Tạo bài viết thảo luận

Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.

Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút.

Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.

Trước đây, Hướng nghiệp 4.0 CDM đã giới thiệu bài viết về việc chọn ngành nghề theo mô hình Big Five. Để giúp các bạn có thêm góc nhìn về mối quan hệ giữa bài trắc nghiệm này và việc lựa chọn ngành nghề, Hướng nghiệp 4.0 CDM xin giới thiệu thêm bài viết của bạn Mon Huỳnh với tựa đề rất thú vị “Gần gũi ngành nghề - Sâu xa tính cách”. Đúng vậy, ngành nghề gắn liền với đời sống của mỗi người, nhưng để tìm được một ngành nghề phù hợp, chúng ta lại phải xuất phát từ sở thích, năng lực và đặc biệt là tính cách của bản thân. Có nhiều cách để khám phá tính cách, trong đó mô hình 5 yếu tố Big Five được xem là một công cụ dễ sử dụng. Hãy cùng đến với chi tiết bài viết của bạn Mon Huỳnh nào!

Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển như hiện nay, gần như những thông tin liên quan đến tất cả các lĩnh vực đều được lan truyền mạnh mẽ  trên các mặt báo, các trang mạng xã hội hay những phương tiện truyền thông đại chúng hàng ngày, hàng giờ. 

Đây là một dấu hiệu đáng mừng, bổ trợ rất lớn cho chúng ta để tiếp cận những chia sẻ, những kinh nghiệm, trải nghiệm, kĩ năng. Tuy nhiên, việc tiếp nhận lượng kiến thức khổng lồ này đòi hỏi chúng ta cũng biết cách chọn lọc những thông tin xác thực, đáng tin cậy và phù hợp.

Hướng nghiệp cũng không ngoại lệ, đòi hỏi các bạn học sinh phải biết cách tìm hiểu và vận dụng thông tin tiếp cận. Khi bạn gõ lên google cụm từ “Các trắc nghiệm để khám phá bản thân” bạn sẽ nhận được 6.530.000 kết quả trong 0,47 giây.  Chà! Điều đó chứng tỏ có quá nhiều công cụ để giúp chúng ta nhưng lại sẽ để cho các bạn câu hỏi “ Chọn trắc nghiệm nào để làm đây nhỉ?”

Để giúp các bạn có thể nhanh chóng lựa chọn, mình xin chia sẻ: theo mình, chúng ta có thể chọn các bài trắc nghiệm phổ biến, được kiểm chứng như trắc nghiệm Holland, trắc nghiệm đa trí thông minh MI, trắc nghiệm Big Five….Riêng bài hôm nay, mình sẽ nêu rõ thêm về kết quả trắc nghiệm Big Five và cách vận dụng kết quả đó để trả lời câu hỏi “Học ngành gì mới hạp với tính cách mình đây nhỉ?”

 

Học ngành gì mới hạp với tính cách mình đây nhỉ?

1.Các khía cạnh (yếu tố) của tính cách theo mô hình Big Five

Các nhà tâm lý tính cách hiện đại đã nghiên cứu được rằng: tính cách con người bao gồm 5 khía cạnh, cụ thể là: Hòa đồng (Agreeableness), Tự chủ (Conscientiousness), Bất ổn cảm xúc (Neuroticism), Hướng ngoại (Extraversion), Sẵn sàng trải nghiệm (Openness). Đây cũng là những yếu tố tạo nên trắc nghiệm tính cách BigFive.

2. Bạn sẽ sở hữu khía cạnh tính cách nào?

Câu trả lời sẽ là: cả 5. Vì trong bài kiểm tra Big Five, các bạn sẽ không được phân loại theo kết quả một trong hai, mà là mức độ cao-thấp của từng yếu tố. Ví dụ, nếu bạn làm kết quả bài test Big Five sẽ cho bạn cho thấy mình là người có mức độ hướng ngoại cao hay thấp, thay vì là người hướng ngoại hay người hướng nội.

Vậy chúng ta sẽ lần lượt đi qua từng yếu tố một, để xem bạn sẽ có thể mạnh, ưu điểm hay nhược điểm ở những yếu tố nào nhé:

2.1 Hòa đồng (Agreeableness)

Đề cập đến cách một người đối xử thế nào trong những mối quan hệ với người khác, tập trung vào sự tương tác và định hướng con người. 

  • Khi bạn có mức điểm hòa đồng cao:  sẽ nhạy cảm với nhu cầu của người khác và có thiện chí hợp tác. 
  • Khi bạn có mức điểm hòa đồng chưa cao: bạn sẽ dễ thể hiện sự đối lập khi tương tác với mọi người. Chỉ cần biết cách kiểm soát và tiết chế, đây cũng có thể trở thành ưu điểm tốt trong một số ngành nghề mang tính chất độc lập, cá nhân hóa.

2.2 Tự chủ (Conscientiousness)

 Là ý thức điều chỉnh hành vi sao cho hợp lý của cá nhân để đạt được mục tiêu, đo lường được các yếu tố như sự kiểm soát, kiềm chế và bền bỉ. 

  • Khi bạn có mức điểm cao về tự chủ: thường có kỷ luật cao, chu đáo và cẩn thận, kiểm soát xung động tốt khi có biến cố xảy ra.
  • Khi bạn có mức điểm tự chủ chưa cao: bạn sẽ dễ có suy nghĩ nóng vội, ít cẩn thận. dẫn đến một vài khó khăn trong việc đạt được mục tiêu mong muốn hướng tới.

2.3 Hướng ngoại (Extraversion)

Bạn sẽ là kiểu người có xu hướng tìm kiếm sự tương tác với xã hội, dễ dàng được tiếp thêm năng lượng và trở nên hào hứng khi ở bên cạnh mọi người.

  • Khi bạn có mức điểm cao về hướng ngoại: phát triển tốt trong các tình huống tương tác xã hội và dễ dàng nêu ý kiến cá nhân trong tập thể.
  • Khi bạn có mức điểm hướng ngoại chưa cao: đồng nghĩa hơi việc bạn sẽ nghiêng về hướng nội nhiều hơn. Bạn trầm tư, thích lắng nghe hơn, sẽ bắt tay vào thể hiện bằng hành động thay cho lời nói.

2.4 Cởi mở (Openness)

Thể hiện mong muốn được thử cái mới, dễ dàng nâng cao quá trình tưởng tượng, nhạy bén với các hoạt động vận dụng trí tuệ ở mức độ cao.

  • Khi bạn có mức điểm cao về cởi mở: thường giàu tính sáng tạo, yêu sự đa dạng và tính độc lập vì luôn tò mò với xung quanh, ham học hỏi và trải nghiệm.
  • Khi bạn có mức điểm cởi mở chưa cao: bạn là mẫu người rất thực tế, thường thích theo quy trình nhất định, ưa thích lối sống ổn định và không thoải mái với những biến động của cuộc sống.

2.5 Bất ổn cảm xúc (Neuroticism)

Cho thấy khả năng cân bằng cảm xúc của một cá nhân qua cách họ nhìn nhận thế giới. Từ đó, cũng đánh giá được phần nào về xu hướng suy nghĩ tích cực hoặc tiêu cực trong mọi vấn đề của họ. Riêng về yếu tố này, sẽ rất lợi thế khi bạn có điểm số thấp.

  • Khi bạn có mức điểm thấp về bất ổn cảm xúc: có tâm lý vững vàng, chịu áp lực tốt và có độ tự tin cao. Bạn không chỉ bình tĩnh, mà sẽ cảm thấy an toàn và hài lòng với bản thân hơn.
  • Khi bạn có mức điểm bất ổn cảm xúc cao: thường lo âu, bất an và tự ti, dễ mất bình tĩnh trong tình huống hỗn loạn. Khi có những điểm này, chúng ta nên có những biện pháp mới để giải phóng suy nghĩ tiêu cực như: thể thao, thiền và kết nối với mọi người để giúp bạn duy trì và phát triển những trải nghiệm cảm xúc lành mạnh.

3. Các yếu tố tính cách và ngành nghề phù hợp

Mình rất muốn đưa ra các kiến nghị cho các bạn ở các kết quả khác nhau như bạn là người có độ hoà đồng cao thì bạn sẽ phù hợp với các ngành nghề liên quan đến việc  chăm sóc khách hàng, khối ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, du lịch, Freelancer (các công việc tự do), Nhân viên xã hội,..hay khi bạn có độ bất ổn cảm xúc thấp bạn nên làm việc trong lĩnh vực pháp luật, đầu tư…nhưng mình quyết định không đưa ra các gợi ý như vậy. Ví dụ như trong ngành truyền thông của mình đang học, một giám đốc sáng tạo (Art Director) và một nhà sản xuất giỏi (Producer) luôn được cho là trái ngựợc nhau hoàn toàn về tính cách. Giám đốc sáng tạo được cho là người có đầu óc cởi mở thì nhà sản xuất lại thực tế, độ bất ổn cảm xúc thấp. Hay để làm nhà quản trị giỏi, chúng ta thường nghĩ là cần chỉ số hướng ngoại cao nhưng trong thực tế những nhà lãnh đạo nổi tiếng như Bill Gates, Elon Musk, Larry Page, Warren Buffett…lại là người hướng nội.

Tính cách mỗi người đều gồm 5 yếu tố ở mức độ khác nhau

4. Vậy chúng ta nên vận dụng kết quả trắc nghiệm Big Five như thế nào?

Mình không phủ nhận giá trị gợi ý ngành nghề của các trắc nghiệm Big Five hay các bài trắc nghiệm tính cách nói chung. Đây cũng là một thông tin tham khảo hữu ích nhất là khi bạn hiểu rõ những yêu cầu chung nhất, cơ bản nhất của ngành nghề đó.

Bên cạnh đó, mình muốn chia sẻ là các bạn nên bắt nguồn từ mối quan tâm, sở thích của mình trước, sau đó sẽ tìm hiếu ngành học liên quan. Trong ngành học lại có nhiều nghề, bạn cần tìm ra ngành nghề làm bạn thấy hứng thú. Từ những yêu cầu, đặc điểm của nghề, bạn đối chiếu với kết quả để xem mức độ phù hợp. Nghe có vẻ hơi ngược nhưng mình đã áp dụng và khá thành công. Mình ví dụ để các bạn thấy nhé:

  • Năm lớp 12, mình thấy hứng thú với hai ngành là Truyền thông và ngành Luật, trong đó  sau khi tìm hiểu về truyền thông thì mình thì mình muốn làm nhà sản xuất, còn ngành Luật thì mình muốn trở thành luật sư về lĩnh vực kinh tế. 
  • Sau đó, mình đối chiếu với bản thân và mình thấy mình là người khá hướng ngoại, có mức độ hoà đồng cao nhưng ngược lại, độ bất ổn cảm xúc cũng rất cao. Và chắc các bạn đoán được là mình chọn ngành nào rồi đấy!

Thú thật là ngoài bài trắc nghiệm Big Five, mình còn tham gia nhiều hoạt động khác để có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng trắc nghiệm Big Five rất dễ làm và đã giúp ích rất nhiều cho mình.

Để tìm được ngành nghề phù hợp với bản thân, chúng ta rất cần sự “phối hợp nhịp nhàng” và “độ phù hợp cao” giữa hai yếu tố tính cách và đặc điểm công việc. Vậy điều chúng ta cần làm lúc này là: hãy tìm tòi thông tin thật thật cẩn thận và uy tín và đối chiếu xem chiếc ngành mà bạn “muốn ưng” có thật sự “hạp” với một trong những thiên hướng tính cách của mình hay chưa nhé!

Thực hiện ngay trắc nghiệm Big Five tại đây nhé.

Mon Huỳnh

Bài viết liên quan 

Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

Học sinh trung học có khả năng tự hướng nghiệp hay không?

 

 

Tạo bài viết thảo luận
3 ĐỊNH KIẾN CẢN TRỞ BẠN LỰA CHỌN NGÀNH NGHỀ NHƯ MONG MUỐN

3 ĐỊNH KIẾN CẢN TRỞ BẠN LỰA CHỌN NGÀNH NGHỀ NHƯ MONG MUỐN

23-08-2022
Tư duy phản biện, xóa bỏ thiên kiến (phần 2)

Tư duy phản biện, xóa bỏ thiên kiến (phần 2)

05-11-2022
Trải nghề qua...Anime - Manga

Trải nghề qua...Anime - Manga

21-12-2022
Làm việc nhóm hiệu quả

Làm việc nhóm hiệu quả

20-02-2023
Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

23-06-2022
Giải quyết vấn đề - Kỹ năng thể hiện bản lĩnh

Giải quyết vấn đề - Kỹ năng thể hiện bản lĩnh

10-02-2023