Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.
Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút. Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.
Hôm nay, chúng ta cùng đến với bài viết của Diễm Quỳnh về một vấn đề rất phổ biến với sinh viên: Làm thêm
Khi bước chân lên đại học, sinh viên có cơ hội trải nghiệm một thế giới hoàn toàn mới mẻ so với thời học trung học – chương trình học khác biệt, phương thức học khác biệt, tính chất mối quan hệ khác biệt và phải lo các khoản chi phí cũng khác biệt không kém.
Để trang trải cho những khoản phí nhà trọ, sinh hoạt, đi lại, học phí,…đỡ đần gánh nặng cơm áo gạo tiền cho cha mẹ hoặc để có thêm trải nghiệm, nhiều sinh viên đã quyết định “làm thêm” trong lúc đang học. Thế nhưng, phải làm thêm như thế nào để tận dụng công sức, thời gian và năng lực của bản thân một cách hiệu quả? Bài viết này sẽ giới thiệu về ưu – nhược điểm của việc làm thêm trên đại học, cũng như các điều cần lưu ý để chọn được việc làm thêm hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích nhất.
1.Ưu – nhược điểm của việc làm thêm trên đại học
Việc làm thêm lúc còn là sinh viên mang đến nhiều ưu điểm nổi bật
- Tích lũy kinh nghiệm làm việc – “làm đẹp CV sinh viên”: Bất cứ công việc nào cũng sẽ đem lại cho sinh viên những kinh nghiệm và bài học đặc thù. Kinh nghiệm làm việc sẽ gây ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng, vì mục này thể hiện rõ ứng viên là người năng động (đã từng tìm kiếm và có việc làm), có kỹ năng (trong quá trình làm việc) cũng như phù hợp với công việc (không cần đào tạo lại từ đầu). Kinh nghiệm có được từ việc làm thêm sẽ giúp CV của sinh viên vừa ra trường ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
- Phát triển các kỹ năng mềm: Nhìn chung, việc làm thêm sẽ giúp sinh viên phát triển kỹ năng quản lý thời gian, nâng cao kỹ năng giao tiếp trong lúc đi tìm việc và cả trong khi làm việc. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề khi phải đối mặt với nhiều tình huống bất ngờ trong công việc.
- Khám phá những kỹ năng tiềm ẩn: Nhiều công việc làm thêm có thể giúp bạn nhận ra những khả năng mới của bản thân mình. Có những sinh viên không nhận ra họ có tiềm năng trong lĩnh vực bán hàng và tư vấn khách hàng cho đến khi họ làm thêm, cũng như có những sinh viên không biết họ giỏi quản lý đến đâu cho đến khi thực hành quản lý hàng hóa trong lúc làm nhân viên bán hàng. Làm thêm là một cơ hội tuyệt vời để kích phát những tài năng đang say ngủ.
- Mở rộng mạng lưới quan hệ: Dù việc làm thêm của sinh viên là việc làm cùng ngành hay trái ngành, nó cũng mở ra cơ hội tiếp xúc với nhiều người hơn trong một khoảng thời gian đủ để sinh viên thiết lập các mối quan hệ thân quen với đồng nghiệp, sếp, khách hàng… Những mối quan hệ này đồng nghĩa với nhiều cơ hội việc làm chính thức trong tương lai.
- Thu nhập ngoài giờ: Tuy không mang đến những khoản tiền hậu hĩnh nhưng việc làm thêm sẽ cho sinh viên khả năng tự trang trải một phần học phí cũng như sinh hoạt phí mà không cần dựa dẫm quá nhiều vào gia đình. Những sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn có thể kiếm được nhiều tiền nhờ thế mạnh của mình, giúp cuộc sống trên đại học thoải mái hơn.
Tuy nhiên, việc làm thêm cũng hàm chứa nhiều bất cập, nhược điểm đối với các sinh viên còn non trẻ chưa hiểu rõ chuyện đời.
- Dễ gặp phải lừa đảo: Những sinh viên vừa mới tìm hiểu về việc làm thêm là miếng “mồi ngon” cho hội đa cấp, lừa đảo. Nếu nhẹ dạ cả tin, không những sinh viên mất tiền mà còn mất thời gian và công sức để nghe những kẻ lừa đảo này phổ biến.
- Bị cuốn vào công việc: Nhiều sinh viên đắm chìm và say mê cảm giác “tự kiếm được tiền” và “tự lập khỏi gia đình”, từ đó bị cuốn vào việc làm thêm. Nhiều sinh viên vì quá chăm chăm vào việc làm thêm mà bỏ bê việc học, dẫn tới kết quả học tập sa sút và tiền lương của công việc làm thêm còn không đủ để họ đóng tiền học lại.
- Sức khỏe giảm sút: Nếu sinh viên không cân bằng được giữa 3 cực học tập – làm việc – nghỉ ngơi, sức trẻ của sinh viên sẽ bị bào mòn nhanh chóng. Triệu chứng uể oải, mệt mỏi, thiếu năng lượng này thường không xuất hiện ngay khiến sinh viên chủ quan, mà nó thường ảnh hưởng lên sinh viên sau 1-2 tháng làm việc và học tập vất vả.
- Tiền lương không xứng đáng: Có những công việc tốn thời gian/công sức mà đồng lương lại không đủ để sinh viên chi trả học phí hay sinh hoạt phí, khiến số thời gian – công sức làm việc sinh viên bỏ ra bị lãng phí, mà vẫn phải chật vật vì không đủ tiền để đảm bảo cuộc sống trên đại học.
2. Làm thêm thế nào cho hiệu quả?
Dù việc làm thêm mang lại vô vàn lợi ích hấp dẫn, nhưng các rủi ro liên quan sẽ khiến nhiều sinh viên chùn bước. Ai cũng muốn thời gian và công sức mình đã bỏ ra sẽ mang lại thành quả xứng đáng, đặc biệt là khi sinh viên phải cân đối việc học và việc làm. Để làm thêm hiệu quả, sinh viên có thể tham khảo 3 quy tắc sau:
2.1 Chọn việc đúng
Để chọn được một công việc “đúng”, sinh viên phải có kỹ năng nhận biết những đầu việc mang tính “lừa đảo” và “đa cấp”. Đôi lúc rất dễ nhận biết nhưng cũng có những lúc bọn lừa đảo sử dụng thủ đoạn tinh vi. Những dấu hiệu cần lưu ý: .
- Không có tên công ty/tên nhà tuyển dụng rõ ràng. (Có nhiều kẻ lừa đảo mượn danh các công ty lớn/uy tín như Shopee, Tiki, Ngân hàng… Hãy kiểm tra thông tin tuyển dụng trên trang web công ty trước khi nhận việc).
- Mô tả công việc mơ hồ, không cụ thể (“Tuyển người dịch bài, chi tiết ib”, “Cần 10-15 bạn copywriter website, lương cao, ib”)
- Không có chế độ lương rõ ràng.
- Yêu cầu liên kết tài khoản ngân hàng với các trang web/ứng dụng không rõ nguồn gốc.
- Yêu cầu đặt cọc tiền/đóng phí trước khi làm (Nhiều kẻ lừa đảo sẽ cho ứng viên nhận việc – làm việc có lương. Nhưng để đạt được hoa hồng cao hơn thì ứng viên phải nạp tiền/đóng phí mới có thể làm tiếp).
- Trao đổi bắc cầu (người đăng bài tuyển dụng yêu cầu ứng viên nhắn tin cho người khác qua Zalo, Telegram,…).
Sau khi đã loại được các đầu việc lừa đảo, sinh viên cần phải chọn được công việc làm thêm phù hợp với mình. Có 3 yếu tố cần cân nhắc khi chọn một công việc:
Đối với các sinh viên thuộc khối ngành marketing – bán hàng, họ có thể thử sức với việc làm thêm ở cửa hàng tiện lợi. Nếu sinh viên thuộc các ngành ngôn ngữ – xã hội, việc làm cộng tác viên viết bài/dịch thuật cũng là một định hướng không tồi. Nhưng nếu định hướng của sinh viên là khối ngành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, liệu việc làm “chạy bàn” có hỗ trợ nhiều cho ngành nghề của mình trong tương lai hay không? Sinh viên nên tìm được ít nhất 2 điểm chung giữa định hướng ngành của mình và việc làm thêm mình định lựa chọn.
Một số công việc tuy trái ngành nhưng vẫn đem lại kỹ năng cần thiết. Ví dụ như đối với các sinh viên thuộc khối ngành kinh tế, dù việc chạy bàn không đem lại nhiều ích lợi trong kiến thức chuyên môn, nhưng khả năng giao tiếp với khách hàng và xử lý tình huống lại là một kỹ năng trọng yếu trong ngành này. Tuy nhiên, nếu sinh viên học thí nghiệm – nghiên cứu lại đi làm các công việc tay chân, những kinh nghiệm họ nhận được trong lúc đi làm sẽ không giúp được nhiều cho công việc tương lai của họ. Hãy xác định ít nhất 2 kỹ năng bổ trợ cho ngành mà sinh viên sẽ nhận được từ việc làm thêm trước khi đi làm.
Mức lương tối thiểu (bắt buộc) mà các doanh nghiệp phải trả cho sinh viên làm thêm dao động từ 15.600đ (Vùng IV) cho đến 22.500đ (Vùng I) theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Những công việc tay chân sẽ trả thấp hơn những công việc cần đến đầu óc và kỹ năng làm việc. Vì thế, hãy xem xét mô tả công việc cũng như địa chỉ làm việc, và đánh giá xem liệu mức lương này có phù hợp hay không. Tuy nhiên, sinh viên cũng không nên ôm đồm quá nhiều công việc mà không được trả lương xứng đáng, “bán rẻ” sức lao động của mình. Nếu sinh viên muốn làm thêm ngoài giờ/tăng ca, hãy thỏa thuận với sếp để có được lương tăng ca đúng mức.
2.2 Có thái độ đúng
Những công việc làm thêm của sinh viên chính là cánh cổng kết nối giữa đại học và thị trường làm việc. Việc sở hữu thái độ đúng mực trong quá trình làm thêm sẽ khiến sinh viên nhận được nhiều bài học mới, cũng như kết nối được nhiều mối quan hệ hơn trong quá trình làm việc.
- Làm việc xứng đáng với tiền lương: Khi đã chấp nhận làm việc và nhận tiền lương, sinh viên cần phải làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm. Thái độ tích cực và chỉn chu trong công việc sẽ tạo ấn tượng tốt với sếp, quản lý và đồng nghiệp, khiến cho họ đánh giá tốt hơn về sinh viên trong quá trình làm việc.
- Chủ động học hỏi trong công việc: Thay vì thụ động chờ quản lý phân phó mọi việc, hãy chủ động quan sát đồng nghiệp/quản lý để nắm bắt được nhịp điệu làm việc của chỗ làm. Bên cạnh đó, sinh viên cũng nên chủ động đặt câu hỏi (với thái độ cầu tiến và đúng mực) với quản lý/cấp trên khi có điều gì thắc mắc. Việc này giúp sinh viên có được kỹ năng phân tích và giải quyết tình huống, cũng như giúp họ có kinh nghiệm giao thiệp với cấp trên.
- Xây dựng mối quan hệ lúc làm thêm: Sinh viên không cần phải “lột xác” từ người hướng nội thành hướng ngoại để có được khoảng thời gian làm thêm tốt đẹp. Thái độ hòa đồng, sẵn sàng lắng nghe góp ý/hướng dẫn của người khác cùng với sự cầu thị đã đủ để sinh viên ghi điểm trong mắt những người đồng nghiệp hay quản lý. Sự hòa đồng không có nghĩa là năng nổ, mà là qua việc sinh viên nhận biết tình huống và có thái độ phù hợp với môi trường làm việc.
2.3 Sử dụng thời gian đúng
- Sắp xếp thời gian biểu: Sinh viên có thể đăng ký học phần theo từng buổi thay vì đăng ký theo phân lớp, sau đó sử dụng buổi còn lại để làm thêm. Nếu không thể gom hết các môn học vào một buổi, sinh viên có thể tham khảo các công việc với từ khóa “ca làm tự do” để có thể đi làm thuận tiện hơn. Việc tự chủ thời gian học và làm việc cho sinh viên cơ hội kiểm soát thời gian biểu của bản thân và chọn ca làm phù hợp với lịch học của bản thân.
- Thứ tự ưu tiên: Sinh viên có thể liệt kê các bài tập trên trường, các nhiệm vụ công việc, các “deadlines” sắp đến trong thời gian biểu. Việc đánh dấu công việc theo thứ tự ưu tiên giúp sinh viên không bị lẫn lộn giữa việc học và làm, cũng như không làm sót hay học sót bất cứ thứ gì.
- Học ra học, làm ra làm: Việc tập trung toàn diện lúc học tập cũng như lúc làm việc sẽ cải thiện năng suất của sinh viên, giúp cho việc học và việc làm đều được chất lượng nhất có thể. Sinh viên không nên vừa học vừa làm trong cùng một khoảng thời gian, vì không những họ đang làm giảm mức tập trung của bản thân, mà họ còn có thể làm chất lượng công việc của mình đi xuống.
2.4 Cần chuẩn bị gì trước khi làm thêm?
Để có thể làm thêm trên đại học một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất, sinh viên cần phải chuẩn bị kỹ càng một vài điều sau đây trước khi bắt đầu tìm kiếm và bắt đầu công việc ngoài giờ của mình:
- Thời gian biểu (trước khi đăng ký làm thêm): Nắm rõ thời gian rảnh/lịch học của bản thân sẽ giúp sinh viên chọn đúng ca làm mà không bị trùng lịch. Sinh viên cũng sẽ dự tính được những khoảng thời gian trùng kỳ thi hoặc luận án, từ đó chọn được khối lượng công việc phù hợp.
- Kỹ năng cá nhân: Sinh viên cần nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, sau đó so sánh với các yêu cầu của nhà tuyển dụng trong mô tả công việc. Sau khi nhận ra những điểm thiếu sót, sinh viên có thể học tập và bổ sung các kỹ năng cần thiết trước khi bắt đầu làm thêm.
- Phương tiện đi lại: Sinh viên nên dự tính trước phương tiện đi lại cho các công việc khác nhau, cũng như cách di chuyển thuận tiện nhất giữa trường học – nhà – chỗ làm.
2.5 Tìm công việc làm thêm ở đâu?
Các công việc làm thêm được chia làm 2 mục chính: công việc văn phòng và công việc tay chân. Công việc văn phòng là những đầu việc cần sử dụng trí óc, kỹ năng văn phòng, không yêu cầu thể lực cao. Công việc tay chân là những việc ưu tiên thể lực và sức bền tốt, thường yêu cầu làm việc liên tục theo từng ca.
Trong thời đại 4.0, sinh viên có thể tìm kiếm thông tin về việc làm thêm ở bất cứ đâu, từ ngoài đời đến trên mạng:
- Tờ rơi, quảng cáo trên báo/tivi.
- Nhờ bạn bè, người thân, giáo viên giới thiệu công việc.
- Mạng xã hội (Những page tuyển dụng đặc thù của ngành, các bài viết tuyển dụng trên Facebook,…).
- Các nhóm tuyển dụng (“Bạn Đã Có Việc Làm Chưa” – một nhóm tuyển dụng chung cho nhiều ngành nghề với nhiều HR từ các khu vực khác nhau; hoặc các nhóm đặc biệt của các ngành khác nhau).
- Các trang web/ứng dụng tìm việc, tuyển dụng (Upwork, vieclam24h, Joboko, topcv,…)
Bên cạnh đó, có những công việc rất phù hợp cho sinh viên, giúp sinh viên có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm trước khi bước vào xã hội:
- Gia sư: Cơ hội phát triển kiến thức của bản thân trong lúc giảng dạy. Mức lương thường khá tốt cho sinh viên, giúp sinh viên phát triển khả năng truyền đạt và giao tiếp với người khác, cũng như xây dựng lòng kiên nhẫn và ý thức trách nhiệm cho sinh viên.
- Cộng tác viên (viết bài/thiết kế/dịch thuật/…): Thường không có yêu cầu quá đặc thù, sinh viên có thể bắt đầu làm việc khá dễ dàng. Công việc này có thời gian tự do, nhưng yêu cầu ý thức trách nhiệm cao đối với các hạn cuối và chất lượng công việc.
- Phục vụ quán: Có yêu cầu tương đối về ngoại hình cũng như kỹ năng giao tiếp của sinh viên. Sinh viên có cơ hội tiếp xúc và tương tác với nhiều người, có được kinh nghiệm xử lý tình huống và giới thiệu với khách hàng.
- Chạy bàn tiệc cưới: Không có yêu cầu quá đặc thù về ngành nghề, nhưng chú trọng ngoại hình và sự siêng năng. Sinh viên có thể làm việc theo ca, chọn ngày nghỉ cuối tuần (vì các buổi tiệc thường diễn ra vào khung thời gian này).
- Bán hàng online (tự mở cửa hàng/cộng tác cho các đại lý): Có thể mang lại thu nhập không nhỏ cho sinh viên nếu như bán được nhiều hàng. Cung cấp cho sinh viên kinh nghiệm giao tiếp, kỹ năng bán hàng, cũng như cơ hội để rèn luyện khả năng quảng cáo – marketing.
- Nhân viên bán hàng: Yêu cầu khả năng giao tiếp tốt, có thể xử lý tình huống và quản lý cửa hàng. Tuy nhiên, công việc này thường không yêu cầu quá khắt khe đối với sinh viên, và sinh viên cũng có thể đạt được nhiều kinh nghiệm khi giao tiếp với nhiều khách hàng.
- Telesale: Yêu cầu giao tiếp nhiều trong lĩnh vực tư vấn, chăm sóc khách hàng, giải quyết sự cố/thắc mắc qua điện thoại. Sinh viên có thể làm công việc này tại nhà trong thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập.
Như vậy, sau khi nắm rõ ưu điểm – nhược điểm của việc làm thêm cũng như những điều cần lưu ý trước khi làm thêm và sau khi làm thêm, các sinh viên sẽ có đủ kiến thức để tự chọn và bắt đầu việc làm thêm của mình. Trong quá trình làm việc và học hỏi, sinh viên có thể tự trau dồi kinh nghiệm, phát triển bản thân và đưa ra những lựa chọn đúng đắn hơn nữa trong tương lai. Vì thế, đừng ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, “thử” làm thêm, trải nghiệm những điều mới và gặt hái những thành quả mới trong lúc còn là sinh viên đại học.
Diễm Quỳnh
Nguồn tham khảo:
http://fem.tlu.edu.vn/bo-mon-trung-tam/vua-hoc-dai-hoc-vua-di-lam-them–nen-hay-khong-837
https://www.nxgcareers.in/article/20/Advantages-and-Disadvantages-of-a-Part-Time-Job-For-Students
https://www.sapo.vn/blog/viec-lam-them-cho-sinh-vien
https://vn.joboko.com/blog/top-10-viec-lam-them-cho-sinh-vien-tot-nhat-nsi425
https://nationalcareers.service.gov.uk/careers-advice/how-work-experience-can-help-you
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-38-2022-ND-CP-muc-luong-toi-thieu-nguoi-lao-dong-lam-viec-theo-hop-dong-515984.aspx
Để lại một bình luận