Bạn có từng học hoặc nghe thông tin về:
- Các lớp học sử dụng bảng tương tác thông minh
- Các lớp học video trên Youtube
- Các lớp học online tương tác qua zoom, google meet…
- Các lớp học trực tuyến trên Coursera, Udemy
- Các app học tập giảng bài, tóm tắt, giải bài tập
- Các phần mềm quản lý đào tạo của trường, của lớp về thời khóa biểu, điểm số, xếp hạng,….
Tất cả các sản phẩm trên đang dần quen thuộc với học sinh, sinh viên và người học nói chung và đây là các sản phẩm tiêu biểu của ngành công nghệ giáo dục. Với sự tác động mãnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ giáo dục đang có những bước tiến lớn để đem đến nhiều ứng dụng, sản phẩm giúp đáp ứng nhu cầu đào tạo con người của thời đại mới.
Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu về ngành Công nghệ Giáo dục là gì? Triển vọng phát triển? Cơ hội việc làm? Yếu tố cần thiết để thành công? Ngành công nghệ Giáo dục học những gì và nơi đào tạo nhé!
1.Ngành Công nghệ Giáo dục là gì?
Công nghệ Giáo dục là từ ghép của Education và Technology, có nghĩa là ứng dụng công nghệ vào giáo dục, gọi tắt là EdTech. Theo tổ chức quốc tế Hiệp hội Truyền thông và Công nghệ Giáo dục (AECT), công nghệ giáo dục là “nghiên cứu và áp dụng có đạo đức để tạo điều kiện học tập và cải thiện kết quả giáo dục bằng cách tạo ra, sử dụng và quản lý các quy trình và tài nguyên công nghệ phù hợp.”
Hoặc có thể hiểu Công nghệ Giáo dục là lĩnh vực nghiên cứu, phân tích, thiết kế, phát triển, thực hiện và đánh giá môi trường giảng dạy, tài liệu học tập, người học và quá trình học tập nhằm cải thiện việc dạy và học.
Mục tiêu đào tạo của ngành này là đáp ứng nhu cầu công nghệ của người học nhằm tạo điều kiện học tập, giao tiếp, kết nối và cộng tác. Ngành Công nghệ Giáo dục sẽ đào tạo cả về phần cứng và phần mềm.
Hiện nay, có 8 mô hình EdTech phổ biến, cụ thể là:
- Learning Management Systems: Learning Management Systems: Mô hình này giúp quản lý lớp học dưới nền tảng số, nền tảng này hiện có đa dạng nhà cung cấp như: hệ thống E-learning Moodle, Canvas, Welearning…
- School Administration: Hệ thống quản lý thông tin dành cho các trường học. Phần lớn mô hình này được triển khai trên các nền tảng công nghệ mới nhất, đặc biệt là những hệ thống web-app quản lý trường học đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục.
- Language Learning: Mô hình học ngôn ngữ trực tuyến, ví dụ: Elsa Speaking, DuoLingo, LingoDeer, Cambly, Hello Chinese…
- Enterprise Learning: Mô hình đào tạo các kỹ năng chuyên môn, ví dụ: iSpring Learn khóa học trực tuyến, câu đố, hướng dẫn bằng video và đóng vai về nhiều lĩnh vực, anylearn, Khan Academy…
- Broad Online Learning Platforms: Mô hình giúp hoàn thành các khóa học trực tuyến, ví dụ: Udemy, Coursera, Hot Course…
- Next-Gen Study Tools: Mô hình tạo trò chơi để tăng tương tác giáo dục, ví dụ: Kahoot!, Aha Slide,…
- Tech Learning: Mô hình cung cấp công cụ học lập trình, ví dụ: CodeGym, Nordic Coder,…
- Early Childhood Education: Mô hình giáo dục dành riêng riêng cho trẻ em, ví dụ: Cambly Kid, Kodable, Kiến Guru.
Ngoài ra các mô hình công nghệ mới áp dụng như vũ trụ ảo (metaverse), thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường VR dang được phát triển như:
- Học qua trải nghiệm thực tế ảo: Giải pháp Novatis huấn luyện những kỹ năng cứu sinh trong phòng thí nghiệm qua các mô phỏng thực tế ảo đáng tin cậy với nhiều người tham gia. Sinh viên sẽ bước vào một phòng thí nghiệm ảo để tương tác với giảng viên và tập luyện các thao tác như gắp ống nghiệm, tháo nắp túi và dán nhãn túi mà không giới hạn lượt luyện tập.
- Giải pháp Providence Health sẽ giúp giải quyết vấn đề hạn chế của môi trường học trực tuyến. Hình ảnh 3D của diễn giả sẽ xuất hiện qua ống kính điện thoại hoặc máy tính bảng của bạn thành một hình chiếu trong căn phòng trước mặt bạn, để việc học và tiếp nhận được diễn ra trong cùng điều kiện.
- Học qua Trải nghiệm liên tục: đây là nơi mà những người học có thể tập luyện các tình huống khác nhau trong cùng một nội dung học để rèn giũa kỹ năng. Trò chơi Thành phố Spark của Walmart sẽ thay đổi với mỗi lượt chơi lại. Nếu có khách hàng trong bán kính 10 feet (~3 mét), người chơi buộc phải hỏi xem họ có thể giúp gì, nhưng họ không thể làm thế trước khi nhắc nhở về những quy tắc an toàn sức khỏe và cảnh báo nguy hiểm khác.
- Xem thêm chi tiết một số công nghệ vũ trụ ảo trong giáo dục tại đây
2. Triển vọng của ngành Công nghệ Giáo Dục
2.1 Những lợi ích chính của Công nghệ Giáo dục
Mỗi học viên có trình độ và khả năng khác nhau, có kế hoạch học tập khác nhau. Công nghệ chính là công cụ hữu hiệu để người học có thể điều chỉnh nội dung phù hợp với khả năng tiếp nhận kiến thức của mình. Mỗi người học có thể lựa chọn những vấn đề mà mình ưa thích, phù hợp với năng khiếu, sở thích để học. Các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối Internet đều là những công cụ mà người học có thể sử dụng ở nhà hay bất cứ đâu ngay cả trên đường di chuyển. Điều này sẽ giúp phát huy tài năng và năng lực của mỗi cá nhân.
Ví dụ, bạn thích học đàn Ghi- ta nhưng chưa có điều kiện học trực tiếp, bạn có thể đăng kí khóa học trên Udemy tùy theo trình độ của bạn: bắt đầu, sơ cấp, nâng cao, các thể loại Ghi ta mộc, Ghi ta rock, Ghi ta blues… và có thể học ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào theo kế hoạch riêng của bạn.
Trong hình thức đào tạo truyền thống, người học có thể gặp mặt với nhau để hợp tác, kết nối. Công nghệ cho phép những người học ở xa nhau cùng thực hiện các dự án, đồ án. Họ có thể thảo luận hoặc cùng nhau thực hiện trên cùng một chương trình ứng dụng.
Giáo viên, học viên cũng có thể trao đổi với nhau không chỉ trong giờ lên lớp.
Công nghệ giúp tối ưu về thời gian, chi phí- công sức đi lại, chi phí ăn – ở khi đi học xa nhà, giúp rút ngắn khoảng cách, thu hẹp không gian. Nhờ đó, có thể tiếp thu được nhiều và nhanh hơn về kiến thức, nhận thức và tư duy.
Công nghệ giúp con người tiếp cận được nguồn thông tin khổng lồ một cách nhanh chóng, dưới nhiều góc độ khác nhau và được cập nhật liên tục, từ đó người học có điều kiện có cái nhìn tổng quát hơn, tìm ra được bản chất vấn đề, kích thích sự sáng tạo.
Công nghệ cũng giúp quá trình học trở nên thu hút, mới mẻ hơn, tạo động lực học tập cho học sinh, làm việc tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Cụ thể như học qua video, âm thanh sống động hay đóng vai trong thực tế ảo, vũ trụ ảo sẽ giúp bài học không còn nhàm chán và tẻ nhạt. Giáo viên có thể thiết kế bài giảng, lên chương trình giảng dạy cuốn hút, thú vị hơn.
Người học- giáo viên cũng dễ dàng phản hồi qua lại nhanh chóng. Từ đó nâng cao thái độ tích cực với việc học, nâng cao chất lượng dạy và học.
Việc người học được tiếp cận những ứng dụng công nghệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp rèn luyện những kỹ năng thực hành, làm việc trong môi trường công nghệ. Trên thực tế không chỉ dừng ở kỹ năng số, người học còn được rèn kỹ năng mềm, tư duy phản biện, khả năng nghiên cứu độc lập và thành thạo trong phối hợp sử dụng công nghệ nên nhanh chóng đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn thực hành nghề nghiệp.
Ngoài ra còn nhiều lợi ích nữa như nâng cao hiệu quả quản lý quá trình học tập, hiệu quả điều hành cơ sở giáo dục, dễ dàng đưa ra lộ trình – kế hoạch cải thiện thành tích học tập, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học….
2.2 Triển vọng của ngành Công nghệ Giáo dục
Theo báo cáo của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Grand View Research, giá trị của thị trường công nghệ giáo dục toàn cầu vào năm 2021 là 106,46 tỉ USD. Từ năm 2022 đến năm 2030, thị trường này dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 16,5% và dự kiến sẽ mở rộng gấp 2,5 lần từ năm 2019 đến năm 2025, lên tới 404 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời, khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang phát triển nhanh nhất: Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm của khu vực này dự kiến là 19% từ năm 2022 đến năm 2030. Xem toàn bộ báo cáo tại đây.
Theo báo cáo chuyên sâu của Làng Công nghệ Giáo dục (EdTech) được công bố tại sự kiện của Techfest Vietnam 2022 ngày 28/07/2022, thị trường EdTech Việt Nam ước tính sẽ vượt 3 tỷ USD vào năm 2023 và nằm trong top 10 thị trường EdTech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới. Tổng vốn đầu tư vào các start-up trong lĩnh vực này tại Việt Nam đã đạt 20,2 triệu USD.
EdTech ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng được thừa hưởng nhiều từ nền EdTech thế giới. Trên thị trường hiện có cả các sản của các công ty nước ngoài và sản phẩm nội địa. Trong đó, có nhiều sản phẩm Edtech Việt Nam đã khẳng định được vị thế. Các đơn vị cung cấp dịch vụ EdTech lớn như FPT, Viettel, VNPT. Trước đó, những ứng dụng, nền tảng dạy học trực tuyến như: CoderSchool, Marathon, Elsa, AI Clevai… cũng đã được đầu tư hàng triệu USD. LeGia Group – công ty hàng đầu cung cấp và vận hành trung tâm trải công nghệ, áp dụng những công nghệ hiện đại trên thế giới như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường… Công ty Thiên Hà Xanh với phần mềm giao bài tập và chấm điểm Azota, nền tảng trường học trực tuyến WEWIIN hỗ trợ dạy học kết hợp (Blended learning) chuyên sâu đầu tiên tại Việt Nam… Bên cạnh đó, phân khúc giáo dục STEAM/STEM được phát triển tại Việt Nam những năm gần đây tập trung chủ yếu vào học sinh với mục đích nâng cao kiến thức công nghệ cho học sinh cũng mở ra những triển vọng mới với sự dẫn đầu của một số công ty như Vinarobot, Sunbot…
3. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp
- Làm việc tại các công ty Edtech: chuyên viên thiết kế và phát triển học liệu, các sản phẩm công nghệ giáo dục (web/game/mô phỏng/thực tại ảo/thực tại tăng cường/AI, Robot, game….).
- Làm việc tại các công ty thiết bị công nghệ trường học, các nhà xuất bản sách- ấn phẩm điện tử
- Làm việc tại các trường đại học, cao đẳng: chuyên viên quản lý đào tạo, chuyên gia thiết kế khóa học, chuyên gia giáo dục số, chuyên viên quản trị hệ thống dạy học trực tuyến.
- Làm việc tại các công ty Giáo dục số/Giáo dục trực tuyến: chuyên viên tư vấn, chuyên viên chăm sóc khách hàng.
- Làm việc tại các trường học (từ mầm non đến trung học, các trường dạy kĩ năng): Là chuyên gia STEAM, Giáo viên dạy Công nghệ theo mô hình STEAM.
- Làm việc tại các doanh nghiệp: chuyên viên huấn luyện, đào tạo và phát triển nhân sự.
- Làm việc tại các đài truyền hình, đài phát thanh, trang báo – mạng xã hội: chuyên viên phát triển nội dung Khoa giáo.
Đây được xem là ngành mới, các chuyên viên trong lĩnh vực này hiện nay đa số là nhân sự ngành Công nghệ thông tin nên sinh viên tốt nghiệp vừa có kiến thức về công nghệ và giáo dục, vận dụng công nghệ trong giáo dục sẽ có nhiều lợi thế.
4. Yếu tố để thành công trong ngành Công nghệ Giáo dục
- Trình độ công nghệ
- Kiến thức về hệ thống giáo dục
- Khả năng giao tiếp: để làm việc nhóm, theo dự án, làm việc với khách hàng
- Khả năng sư phạm, truyền đạt, quản lý lớp học (nếu định hướng làm giáo viên, huấn luyện viên, nhà đào tạo)
- Nghiên cứu (nếu định hướng nghiên cứu sản phẩm)
- Giải quyết vấn đề: Khả năng chẩn đoán và giải quyết các vấn đề trong giáo dục bằng công nghệ, khả năng xử lý các vấn đề phát sinh. Xem thêm về kĩ năng giải quyết vấn đề tại đây.
- Ngành Công nghệ Giáo dục được cho là phù hợp với các bạn có kết quả trắc nghiệm thiên hướng nghề nghiệp Holland đạt điểm cao thuộc nhóm Kỹ thuật – Xã hội, Kỹ thuật – Quản lý hoặc Nghiên cứu – Xã hội, Nghiên cứu – Quản lý. Làm trắc nghiệm Holland tại đây.
5. Ngành Công nghệ Giáo dục học những gì
Sinh viên được trang bị kiến thức rộng và vững chắc để thích ứng tốt với những công việc phù hợp với ngành Công nghệ Giáo dục, chú trọng khả năng áp dụng kiến thức cơ sở và cốt lõi ngành Công nghệ Giáo dục kết hợp khả năng sử dụng công cụ hiện đại để tham gia thiết kế, xây dựng các khóa học giàu công nghệ; phát triển hệ thống quản lý học tập; thiết kế sản phẩm và dịch vụ giáo dục.
Các môn học tiêu biểu:
Vật lý đại cương, Tin học đại cương, Tâm lý học đại cương, Lý luận dạy học, Kỹ thuật lập trình, Mỹ thuật căn bản, Thiết kế dạy học, Công nghệ dạy học, Kĩ năng dạy học, Công cụ và Kĩ thuật đánh giá, Quản trị dự án, Giáo dục người lớn, E – learning, Tiếng Anh chuyên ngành, Nghệ thuật nhiếp ảnh và Thiết kế thương hiệu, Phương pháp Nghiên cứu khoa học, Đồ họa Hình động 2D, 3D, Khai thác thông tin đa phương tiện, Cơ sở dữ liệu, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Nhập môn trí tuệ nhân tạo, Phân tích và thiết kế hệ thống, Thiết kế và lập trình web, Trò chơi số và tương tác, Đồ án về chiến lược dạy học trong kỷ nguyên số, Quản trị học đại cương, Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp, Tâm lý học ứng dụng, Kỹ năng mềm, Tư duy công nghệ và thiết kế kỹ thuật, Thiết kế mỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật viết và trình chiếu, Thực tập kỹ thuật, Đồ án tốt nghiệp.
Tự chọn theo Module Môi trường học tập giàu công nghệ: Trò chơi số và tương tác, Mô phỏng trong giáo dục, Video số trong giáo dục, Các công nghệ giáo dục tiên tiến, Hệ thống quản lý học tập thế hệ tương lai, Môi trường học tập đa chiều, Giáo dục STEAM, Đồ án về Môi trường học tập giàu công nghệ.
Tự chọn theo Module Multimedia trong giáo dục và truyền thông: Trò chơi số và tương tác, Mô phỏng trong giáo dục, Video số trong giáo dục, Thực tại ảo, Thực tại tăng cường, Phát triển ứng dụng, Lập trình di động, Đồ án VR/AR.
Tự chọn theo Module Công nghệ và Đào tạo: Trò chơi số và tương tác, Mô phỏng trong giáo dục, Video số trong giáo dục, Các công nghệ giáo dục tiên tiến, Lãnh đạo và tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp, Đào tạo tại chỗ, Đào tạo về Trải nghiệm thực địa.
6. Các trường đào tạo ngành Công nghệ Giáo dục
Hiện tại Việt Nam, hệ đại học chỉ có trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc Gia Hà Nội có đào tạo cử nhân ngành Công nghệ Giáo dục.
Kim Tuyến tổng hợp
Để lại một bình luận