Tạo bài viết thảo luận

Bạn đã rất hâm mộ các nhân vật thẩm phán, luật sư thông minh, dũng cảm đấu tranh vì lẽ phải, bảo vệ người vô tội, chống lại cái ác trong các bộ phim Bao Thanh Thiên, Toà án lương tâm, Đôi tai ngoại cảm, Luật sư Vicenzo, Người đàm phán,…

Ngoài ra, bạn có biết Lê-nin, Fidel Castro (Chủ tịch Cuba), Putin (Tổng thống Liên bang Nga), Tony Blair (Thủ tướng Anh), Bill Clinton (nguyên Tổng thống Hoa Kỳ) và nhiều vị lãnh đạo của Việt Nam đều đã từng học luật.

Nếu bạn quan tâm và mong muốn dùng pháp luật để bảo vệ lẽ phải và có được một sự nghiệp thành công, ngành Luật nói chung và Luật kinh tế nói riêng là một lựa chọn đáng cân nhắc.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu xem ngành Luật kinh tế là gì? Triển vọng việc làm ra sao? Học luật kinh tế có phải sẽ ra làm luật sư? Các vị trí việc làm như thế nào? Học Luật kinh tế cần những tố chất gì? Học những gì? Các trường đào tạo ngành Luật kinh tế trình độ đại học.

1.Ngành Luật kinh tế là gì

Luật kinh tế (Economic Law/Law in Economic) là ngành học nghiên cứu hệ thống các quy phạm pháp luật trong các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế. Các quy phạm pháp luật này có mục đích giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, thương mại, tài chính – ngân hàng, đầu tư của các chủ thể kinh doanh cả trong lẫn ngoài nước.

Luật kinh tế điều chỉnh hai nhóm quan hệ xã hội. Một là quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế với các doanh nghiệp và hai là quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau. Bên cạnh đó, Luật kinh tế còn điều chỉnh các quan hệ kinh tế nội bộ giữa các bộ phận cấu thành của một doanh nghiệp. 

Không có bộ luật có tên là Bộ Luật Kinh tế, các quy phạm pháp luật về lĩnh vực kinh tế sẽ nằm trong nhiều bộ luật và các văn bản hướng dẫn thi hành khác như: Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Kế toán, Luật Đất đai, Luật Sở hữu trí tuệ, công ước quốc tế…

Sự khác nhau giữa ngành Luật học và Luật kinh tế

Ngành Luật học cung cấp các kiến thức tổng quát về tất cả các lĩnh vực luật như hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình….còn ngành Luật kinh tế tuy cũng cung cấp những kiến thức chung về luật nhưng (như đã nói ở trên) chỉ tập trung nghiên cứu các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế.

2. Triển vọng của ngành Luật kinh tế 

Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2021 của Tổng cục Thống kêtính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có gần 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh 15,3 nghìn hợp tác xã, gần 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; số đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị; số đơn vị hiệp hội, tổ chức phi chính phủ gần 6,5 nghìn đơn vị. Các doanh nghiệp hay các đơn vị này với các hoạt động trong nội bộ doanh nghiệp, các tương tác giữa các doanh nghiệp với nhau, với cơ quan quản lý nhà nước đều cần nhân lực ngành Luật kinh tế trong nhiều vai trò khác nhau.

Ngoài ra, trong xu thế hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, các hoạt động đầu tư, thương mại, tài chính đã vượt ra biên giới của quốc gia với nhiều quy định, quy ước khác nhau. Những tranh chấp, khó khăn, thua kiện thậm chí bị lừa đảo của doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong thời gian qua do kém hiểu biết pháp luật rất phổ biến. Các vụ kiện về chống trợ cấp, chống bán phá giá…diễn ra ngày càng thường xuyên. Nhu cầu nhân lực hiểu biết về pháp lý khi hội nhập là hết sức cần thiết để đảm bảo hoạt động đúng luật pháp trong nước và quốc tế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khi Việt Nam vươn mình ra biển lớn AEC, APEC, WTO…Đặc biệt, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào “sân chơi Việt Nam” hầu như đều cần đến nhân sự pháp lý người Việt để thuận lợi gia nhập “cuộc chơi”.

Riêng về chức danh luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/9/2021, cả nước có 16.134 luật sư, trên 4.000 tổ chức hành nghề luật sư. Số người tập sự hành nghề luật sư hiện nay có trên 5.000 người. Số lượng Luật sư ở Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Với dân số hơn 97 triệu người, trung bình gần 6.500 người dân mới có một luật sư. Tỷ lệ này còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới (Singapore tỷ lệ 1/890; Malaysia tỷ lệ 1/1.588; Hoa Kỳ tỷ lệ 1/243…). 

Do vậy nhu cầu nhân lực ngành Luật kinh tế nói chung và nhu cầu luật sư được dự báo tăng cao trong thời gian tới. 

Nhu cầu nhân lực ngành Luật kinh tế nói chung và nhu cầu luật sư được dự báo tăng cao trong thời gian tới. Ảnh: Karolina Grabowska (pexels.com)

3.Cơ hội việc làm ngành Luật kinh tế 

Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật kinh tế có thể có các cơ hội việc làm sau: 

  • Làm việc tại các toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân các cấp với các vị trí: chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thư kí toà, kiểm sát viên, kiểm tra viên, chấp hành viên, công chức viên. Tất nhiên, để bổ nhiệm các vị trí cần các điều kiện về thời gian làm việc trong ngành, chứng chỉ hoặc trải qua thi tuyển.
  • Làm việc tại các cơ quan hành pháp từ trung ương đến địa phương: công chức trong uỷ ban nhân dân các cấp, các Bộ, Sở, phòng liên quan. Đây cũng là ngành phù hợp với các bạn muốn làm trong các cơ quan quản lý nhà nước.
  • Làm việc tại bộ phận pháp chế trong các doanh nghiệp, ngân hàng, quỹ đầu tư và tất cả các loại hình doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiệm vụ: tham gia đàm phán, thương thảo các hợp đồng quan trọng của doanh nghiệp với các đối tác trong kinh doanh; thẩm định các dự thảo thoả thuận, các hợp đồng hợp tác, các dự án đầu tư để đảm bảo không trái pháp luật, điều lệ hoặc có sơ hở, sai sót về mặt pháp luật có thể dẫn đến thiệt hại cho đơn vị; xây dựng các quy định, chính sách, nội bộ cho doanh nghiệp; tham gia hoà giải, giải quyết tranh chấp cho đơn vị; đại diện đơn vị tham gia tố tụng,…Đây là vị trí có nhu cầu nhân lực luật kinh tế cao vì bất kỳ doanh nghiệp nào dù hoạt động trong lĩnh vực nào cũng đều cần đến một bộ phận pháp chế, đảm bảo về mặt pháp luật cho các hoạt động kinh doanh, đồng thời là “cánh tay tham mưu” chiến lược để cạnh tranh lành mạnh, phát triển vững chắc. Các vị trí về thường gặp: chuyên viên pháp chế, chuyên viên tư vấn pháp lý, chuyên viên hỗ trợ pháp lý
  • Làm việc tại bộ phận quản lý nguồn nhân lực (nhân sự) của các doanh nghiệp hoặc bộ phận hành chính văn phòng.
  • Chuyên viên tại các văn phòng luật sư, phòng công chứng
  • Trở thành luật sư: sau khi có bằng cử nhân Luật kinh tế bạn phải học một khóa luật sư tại Học viện Tư pháp. Sau đó thực tập tại văn phòng luật 1 năm và thi chứng chỉ luật sư. Luật sư sẽ cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, tổ chức, bao gồm việc tham gia tố tụng để bào chữa hoặc biện hộ cho bị can, bị cáo, đương sự; tư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức và làm các dịch vụ pháp lý khác.
  • Trở thành công chứng viên: sau khi có bằng cử nhân Luật kinh tế, phải có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức; Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng. Công chứng viên là người chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.
  • Trở thành trọng tài viên: Để trở thành trọng tài viên cần thời gian công tác ít nhất 5 năm sau khi tốt nghiệp. Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc toà án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. 
  • Làm công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các đơn vị Trường, Học viện, Viện nghiên cứu.

Như vậy, có thể nói, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sinh viên tốt nghiệp ngành Luật kinh tế có rất nhiều vị trí có thể đảm nhận khác nhau, không phải chỉ trở thành luật sư như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, một số vị trí sẽ đòi hỏi sinh viên tiếp tục học các chứng chỉ và vượt qua các kỳ thi cũng như phải tích luỹ thời gian làm việc nhất định trong ngành.

Nhân sự ngành luật kinh tế có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau 

4. Tố chất để thành công trong ngành

Ngoài những kỹ năng mềm cần có cho tất cả lao động thời đại mới, kỹ năng ngoại ngữ- tin học, nhân lực ngành Luật kinh tế đặc biệt cần có:

  • Khả năng tư duy logic
  • Khả năng học hỏi không ngừng 
  • Khả năng giải quyết vấn đề

Trái với suy nghĩ của nhiều bạn cho rằng học Luật kinh tế phải học thuộc nhiều, ngành này yêu cầu phải nắm vững những khái niệm, nguyên tắc áp dụng quy phạm pháp luật chung. Phần còn lại sẽ phụ thuộc vào sự phán đoán, tư duy logic của bạn trong việc giải quyết các vấn đề, tình huống cụ thể, cũng như kĩ năng tra cứu luật và các văn bản pháp lí khác…Ngoài ra, do đời sống kinh tế xã hội luôn biến động không ngừng, nhân sự ngành Luật kinh tế không thể cứng nhắc trong khuôn khổ các văn bản được học, đặt ra yêu cầu phải linh hoạt, có khả năng giải quyết vấn đề trong suy nghĩ và tư duy cũng như có cái nhìn tổng quan về ngành tư pháp của nước ta hiện nay

Do đó, có thể khẳng định khả năng học thuộc không quá cần thiết, nhất là khi chúng ta đã có các công cụ hỗ trợ về tra cứu văn bản trong công việc. 

Ngành Luật kinh tế là một ngành được đề xuất cho các bạn nổi trội về nhóm Social (xã hội) trong trắc nghiệm của Holland cân nhắc. Làm khảo sát nghề nghiệp Holland tại đây.

Ngành Luật kinh tế cần khả năng tư duy logic, khả năng học hỏi, khả năng giải quyết vấn đề

5. Ngành Luật Kinh tế học những gì

Sinh viên học ngành Luật kinh tế được cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về pháp luật, thực tiễn pháp lý, pháp luật trong kinh doanh, bao gồm: 

• Kiến thức chuyên môn về tranh tụng trong kinh doanh và giải quyết tranh chấp thông qua quá trình phân xử.

• Kỹ năng tổ chức công việc, tra cứu, cập nhật và phân loại văn bản quy phạm pháp luật.

• Cách thức nghiên cứu và xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp và sự quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Các môn học tiêu biểu: Lý luận về Nhà nước và Pháp luật; Luật hiến pháp; Luật hình sự; Luật Tố tụng hình sự; Luật lao động; Luật hành chính; Luật dân sự; Luật Tố tụng dân sự; Luật đất đai; Công pháp quốc tế; Tư pháp quốc tế; Luật Hôn nhân và gia đình; Xây dựng văn bản pháp luật; Pháp luật về hợp đồng; Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật thuế; Luật cạnh tranh; Pháp luật về thị trường tiền tệ và ngoại hối; Luật Các tổ chức tín dụng; Pháp luật về trọng tài thương mại và thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài; Đạo đức nghề luật; Pháp luật về tài chính doanh nghiệp; Pháp luật về đầu tư tài chính; Kỹ năng tư vấn và bảo vệ quyền lợi đương sự trong tố tụng dân sự,…

6. Các trường đào tạo ngành Luật kinh tế trình độ đại học

Khu vực miền Bắc

  • Trường Đại học Luật Hà Nội
  • Trường Đại học Thương mại
  • Học viện Ngân hàng
  • Trường Đại học Lao động Xã hội
  • Viện Đại học Mở Hà Nội
  • Trường Đại học Đại Nam
  • Trường Đại học Hòa Bình
  • Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội
  • Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
  • Trường Đại học Thành Tây
  • Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên
  • Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị
  • Trường Đại học Kinh Bắc
  • Trường Đại học Trưng Vương
  • Trường Đại học Thành Đông
  • Trường Đại học Phenikaa 

Khu vực miền Trung

  • Trường Đại học Vinh
  • Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Duy Tân
  • Trường Đại học Đông Á
  • Trường Đại học Phan Thiết
  • Trường Đại học Yersin

Khu vực miền Nam

  • Trường Đại học Kinh tế – Luật - Đại học Quốc gia TPHCM
  • Trường Đại học Công nghệ TPHCM 
  • Trường Đại học Mở TPHCM 
  • Trường Đại Học Ngân Hàng TPHCM
  • Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
  • Trường Đại học Hoa Sen
  • Trường Đại học Hồng Bàng
  • Trường Đại học Bình Dương
  • Trường Đại học Công nghệ Miền Đông
  • Trường Đại học Văn Lang
  • TrườngĐại học Kinh tế Công nghiệp Long An
  • Trường Đại học Cửu Long
  • Trường Đại học Nam Cần Thơ
  • Trường Đại Học Tây Đô

Kim Tuyến tổng hợp

 

Tạo bài viết thảo luận