Tạo bài viết thảo luận

Là con gái, đừng học ngành này, khổ lắm!

Đến tuổi này rồi chọn nghề nào ổn định mà làm.

Người hướng nội làm sao có thể học tốt ngành học đó chứ?!

 

Đó là một vài mẫu câu quen thuộc mình vẫn thường nghe thấy trong những cuộc bàn luận về ngành, về nghề.

Bạn đã lựa chọn ngành nghề như thế nào? Bạn có từng giới hạn sự lựa chọn của bản thân vì những định kiến? 

Thông thường, khi lựa chọn ngành nghề, chúng ta không tránh khỏi việc bị tác động bởi những định kiến thường gặp. Điều đó có thể trở thành chướng ngại vật ngăn bạn theo đuổi ước mơ, lựa chọn của bản thân. 

Việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ những người xung quanh trong quá trình lựa chọn ngành học, nghề nghiệp là điều cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự chọn lọc, nhất là đối với những định kiến không chính xác. 

Hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu về những định kiến đó để vượt qua và thẳng tiến đến mục tiêu của bản thân nhé!

 

Định kiến 1: Định kiến về giới

Định kiến về giới đã hình thành từ rất lâu, ăn sâu vào nhận thức của nhiều người, không chỉ riêng trong việc định hướng, lựa chọn nghề nghiệp. 

Trong hướng nghiệp, định kiến về giới xuất phát ngay từ trong quá trình học tập. Điều đó ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngành học, nghề nghiệp về sau. 

Mình vẫn còn nhớ rõ, khi mình đi học phổ thông, một vấn đề khiến mình rất khó chịu chính là định kiến về khả năng học tập phụ thuộc vào giới tính. Con trai sẽ học tốt những môn Tự nhiên hơn so với con gái - Đó là điều mà khá nhiều người mặc định hoặc chấp nhận. 

Vì vậy, vô hình trung dẫn đến việc các bạn có xu hướng lựa chọn môn học, khối thi theo định hướng đó: Con gái sẽ thiên về khối xã hội, con trai sẽ có ưu thế hơn trong khối tự nhiên. 

Thực tế chứng minh điều đó không chính xác. Dù là bất kỳ giới tính nào, nếu có năng lực, chúng ta đều có thể học tốt và hoàn thành xuất sắc công việc. 

Định kiến về giới trong hướng nghiệp dẫn đến việc mất cân bằng giới tính trong nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, vấn đề bình đẳng giới trong lao động được chú ý và quan tâm. 

Chúng ta có thể tham khảo những số liệu cụ thể sau đây: “Ở Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới, phụ nữ đã đạt được nhiều thành tựu trong bình đẳng giới, đặc biệt là trong giáo dục, y tế, hay như về tỷ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống Kê năm 2017, phụ nữ trong vai trò lãnh đạo ở Việt Nam chiếm 28% - khá cao so với tỷ lệ trung bình trên thế giới là 19%, thậm chí so với các nước OECD. Số phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ở Việt Nam cũng khá cao – đạt tới 72% tổng số phụ nữ cả nước, và chiếm 48,1% tổng số lực lượng lao động ở Việt Nam”. (Dẫn theo vbcwe.com)  

Như vậy, nếu chỉ vì những quan niệm không có cơ sở mà chúng ta bỏ lỡ những cơ hội, không thể hiện được khả năng của bản thân là một điều hết sức vô lý đúng không?

Chính vì thế, định kiến về giới trong lựa chọn, định hướng nghề nghiệp càng cần phải được loại bỏ triệt để. Không có ngành nghề nào dành riêng cho nữ hay nam. Chỉ có ngành nghề bạn mong muốn theo đuổi và phù hợp.

 

Định kiến 2: Định kiến về tuổi

Tuổi nào thì có thể hướng nghiệp? Có nên khởi nghiệp quá sớm hay không?

Hướng nghiệp quá sớm hoặc quá muộn đều không tránh khỏi những khó khăn. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ bài viết “Nên hướng nghiệp ở độ tuổi nào?” để có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn.

Nếu chúng ta đặt quá nhiều tiêu chuẩn và quy định về một độ tuổi nhất định cho hành trình hướng nghiệp, chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội khám phá chính mình và tìm ra đâu là điều phù hợp nhất với bản thân. 

Có nhiều người vì ngại bắt đầu muộn mà không theo đuổi ngành nghề mình mong muốn. Cũng có những người trẻ từ bỏ những ý tưởng của mình vì sợ chưa thực sự đến lúc. Đó là biểu hiện của việc định kiến về tuổi tác khi lựa chọn ngành nghề. 

Nếu không thay đổi kiểu tư duy lối mòn, chúng ta sẽ không thể thoát khỏi vùng an toàn của bản thân. Nếu không xóa bỏ định kiến về tuổi, chúng ta sẽ luôn bị giới hạn. 

Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, chỉ cần bạn thật sự nghiêm túc với lựa chọn của bản thân, bạn đều có thể thành công. 

Gần đây, tôi vô cùng ngưỡng mộ thành công của một cậu bé lớp 4 - Nam Long nhận được lời mời thực tập từ những công ty hàng đầu. Nếu cứ mặc định về độ tuổi, chắc hẳn chúng ta đã không thể biết đến nhiều người thành công sớm, ở độ tuổi rất nhỏ. 

Ngược lại, cũng đừng để số tuổi ngăn cản bạn làm điều bạn muốn. Du học ở tuổi 35, ngồi giảng đường ở độ tuổi cao hay bắt đầu lại khi đã ở tuổi nên ổn định, âu cũng là sự lựa chọn xứng đáng. 

Không ai có quyền phán xét hay bình luận về sự lựa chọn của người khác. Và tuổi tác, đơn thuần cũng chỉ là một con số. Đừng để nó trở thành một trong những chướng ngại vật cản bước của bạn. 

 

Định kiến 3: Định kiến về tính cách

Ngành này không phù hợp với người có tính cách hướng nội? Người hướng ngoại sẽ dễ thành công hơn trong lĩnh vực kia? Liệu điều đó có đúng?

Thú thật, bản thân mình cũng từng là đứa từ bỏ nhiều cơ hội khi chọn ngành vì nghĩ rằng tính cách của bản thân không phù hợp. Mình từng loại bỏ lựa chọn ngành Truyền thông vì mình là hướng nội. Tuy nhiên, khi đã học ngành học hiện tại và có cơ hội thử sức, trải nghiệm trong lĩnh vực Truyền thông, mình mới nhận ngành học này cũng có “chỗ” cho người hướng nội, rất nhiều là đằng khác.

Bất cứ một ngành nghề nào cũng đều bao gồm rất nhiều vị trí và đòi hỏi cần có sự đa dạng. Cho nên, nếu cứ mặc định rập khuôn về tính cách, chúng ta có thể bỏ lỡ những cơ hội. 

Đồng thời, tính cách là điều có thể thay đổi. Cho nên, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với tính cách là vô cùng cần thiết. Nhưng, trong quá trình đó, chúng ta cũng cần có sự linh hoạt, chấp nhận thay đổi. 

Chỉ khi bạn tìm hiểu thông tin đầy đủ, chính xác, bạn mới không bỏ lỡ những cơ hội, giới hạn sự lựa chọn của bản thân. Tốt hơn, bạn cần được trải nghiệm trong vị trí, lĩnh vực đó, bạn mới có được sự nhìn nhận xác đáng.

Dù bạn là ai, đang ở độ tuổi nào, có tính cách như thế nào, mình mong bạn hãy thực sự chấp nhận chính mình, nghiêm túc và kiên định với những sự lựa chọn của bản thân. Đừng để những định kiến ghì chặt đôi chân bạn trên hành trình chinh phục ước mơ của bản thân.

Tóm lại, qua góc nhìn của bài viết, mong mọi người sẽ có thể can đảm, vững bước trên hành trình của mình. Hi vọng mỗi chúng ta đều chọn đúng ngành, làm đúng nghề, tin tưởng và thỏa mãn với sự lựa chọn của bản thân.

Minh Thư
Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi  các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp.

Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút.

Bài viết xin gửi về email:  cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Hướng nghiệp 4.0 CDM trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.

Tạo bài viết thảo luận
Những việc mình đã làm để phát triển bản thân trước khi vào đại học

Những việc mình đã làm để phát triển bản thân trước khi vào đại học

30-09-2022
Gần gũi ngành nghề - Sâu xa tính cách

Gần gũi ngành nghề - Sâu xa tính cách

14-10-2022
LỜI KHUYÊN KHI CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC

LỜI KHUYÊN KHI CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC

09-06-2022
CÁC BƯỚC VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI CHỌN TRƯỜNG

CÁC BƯỚC VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI CHỌN TRƯỜNG

17-06-2022
Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

23-06-2022
App học tập – Sử dụng sao cho hiệu quả?

App học tập – Sử dụng sao cho hiệu quả?

24-11-2022