm phóng sự “Việt Nam: Ngôi sao Logistics mới của châu Á", VTV4, ngày 10/8/2022.

Khó khăn

Việt Nam hiện có khoảng 4.000 - 4.500 DN cung cấp logistics trực tiếp và có đến hơn 30.000 công ty liên quan. Đây là một con số khá lớn nhưng trên thực tế đa phần lại là những doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Do vốn ít nên cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cũng đơn giản, không thật sự chuyên sâu, không tổ chức được các văn phòng đại diện ở nước ngoài nên nguồn thông tin bị hạn chế, các công việc ở nước ngoài đều phải thông qua các đại lý của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến đa số các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc làm đại lý cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 cho các đối tác nước ngoài có mạng lưới toàn cầu mà chưa tổ chức kết nối được các hoạt động vận tải đa phương thức.

Định hướng phát triển

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó, đề ra 06 mục tiêu, 60 nhiệm vụ cụ thể với nhiều giải pháp toàn diện, nhằm đưa ngành này vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Xem toàn văn Quyết định số 200/QĐ-TTg.

Nhu cầu nhân lực

Theo ông Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), nhân lực luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành logistics ở Việt Nam. 

Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê hồi 10/2021, khắp Việt Nam có 49 trường đào tạo ngành Logistic với 35 mã ngành liên quan thuộc 4 nhóm ngành Kinh doanh, Khai thác vận tải, Dịch vụ bưu chính và Quản trị, Quản lý. Các trường hầu hết tập trung tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội (17 trường) và TP.HCM (17 trường). Bên cạnh đó, tại Việt Nam, 7.000 sinh viên đang theo học ngành Logistic.  Trong khi đs, số lượng doanh nghiệp logistics đã lên tới gần 30.000 doanh nghiệp. Xem đầy đủ bài viết tại đây.

Cảng Cát Lái TP Hồ Chí Minh . Ảnh: Tuổi Trẻ

3. Học ngành Logistics ra làm gì? ở đâu?

Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics có thể làm việc tại các công ty trong nước, công ty nước ngoài, các công ty đa quốc gia chuyên môn về logistics, công ty giao nhận hàng hóa, công ty vận tải hay các công ty  khác có nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Các vị trí việc làm cụ thể:

  • Chuyên viên kinh doanh
  • Chuyên viên chăm sóc khách hàng
  • Chuyên viên quản trị- vận hành kho
  • Chuyên viên diều phối sản xuất./phân tích viên
  • Chuyên viên phụ trách cảng
  • Chuyên viên thu mua hàng hoá, nguyên vật liệu
  • Chuyên viên phụ trách giao nhận hàng hoá
  • Chuyên viên kê khai hải quan
  • Chuyên viên chứng từ 
  • Chuyên viên hải quan
  • Chuyên viên thanh toán quốc tế
  • Chuyên viên phụ trách hoạt động vận tải
  • Chuyên viên quản trị hậu cần trong doanh nghiệp

Các vị trí quản lý tương ứng như nhà quản trị cung ứng, nhà quản trị logistics, nhà quản trị dự án, nhà quản trị thông tin trên chuỗi, giám đốc sản xuất hay quản lý vùng…Ngoài ra, khi theo đuổi ngành học này, bạn cũng có thể làm việc trong một số lĩnh vực liên quan mật thiết đến logistics như: phòng thanh toán quốc tế tại các ngân hàng trong và ngoài nước; phòng kinh doanh dịch vụ bảo hiểm tàu, bảo hiểm hàng hóa tại các công ty bảo hiểm…

Một số định kiến về việc làm Logistics

Hướng nghiệp 4.0 CDM nhận thấy hiện có nhiều ý kiến chưa chính xác về việc làm Logistics

Logistics là dầm mưa dãi nắng

Trong ngành, việc vận hành làm việc tại cảng, nhà kho, nộp chứng từ, yêu cầu chúng ta phải thưởng xuyên làm việc tại hiện trường và ngoài trời. Tuy nhiên, việc này chiếm khoảng 10% vị trí việc làm trong Logistics. Hơn nữa, với sự phát triển của công nghệ, rất nhiều công đoạn sẽ có thể thực hiện từ xa, qua Internet.

Ngược lại, những công việc “dầm mưa dãi nắng” trên lại rất thích hợp với các bạn muốn làm ngoài trời, được đi lại nhiều.

Logistics không phù hợp với nữ

Nam giới và nữ giới đều có những lợi thế riêng trong ngành. Với sự tỉ mỉ, chỉn chu và khéo léo ngoại giao, nhiều “bông hồng” đã vượt qua định kiến và thăng tiến rất tốt trong công việc.

Tham khảo thêm bài viết về 02 doanh nhân nữ thành công trong ngành Logistics  tại link1 link2

Logistics là công việc tay chân

Nhiều người cũng đùa rằng “logistics học xong đi làm shipper, lái xe cẩu...”. Nhìn chung, đó là cũng là công việc trong ngành Logistics nhưng chủ yếu dành cho lao động có trình độ phổ thông. Kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ các bạn được đào tạo hướng tới các công việc cần tri thức và chất xám.

Theo Hướng nghiệp 4.0 CDM nhận thấy, thời gian đầu khi ra trường, rất nhiều bạn nhận làm công việc chuyên viên Sales, đặc biệt là telesales (sales qua điện thoại). Sales  là một trở ngại lớn đối với những người mới bắt đầu đi làm, nhiều người rất ái ngại sales, tất nhiên, vì sales cũng rất khó. Nhưng công việc sales chính là cơ hội giúp chúng ta rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thương thuyết với khách hàng, những kỹ năng hết sức cần thiết để thành công trong ngành Logistics.

4.Thu nhập trong ngành Logistics

Theo hướng dẫn lương của FirstAlliance năm 2021. Mức thu nhập của các vị trí trong ngành Logistics như sau

Tất nhiên, mức lương khi sinh viên mới ra trường, ít kinh nghiệm sẽ thấp hơn, rơi vào tầm từ 7-10 triệu đồng/tháng.

5.Kỹ năng cần thiết trong ngành Logistics

Các chuyên gia trong lĩnh vực này phải làm việc chặt chẽ với những người khác để công việc đạt hiệu quả. Quan trọng hơn, cần đảm bảo rằng tất cả được hoàn thành đúng thời hạn và trong ngân sách.  Vì vậy, bên cạnh sự yêu nghề, những kỹ năng cần thiết cho bất kỳ ngành nghề nào trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các kỹ năng đặc biệt quan trong ngành Logistics là:

  • Kỹ năng giao tiếp
  • Kỹ năng đàm phán
  • Kỹ năng xử lý vấn đề: ngành Logistics luôn tiềm ẩn những rủi ro bất ngờ như thời tiết, giao thông, tình hình chính trị.
  • Kỹ năng ngoại ngữ: Đây là ngành đa phần có liên quan đến xuất nhập khẩu, vận tải ngoài nước và có nhiều người lựa chọn nghề nghiệp tại công ty đa quốc gia hoặc làm việc tại nước ngoài. Do đó, thông thạo ngoại ngữ sẽ là yêu cầu và lợi thế. 

6. Ngành Logistics học những gì

Một số môn học tiêu biểu: Kinh doanh quốc tế, Quản trị tổng thể doanh nghiệp (ERP), Phân tích dữ liệu, Kỹ thuật xếp dỡ và đóng gói, Quản trị chuỗi cung ứng, Quản trị vận tải quốc tế, Quản trị sản xuất, Quản trị kho bãi,Quản trị chiến lược Logistics, Quản lý mua hàng toàn cầu, Quản lý marketing toàn cầu, Điều hành dịch vụ Logistics, Quản lý kho hàng và phân phối, Giao dịch thương mại quốc tế, Bảo hiểm trong kinh doanh,  Pháp luật trong kinh doanh quốc tế, Nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, Đại lý giao nhận và khai báo hải quan.

Kim Tuyến tổng hợp

Tạo bài viết thảo luận
Ngành Quản lý công nghiệp

Ngành Quản lý công nghiệp

01-09-2022
Ngành Quản trị kinh doanh

Ngành Quản trị kinh doanh

01-07-2022
Ngành Truyền thông Marketing tích hợp

Ngành Truyền thông Marketing tích hợp

31-01-2023
Ngành Quản trị nhân lực

Ngành Quản trị nhân lực

27-09-2022
Ngành Thương mại điện tử

Ngành Thương mại điện tử

15-04-2022
Marketing

Marketing

15-10-2021