Tạo bài viết thảo luận

Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.

Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút.

Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.

Hôm nay chúng ta cùng đến với chia sẻ của Cest về tư duy phản biện - một kỹ năng được xem là đặc biệt cần thiết cho mỗi người trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nhé!

Vào ngày 31/07/2022, ông Étienne Klein, nhà vật lý học nổi tiếng, giám đốc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng Thay thế của Pháp, đã chia sẻ bức ảnh này lên tài khoản Twitter có hơn 91.000 người theo dõi của mình với lời tựa:

"Đây là hình ảnh của sao Cận Tinh (Proxima Centauri), ngôi sao gần Mặt Trời nhất, nằm cách chúng ta 4,2 năm ánh sáng. Nó đã được Kính viễn vọng Không gian James Webb chụp lại. Sự chi tiết của bức ảnh hé lộ một thế giới mới mỗi ngày.”

Bài đăng trên Twitter của Étienne Klein

Bài đăng này đã được hàng ngàn người dùng Twitter tin tưởng ông chia sẻ và bình luận ngay sau đó. Tuy nhiên, mọi thứ lại không hoàn toàn giống như họ tưởng.

Rất nhanh, Ông Klein đã đăng một loạt bài viết tiếp theo và thừa nhận sự thật về bức ảnh này. Trên thực tế, đây vỏn vẹn chỉ là… một lát xúc xích chorizo được chụp trên nền đen.

"Chà, khi đến giờ thưởng thức cocktail, thiên kiến nhận thức có thật nhiều chỗ để phát huy. Hãy cẩn thận với điều đó. Theo vũ trụ học đương đại, không có vật thể nào liên quan đến xúc xích Tây Ban Nha tồn tại ở bất kỳ nơi nào khác ngoài Trái Đất.", ông Klein viết.

Đọc đến đây, chúng ta vỡ lẽ và tức giận vì vừa bị xỏ mũi bởi một nhà khoa học nổi tiếng, chúng ta tự hỏi liệu trò đùa nhạt nhẽo này có ý nghĩa gì chăng, và liệu ông Klein có cảm thấy hối lỗi về lối cư xử rất không ra dáng một “nhà khoa học” của mình trước mặt 91.000 người tin phục ông ta hay không? Hừm, đây là một vấn đề chỉ có chính bản thân ông Klein mới biết, còn vấn đề của chúng ta thực chất lại đang nằm ở một nơi khác.

Thế… vấn đề của chúng ta là gì? 

Chúng ta nên tiếp tục truy tìm ý nghĩa của trò đùa kia ư? Hay nên tẩy chay ông Klein và thề rằng mình sẽ không bao giờ tin vào bất kỳ một phát ngôn nào của ông ta nữa?

Không. Không hẳn.

Điều chúng ta cần làm là tự hỏi vì sao chúng ta lại tin tưởng vào phát ngôn của ông Klein một cách vô điều kiện, hồ hởi, và ngay tắp lự như vậy. Thậm chí chúng ta chẳng cần một bằng chứng nào để củng cố niềm tin, chẳng một lần hoài nghi về độ xác thực của chúng. Hoặc thậm chí ông Klein còn chưa từng cố gắng thuyết phục chúng ta bằng bất kỳ một minh chứng, số liệu, hay bài báo khoa học,… nào cho công bố của mình, ngoại trừ một tấm ảnh chụp lát xúc xích chorizo.

Ồ. Chậm đã.

Chỉ có một tấm ảnh chụp lát xúc xích chorizo thôi ư? Không, bạn lại sai rồi. Bạn không nên tin lời khẳng định này nhanh đến thế.

Thực chất, thứ “bằng chứng” đanh thép nhất, rõ ràng nhất, và thuyết phục nhất đã được cài cắm ngay từ đầu bằng một cách thức cực kỳ khéo léo, âm thầm, và đầy tính thủ đoạn. Ấy chính là ba cụm từ dùng để giới thiệu ông Klein: “Nhà vật lý học nổi tiếng”, “Giám đốc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng Thay thế của Pháp” và cuối cùng là “Tài khoản Twitter có hơn 91.000 người theo dõi”.

Vì sao tôi lại lý giải như vậy?

Bởi so với lát xúc xích chorizo kia, danh tiếng và những con số của Étienne Klein đáng để ta tin cậy hơn rất nhiều. Theo thói quen, chúng ta thường vô thức tin vào lời nói những người có địa vị và học thức cao, chúng ta cũng vô thức tin vào điều mà số đông mọi người cùng tin tưởng. Rồi cứ thế, chúng ta mặc cho nhận thức của mình trôi đi, và trượt dài trên những lối mòn.

Trong trường hợp này, nhận thức của chúng ta bị bạo tạc cùng lúc bởi cả ba hệ thống tư duy lối mòn: Niềm tin, thói quen và đám đông.

Đối mặt với phản ứng dữ dội đến từ người dùng mạng vì trò đùa này, ông Klein tiếp tục giải thích: "… Chúng ta hãy học cách cảnh giác với lập luận từ những người có sức ảnh hưởng, cũng như khả năng định hình suy nghĩ của một số hình ảnh nhất định."

Đúng vậy, kể từ giây phút nhận ra điều này, bạn sẽ đồng thời nhận ra tầm quan trọng của tư duy phản biện và việc xây dựng một hệ thống tư duy phản biện cho riêng mình. Chúng ta không thể tin tưởng tất cả mọi thứ, nhưng chúng ta cũng không thể từ chối tin tưởng tất cả mọi thứ, điều chúng ta cần làm chính là phân biệt rõ ràng giữa “là” và “có bề ngoài là”.

Được rồi, giờ thì hít sâu một hơi, cầm hành trang lên và cùng bắt đầu thôi.

I. Vậy thì, tư duy phản biện rốt cục là gì?

Tư duy phản biện (hay critical thinking) là nghệ thuật phân tíchđánh giá một thông tin đã có cho vấn đề đặt ra theo các cách nhìn khác nhau nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. (Theo định nghĩa của Wikipedia)

Tư duy phản biện là nghệ thuật phân tích  đánh giá tư duy với định hướng cải thiện nó. (Theo “Cẩm nang tư duy phản biện – Khái niệm và công cụ”, Linda Elder & Richard Paul)

Tư duy phản biện là khả năng suy nghĩ chín chắn liên quan đến 3 điều: Thái độ sẵn sàng quan tâm và suy nghĩ chu đáo về những vấn đề và chủ đề xuất hiện trong cuộc sống cá nhân; Sự hiểu biết về phương pháp điều tra và suy luận có lý; và một số Kỹ năng trong việc áp dụng các phương pháp đó. (Theo định nghĩa của Edward Glaser)

Theo 6 bậc tư duy Bloom, Tư duy phản biện thuộc tầng tư duy bậc cao. Với:

Tầng tư duy bậc thấp: Biết, ghi nhớ → Hiểu → Vận dụng.

Tầng tư duy bậc cao: Phân tích → Đánh giá → Sáng tạo.

II. Quào, ghê gớm nhỉ? Thế ý nghĩa của tư duy phản biện là gì vậy?

Đúng với bản chất của nó, tư duy phản biện là cách để bạn kiểm soát và loại bỏ những quyết định mang đầy tính cảm tính của mình. Thay vào đó, nó đổi mới hình thức tư duy của bạn, trở thành công cụ tối ưu giúp bạn đánh giá một cách cẩn thận suy nghĩ và niềm tin của mình. 

Bằng cách này, bạn có thể:

  • Tương tác hiệu quả hơn với ý tưởng của người khác.
  • Sàng lọc và phán đoán những thông tin được tiếp nhận.
  • Nâng cao khả năng ra quyết định.
  • Củng cố khả năng quan sát và tư duy logic.

Hơn hết là, tư duy phản biện sẽ giúp bạn phân biệt đâu là sao Cận Tinh (Proxima Centauri) và đâu là một lát xúc xích chorizo ăn thừa đấy!

III. Tích cực đủ rồi, tiêu cực đi nào, xin giới thiệu ngay những lỗi hiểu sai cơ bản về tư duy phản biện

Mọi khái niệm tồn tại trên đời đều sẽ bị bóp méo nếu trong quá trình truyền đạt kiến thức, chúng ta tiếp cận chúng một cách thiếu thận trọng. Đối với văn học, hiện tượng này gọi là “dị bản”, thế nhưng đối với khoa học, chúng ta gọi nó là “những lầm tưởng”.

Tương tự với bất kì khái niệm nào khác, như “Tự do ngôn luận”, như “nữ quyền”, như “công bằng bình đẳng”, như “thao túng tâm lý”,… thì “Tư duy phản biện” cũng là một khái niệm thường xuyên bị hiểu lầm và… đánh tráo khái niệm.

Đây là một số lỗi lầm tưởng cơ bản mà bất kì một kẻ tranh luận “không chân chính” nào cũng có thể vin vào cái danh “tư duy phản biện” để núp bóng, đánh tráo khái niệm và tấn công bạn. Maksim Gorky đã nói thế nào nhỉ? À đúng rồi, ngài nói “Chỉ có kiến thức mới là con đường sống.” Vậy có lẽ đây chính là lúc chúng ta cần mài bén vũ khí, sẵn sàng đứng lên và chiến đấu chống lại những kẻ mượn danh “tư duy phản biện” để công kích chúng ta rồi.

Những hiểu sai về tư duy phản biện điển hình:

  • Hễ cứ phản bác lại ý kiến của ai đó thì là tư duy phản biện.
  • Tư duy phản biện là phải nghi ngờ mọi thứ.
  • Tư duy phản biện là tranh luận đúng sai, là tranh cãi và chỉ trích.
  • Tư duy phản biện chỉ dành cho những người “không hợp”, những người thường xuyên bất đồng quan điểm với nhau.
  • Tư duy phản biện là phủ nhận, là cố gắng xóa bỏ ý tưởng của đối phương.
Tư duy phản biện cũng là một khái niệm thường xuyên bị hiểu lầm và… đánh tráo khái niệm. Ảnh: Bruce - Mars, Unplash

Bạn có bất ngờ với những lầm tưởng trên không? Nếu có, vậy hãy cùng xem tiếp bảng dưới đây để phân biệt những biểu hiện khác nhau – đồng thời lại rất dễ bị đánh đồng giữa Tư duy phản biện và Tư duy phê phán nhé.

 

TƯ DUY PHẢN BIỆN

TƯ DUY PHÊ PHÁN

Mục tiêu

Cải thiện chất lượng của chủ đề trên tinh thần xây dựng, học hỏi và phát triển.

Bác bỏ ý tưởng của đối phương, không mang tính hợp tác và phát triển.

Sự tập trung

Điều mới, điều hay, sự khác biệt, sự đóng góp nhằm học hỏi.

Điểm yếu, nhằm phê bình và bác bỏ.

Góc nhìn

Đa chiều, khách quan và tôn trọng sự khác biệt.

Chủ quan, định kiến và độc đoán.

Cơ sở

Lập luận, bằng chứng và tiêu chuẩn khách quan.

Quy chụp, cảm tính, ngụy biện và hướng đến công kích cá nhân.

Thái độ

Tôn trọng, học hỏi.

Chỉ trích, bảo thủ.

Kết quả

Sự việc trở nên sáng tỏ, đa chiều, công bằng và khách quan.

Phân định thắng thua và đúng sai, xúc phạm người khác.

 Hết phần 1

Xem tiếp phần 2 tại đây

Cest

 

Tạo bài viết thảo luận
Trải nghề qua...Anime - Manga

Trải nghề qua...Anime - Manga

21-12-2022
8.0 Listening IELTS ngay lần đầu, mình đã làm thế nào?

8.0 Listening IELTS ngay lần đầu, mình đã làm thế nào?

09-11-2022
Những việc mình đã làm để phát triển bản thân trước khi vào đại học

Những việc mình đã làm để phát triển bản thân trước khi vào đại học

30-09-2022
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP THEO IKIGAI

ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP THEO IKIGAI

13-06-2022
SWOT - CÔNG CỤ TUYỆT VỜI TRONG LỰA CHỌN NGÀNH HỌC

SWOT - CÔNG CỤ TUYỆT VỜI TRONG LỰA CHỌN NGÀNH HỌC

03-06-2022
Thực tập sớm và những điều cần biết

Thực tập sớm và những điều cần biết

24-12-2022