Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp. Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút. Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn |
Chọn trường như thế nào? Cơ sở nào để chọn được một ngôi trường phù hợp? Cần lưu ý những gì, những điều cần tránh khi chọn trường? Học trường công hay trường tư?... rất nhiều câu hỏi mà chúng ta cần trả lời trước khi ra quyết định. Tiếp theo bài viết Lời khuyên khi chọn trường đại học, bạn Thuỳ Vân gửi về Hướng nghiệp 4.0 CDM câu trả lời cho những câu hỏi trên qua bài viết Các bước và những lưu ý khi chọn Trường.
1. Các bước chọn Trường (đại học, cao đẳng, trung cấp)
Các bước trước khi tiến hành chọn Trường
Sau giai đoạn THPT, việc bạn cần làm là xem xét xem mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp: sẽ học tiếp hay đi làm? Nếu học tiếp thì học trong nước hay du học? Học trung cấp, cao đẳng hay đại học?
Trường hợp bạn tiếp tục học, bạn phải chọn ngành trước khi chọn trường.
Tại sao phải như vậy? Thứ nhất bởi vì ngành nghề cần phù hợp với năng lực, sở thích của bạn, giúp bạn phát huy tốt nhất năng lực, tố chất của mình, do vậy, phải chọn ngành học trước. Đặt trường hợp bạn chọn trường trước vì đây là trường “top”, nhưng ở dây không có ngành học phù hợp với bạn thì việc lựa chọn cũng vô nghĩa, vì dù ở môi trường tốt nhưng nếu đặc điểm ngành nghề không phù hợp thì bạn cũng không thể phát triển bản thân tốt nhất.
Thứ hai, một ngành sẽ có rất nhiều trường đào tạo, nên chúng ra sẽ có rất nhiều lựa chọn khác nhau.
Sau khi đã có hướng đi và ngành học, chúng mình bắt đầu chọn trường nhé

Xác định năng lực, cá tính bản thân và yêu cầu, văn hoá của Nhà trường
Tại sao phải xác định năng lực bản thân? Việc nhìn nhận đúng năng lực bản thân giúp bạn chọn được một ngôi trường “phù hợp, vừa sức” với mình, hạn chế việc rơi vào tình trạng quá tải khi vào trường vượt quá năng lực hoặc nhàm chán trong suốt vài năm học khi chọn trường “dưới sức”. Bạn có thể dựa vào điểm đầu vào là căn cứ đánh giá và tăng cơ hội trúng tuyển. Nhưng đừng quên tham khảo chuẩn đầu ra- những yêu cầu tối thiểu của Nhà trường đặt ra để tốt nghiệp.
Xem xét sự phù hợp cá tính và văn hoá của Nhà trường, nhiều bạn hay xem nhẹ điểm này. Bạn cần hiểu mỗi Trường có văn hoá khác nhau, ví dụ như sự cởi mở, đa văn hoá hoặc là sự kỷ luật, khuôn khổ….và nó có phù hợp với mong muốn, tính cách của bạn hay không.
Xem xét điều kiện kinh tế, tài chính của bản thân
Bước tiếp theo chính là việc xem xét đến điều kiện kinh tế tài chính của gia đình, vì việc học không đơn giản là 1,2 tháng mà là cả một quá trình kéo dài 3-4 năm và chi phí, cả học phí và các chi phí sinh hoạt, ăn ở không phải là một con số nhỏ. Bạn cần xem xét khả năng kinh tế của gia đình để chọn được một ngôi trường phù hợp hơn, hay nỗ lực để đạt được học bổng... để tiếp tục việc học của bản thân.
Lập danh sách đánh giá các trường đào tạo
Như đã đề cập ở trên, một ngành học có rất nhiều trường đào tạo nên bạn cần lập một danh sách các trường bạn sẽ xem xét học và một danh sách các tiêu chí để chấm điểm cũng như so sánh chọn lựa. Việc chấm điểm dựa trên một số tiêu chí như học phí, học bổng, chất lượng đào tạo... sẽ giúp cho bạn có được góc nhìn khách quan, sự đánh giá được mức độ phù hợp một cách rõ ràng.
Các tiêu chí thông thường là điều kiện đầu vào, cơ sở vật chất của trường, chương trình đào tạo, giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, các câu lạc bộ học thuật, hoạt động ngoại khoá, học phí, học bổng, văn hoá của Nhà trường, uy tín của Nhà trường, khoảng cách di chuyển từ nhà, kí túc xá, phương tiện di chuyển đi học, cơ hội làm thêm, hoạt động hỗ trợ việc làm trong và sau tốt nghiệp, cơ hội chuyển tiếp học tại nước ngoài, cơ hội học lên các trình độ cao hơn…Các bạn có thể dùng thang điểm 1-5 hoặc 1-10 để đánh giá sự phù hợp của bản thân với Nhà trường cho từng tiêu chí, sau đó cộng lại. Về nguyên tắc, Trường nào có tổng điểm cao hơn sẽ phù hợp với bạn hơn.

Đưa ra quyết định và có phương án dự phòng
Sau khi hoàn thành tất cả các bước trên, chúng mình cùng nhau đi đến bước cuối cùng là ra quyết định, ngôi trường đáp ứng được gần như tất cả các tiêu chí mà bạn đề ra thì không còn gì để tranh luận bởi đó là ngôi trường phù hợp với bạn nhất cho đến hiện tại. Tuy nhiên không thể hoàn toàn chủ quan đưa một phương án vào “hồ sơ đăng ký” bạn nhé, mà cần có hai hoặc ba phương án dự phòng tránh trường hợp trở nên bị động khi “nguyện vọng 1” không như mong đợi.
2. Một số lưu ý khi chọn trường
Thời gian và hình thức nhận hồ sơ của các trường
Mỗi trường đều có một khoảng thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển khác nhau nên bạn cần lưu ý thời gian nộp hồ sơ để tránh vụt mất khi cơ hội mà đó chắc chắn đã là của bạn. Bên cạnh đó, hiện nay hình thức nộp hồ sơ cũng ngày càng đa dạng, không cần phải đi đến tận trường để thực hiện mà có thể thực hiện thông qua bưu điện, trực tuyến,... nên bạn cần phải chú ý hơn về thời gian và hình thức mà mình nộp hồ sơ nhé.
Thông tin, nguồn thông tin
Thông tin là một vấn đề thiết yếu mà bạn cần có để đánh giá quyết định của mình, với thời đại 4.0 hiện nay bạn có thể thu thập thông tin dễ dàng tuy nhiên nhược điểm đó là có những nguồn thông tin không chính thống, cung cấp thông tin sai lệch,... nên bạn hãy chú ý về nguồn thông tin bạn nhận được là từ trang thông tin nào nhé.
Bên cạnh thông tin từ mạng xã hội, hãy thu thập thông tin từ phụ huynh, thầy cô hoặc những anh chị từng học hoặc giảng viên tại trường đó... để có thêm nhiều góc nhìn hơn nữa.
Sai lầm hay mắc phải
Mình xin đưa ra những sai lầm đa số chúng ta dễ mắc phải:
- Bạn không tích cực, chủ động trong việc chọn trường, bạn phó mặc cho bố mẹ hoặc theo xu hướng của bạn bè dẫn đến việc tương thích giữa bạn và trường học gần như là bằng không, khi học dễ chá nản, bỏ cuộc
- Bạn không định hướng ngành học trước, chỉ muốn vào học Trường nào đó, ngành nào cũng được.
- Bạn không xem xét kĩ yếu tố khác như năng lực, kinh tế gia đình, chất lượng đào tạo, văn hoá Nhà trường... khi chọn trường.
Mình mong rằng những ý kiến trên sẽ giúp ích được các bạn trong quá trình chọn lựa ngôi trường gắn bó với mình trong quá trình học và vào được ngôi trường “phù hợp nhất” với bạn nhé.
Thuỳ Vân

Làm việc nhóm hiệu quả

Sinh viên nên làm thêm thế nào cho hiệu quả?

So sánh Google Search và ChatGPT

Gần gũi ngành nghề - Sâu xa tính cách

Chọn ngành sở trường, né ngành sở đoản

Làm việc nhóm hiệu quả
