Theo tiến sĩ Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam (VAAST), hàng không là một ngành kinh tế kỹ thuật đối ngoại rất quan trọng. Đặc điểm của nó là quá trình hình thành và tiêu thụ sản phẩm diễn ra ở trên không.Từ đó, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao: có kiến thức, chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm….đặc biệt là phải đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về an toàn, an ninh.
Điều này làm nảy sinh yêu cầu đào tạo các ngành chuyên sâu cho các lĩnh vực, vị trí trong lĩnh vực hàng không, trong đó có ngành đang được nhiều bạn trẻ quan tâm là ngành Quản trị Hàng không.
Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu xem ngành Quản trị Hàng không là gì? Triển vọng, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp? Ngành Quản trị Hàng không học những gì và các trường đào tạo nhé!
1.Ngành Quản trị Hàng không là gì
Ngành Quản trị Hàng không là ngành ứng dụng Quản trị kinh doanh trong lĩnh vực hàng không để vận hành quá trình điều hành, khai thác và cung ứng dịch vụ hàng không. Ngành Quản trị Hàng không tập trung bồi dưỡng các kiến thức tổng quan về hàng không dân dụng, Quản trị hãng hàng không, Marketing hàng không, An toàn hàng không, Quản trị tài chính, Quản trị chiến lược, Thanh toán quốc tế, Quản trị nguồn nhân lực…
Hiện ngành Quản trị Hàng không được đào tạo là ngành riêng hoặc là chuyên ngành của ngành Quản trị kinh doanh và còn có các các tên gọi khác/ngành gần như Quản trị dịch vụ hàng không, Quản trị và Vận hành Hàng không. Xem thêm về ngành Quản trị kinh doanh tại đây
2. Triển vọng của ngành Quản trị Hàng không
Cùng với giao thông vận tải nói chung, hàng không là ngành có tầm quan trọng đặc biệt, đóng vai trò trọng yếu, là huyết mạch của mỗi quốc gia. Trong thời đại toàn cầu hóa, ngành hàng không tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của con người và phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu cũng như đầu tư nước ngoài, vốn là chìa khóa để phát triển kinh tế. Ngành hàng không đóng vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn giữ vai trò quan trọng đối với an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Ngành hàng không phát triển sẽ kéo theo hàng loạt các ngành khác phát triển. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế cho thấy, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010 – 2019 của ngành Hàng không Việt Nam đạt trên 15%/năm, Việt Nam được đánh giá là thị trường phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Bộ Giao thông vận tải đang trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các sân bay khoảng 275,9 triệu hành khách và khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa.Trong giai đoạn này ưu tiên tập trung đầu tư một số sân bay lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội như Nội Bài, vùng TP.HCM như Tân Sơn Nhất, Long Thành. Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 sân bay hiện có, đầu tư 6 sân bay mới đã được quy hoạch là Long Thành, Nà Sản, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết đưa tổng số sân bay của cả nước vào năm 2030 là 28 sân bay, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới sân bay trong phạm vi 100km gồm 14 sân bay quốc tế và 14 sân bay quốc nội.
3. Nhu cầu nhân lực ngành Quản trị Hàng không
Theo thống kê của Cục Hàng không, tổng quan nguồn nhân lực ngành hàng không năm 2020 khoảng 44.000 người, dự kiến từ năm 2021-2025, ngành cần trên 60.000 nhân lực.
Riêng dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 (khai thác từ 2025), theo số liệu dự báo nhu cầu nhân sự của Cục Hàng không, sẽ cần gần 13,8 nghìn lao động, trong đó có hơn 470 người là cán bộ lãnh đạo, quản lý; số lao động chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp sản xuất kinh doanh gần 12,7 nghìn người, còn lại là lao động khác.
Bên cạnh đó, sự ra đời của các hãng hàng không mới như Bamboo Airlines, Vietravel Airlines, sự phục hồi sau Covid -19 và mở rộng mạng lưới bay trong và ngoài nước của các hãng hàng không lâu năm cũng làm tăng nhu cầu nhân lực ngành hàng không.
Phó Tổng Giám đốc Vietjet, bà Hồ Ngọc Yến Phương cho biết: “Thị trường lao động hàng không có phần mở hơn nhưng chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng của nó, cả về đầu vào lẫn đầu ra. Nghề nghiệp hàng không như phi công, tiếp viên, kỹ sư, cán bộ quản lý chuyên môn… khi trở thành một nghề được đào tạo ở các trường đại học, đào tạo nghề chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ mang tới nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của ngành“.
4. Các vị trí việc làm sau tốt nghiệp của ngành Quản trị Hàng không
Sinh viên ra trường có thể làm việc tại
- Các cơ quan nhà nước về quản lý hàng không.
- Các hãng hàng không: Ở Việt Nam có các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines, Công ty bay dịch vụ VASCO, công ty bay dịch vụ dầu khí SFC, Bamboo Airlines, Vietravel Arilines…
- Các cảng hàng không: là tổ hợp công trình bao gồm sân bay, nhà ga và các trang thiết bị, công trình mặt đất cần thiết khác được sử dụng cho máy bay đi và đến, thực hiện các dịch vụ vận chuyển hàng không. Việt Nam có 3 cụm cảng hàng không ở ba khu vực Bắc, Trung, Nam, gồm 22 cảng hàng không.
- Các trung tâm quản lý bay: là đơn vị có chức năng điều hành, cung ứng dịch vụ không lưu và các dịch vụ phụ trợ khác nhằm đảm bảo an toàn, điều hòa và có hiệu quả cho tất cả các máy bay dân dụng hoạt động tại các cảng hàng không. Hiện có ba trung tâm quản lý bay: Nội Bài (miền Bắc), Đà Nẵng (miền Trung), Tân Sơn Nhất (miền Nam).
- Các doanh nghiệp du lịch, Logistics. (Xem thêm về các doanh nghiệp Logistics tại đây)
- Ra nước ngoài làm việc hoặc làm việc cho các hãng hàng không quốc tế tại Việt Nam.
Các vị trí việc làm cụ thể ngành Quản trị Hàng không
- Hoạch định và quản trị sân bay
- Quản trị an toàn hàng không
- Hoạch định, điều hành và quản trị cho hãng hàng không
- Quản trị và giám sát bảo trì hãng hàng không
- Quản trị chiến lược, tài chính, đường bay
- Quản lý dữ liệu hãng hàng không
- Quản trị nhân sự
- Các vị trí điều hành sân bay ở khu dịch vụ công cộng
- Các vị trí điều hành sân bay ở khu dịch vụ bay
- Chuyên viên nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong hàng không
Sinh viên mới ra trường thường được điều động các vị trí như nhân viên bán vé; nhân viên hỗ trợ khách hàng, chuyên giúp giải quyết các thủ tục giấy tờ; nhân viên vận chuyển hành lý; nhân viên thông tin cung cấp thông tin cần thiết, giải quyết khiếu nại của khách; nhân viên tìm kiếm hành lý thất lạc; nhân viên tiếp nhận và kiểm tra đóng gói phân loại hàng hóa; nhân viên bảo vệ cảng hàng không. Nhiều bạn sẽ thất vọng vì có nhiều vị trí chỉ cần trình độ trung cấp là có thể đảm nhận, trong khi bạn có bằng đại học. Theo Hướng nghiệp 4.0 CDM, các bạn không nên nản chí vì những công việc trên giúp bạn có thực tế hiểu biết về vận hành các khâu trong ngành. Kết hợp với phương pháp tư duy, kiến thức đã được đào tạo, kinh nghiệm làm việc và khả năng học hỏi, các bạn có nhiều khả năng thăng tiến lên các vị trí cao hơn.
Yêu cầu đối với nhân lực Quản trị Hàng không: Do đặc thù của dịch vụ hàng không, yêu cầu nguồn nhân lực hàng không chỉ phải có có kiến thức vững vàng, chuyên môn giỏi, trình độ ngoại ngữ tốt mà còn phải có các kỹ năng mềm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn, an ninh. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành Hàng không Việt Nam đều đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn chức danh lao động. Đây là căn cứ cho công tác tuyển dụng, sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu về an toàn chất lượng của ngành và của doanh nghiệp.
Thu nhập trong ngành hàng không luôn ở mức cao, môi trường làm việc năng động, tiếp xúc với công nghệ hiện đại, tiếp xúc với nhiều người từ các nền văn hoá khác nhau, cơ hội đi nhiều quốc gia, các chính sách đãi ngộ miễn phí, giảm giá của các hãng hàng không luôn là những đặc điểm hấp dẫn của ngành này.
Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị tinh thần vì ngành này cũng khá vất vả, nhiều vị trí phải làm theo ca, trong ngày cuối tuần và cả lễ tết. Những vị trí làm ngoài trời còn phải đối mặt với các điều kiện thời tiết khác nhau.
5. Ngành Quản trị Hàng không học những gì
Sinh viên ngành Quản trị Hàng không được trang bị các kỹ năng về Quản trị kinh doanh ứng dụng trong hàng không: Quản trị chiến lược, Quản trị nhân sự, Quản trị Marketing, Quản trị tài chính, Quản trị thương hiệu, Quản trị rủi ro…..và các kiến thức chuyên sâu, mở rộng hiểu biết về cơ sở hạ tầng hàng không, sân bay, cách vận hành quản trị thiết bị cảng hàng không, Bảo hiểm hàng không, Quản trị thương mại cảng hàng không, Quy tắc quốc tế về vận chuyển hàng không…
Các môn học tiêu biểu ngành Quản tri Hàng không: Marketing căn bản, Quản trị học, Quản trị chiến lược, Quản trị tài chính, Quản trị doanh nghiệp, Quản trị nhân lực, Quản trị sản xuất, Quản trị chất lượng, Quản trị Marketing, quản trị rủi ro, Quản trị bán hàng, Thanh toán quốc tế, Quản trị Logistics, Quản trị dự án, Quản trị thương hiệu, Thương mại điện tử, Hệ thống thông tin Tổng quan về hàng không dân dụng, Cơ sở hạ tầng hàng không, Quản trị rủi ro hàng không, Pháp luật hàng không dân dụng, An toàn hàng không, Kinh tế vận tải hàng không, Quản lý và điều hành bộ phận tiền sảnh, Bảo hiểm hàng không, Quy tắc quốc tế về vận chuyển hàng không Quy hoạch cảng hàng không, Quản trị khai thác cảng hàng không.
6. Các trường đào tạo ngành Quản trị Hàng không trình độ đại học
- Học viện Hàng không Việt Nam (ngành Quản trị kinh doanh)
- Trường Đại học RMIT (Cử nhân Khoa học Ứng dụng – Hàng không)
- Trường Đại học Trường Đại học Kinh tế – Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (ngành Quản trị kinh doanh – chuyên ngành Quản trị Hàng không)
- Trường Đại học Duy Tân (ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành – chuyên ngành Quản trị Du lịch & Dịch vụ Hàng không)
- Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (ngành Quản trị kinh doanh – chuyên ngành Quản trị Hàng không)
- Trường Đại học Phan Thiết (ngành Quản trị kinh doanh – chuyên ngành Quản trị vận tải Hàng không)