Tạo bài viết thảo luận

Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.

Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút.

Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.

Chúng ta cùng đến với phần 2 chia sẻ của Cest về tư duy phản biện - một kỹ năng được xem là đặc biệt cần thiết cho mỗi người trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nhé!

Xem phần 1 tại đây

IV. Chà! Bắt đầu nghe hay ho rồi đấy! Nhưng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu?

Không. Bạn đã bắt đầu rồi, chỉ là bạn còn chưa nhận ra đấy thôi. 

Vạn vật tồn tại trong vũ trụ đều bắt đầu từ một cái gì đó, bởi suy cho cùng thì vũ trụ tự thân nó còn bắt đầu từ một vụ nổ lớn cơ mà! Có lẽ quá trình xây dựng tư duy phản biện của bạn đã bắt đầu rồi đấy, từ chính khoảnh khắc câu hỏi này nảy ra trong đầu bạn.

Giờ, chúng ta sẽ đến bước tiếp theo của một câu hỏi. Một câu hỏi thì luôn cần phải có một câu trả lời, nhỉ? Làm gì có câu hỏi nào không cần được trả lời chứ.

Vậy, để thực hành luyện tập xây dựng tư duy phản biện, chúng ta cần hiểu rõ ba phạm trù lớn sau, gồm: 8 yếu tố cấu thành tư duy, 7 bước của quy trình phản biện, và các loại ngụy biện thường gặp.

Giờ, hãy thử tưởng tượng “tư duy” là một chiếc bánh lớn được nướng từ 8 loại nguyên liệu khác nhau. Điều này có nghĩa là một khi sở hữu được hết thảy, rất có khả năng bạn sẽ thành công cho ra lò chiếc bánh nướng mang tên “tư duy”.

Tên của 8 loại nguyên liệu ấy lần lượt là:

  1. Góc nhìn (hay Point of view): Theo nghĩa đen, góc nhìn là vị trí mà bạn sử dụng để quan sát và đánh giá một vấn đề nào đó. Nó đồng thời bao gồm những điều bạn đang nhìn và cách mà bạn nhìn chúng.
  2. Khái niệm (hay Concept): Là những ý niệm, lý thuyết, quy luật, nguyên tắc hay giả thiết mà ta thường sử dụng trong tư duy để tạo nên nghĩa cho các sự việc.
  3. Suy luận (hay Deduction): Là một số diễn giải và kết luận mà bạn sẽ đạt được. Suy luận là điều tâm trí bạn thực hiện để tìm ra một điều gì đó.
  4. Thông tin (hay Information): Chúng bao gồm những sự kiện, dữ liệu, bằng chứng hay kinh nghiệm mà chúng ta dùng để tìm ra một điều gì đó. Lưu ý, thông tin chưa chắc sẽ chứa đựng sự đảm bảo về độ chính xác và đúng đắn.
  5. Giả định (hay Assumptions): Là những niềm tin được xem như lẽ đương nhiên. Chúng thường là vô thức, hoặc chứa đựng các định kiến, bị rập khuôn một cách phiến diện và sai lầm.
  6. Hàm ý (hay Implications): Là những tuyên bố hoặc chân lý nảy sinh một cách logic từ những tuyên bố hoặc chân lý khoa học. Các hàm ý nảy sinh từ các tư tưởng (và các hệ quả thì nảy sinh từ các hành động).
  7. Mục đích (hay Mark): Là cái chủ đích nhằm tới cho cá nhân nỗ lực. Mục đích còn là một nguyên tắc tổng quát giúp ta đưa ra quyết định.
  8. Câu hỏi (hay Question): Là một lời nói đóng vai trò như một yêu cầu cung cấp thông tin. Câu hỏi đôi khi được phân biệt với nghi vấn, là các hình thức ngữ pháp thường được sử dụng để diễn đạt chúng.

Ting! 

Lò nướng vừa báo hiệu cho một chiếc bánh lớn, nóng hổi, giòn rụm vừa ra lò. Và giờ, nhiệm vụ tiếp theo của bạn là lần lượt cắt chiếc bánh ấy làm bảy phần bằng nhau. Hãy nhớ rằng bạn phải cắt chúng theo thứ tự trên công thức sau:

  1. Xác định chủ đề, câu hỏi chính (Vấn đề cần được tập trung giải quyết, truyền đạt hoặc muốn gây ảnh hưởng là gì? Các khái niệm, câu hỏi có rõ ràng, đúng đắn và chính xác không?)
  2. Đánh giá thông tin (Nguồn có đáng tin cậy không? Có thể kiểm tra chéo từ các nguồn đáng tin cậy khác không? Có định kiến, ý kiến chủ quan nào không? Các dữ liệu có thống nhất không? Có cần thêm thông tin nào không? Thông tin nào nếu có sẽ làm “đảo ngược” vấn đề?)
  3. Đánh giá lập luận (Tính chặt chẽ, logic; Có ngụy biện không? Có giả định ngầm nào không?)
  4. Đánh giá kết luận
  5. Xem xét các góc nhìn đối lập và các giả định ngầm
  6. Tổng hợp kết quả
  7. Kết luận và giải pháp

Thế là bạn đã nắm được 7 bước phản biện rồi đấy. Tôi thừa nhận đây là một hành trình dài và chẳng hề đơn giản, quả vậy. Còn giờ thì chúng ta hãy tạm thời để cho đầu óc mình thư giãn bằng một câu chuyện vui nhộn sau đây (tất nhiên bạn cũng có thể mở một bản nhạc nhẹ nhàng để nghe cùng, mà tôi đặc biệt gợi ý nên là một bản nhạc không lời chơi bằng piano):

“Buổi sáng, mẹ, cha và chú bé Thomas lên hai hoặc ba tuổi đang dùng điểm tâm trong phòng bếp. Mẹ đứng dậy rời khỏi bàn, và bấy giờ… cha lợi dụng lúc mẹ đang quay lưng lại để bay lên và trôi bềnh bồng trước ánh mắt của cậu bé Thomas vẫn đang ngồi.”

The bạn thì Thomas sẽ nói gì đây? Có lẽ nó sẽ vừa chỉ tay vào cha nó vừa reo lên: “Ơ! Cha đang bay kìa!”

Dĩ nhiên điều đó khiến nhóc Thomas bất ngờ phần nào, nhưng thật ra không làm nó kinh ngạc quá đỗi. Dù sao thì trong thế giới nhận thức của nó, cha đã làm lắm điều kỳ dị đến nỗi một vòng bay nhỏ trong không khí trên bàn điểm tâm cũng chỉ trở thành một trong 1001 điều kỳ dị mà cha rồi sẽ làm. Phải vậy thôi, Thomas đã thấy cha mình khiến cho đám râu ria biến mất mỗi sáng bằng một thứ công cụ màu đen rất lạ đời, thậm chí hô biến cho cái TV nhiễu sóng hoạt động trở lại chỉ bằng cách xoay xoay ăng ten, hay vùi đầu vào trong động cơ xe hơi và khi thò ra thì đã đen sì như được đánh xi. Thomas thề với Chúa, nó không hề thấy cha mình mang lọ mực theo đâu!

Bây giờ thì đến lượt mẹ nhé. Bà nghe thấy lời Thomas nói và quay phắt lại. Theo bạn, mẹ sẽ phản ứng ra sao khi bà trông thấy cha đang bềnh bồng trôi trên bàn điểm tâm?

Tôi tin bạn đã hình dung ra phản ứng của mẹ, bởi đó cũng chính là phản ứng của bạn, hay phản ứng chung của tất cả chúng ta.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, bạn có biết đâu là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa Thomas (hay trẻ nhỏ) và mẹ (hay chúng ta) không?

Câu trả lời là, đó là một vấn đề thuộc về thói quen  định kiến. Mẹ đã được biết con người không thể bay, còn Thomas thì không. Nó chưa biết rõ lắm về những điều mà người ta làm được hoặc không làm được trong thế giới này.

Nhưng điều ấy có thật như thế không? Liệu có một ngày nào đó chúng ta phát hiện ra, rằng thực chất con người có thể bay hay không? Liệu bạn có vừa bật thốt lên “Không thể nào!” không? Nếu có, vậy chúng ta hãy nhìn lại Galileo Galilei đã bị treo cổ khi chỉ ra trái đất hình cầu (thay vì hình tròn như chúng ta vẫn thường nghĩ), cơn ác mộng khi Hippasus tìm ra số vô tỷ (khi mà các nhà toán học theo trường phái Pythagore vẫn tin rằng tất cả các con số đều được tạo thành từ các tỷ số của số nguyên). Và tất nhiên, chúng ta đều đã từng nghe thấy những điều này trước đây: Sự chiếm hữu nô lệ là bình thường, tự nhiên và cần thiết. Trọng nam khinh nữ là bình thường, tự nhiên và cần thiết. Sự ưu tiên dị giới luyến ái là bình thường, tự nhiên và cần thiết.

Bạn vẫn thấy bản thân thế giới vẫn như nó đáng phải thế chứ?

Nếu bạn bắt đầu cảm thấy hoài nghi nhân sinh, vậy thì đây chính xác là lúc chúng ta nên quay trở về với tư duy phản biện đấy.

Bước cuối cùng trước khi hoàn tất công cuộc xây dựng một hệ thống phản biện vững chắc cho chính bạn đã ở ngay đây rồi. Đúng vậy, đây là lúc bạn học cách phân biệt một số loại ngụy biện thường gặp.

"Làm bánh và cắt bánh" - Các bước để thực hành tư duy phản biện 

V. Bốn nhóm ngụy biện thường gặp

A. Nhóm ngụy biện thứ nhất: Thay đổi chủ đề. (Bằng cách đánh lạc hướng, chuyển sang chủ đề không quan trọng, ít liên quan, lôi kéo cảm xúc, phán xét động cơ tùy tiện.)

  • Thay đổi chủ đề bằng cách Công kích cá nhân: Người ngụy biện cố gắng thuyết phục người đối thoại chấp nhận luận điểm của họ bằng cách đề cập đến hoàn cảnh của cá nhân đó. Ví dụ: “Bố nói bất kỳ ai cũng nên có chính kiến, vậy mà bố không cho phép con học ngành mình yêu thích.” → Chuyện bố “không cho phép con học ngành mình yêu thích” không liên quan đến chủ đề đang tranh luận “ai cũng nên có chính kiến” ở đây, cố tình đề cập đến tư tưởng của bố để phản đối chuyện con người nên có chính kiến là ngụy biện.
  • Thay đổi chủ đề bằng cách Lợi dụng quyền lực danh tính: Đây là loại ngụy biện dùng những nhân vật nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng để tìm sự ủng hộ cho luận điểm của mình. Ví dụ: “Isaac Newton là một thiên tài, và ông tin vào Thượng đế.” → Bạn biết tôi đang nghĩ đến gì không? Bingo, chính là Étienne Klein và trò chơi khăm oách xà lách của ông ta.
  • Thay đổi chủ đề bằng cách Lợi dụng quyền lực nặc danhTrong trường hợp này, người ngụy biện không nêu danh tính người có thẩm quyền, và vì không ai biết tên người có thẩm quyền nên không ai có thể kiểm chứng sự chính xác của lời phát biểu. Ví dụ: “Nghe mọi người đồn anh ta vừa thất nghiệp.” → “Mọi người” ở đây là một khái niệm chung chung không có tính cụ thể, vậy nên người ta cũng không thể kiểm chứng sự chính xác của lập luận này.
  • Thay đổi chủ đề bằng cách Lợi dụng vẻ bề ngoài: Loại ngụy biện này dùng tác một đặc tính nào đó của đối tượng để cố thuyết phục về sự hợp lí của phát biểu (tất nhiên là, theo một thước đo hết sức định kiến). Ví dụ: “Cô ấy luôn đứng nhất lớp, vì sao cậu không nghe lời khuyên của cô ấy?” → Thực chất, “đứng nhất lớp” chẳng có dính dáng gì đến việc phải “nghe lời khuyên của cô ấy” cả.
  • Thay đổi chủ đề bằng Luận điệu cá trích: Loại ngụy biện này thường hay được ứng dụng khi một người bắt đầu đưa những phát biểu không liên quan đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề. Ví dụ: Người A: “Hướng ngiệp là điều cần thiết.” Người B: “Mọi lập luận đều trở nên vô nghĩa khi bạn sai chính tả.”
  • Thay đổi chủ đề bằng Luận điệu ngược ngạo: Bằng chứng luôn luôn là gánh nặng của người phát biểu. Do đó, tìm cách di chuyển gánh nặng đó cho một người khác là một thủ thuật giới ngụy biện hay dùng. Ví dụ: “Anh không tin Chúa? Vậy anh có thể chứng minh Chúa không tồn tại không?” → Đáng lẽ người phát biểu phải chứng minh, nhưng công việc đó lại được chuyển sang cho người nghe!

B. Nhóm ngụy biện thứ hai: Lợi dụng cảm xúc. (Thao túng cảm xúc của người tiếp nhận để giành phần thắng trong một cuộc tranh luận, đặc biệt là ngay cả khi thiếu bằng chứng thực tế.)

  • Lợi dụng cảm tính bằng cách Dựa vào bạo lực: Đây thực chất là một sự đe dọa, nhằm mục đích gây áp lực cho người khác phải chấp nhận một kết luận nào đó, loại ngụy biện này có thể tóm gọn bằng một câu: “Chân lí luôn thuộc về kẻ mạnh”. Ví dụ: “Những ai không tin vào Kinh thánh sẽ bị thiêu cháy dưới đáy địa ngục.”
  • Lợi dụng cảm tính bằng lòng thương hại: Đây là một loại ngụy biện đánh vào lòng trắc ẩn và sự áy náy của người khác để ép buộc họ chấp nhận lí lẽ của mình. Ví dụ: “Mẹ hy vọng con sẽ theo học ngành Y, đây là truyền thống của gia đình ta và mẹ đã bỏ rất nhiều tiền để nuôi con ăn học.” → Bối cảnh “truyền thống gia đình” và việc “bỏ rất nhiều tiền” đang cố tình đánh vào sự áy náy của người nghe.
  • Lợi dụng cảm tính bằng cách bóp méo khái niệm Tam đoạn luận: Thường được biểu hiện qua cách phát biểu “A có hàm ý B, B là sự thật, do đó A cũng là sự thật”. Ví dụ: “Anh ủng hộ LGBT hả? Anh là đồng tính mới ủng hộ LGBT.” → Đúng là một bộ phận lớn người ủng hộ LGBT là người thuộc cộng đồng LGBT, nhưng không có nghĩa cứ phải là người đồng tính thì mới ủng hộ LGBT.
  • Lợi dụng cảm tính bằng lạm dụng chữ nghĩa: Đây là một loại ngụy biện dựa vào dùng những từ ngữ mang tính cảm tính cao để gắn vào một giá trị đạo đức nào đó. Ví dụ: “Yêu nước là phải bài trừ Trung Quốc.”
  • Lợi dụng cảm tính bằng đám đông: Loại ngụy biện này tin rằng nếu có nhiều người ủng hộ một ý kiến nào đó, ý kiến đó chắc chắn phải đúng. Ví dụ: “90% học sinh Việt Nam cho rằng hướng nghiệp không quan trọng.” → Bạn đúng rồi đấy, tôi lại vừa nghĩ đến 91.000 người theo dõi Étienne Klein.
Cần nhận biết và tránh ngụy biện trong tư duy phản biện

C. Nhóm ngụy biện thứ ba: Làm lạc hướng vấn đề. (Thay vì trả lời hay phản bác trực tiếp vào lập luận của đối phương, chúng ta đưa ra một vấn đề khác không liên quan gì đến quan điểm của đối phương.)

  • Làm lạc hướng vấn đề bằng Lí lẽ chẻ đôi: Loại ngụy biện này thường hướng tư duy đến việc phân định rạch ròi một vấn đề thành hai giá trị: trắng và đen, đúng và sai, có và không,… dù trong thực tế, mọi việc đều thường có nhiều hơn hai sự lựa chọn. Ví dụ: “Giữa người yêu mình và người mình yêu, bạn sẽ chọn ai?”
  • Làm lạc hướng vấn đề bằng Lí lẽ ngờ nghệch: Nếu một điều gì đó chưa được chứng minh là sai (hay giả) thì điều đó được mặc định là đúng (hay thật). Ví dụ: “Ở Việt Nam chưa từng có ai làm hướng nghiệp, chứng tỏ nhu cầu được hướng nghiệp của học sinh sinh viên Việt Nam thấp.” → Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển hướng nghiệp ở Việt Nam chứ không chỉ do nhu cầu thấp. Hơn nữa phát biểu “nhu cầu được hướng nghiệp của học sinh sinh viên Việt Nam thấp” cũng chưa hẳn đã được kiểm chứng.

D. Nhóm ngụy biện thứ tư: Nguyên nhân giả. (Sử dụng các từ ngữ, câu chữ, cách diễn đạt không rõ nghĩa, nhập nhằng hoặc mơ hồ để từ đó làm tiền đề cho một kết luận hay luận điểm.)

  • Nguyên nhân giả bằng Quy chụp: Dùng một ví dụ hay trường hợp nhỏ và từ đó quy chụp cho một cộng đồng. Ví dụ: Người A: “Các công ty ở Đài Loan đều bóc lột người lao động. Tôi đã từng làm ở 2 công ty Đài Loan, tất cả đều như vậy.” → Hai công ty Đài Loan bóc lột người lao động không thể đại diện cho tất cả công ty Đài Loan đều bóc lột người lao động.
  • Nguyên nhân giả bằng Quy kết không liên quan: Loại ngụy biện này phát biểu rằng hai sự kiện xảy ra, một trước và một sau, có quan hệ với nhau như nguyên nhân và hậu quả (dù chúng không, hoặc không thực sự liên quan nhau). Ví dụ: “Bill Gates bỏ học đại học và trở thành tỷ phú.” → Việc Bill Gates bỏ học đại học (việc xảy ra trước) và việc Bill Gates trở thành tỷ phú (việc xảy ra sau) không hề có mối liên hệ nhân quả. Cố tình quy kết “bỏ học” là nguyên nhân cho “trở thành tỷ phú” là ngụy biện.

Vậy là bạn đã nắm được những điều cơ bản rồi đấy!

Tôi tin có lẽ bạn cũng đã nhận ra, rằng chúng ta đã đi đến điểm cuối cùng của bài viết này. Đúng vậy, hành trình đồng hành cùng nhau của chúng ta đã kết thúc, nhưng hành trình chinh phục Tư duy phản biện của riêng bạn lại chỉ vừa bắt đầu mà thôi.

Bạn thấy đấy, những kẻ ngụy biện âm thầm đã tạo ra một màn sương trong đầu chúng ta, bóp méo nhận thức và tư duy của chúng ta tại bất kỳ tình huống nào. Trong kỷ nguyên thông tin này, ngành công nghiệp kỹ thuật số đã tạo ra một xã hội dựa trên tri thức bao quanh bởi một nền kinh tế toàn cầu công nghệ cao. Ngành công nghiệp thông tin có thể cung cấp cho mỗi người chúng ta một lượng thông tin đồ sộ, nó cũng cho phép ta thoát khỏi các ràng buộc về mặt địa lý và tri thức. Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là một con dao hai lưỡi.

Tri thức là sức mạnh, nhưng tri thức sai thì không. 

Đối mặt với việc lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp cũng vậy, lợi thế của chúng ta chính là có rất nhiều thông tin, và cái khó của chúng ta thì là sàng lọc chúng. Tôi hy vọng Tư duy phản biện rồi cũng sẽ trở thành một công cụ đắc lực giúp đỡ bạn trong quá trình học tập, lựa chọn ngành học, lựa chọn công việc, thậm chí còn hơn cả thế nữa, giúp bạn trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình!

Cest
---

NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Albert Rutherford (Nguyễn Ngọc Anh dịch). (2020). Rèn luyện tư duy phản biện. Hà Nội: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

[2] Kanagawa Akinori. (2015). Kỹ năng tư duy phản biện của người Nhật. Hà Nội: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

[3] Một số bài viết về tư duy phản biện trên trang ww.hbr.org của Havard Business Review

[4] Một số bài viết về tư duy phản biện trên ww.success.com

[5] Một số bài viết về ngụy viện trên ww.hbr.org

[6] Nguồn bài báo về Étienne Klein

Tạo bài viết thảo luận
App học tập – Sử dụng sao cho hiệu quả?

App học tập – Sử dụng sao cho hiệu quả?

24-11-2022
Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

23-06-2022
Tốt nghiệp đại học… rồi sao nữa?

Tốt nghiệp đại học… rồi sao nữa?

07-08-2022
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP THEO IKIGAI

ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP THEO IKIGAI

13-06-2022
Mẹo quản lý thời gian hiệu quả

Mẹo quản lý thời gian hiệu quả

09-07-2022
Giải quyết vấn đề - Kỹ năng thể hiện bản lĩnh

Giải quyết vấn đề - Kỹ năng thể hiện bản lĩnh

10-02-2023