Tạo bài viết thảo luận

Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo cho cơ thể hoạt động và làm việc hiệu quả. Song, đó cũng là nguồn gây bệnh tiềm ẩn hoặc gây chậm phát triển khi thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Từ thực tế đó, ngành Công nghệ thực phẩm ra đời, hướng tới sản xuất nguồn thực phẩm sạch, bền vững, phong phú phục vụ nhu cầu của nhân loại.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu về ngành Công nghệ thực phẩm, xu hướng phát triển của ngành trong cách mạng công nghiệp 4.0 nhé!

1.Ngành Công nghệ thực phẩm là gì

Ngành Công nghệ thực phẩm là ngành khoa học tạo ra thực phẩm (thức ăn, thức uống) chất lượng, an toàn, lành mạnh qua việc phát triển các loại thực phẩm mới và cải tiến, đánh giá giá trị dinh dưỡng và độ an toàn của thực phẩm. Đồng thời thiết lập các cách tốt hơn để bảo quản nguồn cung cấp thực phẩm, hướng tới việc bảo vệ sức khỏe con người, tạo nhiều hương vị và sự tiện lợi cho người dùng.

Ở một số cơ sở đào tạo, ngành Công nghệ thực phẩm được chia ra các chuyên ngành, mỗi chuyên ngành là một hướng chuyên sâu trong Công nghệ thực phẩm. Ở cơ sở đào tạo không chia chuyên ngành, sẽ có các môn học tự chọn để sinh viên có thể đi sâu vào thế mạnh và sở thích của bản thân. Các chuyên ngành của ngành Công nghệ thực phẩm thường bao gồm:

  • Chuyên ngành về hóa sinh học và vi sinh học thực phẩm.
  • Chuyên ngành về dinh dưỡng. 
  • Chuyên ngành Quản lý chất lượng. 
  • Chuyên ngành Công nghệ chế biến. 
  • Chuyên ngành An toàn thực phẩm và phân tích thực phẩm.
  • Chuyên ngành kinh tế thực phẩm và tiếp thị.
Ngành Công nghệ thực phẩm hướng tới sản xuất nguồn thực phẩm sạch, bền vững, phong phú phục vụ nhu cầu của nhân loại

2. Triển vọng của ngành Công nghệ thực phẩm

Theo báo cáo của ResearchAndMarkets, trong giai đoạn 2019 – 2024, tổng giá trị thị trường sản xuất, chế biến thực phẩm ước đạt 4.100 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 4,3%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong những năm qua, ngành sản xuất chế biến thực phẩm Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế của cả nước với tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân trong 5 năm 2016-2020 là 7%/năm. 

Giá trị sản xuất của ngành sản xuất chế biến thực phẩm, theo số liệu của Bộ Công thương, chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, đây là tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Số lượng doanh nghiệp trong ngành Công nghệ thực phẩm tăng nhanh, tính đến năm 2020, cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tổng công suất đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm. Ngành Công nghệ thực phẩm  đã hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước có uy tín, thương hiệu mạnh, được đầu tư thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại như: Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood, Masan, Sabeco, Habeco, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Bibica, Hải Hà…

Hiện tại, Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA, CPTPP), điều này mang lại nhiều lợi thế về thị trường cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến thực phẩm phát triển. Do có tiềm năng rất lớn nên thị trường ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam có sức hút rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài. Trong những năm qua, đã có rất nhiều thương vụ M&A ngành thực phẩm (sáp nhập và mua lại các công ty chế biến thực phẩm) diễn ra và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.

Ngành Công nghệ thực phẩm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang giúp ngành Công nghệ thực phẩm có những bước phát triển như các khâu thu thập dữ liệu, thiết lập chỉ số và đánh giá các số liệu; ứng dụng AI, robot… Từ đó hình thành các xu hướng:

  • Nhà máy chế biến thông minh với AI, robot, hệ thống nhúng tham gia vào các quy trình chế biến - bảo quản - kiểm định giúp nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm.
  • Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng hơn, minh bạch hơn.
  • Chuỗi cung ứng sẽ được tối ưu hoá nhờ các công cụ tính toán hiện đại.
  • Người tiêu dùng sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn thực phẩm qua nhiều kênh, đặc biệt là qua thương mại điện tử và được nâng cao các trải nghiệm mang tính cá nhân hoá.

Với nguồn nguyên liệu dồi dào và thị trường ngày càng được mở rộng như đã nêu trên, nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thực phẩm luôn ở mức cao. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2022 – 2026, nhu cầu nhân lực công nghệ thực phẩm nằm trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm tại TP.HCM chiếm 23,22% tổng nhu cầu nhân lực hàng năm trong giai đoạn này.Với ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm, tập trung phát triển những sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng lớn bằng công nghệ hiện đại. Các nhóm ngành được ưu tiên phát triển gồm sản xuất sữa, sản xuất dầu thực vật, chế biến thủy sản, chế biến thịt. Các nhóm ngành được khuyến khích phát triển gồm xay xát; sản xuất rượu, bia, nước giải khát. Nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm khoảng 12.567 – 13.258 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 77,19%.

Ngành Công nghệ thực phẩm có nhiều dư địa đê phát triển tại Việt Nam

3. Các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí 

  • Chuyên viên nghiên cứu – phát triển (R&D): nghiên cứu sản phẩm mới, nâng cao chất lượng, cải thiện kỹ thuật chế biến thực phẩm trong các phòng Nghiên cứu - Phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu.
  • Kỹ sư quản lý, vận hành quá trình chế biến - bảo quản - kiểm định thực phẩm, dây chuyền sản xuất,… tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu.
  • Quản lý chất lượng sản phẩm (KCS, QC, QA)  tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm
  • Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế và trung tâm y tế dự phòng.
  • Chuyên viên phụ trách  kỹ thuật trong hệ thống phân phối và tiếp thị sản phẩm thực phẩm
  • Chuyên viên tư vấn về quy định và luật thực phẩm 
  • Chuyên viên kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ quan kiểm nghiệm, trung tâm dinh dưỡng.
  • Chuyên viên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm
  • Làm chủ các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh và chế biến thực phẩm. Xem thêm về một số ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất và chế biến thực phẩm rất phong phú, đa dạng như chế biến thịt sữa, đồ hộp, chè, cà phê, hải sản, rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, nước chấm, gia vị, thực phẩm chức năng…phân phối sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Hướng nghiệp 4.0 CDM lưu ý các bạn là đa số các nhà máy nằm trong khu công nghiệp, xa trung tâm và đặc thù của sản xuất là làm việc nhiều ca, khi bạn đi làm tại các nhà máy cần chuấn bị trước tinh thần, sức khoẻ để làm việc theo ca.

4. Các tố chất cần có để thành công trong ngành Công nghệ thực phẩm

Bên cạnh các kỹ năng cần có cho mọi ngành tại thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sinh viên cần các tố chất: 

  • Tư duy logic
  • Yêu thích khoa học công nghệ 
  • Học tốt các môn Hoá- sinh
  • Đối với sinh viên có định hướng kinh doanh, cần thêm các tố chất của một nhà kinh tế.

Sinh viên cần nhận định rõ, ngành Công nghệ thực phẩm thuộc lĩnh vực kĩ thuật nên cần sự đầu tư nhiều công sức vào việc học, đặc biệt là phần thực hành để có nền tảng kiến thức và kỹ năng tốt. Ngoài ra, như Hướng nghiệp 4.0 CDM có đề cập ở trên, chuyển đổi số trong ngành công nghệ thực phẩm đang diễn ra mạnh mẽ, sinh viên cần trang bị các kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành.

5. Ngành Công nghệ thực phẩm học những gì

Sinh viên theo học ngành Công nghệ thực phẩm được trang bị khối kiến thức nền tảng, chuyên sâu về hóa học, sinh học; vệ sinh an toàn thực phẩm; nguyên liệu chế biến và quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm; phương pháp chế biến thực phẩm; phương pháp bảo quản thực phẩm; công nghệ chế biến một số loại thực phẩm phố biển: thịt cá, đường, sữa, đồ uống….

Các môn học tiêu biểu: Hóa học thực phẩm, Hóa sinh học thực phẩm, Thí nghiệm hóa học và hóa sinh học thực phẩm, Vi sinh vật học thực phẩm, Thí nghiệm vi sinh vật học thực phẩm, Tính chất vật lý của vật liệu thực phẩm, Kĩ thuật thực phẩm, Phụ gia thực phẩm, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Đánh giá cảm quan thực phẩm, Phân tích hóa lý thực phẩm 1, Phân tích vi sinh thực phẩm, Kỹ thuật lạnh thực phẩm, Độc tố học thực phẩm, Dinh dưỡng, Thiết kế công nghệ và nhà máy thực phẩm, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ chế biến thực phẩm, Công nghệ bao bì, đóng gói thực phẩm, Phát triển sản phẩm, Đảm bảo chất lượng và luật thực phẩm, Công nghệ chế biến thịt- thủy sản- nước chấm- gia vị, Công nghệ chế biến lương thực- trà- cà phê- ca cao, công nghệ sản xuất rượu- bia- nước giải khát, Công nghệ sản xuất các sản phẩm từ sữa, Công nghệ sản xuất dầu thực vật  và chế biến rau quả, kỹ thuật hiện đại trong công nghệ thực phẩm, Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghệ thực phẩm, Ứng dụng công nghệ thông tin trong công nghệ thực phẩm,Thực phẩm chức năng.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm rất chú trọng thực hành

 

6. Các trường đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm trình độ đại học

Khu vực miền Bắc

  • Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên
  • Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
  • Học viện Nông nghiệp Việt Nam
  • Trường Đại học Sao Đỏ
  • Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

Khu vực miền Trung

  • Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế
  • Trường Đại học Duy Tân

Khu vực miền Nam

  • Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM
  • Trường Đại học Bách Khoa TPHCM
  • Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
  • Trường Đại học Công nghiệp TPHCM
  • Trường Đại học Nông lâm TPHCM
  • Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TPHCM
  • Trường Đại học Hoa Sen
  • Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn
  • Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai
  • Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long
  • Trường Đại học Cần Thơ
  • Trường Đại học An Giang

Như Hướng nghiệp 4.0 CDM đã đề cập ở trên, bên cạnh ngành lớn là Công nghệ thực phẩm, một số ngành chuyên sâu của Công nghệ thực phẩm cũng được một số trường đào tạo thành các ngành riêng như:  Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Công nghệ chế biến thủy sản; Công nghệ sau thu hoạch; Dinh dưỡng; Khoa học chế biến món ăn.

Tìm hiểu thêm về ngành Dinh dưỡng

Kim Tuyến tổng hợp

Tạo bài viết thảo luận