Tạo bài viết thảo luận

Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.

Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút.

Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.

Hôm nay, chúng ta cùng đến với bài viết về các app học tập của bạn Sấm nhé!

Đối với các bạn trẻ ngày nay, cụm từ “app học tập” hay “ứng dụng học tập” đã không còn quá xa lạ, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ 4.0 bùng nổ trên toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đã buộc các trường học buộc phải tổ chức chương trình giảng dạy trực tuyến. Nhờ đó, các app học tập ngày càng được sử dụng phổ biến ngay cả giai đoạn sau đại dịch.

Tuy nhiên, trước “sự tiện lợi của các ứng dụng” và lợi ích không thể phủ nhận của chúng, chúng cũng đồng thời đem lại cho ta những vấn đề cần suy nghĩ. Bài viết này sẽ đề cập đến một số app học tập và làm thế nào để sử dụng chúng một cách hiệu quả.

1.Các app học ngoại ngữ

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, ngoại ngữ vừa là phương tiện vừa là chìa khóa thành công cho việc học tập và xa hơn là cho công việc của bạn. Vì vậy, việc học ngoại ngữ đòi hỏi chúng ta có sự đầu tư đúng mức, lộ trình học khoa học cũng như đảm bảo việc học thường xuyên và liên tục. Việc chỉ học trên lớp là chưa đủ để đáp ứng các yêu cầu này. Từ đó, các app học ngoại ngữ ra đời và đem lại nhiều lợi ích.

Có thể kể đến một vài cái tên đã nổi tiếng và quen thuộc như: Duolingo, ELSA Speak, LingoDeer,...

Thứ nhất, ưu điểm chung và cũng là ưu điểm mấu chốt của các app học ngoại ngữ này là sự tiện lợi. Chúng luôn nằm trong điện thoại hoặc laptop của bạn, bạn có thể mở ra mọi lúc mọi nơi. Bạn có thể học bất cứ khi nào bạn muốn và ở bất cứ đâu, khi bạn đang đi xe buýt, trong giờ giải lao hay đang chờ bạn bè trong quán trà sữa…

Nhưng sự tiện lợi này cũng là nhược điểm của các app. Chúng ta dễ dàng thấy một vài bạn trẻ tranh thủ những giờ nghỉ 10 phút giữa các tiết học hay thậm chí là giờ ăn để học ngoại ngữ và họ cho rằng họ đang tận dụng được ưu thế “tiện lợi” của nó. Theo ý kiến cá nhân của người viết, nếu lạm dụng điều này thì chẳng những phản khoa học mà còn không đem lại ích lợi nào. Bởi việc học đòi hỏi ta một sự tập trung nhất định. Nếu bạn ép bộ não của chính mình “nhảy qua nhảy lại” giữa các môn học khác nhau hay giữa bàn ăn với kiến thức, nó sẽ không thể hoạt động một cách hiệu quả bằng với khi bạn ngồi xuống và tập trung. Vì vậy, bạn có thể sử dụng thời gian ngắn để ôn lại một vài từ, vài mẫu câu, còn đối với việc viết một bài luận, nghe một bài nói thì cần sự tập trung và khoảng thời gian lớn hơn nhiều.

Thứ hai, các app học Ngoại ngữ hiện nay hầu hết đi theo mô hình truyền tải kiến thức dưới dạng các trò chơi và câu đố. Đây cũng là điểm mạnh lớn, với giao diện bắt mắt và các nhân vật dễ thương, giúp cho người học có một môi trường thoải mái, từ đó dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn cũng như có cảm hứng và năng lượng học tập hơn.

Ở chiều ngược lại, việc thiếu đi một môi trường học tập nghiêm túc có thể khiến chúng ta không chủ động đón nhận kiến thức một cách nghiêm túc. Đó là lý do vì sao các trường học và các giáo viên luôn muốn xây dựng lớp học hay hệ thống học tập của họ một cách nghiêm túc và quy củ. Những quy tắc cụ thể và mang tính bắt buộc có thể giúp cho ta thực hiện đúng thời gian, lộ trình, tránh ỷ lại hay trì hoãn. Tuy nhiên, nếu áp dụng các quy định, quy tắc quá khắt khe và cực đoan, chúng lại tạo thành một con dao hai lưỡi, đẩy ta đến trạng thái "học cho xong môn", "làm cho có bài", "không bị phạt là được", rồi thậm chí đôi khi kết thúc bằng việc gian lận để qua môn, có điểm.

Vì thế, nếu không có điều kiện học trên lớp, chúng ta cần cân bằng giữa hai yếu tố này khi học bằng app. Chúng ta dành ra sự nghiêm túc nhất định, cụ thể, chúng ta có thể vạch sẵn kế hoạch học như: một ngày sẽ học bao nhiêu giờ trên app, hôm nay sẽ học Ngữ pháp hay từ vựng, ngày mai sẽ học Speaking hay Listening, học xong sẽ có được những gì, nhớ được những gì,...

Việc vạch ra mục tiêu, kế hoạch như trên là một phương pháp khá truyền thống nhưng luôn đem lại hiệu quả nhất là khi bạn dùng các app, nơi tính tự giác của chúng ta quyết định thời gian và lượng kiến thức tiếp thu. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên lựa chọn các app có đưa ra lộ trình, kế hoạch học rõ ràng. Và đừng quên rằng mỗi app đều có thế mạnh riêng để tận dụng nhé.

Các app học ngoại ngữ rất tiện lợi cho người sử dụng

 

2. Các app giải câu hỏi, bài tập các môn học

Ở đây, mình không đề cập đến các app sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo), giải bài tự động mà chỉ nói về các app học tập “crowdsourcing”.

Có thể hiểu đơn giản “crowdsourcing” là khi nhà phát hành tạo ra một nền tảng mở rộng, tiếp cận mọi đối tượng, cho phép họ đăng bài và để lại câu trả lời tại bài viết của người khác. Khi một người có nhu cầu tìm kiếm lời giải cho các bài tập của họ, họ chỉ cần đăng bài hay ta hiểu là “giao nhiệm vụ” cho những người khác có mặt trong nền tảng, họ sẽ nhận lại được các câu trả lời. Các app được sử dụng nhiều hiện nay như app Hỏi bài vật lý, Snapask, Asknow…

Ưu điểm của “crowdsourcing” là tính cộng đồng và độ thực tế cao. Hơn hẳn việc sử dụng công nghệ AI, các câu trả lời từ nguồn này sẽ tiệm cận với nhu cầu thực tế của người hỏi hơn, bởi công nghệ AI hay hệ thống tự động hóa hiện nay chưa đủ thông minh, đôi khi sẽ đưa ra các câu trả lời quá cứng nhắc, quá lý thuyết và chung chung, chưa bao quát được các dạng bài. Đặc biệt là khi chúng ta đang cần tìm kiếm một bài giải chi tiết, dễ hiểu, dễ vận dụng, thì các “con người” ngồi cách chúng ta hai lớp màn hình sẽ làm tốt hơn rất nhiều.

Hơn nữa, tính cộng đồng của các loại nền tảng nói trên đem lại cho người dùng, cho người học nhiều lựa chọn tham khảo hơn, nhiều hướng đi, phương pháp để giải một bài tập hơn.

Thế nhưng, “crowdsourcing” vừa là điểm mạnh và cũng vừa là điểm yếu của các app học tập dạng này. Bởi khi sử dụng nguồn lực cộng đồng, không hề có sự kiểm duyệt nào cả. Ví dụ như trước một bài toán, có hai đáp án theo hai cách làm khác nhau, sẽ là vô cùng khó để người đặt câu hỏi nhận định được đâu mới là đáp án và cách làm chính xác nhất. Do đó, khi nhận được lời giải, bản thân chúng ta cần xem xét kĩ tính đúng sai của chúng. Việc này cũng giúp các bạn rất nhiều trong việc ôn luyện, khi các bạn dùng kiến thức đã học để kiểm tra lại xem lời giải trên app có chính xác hay không.

Đặc biệt, có thể nhận thấy việc nhiều người học đặt quá nhiều niềm tin tới mức gần như hay hoàn toàn phụ thuộc vào các app giải dạng này. Khi gặp một câu hỏi hóc búa, một bài tập khó nhằn, thay vì mày mò tìm câu trả lời hay cách giải, điều đầu tiên bạn làm lại là mở app.

Bởi chỉ bằng vài giây gõ phím, một nút bấm và chờ một lát, vấn đề được giải quyết. Từ từ việc này sẽ đem lại “sự phụ thuộc đầy tiện nghi” các bạn sẽ không thể tách rời khỏi chúng, dần dần chẳng thể tự mình tư duy được nữa.

Nghe có vẻ thật đáng sợ! Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sử dụng các app dạng này một cách hiệu quả mà không quá phụ thuộc vào chúng?

Nếu đa số các giáo viên thường không khuyến khích các bạn dùng app giải bài, mình sẽ không khuyên các bạn bỏ chúng vì như đã nói ở trên, chúng có ưu điểm mà ta hoàn toàn có thể tận dụng để giúp ích cho việc học của mình. Vấn đề lần nữa nằm ở phương pháp sử dụng.

Theo mình, đầu tiên, khi gặp một bài tập hay một vấn đề khó, chúng ta cần tự suy nghĩ để giải quyết trước, sau đó nếu không được mới tính tới việc dùng app trợ giúp. Hay như mình vẫn hay làm, mình tạo ra một hệ thống đánh giá mức độ khó của các bài tập. Các bài thuộc mức độ dễ, trung bình, mình sẽ không dùng app. Các bài nằm ở mức độ khó, mình sẽ tập trung suy nghĩ tìm cách giải trong vòng 30 phút – 1 tiếng. Sau thòi gian đó nếu như phải dùng đến app, mình sẽ chậm rãi nghiên cứu từng phần trong lời giải, dừng lại ở những phần đã hiểu – đã biết, cố gắng hạn chế việc chép nguyên si lại mà sẽ dùng cách trình bày của mình tự mô phỏng. Sau đó, mình sẽ tự làm các bài cùng dạng để luyện tập.

Hiện có nhiều app học tập “crowdsourcing"  trên thị trường

Trên đây mình đã đề cập dến hai dạng phổ biến nhất của các app học tập cùng với điểm mạnh, điểm yếu của chúng cũng như kinh nghiệm của mình trong việc sử dụng chúng sao cho hiệu quả.

Hẳn có một vài bạn, như chính mình trước đây, đã và đang nghi ngờ về mức độ hiệu quả của việc học qua app vì nghĩ đây là phương pháp học mới và “không chính thống”. Cá nhân mình cho rằng, mọi phương pháp lĩnh hội kiến thức đều đem đến những lợi ích nhất định. Việc chúng ta cần làm là tìm hiểu, cân bằng và phát huy những ưu điểm của chúng, từ đó tìm ra cách sử dụng chúng sao cho phù hợp với bản thân để đem lại hiệu quả tốt nhất. Còn bạn, bạn có quan điểm và kinh nghiệm gì về việc sử dụng các app học tập, hãy cùng chia sẻ nhé!

Sấm

Tạo bài viết thảo luận
Gần gũi ngành nghề - Sâu xa tính cách

Gần gũi ngành nghề - Sâu xa tính cách

14-10-2022
LỜI KHUYÊN KHI CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC

LỜI KHUYÊN KHI CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC

09-06-2022
Mẹo quản lý thời gian hiệu quả

Mẹo quản lý thời gian hiệu quả

09-07-2022
Nỗi sợ mang tên “áp lực FOMO” khi chọn ngành

Nỗi sợ mang tên “áp lực FOMO” khi chọn ngành

30-07-2022
Chọn ngành sở trường, né ngành sở đoản

Chọn ngành sở trường, né ngành sở đoản

12-09-2022
CÁC BƯỚC VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI CHỌN TRƯỜNG

CÁC BƯỚC VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI CHỌN TRƯỜNG

17-06-2022