Nguyễn Phạm Tuệ Thức, du học sinh ngành Phi công thương mại ở ESMA Aviation Academy và những trải nghiệm “học bay” tại Montpellier, Pháp.
>> Học Thạc sĩ quản lí hàng không ở đâu?
>> Các khóa học về Phi công
>> Du học ngành Kỹ thuật hàng không
“Bỗng dưng muốn… làm phi công”
Xuất phát điểm là học sinh lớp song ngữ Việt – Pháp, Tuệ Thức luôn nung nấu trong mình ước mơ du học Pháp từ nhỏ. Đến khi trở thành sinh viên ngành Biên phiên dịch (Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh), anh đã bắt đầu “bén duyên” với đất nước hình lục lăng qua với việc làm ở chi nhánh Việt Nam của một công ty Pháp có trụ sở chính đặt tại Paris. Tiếp tục gắn bó với vai trò Quản lí dự án cùng công ty này trong vòng 3 năm sau khi ra trường, Thức quyết định đưa ra một sự thay đổi mang tính bước ngoặt đó là chuyển nghề “để sau này khỏi phải gắn liền với cuộc sống văn phòng loanh quanh bên bàn giấy”.
Khi đó, anh đã liệt kê tất cả những nghề thuở nhỏ từng ao ước được làm trong đời ra mặt giấy để soi xét, và “Phi công” đã trở thành ước mơ được anh chọn hiện thực hóa. Cùng thời điểm đó, Vietnam Airlines đăng tin cấp học bổng phi công nên Thức càng quyết tâm dự tuyển.
Thức ở trường phi công
Quá trình tuyển chọn diễn ra khá căng thẳng bởi bạn sẽ phải trải qua bốn phần thi: Sức khỏe, IQ Toán Lí, Tiếng Anh và trải qua môi trường huấn luyện ròng rã ba tháng “đi lính không quân”. Phần kiểm tra sức khỏe được Thức miêu tả là… kinh dị nhất. Chẳng hạn, để kiểm tra tiền đình, bạn ngồi lên một chiếc ghế xoay trong vòng 2 phút, rồi đứng dậy không được chóng mặt mà phải nhắm mắt đi thẳng được. Khó nhất la kiểm tra mắt. Mắt phải hoàn hảo, không được có tí tật nào. Người bình thường có thể sống cả đời với các tật mắt đuợc (ví dụ như mù màu) nhưng khi tuyển phi công, mắt có lỗi một chút là loại ngay. Đây chính là vòng loại nhiều thí sinh nhất.
Trải qua lần lượt các vòng thi, bạn còn phải chờ các trường quốc tế đến từ Pháp, Mỹ, Úc đến tuyển chọn sinh viên cho khóa học. Cuối cùng, Thức đã chính thức được chọn bởi trường ESMA và lên đường du học bằng học bổng của Vietnam Airlines.
- Các khóa học phi công tại Mỹ
- Các khóa học phi công tại Úc
Học làm Phi công thương mại tại Montpellier
Thông thường, một khóa đào tạo phi công thương mại của Vietnam Airlines kéo dài khoảng 3 năm, chia làm hai giai đoạn : Phi công cơ bản (máy bay 4 chỗ ngồi với yêu cầu khoảng 250 giờ bay) tại ESMA và Chuyển lọai trên các máy bay lớn (Airbus, Boieng) khi về nước. Chi phí thuê máy bay được tính theo giờ (khoảng 150euros/giờ), vì thế riêng học phí cho giai đoạn học lái cơ bản đã tốn khoảng 70.000euros.
Ngoài thực hành lái máy bay, sinh viên học ngành Phi công còn bắt buộc hoc lý thuyết bay gồm 14 môn trong đó có Dẫn đường (Navigation), Khí tượng (Meteorology), Nguyên lý bay (Principes of flight), Liên lạc (Communication) hay môn Yếu tố con người (Human factors). Thức cho biết “Tai nạn máy bay đến 80% đều vì nguyên do con người nên việc học cách hiểu được tâm sinh lý con ngừơi để ngăn ngừa các tai nạn là rất quan trọng”. Điều may mắn với Thức là anh đã từng được học qua hai ngành Biên phiên dịch và Quản lí dự án đều là những ngành có gắn bó với con người nên không có nhiều bỡ ngỡ với môn học ưa thích này.
Về vấn đề ngôn ngữ, thật ra việc học tập ở trường ESMA đều được diễn ra trong môi trường tiếng Anh nên tiếng Pháp không phải là một rào cản lớn nếu bạn muốn theo học tại đây. Tuy nhiên, khi bước ra ngoài cuộc sống, việc nói được tiếng Pháp sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều trong khâu hòa nhập với người dân bản địa. Đối với Tuệ Thức, rào cản lớn nhất của anh không phải là yếu tố ngôn ngữ như những du học sinh khác vì đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường nói tiếng Pháp. Tuy nhiên, anh phải đối mặt với áp lực học hành vô cùng căng thẳng “vì khi ra đi, trong mắt gia đình, bạn bè họ đã xem mình như một phi công nên việc luôn nhắc bản thân phải hoàn thành tốt khóa học cũng gây cho mình nhiều áp lực tâm lí”.
Thức trong một lần học bay
Trong suốt quá trình trả lời phỏng vấn với Hotcourses, Tuệ Thức liên tục nói đến những căng thẳng, stress của việc học làm Phi công. Anh hóm hỉnh: “Học lái máy bay rủi ro hơn học các ngành khác rất nhiều. So với sinh viên Kinh tế họ chỉ phải ngồi học ở giảng đường thì bọn mình phải bay mỗi ngày và tai nạn xảy ra trong quá trình học tập là không phải không có”. Chưa hết, các giáo viên bay ở trường cũng không thiếu những thử thách cho sinh viên. Đang bay giữa chừng và bị thầy… tắt động cơ cùng thái độ mắng nhiếc (hòng gây áp lực tâm lý) nhưng vẫn phải lái máy bay trở về an toàn là một trong những bài tập khó mà học viên nào cũng phải thực hiện thường xuyên.
Sinh viên phi công làm gì khi… tiếp đất?
Có lẽ bạn sẽ rất thắc mắc không biết các du học sinh ngành Phi công sẽ “giải trí” như thế nào sau những chuyến học bay “lênh đênh” trên bầu trời Địa Trung Hải?
Câu trả lời rất đơn giản: họ cũng có những hoạt động ngoại khóa như những du học sinh khác thôi. Tức là cũng háo hức tham gia hoạt động ném gối ở trung tâm thành phố, hào hứng với việc đi chợ châu Á hay nơm nớp lo sợ vào mỗi kì kiểm tra.
Thú vị nhất là trường Phi công ESMA có rất nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây nên Thức dường như rất quen thuộc với những người bạn ở lớp hay ở khu kí túc: “Lúc mới sang, cả trường chỉ có khoảng 200 sinh viên trong đó hết 100 sinh viên đều là người Việt Nam rồi”. Hiện nay, vì các anh chị khóa trước đã về nước làm việc nên hiện tại chỉ còn khoảng 30 sinh viên người Việt.
Thức và bạn bè tại Montpellier
Điểm thu hút của thành phố Montpellier là sự trẻ trung và tính quốc tế. Nơi đây rất gần Tây Ban Nha nên cùng với tiếng Anh, đây là ngoại ngữ được sử dụng khá phổ biến ở Montpellier. Ngoài ra, Montpellier cũng là thành phố có lượng người Việt kiều và du học sinh người Việt khá đông đảo với nhiều hoạt động Lễ Tết quy mô. Thức kể, “Sinh viên trường ESMA cũng thường tham gia đá banh giao hữu với các chú Việt kiều và sinh viên”. Riêng mình, Thức cũng tham gia vào một ban nhạc cùng với các giáo viên trong trường vốn là phi công và tiếp viên hàng không.
Cuối cùng, nếu có bất kì thắc mắc gì về việc học ngành Phi công, tốt nhất bạn hãy liên hệ những du học sinh đang theo học ngành này để học hỏi kinh nghiệm thực tế.
Cám ơn sự hợp tác rất nhiệt tình của Thức và chúc bạn mọi điều tốt lành.
Link hữu ích
>> Học bổng du học
>> Cẩm nang du học
>> Các bài viết về kỹ năng khi đi du học