Tạo bài viết thảo luận

Trong suốt thời gian thực hiện công tác hướng nghiệp cho các bạn học sinh, tôi nhận thấy rất nhiều bạn bị lo lắng thậm chí trầm cảm. Sự lo lắng này bắt nguồn từ việc các bạn cảm thấy áp lực, bị ép non khi thời hạn phải chọn một ngành học đang tới gần. Các bạn đang ở tuổi mà ông bà ta hay nói “ăn chưa no, lo chưa tới”. Vì vậy, khi bắt buộc phải đưa ra lựa chọn ảnh hưởng lớn đến tương lai, nhiều bạn sẽ lo lắng, nhắm mắt đưa chân, chọn đại một ngành hoặc sẽ chọn ngành “hot” theo dư luận, chọn theo ý muốn của gia đình và theo bạn bè của mình. Hệ lụy của việc chọn sai ngành như chúng ta đã biết, gây thiệt hại rất lớn cho bản thân các bạn và cho cả xã hội.

Vậy, vấn đề tôi muốn đặt ra là các bạn học sinh cấp ba có đủ khả năng để tự hướng nghiệp hay nói cách khác là tự quyết định được một ngành nghề phù hợp với bản thân không. Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời nhé! 

1. Đi từ lý thuyết về hướng nghiệp....

Chúng ta hãy xem xét định nghĩa về hướng nghiệp được chấp nhận rộng rãi hiện nay của UNESCO 

“Hướng nghiệp là một quá trình cung cấp cho người học những thông tin về bản thân, về thị trường lao động và định hướng cho người học có các quyết định đúng đối với sự lựa chọn nghề nghiệp”.

Định nghĩa này cũng đã xác định rõ mục đích cuối cùng của hướng nghiệp là giúp người học tự đưa ra quyết định. Các đơn vị, cá nhân khác như nhà trường, các nhà tư vấn - tham vấn hướng nghiệp, các trung tâm dự báo nguồn nhân lực, thầy cô, cha mẹ, bạn bè, ...sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin bao gồm phương pháp tìm hiểu bản thân, phương pháp lựa chọn nghề nghiệp, thế giới nghề và đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề. Đồng thời giới thiệu những ngành nghề mà xã hội và địa phương đang có nhu cầu nhân lực hàng năm. Từ đó, học sinh lựa chọn được những nghề để học và làm đáp ứng nhu của thị trường lao động. Học sinh sẽ là người quyết định, các cá nhân khác không thể quyết định thay cho họ.

Chúng ta xem thêm một lý thuyết nữa về mô hình cá nhân hoá của Tiedeman (individualistic model). Theo đó, cá nhân lựa chọn nghề nghiệp như thế nào gắn chặt với việc xác định bản sắc cái tôi của mình. Cá nhân hoàn toàn có năng lực lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân mình. Việc lựa chọn nghề nghiệp, tuy là một quá trình liên tục và có thể được diễn ra ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời nhưng mỗi cá nhân phải tự đưa ra những quyết định liên quan đến nghề nghiệp tại những thời điểm cụ thể.

Như vậy, từ định nghĩa hướng nghiệp và lý thuyết của Tiedeman cũng đã nêu rõ, người học có trách nhiệm và hoàn toàn có khả năng tự lựa chọn nghề nghiệp.

Định nghĩa và lý thuyết hướng nghiệp cho thấy quyết định ngành học là quyền và trách nhiệm của cá nhân

2…Đến thực tế trong công tác hướng nghiệp

Thực tế tại các nước phát triển đã cho thấy, học sinh cấp ba đã có sự tự lập, tự chủ từ rất sớm và với việc quy trình hướng nghiệp cho học sinh từ rất sớm, học sinh cấp ba đã có thể quyết định con đường đi cho riêng mình.

Tại Việt Nam, tôi xin lấy ví dụ từ chính dự án Believe in Yourself của Hướng nghiệp 4.0 CDM thực hiện năm 2022.  Đến tháng 5/2022, khi chúng tôi hoàn thành 72 ca tham vấn trong dự án thì đã có 70/72 bạn tham gia chọn được ngành nghề cho mình. Chúng tôi nhận thấy ở buổi tham vấn đầu tiên, nhiều bạn rất rụt rè khi thể hiện bản thân, bạn chưa biết mình mạnh điểm gì, thích gì và thiếu nhiều thông tin về ngành nghề, thị trường lao động. Nhưng ở các buổi tiếp sau, các bạn đã thoải mái chia sẻ, tìm hiểu thông tin và các nhận định về bản thân, về thị trường lao động để cuối cùng đưa ra quyết định cho mình.  Sự thay đổi này đến từ việc các bạn không gặp nhiều khó khăn khi hiểu và thực hiện về các bước của quy trình tự hướng nghiệp, gồm 5  bước chính: (B1)Tìm hiểu bản thân: sở thích và điểm mạnh, điểm yếu của bản thân qua trắc nghiệm và bộ câu hỏi; (B2) Tìm hiểu các giá trị nghề nghiệp; (B3) Đối chiếu lại kết quả qua tham vấn với chuyên gia và tự đánh giá; (B4) Tìm hiểu, mô tả các ngành nghề quan tâm, đặc biệt là các yêu cầu, các điểm thú vị của ngành nghề; (B5) Đối chiếu, lập bảng tiêu chí chọn ngành, chọn nghề; (B6) Ra quyết định. 

Việc tự hướng nghiệp đối với nhiều bạn ban đầu “như đi trong sương mù”, không biết bắt đầu từ đâu, nhưng với sự hướng dẫn từng bước như một em bé tập lật, tập bò, tập đi, tập chạy, tập đi xe máy, xe ô tô.... các bạn đã thấy một con đường rõ ràng, biết được mình cần và phải làm gì. 

Trong quá trình tìm hiểu bản thân, với các công cụ - phương pháp khoa học, rõ ràng, bổ trợ cho nhau, các bạn đã tương đổi xác định được lĩnh vực mình yêu thích, có thế mạnh. Điểm khó khăn nhất chúng tôi nhận thấy là nhiều bạn thiếu trải nghiệm. Ví dụ như bạn học sinh rất yêu thích thiết kế thời trang nhưng bạn chưa bao giờ tự phác thảo một bộ trang phục, chưa thử may đồ, bạn cũng chưa học vẽ, bạn cũng chưa thể hiện gu thời trang, thẩm mỹ ăn mặc qua cách ăn mặc của bản thân hay tư vấn cách ăn mặc cho bạn bè. Trường hợp này bản thân bạn khó xác định sự phù hợp về năng lực và tố chất cần thiết giữa bạn và ngành thiết kế thời trang. Ngược lại, nếu còn đủ thời gian tìm hiểu thêm và có điều kiện trải nghiệm chúng tôi tin bạn sẽ xác định được mình có đam mê và đủ năng lực theo đuổi việc trở thành một nhà thiết kế thời trang trong tương lai hay không.

Vì vậy, chúng tôi luôn khuyến khích việc tự hướng nghiệp từ sớm. Điều này giúp quá trình tự hướng nghiệp đạt hiệu quả cao hơn. Các bạn có đủ thời gian suy nghĩ, tự chiêm nghiệm, đối chiếu bản thân, tham khảo ý kiến người thân, bạn bè, các anh chị sinh viên và các chuyên gia và tự trải nghiệm. Quá trình này cũng cần sự giúp sức từ nhiều phía, trách nhiệm hỗ trợ thuộc về gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Tuy nhiên, có thể khẳng định các bạn học sinh biết và hiểu được phương pháp chọn ngành nghề thì việc có quyết định đúng đắn trong lựa chọn nghề nghiệp là hoàn toàn khả thi.

Học sinh hoàn toàn có thể tự hướng nghiệp dưới sự hỗ trợ từ nhiều phía

3. Tại sao học sinh nên tự hướng nghiệp? 

Vì việc tự hướng nghiệp đem lại nhiều lợi ích, tôi xin đưa ra hai lợi ích chính

3.1 Tăng khả năng chọn được ngành nghề phù hợp

Không ai hiểu mình bằng chính bản thân mình. Bản thân mình sẽ biết được các khát khao, mơ ước và năng lực của bản thân. Người ngoài có thể giúp các bạn trong quá trình đi tìm ra các điểm này, họ cũng giúp đưa ra các nhận xét về các bạn  nhưng để đối chiếu và khẳng định về sở thích, năng lực, giá trị nghề nghiệp, với thái độ khách quan, không né tránh, các bạn sẽ là người đưa ra nhận định chính xác nhất.

Học sinh sẽ có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình: khi việc quyết định chọn ngành, nghề là trách nhiệm của học sinh, đi cùng với áp lực thì ý thức trách nhiệm sẽ tăng lên. Các bạn sẽ có có động lực để chủ động tìm kiếm thông tin về bản thân, ngành nghề cũng như cẩn trọng hơn trong các quyết định của mình. 

3.2 Tạo động lực giúp học sinh có thể vượt qua khó khăn và tăng khả năng thành công trong cuộc sống

Bất kỳ ngành nghề nào cũng có những khó khăn, thử thách trong việc học, công việc sau khi tốt nghiệp. Khi đã xác định đây là ngành nghề phù hợp, điều này sẽ giúp bạn nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê vượt qua các trở ngại. Bạn sẽ lên kế hoạch học tập hiệu quả hơn, bạn biết rõ mình cần trau dồi những gì, do đó tiết kiệm được thời gian và tiền bạc đầu tư. Tất cả vì bạn hiểu rằng, đây là ngành nghề bạn đã cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn, là ngành nghề giúp bạn phát huy các tiềm năng, bạn hoàn toàn có thể làm tốt và sẽ thành công.

Sau đây là chia sẻ của bạn Huỳnh Tuyết Anh, sinh viên năm tư của một trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh về những khó khăn và thuận lợi khi tự lựa chọn ngành học cho mình 

Vì ngành học em chọn là một ngành học khá mới - Quản trị công nghệ truyền thông - nên cũng có bất cập trong quá trình tìm hiểu kỹ càng về ngành mình muốn học. Thời điểm em học lớp 12, kết quả tìm hiểu về ngành học này tại Việt Nam trên các công cụ tìm kiếm còn ít thông tin. Kể cả khi em hỏi các anh chị cựu học sinh đã lựa chọn ngành này để xin thêm kinh nghiệm cũng có khá nhiều khó khăn vì có rất ít người học và biết về ngành. 

Em cũng đã có một chút khó khăn trong việc trao đổi với ba mẹ về quyết định lựa chọn ngành em mong muốn, vì thật sự em chỉ có thể chia sẻ với ba mẹ những ưu điểm và khuyết điểm khi em lựa chọn ngành học này thay vì ngành học khác. Đồng thời em cũng đã thuyết phục ba mẹ bằng một lời hứa, rằng: “Con sẽ không hối hận khi lựa chọn, ba mẹ hãy tin con.” Kèm với đó em cũng minh chứng cho sự quyết tâm của mình bằng việc phải rất cố gắng rất nhiều để đạt được điểm số cao cho ba mẹ cảm thấy an tâm hơn về quyết định chọn ngành của em lúc đó.

Đến bây giờ em đã là sinh viên năm tư của ngành, em đã không hối hận cho quyết định của mình. Em đã có thể chắc rằng em đã rất hạnh phúc khi được học và đồng hành cùng nó cho cả quãng đời sinh viên của mình. Đây có thể xem là lợi ích lớn nhất và đầu tiên mà em có được khi em tự đưa ra quyết định và lựa chọn ngành học cho chính mình vì em nghĩ bản thân mình sẽ hiểu rõ nhất mình thích gì và mình muốn theo đuổi điều gì.

Về lợi ích thứ hai khi tự chọn ngành học cho mình chắc là em đã không bỏ lỡ bất kì giờ học hay môn học nào. Vì gần như tất cả các môn học em đều yêu thích, và khi được làm điều mình thích thì mình sẽ không có cảm giác như mình đang bị gò bó hay bị bắt buộc, thay vào đó em đã luôn được tự do sáng tạo và tìm tòi những điều mình đam mê. Điều đó khiến em nhận ra đây là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong đời và quyết tâm theo đuổi nó đến cùng.”

Việc tự lựa chọn nghề nghiệp đem lại nhiều lợi ích trên con đường trưởng thành của các bạn trẻ

4. Vậy nếu như bạn chọn sai ngành thì sao?

Dù không mong muốn, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể chọn sai ngành do các hạn chế chủ quan và khách quan: do chúng ta nhận định sai về bản thân, do ta chưa hiểu rõ về đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề, nhu cầu của thị trường lao động, do bản thân ta đã trưởng thành và thay đổi suy nghĩ...

Tôi cho rằng, dù thời gian đầu khi nhận ra chọn sai ngành, ai cũng thường cảm thấy chán nản, bất lực, bế tắc và mất niềm tin vào chính mình nhưng với các bạn đã nắm rõ quy trình tự hướng nghiệp, các bạn sẽ dũng cảm đối đầu, lựa chọn chịu trách nhiệm với quyết định của mình, sửa sai và làm cho nó tốt lên. Đặc biệt, các bạn có thể áp dụng phương pháp tự hướng nghiệp đã biết để tìm cho mình một ngành nghề phù hợp hơn trong hi rất nhiều các bạn khác dù biết mình chọn sai ngành nhưung lại không trả lời được câu hỏi “ Vậy rốt cuộc ngành nghề/những ngành nghề nào là phù hợp của tôi? 

Chúng tôi gọi đó là nhận ra sai lầm và sửa sai một cách chủ động. Đây cũng sẽ là một bài học trong quá trình trưởng thành, chuẩn bị cho tương lai, khi chúng ta gặp nhiều ngã rẽ, chúng ta phải đưa ra quyết định.

Học sinh cần tự tin và chủ động ngay cả khi phát hiện mình đã chọn sai ngành học

5. Tổng kết

Chúng tôi, những người làm công tác hướng nghiệp có đủ cơ sở để tin rằng các bạn học sinh nên và hoàn toàn có khả năng quyết định ngành học cho mình. Điều các bạn học sinh cần là được hướng dẫn, cung cấp thông tin một cách đúng đắn, đầy đủ cũng như xây dựng cho các bạn sự tự tin trong quá trình tự hướng nghiệp. Thực hiện đúng phương pháp, các bạn sẽ chọn được ngành nghề phù hợp để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Ở các bài viết sau, chúng tôi sẽ đi sâu vào quy trình tự hướng nghiệp, giúp các bạn học sinh có thể tự thực hiện. Hãy cùng đồng hành cùng chúng tôi nhé.

Kim Tuyến

Tạo bài viết thảo luận
NHỮNG ĐỊNH KIẾN VỀ KHỐI NGÀNH XÃ HỘI VÀ SỰ THẬT

NHỮNG ĐỊNH KIẾN VỀ KHỐI NGÀNH XÃ HỘI VÀ SỰ THẬT

27-05-2022
Học gì cho hay giữa ngày phong tỏa?

Học gì cho hay giữa ngày phong tỏa?

14-09-2021
Hướng nghiệp và tầm quan trọng của hướng nghiệp

Hướng nghiệp và tầm quan trọng của hướng nghiệp

25-02-2023
[Trắc nghiệm] Trắc nghiệm đa trí thông minh MI (Multiple Intelligences)

[Trắc nghiệm] Trắc nghiệm đa trí thông minh MI (Multiple Intelligences)

02-12-2022
Giáo sư Harvard cho rằng có 8 loại hình trí thông minh. Đọc để biết bạn nằm ở mục nào, có chuyên môn gì, xây dựng sự nghiệp ra sao

Giáo sư Harvard cho rằng có 8 loại hình trí thông minh. Đọc để biết bạn nằm ở mục nào, có chuyên môn gì, xây dựng sự nghiệp ra sao

19-09-2021
SỬ DỤNG CỬA SỐ JOHARI ĐỂ KHÁM PHÁ BẢN THÂN TRONG TỰ HƯỚNG NGHIỆP

SỬ DỤNG CỬA SỐ JOHARI ĐỂ KHÁM PHÁ BẢN THÂN TRONG TỰ HƯỚNG NGHIỆP

25-02-2022