Tạo bài viết thảo luận

Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.

Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút. Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.

Hôm nay, chúng ta cùng đến với bài viết của Diễm Quỳnh về Kỹ năng Giải quyết vấn đề nhé!

Cuộc sống này là tổ hợp của vô số vấn đề khác nhau, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi đối mặt với một nan đề, có những người bản lĩnh vượt qua và giải quyết tất cả; cũng có những người bối rối, mắc kẹt trong những vòng tuần hoàn ác tính. Việc sở hữu kỹ năng để đối mặt, thấu hiểu và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống là vô cùng quan trọng, vì nó là nền tảng để chúng ta nắm bắt được bản chất và giải quyết các rắc rối trong cuộc sống.

I. Kỹ năng giải quyết vấn đề là gì?

Cụm từ “giải quyết vấn đề” bao hàm các quy trình nhận diện vấn đề một cách hệ thống, sắp xếp các thông tin thu thập được, xác định các điểm then chốt, tìm được gốc rễ vấn đề và đưa ra giải pháp phù hợp. Kỹ năng này thuộc nhóm kỹ năng mềm, có thể phát triển và cải thiện qua việc luyện tập cũng như học hỏi. Kỹ năng giải quyết vấn đề là tổ hợp của nhiều kỹ năng khác nhau, được áp dụng xuyên suốt trong quy trình giải quyết một vấn đề chung. Các kỹ năng chính bao gồm:

  • Kỹ năng thu thập - phân tích thông tin
  • Kỹ năng sáng tạo - làm việc nhóm
  • Kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian
  • Kỹ năng đánh giá kết quả và cải thiện quy trình
Để giải quyết vấn đề, cần tổng hợp nhiều kỹ năng khác nhau

II. Vì sao chúng ta cần có kỹ năng giải quyết vấn đề?

Người sở hữu kỹ năng giải quyết vấn đề có thể hình thành thói quen nhận diện các vấn đề trong cuộc sống một cách nhanh chóng, từ đó đưa ra các cách giải quyết hiệu quả. Không những là vấn đề trong công việc, học tập, mà kỹ năng này còn có thể áp dụng cho các vấn đề về thời gian, sở thích, mối quan hệ… Việc thực hành kỹ năng này cải thiện khả năng phân tích và phán đoán tình huống của người dùng, giúp họ tự phân tích và giải quyết vấn đề của bản thân theo cách hiệu quả nhất, từ đó tiết kiệm thời gian, công sức, tài nguyên của họ. Thay vì tốn thời gian để lo lắng và hoảng loạn vì một vấn đề không rõ nguồn gốc, người có kỹ năng giải quyết vấn đề có thể nắm bắt và phân tích vấn đề mình đang gặp phải, từ đó chọn ra con đường hiệu quả nhất để trả lời cho câu hỏi này.

Bên cạnh đó, trong thế giới yêu cầu tính sáng tạo và khả năng đa nhiệm cao như hiện nay, kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ trở thành một điểm sáng trong hồ sơ xin việc của ứng viên. Vì kỹ năng giải quyết vấn đề là tổ hợp của một tệp các kỹ năng khác nhau, nó sẽ thể hiện rằng người sở hữu có tính logic, sáng tạo, kiên trì, trí tưởng tượng cao, tư duy phản biện và tính quyết đoán. Ứng viên sở hữu kỹ năng này sẽ là một người chủ động tìm cách giải quyết vấn đề và có khả năng đưa ra những giải pháp mới mẻ trong mắt nhà tuyển dụng.

Trong danh sách những câu hỏi tuyển dụng ngày nay, không khó để bắt gặp các câu hỏi điển hình như “Hãy kể về một khó khăn/vấn đề mà bạn gặp trong quá khứ?” hoặc các câu hỏi tình huống như “Bạn sẽ làm gì nếu gặp một khách hàng khó tính, và người đó yêu cầu được gặp quản lý của bạn mà không nói lý do?”. Những câu hỏi theo dạng này là loại câu hỏi dùng để đánh giá khả năng phản ứng, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề của ứng viên. Nếu bạn nắm rõ được các bước then chốt trong việc giải quyết vấn đề, bạn có thể trả lời những câu hỏi này một cách hợp lý nhất, bài bản nhất để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

III. Quy trình giải quyết vấn đề

Không phải ai cũng biết giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Có những người chọn các cách hành xử đầy cảm xúc khi đối diện với một vấn đề - la hét, khóc lóc, giận dữ. Có những người không biết cách xử lý hay bắt đầu từ đâu khi được giao cho một nan đề - vì họ đã quen làm theo hướng dẫn, theo các mệnh lệnh cho trước. Quy trình giải quyết vấn đề gồm năm bước chính sẽ cho bạn đọc một ý tưởng về hướng họ cần đi khi đối diện với một vấn đề mới, những vật cản khó nhằn, hay kể cả những lúc họ cảm thấy lạc hướng mà không biết được mình cần thay đổi điều gì.

1.Vấn đề của bạn là gì?

Một trong những lỗi sai khiến người học lạc lối khi áp dụng kỹ năng này đó là: Họ không biết vấn đề họ cần xử lý là gì. Sự nhầm lẫn giữa “Vấn đề” và “các nhân tố bên ngoài” khiến họ bỏ công sức đi giải quyết những thứ họ vốn không thể tác động được. Khi xác định “vấn đề”, người đọc cần hiểu rõ bản chất của nó là gì, họ cần làm gì để có thể nhận diện được liệu một sự vật/sự việc có phải là “vấn đề” mà họ cần giải quyết hay không.

Nói một cách đơn giản, “vấn đề” là khoảng cách giữa tình trạng hiện tại và tình trạng mong muốn của một sự vật/sự việc nào đó.

Tình trạng hiện tại

Tình trạng mong muốn

Vấn đề

Máy tính bị hỏng

Máy tính hoạt động bình thường

Làm sao để máy hoạt động bình thường?

Học lực kém

Học lực giỏi

Làm sao để cải thiện học lực?

Thu nhập 5 triệu/tháng

Thu nhập 10 triệu/tháng

Làm sao để tăng thu nhập?

Nếu gọi “vấn đề” là một loại khoảng cách, để xác định chính xác vấn đề mà bản thân/tổ chức đang gặp phải, chúng ta cần xác định được điểm bắt đầu và kết thúc của khoảng cách đó, tức là hiểu rõ được hai mục chính: tình trạng hiện tại và mục tiêu mong muốn.

  • Tình trạng hiện tại: Chúng ta cần thu thập thông tin, nhìn nhận nhiều phương diện khác nhau và gọi tên được tình trạng này là gì. Bạn đọc có thể đề ra các tiêu chí cụ thể cho một vấn đề, sau đó chấm điểm mức độ hài lòng cho từng tiêu chí, từ đó xác định được những phần bất như ý hoặc còn thiếu hụt.
  • Mục tiêu mong muốn: Để vấn đề được rõ ràng và minh bạch, những mục tiêu đề ra cần được mô tả một cách rõ ràng, kỹ lưỡng. Người giải quyết vấn đề cần tưởng tượng ra được mục tiêu họ muốn đạt được là gì, từ đó nhận diện rõ “khoảng cách” giữa tình trạng hiện tại và mong muốn của họ.

2. Nguyên nhân gây ra vấn đề đó là gì?

Sau khi đã gọi tên được vấn đề, người giải quyết cần đi tìm nguyên nhân của vấn đề đó và giải quyết nó. Nhưng nếu họ chỉ xác định các nguyên nhân nằm ở phần ngọn, thì dù có giải quyết chúng, vấn đề vẫn sẽ tái phát sinh và gây tổn thất cho bản thân/tổ chức gặp phải. Vì vậy, trong lĩnh vực giải quyết vấn đề, thứ nguyên nhân chúng ta cần tìm là “nguyên nhân gốc rễ” - Root Cause. Chỉ cần giải quyết được phần gốc rễ này, vấn đề hiện tại sẽ được giải quyết và không xuất hiện lại trong tương lai.

Trong kỹ năng giải quyết vấn đề, khi nhắc tới khâu đi tìm nguyên nhân, giải pháp thường thấy nhất là phương pháp Phân tích Nguyên nhân Gốc rễ (Root Cause Analysis - RCA). Phương pháp này bao gồm nhiều công cụ khác nhau với mục tiêu chính là xác định lỗi quy trình (các lỗi có thể kiểm soát được và thay đổi được) thay vì tập trung vào lỗi cá nhân (những lỗi mang tính cá nhân như cẩu thả, sai sót, không trung thực…). Trong bài viết này, người viết xin chia sẻ đến bạn đọc ba công cụ thường dùng trong RCA: Biểu đồ xương cá, Phương pháp 5 Why và Biểu đồ Pareto.

2.1 Biểu đồ xương cá (Fishbone Diagram)

Biểu đồ này được khám phá và đặt tên theo tiến sĩ Kaoru Ishikawa, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về quản lý chất lượng (Quality Control - QC). Biểu đồ này được xây dựng vào thập niên 50 tại trường đại hoc Tokyo, và nó được sử dụng đến ngày nay, trở thành một công cụ tiêu biểu trong bước “tìm nguyên nhân” của quy trình giải quyết vấn đề.

Biểu đồ này tập trung vào việc nhận diện tất cả những nguyên nhân khả thi cho vấn đề này, tức là mở rộng hướng tìm kiếm theo “bề rộng”. Công cụ này chia các nguyên nhân theo các tiêu chí khác nhau, từ đó quản lý và phân luồng được sự chú ý vào những phương diện cụ thể (nơi có nhiều nguyên nhân phụ). Các nhóm nguyên nhân được sắp xếp có hệ thống cũng mang lại tính logic và dễ thống kê cho quá trình này.

Cách áp dụng Biểu đồ xương cá:

  1. Xác định vấn đề và ghi vấn đề ở rìa phải bảng/giấy.
  2. Vẽ trục xương trung tâm (xương sống cá) từ trái sang phải, mũi tên chỉ vào vấn đề.
  3. Gắn các xương nhánh thể hiện những yếu tố chính (nguyên nhân sơ cấp).
  4. Gắn các xương con vào xương nhánh (nguyên nhân thứ cấp).

Với người chưa có kinh nghiệm áp dụng biểu đồ này, họ sẽ gặp khó khăn ở mục 3 khi không nhận diện được các nhóm yếu tố chính là gì. Đi kèm với biểu đồ xương cá tại mức nguyên nhân sơ cấp là quy tắc 5M1E để xác định nhóm xương chính hiệu quả:

  • Material: Vật liệu - linh kiện - nguyên liệu
  • Machine: Máy móc
  • Man: Người thao tác, nhân lực, yếu tố con người
  • Method: Phương pháp
  • Measurement: Kiểm tra, quản lý, đánh giá chất lượng
  • Environment: Môi trường

Tùy thuộc vào vấn đề đang được phân tích, người giải quyết có thể thêm tiêu chí phụ hoặc lược bỏ một vài tiêu chí ở trên để phù hợp với mục đích của mình. Từ các tiêu chí này, người dùng có thể triển khai các nguyên nhân chi tiết thuộc xương phụ, từ đó nắm rõ hàng loạt nguyên nhân có khả năng gây ra vấn đề mình đang gặp phải.

2.2 Phương pháp 5 Why - 5 câu hỏi “Vì sao?”

Nếu Biểu đồ xương cá khám phá và tìm kiếm các nguyên nhân theo “bề rộng”, phương pháp 5W do Sakichi Toyoda (người sáng lập công ty Toyota) tạo ra sẽ hướng vào “bề sâu” của các nguyên nhân này. Sử dụng 5 câu hỏi “Vì sao?” nối tiếp nhau, người dùng có thể tìm hiểu những nguyên do sâu xa dẫn đến vấn đề này, từ đó nắm được nguyên nhân cốt lõi của sự việc.

Đây là một phương pháp đơn giản, dễ áp dụng và mang lại năng suất cao. Không cần sử dụng đến xác suất thống kê hay các số liệu phức tạp, người dùng chỉ cần có hiểu biết cụ thể và khả năng liên kết thông tin để nhận ra nguyên nhân thực sự của vấn đề. Qua từng lớp câu hỏi, người dùng có khả năng nghĩ ra những nguyên nhân chưa thể hiện rõ trên bề mặt vấn đề, từ đó chạm đến nguyên nhân cốt lõi.

Sau đây là quá trình áp dụng phương pháp 5W của sinh viên A (giả định).

Tôi bị rớt môn Xác suất thống kê.

Vì sao tôi rớt?

Vì điểm thi của tôi dưới 4 điểm.

Vì sao tôi dưới 4 điểm?

Vì tôi không biết những bài tập trong bài thi.

Vì sao tôi không biết những bài đó?

Vì tôi chưa luyện tập những bài tập đó.

Vì sao tôi lại chưa luyện tập?

Vì tôi không tìm thấy bài tập và tài liệu ôn tập.

Vì sao tôi không tìm thấy bài tập?

Vì tôi không biết tìm ở đâu.

Trong ví dụ này, chúng ta thấy được cốt lõi vấn đề “điểm kém” không phải do sinh viên A không học bài, không có thời gian, không biết làm bài hay học kém - mà cốt lõi là do sinh viên này chưa tiếp cận được với tài liệu cần thiết (theo góc nhìn của sinh viên đó). Để áp dụng phương pháp 5 Why này một cách hiệu quả, người dùng cần đi theo ba bước chính:

  1. Xác định vấn đề mà họ cần đi tìm nguyên nhân.
  2. Tự hỏi “Vì sao?” và viết ra câu trả lời. Người dùng có thể sử dụng cấu trúc “Vì [lý do] mà [vấn đề] xuất hiện.” để kiểm tra lại tính logic và sự tương quan của câu trả lời được đưa ra.
  3. Lặp lại các bước trên cho đến khi chạm tới nguyên nhân gốc rễ.

Con số “5” trong phương pháp này chỉ mang tính tương đối. Đối với các vấn đề khác nhau trong từng lĩnh vực, số lượng câu hỏi có thể thay đổi tùy theo tính chất của vấn đề/. Người dùng có thể dừng lại sớm hơn khi nhận thấy bản thân đã nhận thức được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, hoặc sử dụng nhiều câu hỏi hơn nếu đó là một vấn đề phức tạp và có nhiều lớp nguyên do khác nhau.

2.3 Biểu đồ Pareto (Pareto Chart)

Sau khi sử dụng Biểu đồ xương cá và Phương pháp 5 Why để liệt kê ra các nguyên nhân theo các tiêu chí và mức độ khác nhau, biểu đồ Pareto sẽ là công cụ giúp chúng ta chọn ra các nguyên nhân trọng yếu nhất để giải quyết. Được đề xuất bởi Joseph M. Juran - kỹ sư và cố vấn quản lý người Mỹ -  và được lấy tên theo nhà kinh tế Ý Vilfredo Pareto, nguyên lý này cho biết: 80% kết quả thường được tạo thành do 20% trong tổng số các nguyên nhân. 20% này được gọi là “số ít trọng yếu” (vital few), những nguyên nhân chính yếu tạo nên 80% lượng vấn đề chúng ta đang gặp phải.

Việc xác định được 20% nguyên nhân này giúp người giải quyết có thể tập trung vào phần cốt yếu của vấn đề, để họ điều hướng nhân lực và tài nguyên nhằm xử lý phần chính đó, thay vì lãng phí thời gian và công sức cho 80% lượng nguyên do còn lại. Biểu đồ Pareto sử dụng cột và đường để biểu thị tương quan giữa số lần xuất hiện nguyên nhân và tần suất tích lũy của chúng, từ đó thể hiện ra “số ít trọng yếu” và “số nhiều hữu dụng”. Để lập được biểu đồ Pareto bằng các công cụ thống kê, người dùng cần phải thiết lập bảng số liệu - bảng Pareto - theo các bước sau đây:

  1. Liệt kê các nguyên nhân và số lần xuất hiện của chúng.
  2. Sắp xếp thứ tự bảng theo số lần xuất hiện (từ nhiều đến ít).
  3. Tính tần suất tích lũy của từng nguyên nhân.
  4. Lập biểu đồ bằng Excel/Google Sheet/các công cụ thống kê khác.
  5. Xác định “số ít trọng yếu” (biểu hiện qua hiện tượng giá trị biểu đồ đường tăng đột ngột).

Việc kết hợp Biểu đồ xương cá để liệt kê các nguyên nhân khả thi, phương pháp 5 Why để đào sâu vào cốt lõi vấn đề, sau đó sử dụng biểu đồ Pareto để lọc ra các nguyên nhân trọng yếu nhất giữa các nguyên nhân cốt lõi sẽ giúp người sử dụng nắm được nguyên nhân chính yếu gây ra vấn đề, rồi lấy đó làm tiền đề để phát triển các giải pháp tương ứng ở các bước sau.

3. Bạn có những giải pháp khả thi nào?

Trong lĩnh vực giải quyết vấn đề, có vô vàn cách thức khả thi để giải quyết một vấn đề nhất định. Khi đứng trước một nguyên nhân gốc rễ, người biết giải quyết vấn đề là người có khả năng đề ra nhiều phương án khả thi nhất có thể để giải quyết nguyên nhân đó. Một công cụ vô cùng hữu hiệu để thực hiện bước này chính là “brainstorming” - động não.

Đây là một phương pháp được đặt tên bởi Alex Faickney Osborn, một giám đốc quảng cáo ở Mỹ. Phương pháp này hỗ trợ người dùng suy xét ra các giải pháp cho vấn đề theo nhiều hướng, nhiều lĩnh vực khác nhau, kích thích khả năng sáng tạo đồng thời tăng khả năng làm việc đội nhóm. Phương pháp này hiệu quả nhất khi thảo luận theo nhóm, nhưng trong trường hợp làm việc cá nhân, người dùng cũng có thể sử dụng nó để tổng hợp lại các ý tưởng của bản thân và những ý tưởng tham khảo được từ người khác hoặc các nguồn khác. Sau khi tắt các thiết bị gây xao nhãng và chuẩn bị công cụ ghi chép, người dùng cần làm theo ba bước sau:

  1. Xác định vấn đề và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
  2. Liệt kê hàng loạt những ý tưởng để giải quyết vấn đề. Người dùng cần sử dụng các công cụ ghi chép để lưu trữ được nhiều ý tưởng nhất có thể.
  3. So sánh và loại trừ những giải pháp bất khả thi/bị trùng lặp.

Để có thể tận dụng tối đa ích lợi của phương pháp Brainstorming - thu thập tối đa số ý kiến mới mẻ, đa dạng, cũng như tham khảo được nhiều nguồn ý tưởng hiệu quả, sáng tạo, độc đáo, người sử dụng cần lưu ý 7 điều sau đây:

  • Không phán xét, đánh giá hay bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào trước khi đến bước 3.
  • Ủng hộ những ý tưởng sáng tạo, mới mẻ, dù nó nghe có vẻ “điên rồ”.
  • Thoải mái lấy cảm hứng và kết hợp từ những ý tưởng xuất hiện trước.
  • Luôn tập trung vào chủ đề chính/nguyên nhân chính.
  • Nêu ý tưởng một cách lần lượt, không cắt ngang hoặc chen lời thành viên. 
  • Nên có minh họa hoặc ví dụ cụ thể khi đưa ra giải pháp.
  • Ưu tiên số lượng hơn chất lượng. Mục đích của phương pháp này là thu thập càng nhiều ý tưởng càng tốt

4.Giải pháp nào phù hợp nhất với bạn?

Sau khi lọc lại những giải pháp khả thi, bước tiếp theo trong quy trình giải quyết vấn đề là đánh giá và chọn ra một giải pháp phù hợp nhất. Phương pháp đánh giá được giới thiệu trong mục này là quá trình chọn giải pháp một cách logic và khách quan qua việc đánh giá giải pháp theo từng tiêu chí. Để có thể tối ưu hóa bước này, người dùng cần thu thập và sử dụng số liệu cũng như thông tin thực tế xoay quanh vấn đề cần giải quyết.

Việc sử dụng số liệu thực tế sẽ đảm bảo được tính khách quan, logic và chân thực của những giải pháp khi áp dụng vào hệ thống trọng số này, cũng như giúp người dùng đánh giá rõ ích lợi và bất lợi của người giải pháp. Qua việc đánh trọng số cho các tiêu chí, người giải quyết cũng suy xét được đến tính khả thi và phù hợp đối với người/tổ chức đang gặp vấn đề.

  1. Liệt kê các giải pháp khả thi sau quá trình Brainstorm.
  2. Thiết lập các tiêu chí cần thiết (tính hiệu quả, khả thi, tiết kiệm tài chính, nhân lực, tốn ít thời gian…).
  3. Chấm điểm các giải pháp theo tiêu chí (trên thang điểm 10).
  4. Đánh giá trọng số cho các tiêu chí (sao cho tổng tất cả trọng số bằng 10). Tiêu chí nào cần được ưu tiên đối với tổ chức/cá nhân đang giải quyết vấn đề sẽ sở hữu trọng số cao hơn. Ví dụ, đối với một công ty đang gặp eo hẹp tài chính thì trọng số “tiết kiệm” sẽ chiếm tỉ trọng cao nhất.
  5. Tính điểm tổng cho các tiêu chí theo công thức [điểm x trọng số], từ đó chọn ra giải pháp có điểm cao nhất. Đó sẽ là giải pháp phù hợp nhất hiện tại, cũng như mang lại hiệu quả cao nhất có thể cho người sử dụng.

5. Bạn cần làm gì để hiện thực hóa giải pháp đó?

Sau khi đã chọn được giải pháp tối ưu, bước cuối cùng trong quy trình giải quyết vấn đề là thực hiện nó. Việc hiện thực hóa một giải pháp có vẻ đơn giản, nhưng để áp dụng giải pháp đó một cách có kế hoạch, đồng thời đảm bảo chất lượng và tính bền vững của giải pháp thì người sử dụng phải biết lên kế hoạch hành động một cách hợp lý và hiệu quả. Trong lĩnh vực quản lý và cải tiến cách hoạt động, quy trình PDCA được xem là một công cụ phổ biến và hữu ích. PDCA là viết tắt của bốn từ Plan - Do - Check - Act và nó cũng có tên khác như Quy trình Deming hoặc Quy trình Shewhart. Nó được thể hiện dưới dạng một hình tròn khép kín, thể hiện rằng người dùng cần thực hành quy trình liên tục cho đến khi đạt được mục tiêu mong muốn, ở đây là giải quyết vấn đề một cách triệt để và hiệu quả.

  1. Plan (Lập kế hoạch): Lập kế hoạch hành động rõ ràng, chỉ rõ các bước, thời điểm thực hiện, kết quả mong muốn.
  2. Do (Thực hiện): Làm theo kế hoạch, nhưng trong phạm vi nhỏ hoặc thời gian ngắn. Bước này mang tính thử nghiệm kế hoạch.
  3. Check (Kiểm tra): Đánh giá mức độ thành công, hiệu quả, năng suất của giải pháp hiện tại. Tầm soát rủi ro và tìm kiếm những lỗ hổng trong kế hoạch. Nếu cần chỉnh sửa kế hoạch, quay lại bước 1.
  4. Act (Hành động): Thực hiện và áp dụng bản kế hoạch hoàn chỉnh nhất sau nhiều lần chỉnh sửa và thay đổi.

Việc áp dụng quy trình PDCA sẽ giúp người dùng tránh lặp lại những lỗi cũ đã giải quyết trong kế hoạch, giúp cho kết quả cải thiện hơn sau mỗi lần “Check”. Nó thúc đẩy sự cải tiến liên tục của kế hoạch hành động, giúp thử nghiệm những giải pháp mới mẻ, cũng như dự đoán trước những rủi ro tiềm năng trước khi chính thức áp dụng giải pháp lên phạm vi toàn thể.

Như vậy, chỉ với năm bước cơ bản, bạn đọc đã nắm được cốt lõi trong quy trình giải quyết mọi vấn đề, dù là trong học tập, công việc hay cuộc sống. Việc thực hành tư duy theo lối giải quyết vấn đề thường xuyên sẽ giúp người dùng sở hữu tư duy nhạy bén trước những vấn đề và giải pháp phù hợp. Tất cả mọi vấn đề đều có cách giải quyết, chỉ là phương pháp đó có phù hợp với bạn hay không, và liệu bạn có sẵn sàng bắt tay vào để hiện thực hóa giải pháp hay không. 

Diễm Quỳnh

Nguồn tham khảo:

https://vieclam88.vn/van-de-la-gi-b555.html

https://my.hr.gov.nt.ca/competencies/problem-solvingjudgement

https://asq.org/quality-resources/fishbone#Example

https://tulip.co/glossary/five-whys/

https://www.juran.com/blog/how-to-construct-a-pareto-diagram/

https://www.ideou.com/blogs/inspiration/7-simple-rules-of-brainstorming

https://asq.org/quality-resources/pdca-cycle

https://www.thebalancemoney.com/problem-solving-skills-with-examples

 

Tạo bài viết thảo luận
Sinh viên nên làm thêm thế nào cho hiệu quả?

Sinh viên nên làm thêm thế nào cho hiệu quả?

16-02-2023
LỜI KHUYÊN KHI CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC

LỜI KHUYÊN KHI CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC

09-06-2022
Tư duy phản biện, xóa bỏ thiên kiến (phần 2)

Tư duy phản biện, xóa bỏ thiên kiến (phần 2)

05-11-2022
Tin hay không các bài trắc nghiệm tính cách?

Tin hay không các bài trắc nghiệm tính cách?

07-09-2022
Tư  duy phản biện, xoá bỏ thiên kiến (Phần 1)

Tư duy phản biện, xoá bỏ thiên kiến (Phần 1)

29-10-2022
“Đãi cát tìm vàng” - làm sao để tìm thấy chìa khóa giữa… “một rừng” thông tin về hướng nghiệp?

“Đãi cát tìm vàng” - làm sao để tìm thấy chìa khóa giữa… “một rừng” thông tin về hướng nghiệp?

01-12-2022