Tạo bài viết thảo luận

Bạn có biết đến năm 2022, Việt Nam hiện, đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), gia nhập các siêu hiệp định như Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương và FTA với Liên minh châu Âu, 15 năm gia nhập WTO, 24 năm gia nhập APEC, 27 năm gia nhập ASEAN. Dấu ấn gia nhập WTO được ghi nhận rõ nét trong việc đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục kể từ 2016 đến nay.

Cùng với cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa đã trở thành xu hướng tất yếu của thời đại. Toàn cầu hoá mở ra cơ hội phát triển cho các quốc gia nhất là với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Toàn cầu hoá cũng yêu cầu phải có lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, khả năng ngoại ngữ và thái độ phù hợp với tình hình mới và đặc biệt là yêu cầu phải có lực lượng nhân lực phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế. Nhu cầu này đã làm nảy sinh nhu cầu đào tạo Ngành Kinh doanh quốc tế.

Hãy cùng Hướng nghiệp CDM tìm hiểu về ngành Kinh doanh quốc tế, sự khác biệt ngành này so với kinh tế quốc tế, thuận lợi và khó khăn về cơ hội việc làm, sinh viên ngành kinh doanh quốc tế cần những kỹ năng gì để tăng độ cạnh tranh, vị trí việc làm ngành kinh doanh quốc tế,  kinh doanh quốc tế học những gì và học ở đâu nhé!

1.Ngành Kinh doanh quốc tế là gì

Ngành Kinh doanh quốc tế/Quản trị kinh doanh quốc tế là ngành thuộc lĩnh vực quản trị, nghiên cứu những vấn đề về phân phối và sử dụng các nguồn lực, tài nguyên của doanh nghiệp trong việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, chuyển đổi tiền tệ và thanh toán giữa các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau nhằm tối đa hoá lợi ích đạt được.

Hay nói cách khác, Kinh doanh quốc tế là ngành học về cách vận hành mô hình, phương thức kinh doanh trên phạm vi toàn cầu, quản trị nguồn nhân lực quốc tế, nghiên cứu thị trường, xây dựng chương trình truyền thông và hệ thống phân phối quốc tế, đàm phán kinh doanh trong môi trường toàn cầu, marketing quốc tế, quản trị dự án quốc tế, cách thức xâm nhập thị trường nước ngoài, đầu tư quốc tế…

Cụ thể, ngành Kinh doanh quốc tế cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng sau: 

  • Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, kinh tế, nhân khẩu, công nghệ, văn hoá đến hoạt động của doanh nghiệp trong toàn cầu hoá.
  • Xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế.
  • Cách thức quản lý, vận dụng các nguồn lực trong doanh nghiệp (tài chính, con người, công nghệ) tối ưu khi tham gia kinh doanh quốc tế,
  • Phân tích tài chính doanh nghiệp, thị trường ngoại hối và các thị trường tài chính quốc tế khác, nắm rõ các quy trình thanh toán quốc tế, các phương pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái.
  • Thành thạo các nghiệp vụ trong chuỗi cung ứng toàn cầu (vận tải, thủ tục xuất nhập khẩu), các quy trình sản xuất khi tham gia chuỗi cung ứng,
  • Nắm rõ luật pháp, quy tắc trong thương mại – đầu tư quốc tế.

Phân biệt ngành kinh doanh quốc tế và kinh tế quốc tế

Hai ngành này có sự tương đồng khá lớn. Tuy nhiên kinh tế quốc tế tập trung vào các vấn đề mang tầm vĩ mô (quy mô quốc gia), còn kinh doanh quốc tế chú trọng vào các vấn đề vi mô (quy mô doanh nghiệp).

Ngành Kinh doanh quốc tế là ngành thuộc lĩnh vực quản trị

2. Triển vọng của ngành Kinh doanh quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng ta, là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động, tích vực tham gia vào các tổ chức kinh tế đa phương và khu vực, với các dấu mốc quan trọng như: gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN - năm 1995); là thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế Á – Âu (ASEM - năm 1998); trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC – năm 1998) và đặc biệt là gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO - năm 2007), đánh dấu sự hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.

Đến nay, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước, có quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ.với hơn hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng được mở rộng, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu liên tiếp 6 năm.

Báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2021 của WTO ghi nhận Việt Nam lọt vào tốp 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng là điểm sáng của Việt Nam. Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) lớn thứ 3 trong khu vực  vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, góp phần chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu từ nguyên liệu thô, khoáng sản sang công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao.

Những thành tựu trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế toàn cầu hoá đã dẫn đến nhu cầu nhân lực cao trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế.

3.Ngành Kinh doanh quốc tế ra làm gì

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm đa dạng ở nhiều lĩnh vực và vị trí khác nhau như quản lý doanh nghiệp, kinh doanh, tài chính, marketing, nhân sự, logistics, chuỗi cung ứng…

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại:

  • Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ hoặc đầu tư ra nước ngoài.
  • Các hãng hàng không, hãng tàu, doanh nghiệp kê khai xuất nhập khẩu và các  doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực Logistics. Xem thêm về các doanh nghiệp Logistics tại đây.
  • Các văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các văn phòng đại diện của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh.
  • Các tập đoàn, công ty đa quốc gia (MNC).
  • Các quỹ đầu tư quốc tế.
  • Văn phòng các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế tại Việt Nam: WB, IMF, ADB…
  • Các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
  • Các ngân hàng (bộ phận thanh toán quốc tế, đầu tư hoặc kinh doanh tiền tệ).
  • Các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh quốc tế.
  • Các trường đại học, viện nghiên cứu.

Các vị trí có thể đảm nhận 

  • Chuyên viên  tư vấn quản trị kinh doanh quốc tế.
  • Chuyên viên hoạch định tài chính quốc tế.
  • Chuyên viên nghiên cứu thị trường quốc tế.
  • Chuyên viên Marketing quốc tế.
  • Chuyên viên quản trị chuỗi cung ứng.
  • Chuyên viên đầu tư quốc tế.
  • Chuyên viên xúc tiến thương mại.
  • Chuyên viên xuất nhập khẩu.
  • Chuyên viên kinh doanh cước tàu biển, hàng không.
  • Chuyên viên mua hàng (Purchasing Official).
  • Chuyên viên hiện trường (Ops).
  • Chuyên viên Phòng Thương mại/Quan hệ đối ngoại.
  • Chuyên viên Thanh toán quốc tế.
  • Chuyên viên Tài chính Quốc tế.
  • Chuyên viên Quản trị nhân sự quốc tế (đa văn hoá).
  • Chuyên viên kinh doanh ngoại tệ.
  • Chuyên gia pháp lý về thương mại quốc tế.
  • Chuyên viên nghiên cứu, hoạch định chính sách (tại các cơ quan quản lý nhà nước.
  • Đại diện thương mại của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam ở nước ngoài.
  • Chuyên viên hải quan.

Cơ hội việc làm của ngành kinh doanh quốc tế rất rộng, môi trường năng động, nếu làm việc tại các công ty đa quốc gia thường có thu nhập - phúc lợi cao, quy trình làm việc được chuẩn hóa toàn cầu, lộ trình thăng tiến, học tập cho nhân viên được công bố minh bạch. Đó là sức hút rất lớn đối với nhân sự ngành Kinh doanh quốc tế.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ sự cạnh tranh trong ngành cũng rất lớn đến từ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế và cả những ngành gần như: Quản trị kinh doanh, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Quản trị nguồn nhân lực, Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng. Do vậy, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế cần thể hiện được phẩm chất chuyên môn đặc thù của ngành học đó là "kinh doanh" và "quốc tế" thì mới có cơ hội tìm được việc làm phù hợp. Phẩm chất “kinh doanh” là kiến thức vững, sáng tạo, linh hoạt, tự tin, khả năng lãnh đạo; phẩm chất “quốc tế” là có kỹ năng ngoại ngữ, tin học ứng dụng,  giao tiếp, khả năng tư duy độc lập, làm việc nhóm,  phản biện, có ý thức về môi trường và cộng đồng,

Theo nhiều sinh viên chia sẻ, học kinh doanh quốc tế nghe sang chảnh nhưng công việc được tuyển dụng nhiều nhất cho các sinh viên chưa có kinh nghiệm là làm chuyên viên kinh doanh (sales). Dù vậy, đây là điều bình thường, sau khi tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức, kỹ năng, bạn mới có thể tiến lên những vị trí cao hơn. 

Toàn cầu hoá và sự hội nhập mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế

4. Một số kỹ năng cần có để thành công trong ngành kinh quốc tế

Tuỳ theo vị trí việc làm sẽ cần những kiến thức, kỹ năng riêng. Tuy nhiên, nhìn chung, nhân sự ngành Kinh doanh quốc tế cần

  • Kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề. 
  • Kỹ năng tư duy có hệ thống, sáng tạo. 
  • Kỹ năng tư duy phản biện.
  • Kỹ năng giao tiếp và làm việc với đối tác, khách hàng, đồng nghiệp ở các quốc gia, môi trường đa văn hóa.
  • Kỹ năng ngoại ngữ: đây là kỹ năng không thể thiếu. Ngoài yêu cầu bắt buộc thành thạo tiếng Anh, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế nên đầu tư thêm ít nhất một ngoại ngữ nữa để có lợi thế khi tìm việc.
Nhân sự ngành Kinh doanh quốc tế cần kỹ năng ngaoị ngữ, giao tiếp trong môi trường đa văn hoá

5. Ngành Kinh doanh quốc tế học những gì

Các môn học tiêu biểu: Kinh tế quốc tế; Marketing quốc tế; Thương mại điện tử; Nghiên cứu thị trường; Quản trị Xuất Nhập Khẩu; Nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu; Quản trị nhân Sự quốc tế; Kinh Doanh quốc tế; Quản lý Hệ thống thông tin; Thống kê ứng dụng; Logistics quốc tế; Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế; Quản trị tài chính quốc tế; Quản trị chiến lược trong môi trường toàn cầu; Thanh toán quốc tế; Luật pháp trong kinh doanh quốc tế; Đầu tư quốc tế; Đạo đức kinh doanh và văn hoá doanh nghiệp; Quản trị rủi ro; Khởi sự doanh nghiệp; Tiếng Anh chuyên ngành.

6. Các trường đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế trình độ đại học

Khu vực miền Bắc

  • Trường Đại học Ngoại thương.
  • Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  • Trường Đại học Thương mại.
  • Trường Đại học FPT.
  • Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ.
  • Trường Đại học Ngân hàng.
  • Trường Khoa Quốc tế – ĐHQGHN.
  • Trường Đại học Tài Chính – Quản Trị Kinh Doanh.
  • Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên.
  • Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh – Đại Học Thái Nguyên.

Khu vực miền Trung

  • Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Phan Thiết.
  • Trường Đại học Tài chính kế toán (Quảng Ngãi).
  • Trường Đại học Duy Tân.

Khu vực miền Nam 

  • Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
  • Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2).
  • Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM.
  • Trường Đại học RMIT.
  • Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (ngành Thương mại Quốc tế).
  • Trường Đại học Hoa Sen .
  • Trường Đại học Văn Lang.
  • Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học.
  • Trường Đại học Cần Thơ.
  • Trường Đại học Mở TP.HCM.
  • Trường Đại học Sài Gòn.
  • Trường Đại học Công nghệ TP.HCM.
  • Trường Đại học Tây Đô.
  • Trường Đại học Công nghệ Miền Đông.

Kim Tuyến tổng hợp

Tạo bài viết thảo luận
Bất động sản

Bất động sản

15-10-2021
Ngành Thương mại điện tử

Ngành Thương mại điện tử

15-04-2022
Quản trị kinh doanh

Quản trị kinh doanh

15-10-2021
Ngành Quản trị Hàng không

Ngành Quản trị Hàng không

14-06-2022
Ngành Quản trị sự kiện

Ngành Quản trị sự kiện

03-10-2021