Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.
Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút. Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.
Hôm nay, chúng ta cùng đến với bài viết của Thục Phương về vấn đề thực tập sớm nhé!
Kinh tế, xã hội phát càng phát triển, sự cạnh tranh ngày càng cao. Đối với các bạn trẻ, học tập trên giảng đường không chỉ là phương thức rèn luyện duy nhất, thực tập ngay từ những năm đang học đại học là một trong những lựa chọn được ưu tiên để các bạn sinh viên có thể trau dồi kinh nghiệm vào “đời” của mình. Đồng thời, thực tập cũng được xem là thang đo mức độ yêu thích của bản thân với công việc để lựa chọn công việc phù hợp nhất. Không chỉ thực tập theo chương trình đào tạo (thường rơi vào năm cuối), nhiều bạn trẻ lựa chọn thực tập sớm – vào năm nhất, năm hai hoặc năm ba. Hãy cùng tìm hiểu xem thực tập là gì? Những điểm có lợi và bất lợi của việc thực tập nói chung và thực tập sớm nói riêng, những sai lầm thường gặp và bài học rút ra nhé!
I. Thực tập là gì?
Theo UMBC (Đại học Maryland – Hạt Baltimore – Hoa Kỳ), thực tập là một kinh nghiệm học tập chuyên nghiệp được cung cấp bằng công việc thực tế, có ý nghĩa liên quan đến lĩnh vực học tập hoặc sở thích nghề nghiệp của học sinh. Thực tập mang đến cho sinh viên cơ hội khám phá và phát triển nghề nghiệp cũng như học hỏi các kỹ năng mới. Nó mang đến cho nhà tuyển dụng cơ hội để đưa những ý tưởng và năng lượng mới vào nơi làm việc, phát triển tài năng và có khả năng xây dựng một hệ thống cho những nhân viên toàn thời gian trong tương lai.
Một kỳ thực tập chất lượng mà UMBC đề ra bao gồm:
- Lịch làm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian không quá 25% nhiệm vụ văn thư hoặc hành chính.
- Được cung cấp mô tả công việc/dự án rõ ràng.
- Định hướng về tổ chức, văn hóa của tổ chức và (các) nhiệm vụ công việc được đề xuất.
- Giúp sinh viên phát triển và đạt được mục tiêu học tập.
- Phản hồi thường xuyên được cung cấp cho sinh viên thực tập.
II. Lợi ích của thực tập sớm
Được trải nghiệm công việc thực tế
Bước vào môi trường thực tế, bạn sẽ biết được đặc điểm yêu cầu của công việc, điểm thú vị, khó khăn ra sao. Mỗi công việc bạn đảm nhận sẽ đem đến kinh nghiệm chuyên môn cho bạn mà không bài học nào trên giảng đường có thể cho được. Đây cũng là cơ hội để bạn áp dụng các kiến thức đã học, từ đó có thể mở rộng, đào sâu các kiến thức này, so sánh sự khác biệt giữa lí thuyết và thực tế. Bạn cũng có cơ hội tiếp xúc với những tiền bối đi trước, những người có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, bạn sẽ được chỉ bảo và học hỏi nhiều điều từ họ.
Ngoài ra, tiếp xúc với môi trường xã hội thực tế giúp bạn biết được bản thân mình cần trau dồi những gì. Nhất là những kỹ năng xã hội như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm. Đặc biệt, nếu môi trường phù hợp, bạn sẽ phát triển khả năng cạnh tranh lành mạnh.
Đặc biệt, đi thực tập sớm, bạn sẽ được trải nghiệm “đời” sớm hơn sẽ là lợi thế cạnh tranh với các bạn cùng trang lứa sau khi ra trường.
Được học và làm việc với công nghệ mới, kiến thức mới
Thường có một khoảng cách giữa công nghệ, kiến thức được đào tạo trong Nhà trường và thực tế. Nếu bạn thực tập ở những công ty đầu ngành, kiến thức và công nghệ bạn được học sẽ đi trước Nhà trường. Bên cạnh đó, ở nhiều đơn vị, bạn sẽ được đào tạo theo lộ trình rõ ràng để tự học những kiến thức mới, những công nghệ phần mềm đang được ứng dụng.
Học cách đối mặt và chịu áp lực
Môi trường làm việc thực tế đòi hỏi tính trách nhiệm cao, bạn phải có trách nhiệm với hành động của mình nếu không người bị đào thải sẽ là bạn. Không có con đường nào khác là không ngừng nỗ lực, học hỏi và hoàn thành công việc. Do đó, bạn sẽ học được cách đối mặt và chịu áp lực, có trách nhiệm với bản thân, với nhóm, với dự án của công ty mình. Đây cũng là cơ hội để học được cách quản lý thời gian của mình một cách hiệu quả hơn.
Làm đẹp CV
Thực tế là đa số các doanh nghiệp đều muốn tuyển các ứng viên có kinh nghiệm. Thứ nhất, họ có thể đánh giá ngay được năng lực của ứng viên qua quá trình thực tập trước đó, thứ hai, họ sẽ đỡ mất thời gian đào tạo. Vì vậy, giữa hai sinh viên cùng tốt nghiệp một trường đại học hay một ngành, nếu các yếu tố khác không quá khác biệt, hiển nhiên sinh viên có kinh nghiệm sẽ có nhiều khả năng trúng tuyển hơn.
Nhiều bạn sinh viên hay than vãn là nhà tuyển dụng đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm thì sinh viên mới ra trường sao có thể đáp ứng. Tuy nhiên, chính quá trình thực tập sẽ giúp bạn “lấp đầy” yêu cầu này trong CV.
III. Những bất lợi của việc thực tập sớm
Những lợi ích của việc thực tập là không thể phủ nhận, nhưng với vấn đề thực tập sớm, thực tập khi bạn còn đang còn lịch học trên giảng đường, còn nhiều bài tập phải giải quyết, nhiều vấn đề cần đào sâu nghiên cứu, sẽ có một số bất lợi như sau:
Tốn thời gian
Trung bình một sinh viên sẽ học khoảng 4-6 giờ một ngày. Nếu thực tập 1 buổi 1 ngày và buổi còn lại đi học thì tối về nhà sẽ bận bịu với cả tá công việc như bài tập trên trường và deadline ở công ty. Thậm chí đôi khi bận đến nỗi phải “treo” cái này cái kia.
Bạn không có thời gian để ngủ, thời gian ngủ nghỉ của bạn ít đi dẫn đến sức khỏe của bạn sẽ bị giảm theo. Bạn cũng sẽ không có thời gian dành để phát triển các mối quan hệ bạn bè, người thân, người yêu.
Vì thời gian của bạn đã dành hầu hết cho công việc và học tập, bạn không có đủ thời gian và sức khỏe cho việc học thêm các kĩ năng như ngoại ngữ, tin học, kĩ năng mềm. Bạn không có thời gian cho những sở thích cá nhân cũng như không có thời gian để chiêm nghiệm, nhìn lại bản thân mình.
Tốn chi phí
Ở một số đơn vị, công việc thực tập vẫn có trả lương nhưng đa phần là không có lương hoặc có thì con số khá khiêm tốn. Trong khi đó, bạn sẽ phải tốn chi phí xăng xe, chi phí điện thoại, ăn uống…
Nếu so với việc tìm kiếm một công việc làm thêm đơn thuần, thì rõ ràng việc thực tập sẽ không có lợi về kinh tế.
IV. Những sai lầm dễ gặp phải khi thực tập sớm
Không có mục tiêu rõ ràng
Như trên đã đề cập, bạn phải đầu tư thời gian, công sức, hi sinh sức khỏe, điểm số và nhiều tốn nhiều chi phí cơ hội khác khi đi thực tập sớm. Vì vậy, bạn phải lấy được những lợi ích nhiều hơn thì mới xem là đầu tư có lợi. Tuy nhiên, nhiều bạn lại thực tập sớm theo phong trào, không có mục tiêu rõ ràng.
Các mục tiêu như “được trải nghiệm”, “được thử sức”, “được học hỏi thêm” rất mông lung. Khi không có mục tiêu rõ ràng, bạn có thể sẽ nộp đơn vào đại một vị trí, một công ty không phù hợp và cuối cùng bạn nhận ra mình không học được gì hơn ngoài một số kiến thức văn phòng đơn giản hoặc bạn nhận ra vị trí công việc này không liên quan gì đến ngành học của mình hay công việc này hoàn toàn không phù hợp với định hướng của mình.
Nhiều bạn sẽ thấy việc nhận ra như trên cũng là lợi ích, nhưng có đáng không khi bạn phải chịu đựng deadline, stress, tốn chất xám, sức lực và thời gian quý báu chỉ để nhận ra những điều như thế? Trong khi, như trên tôi đã đề cập, việc thực tập sẽ đem lại rất nhiều lợi ích nếu được thực hiện có mục đích, đúng thời điểm.
Chưa có nhiều kiến thức để ứng dụng, đối chiếu với thực tế
Nếu bạn chưa có nền tảng kiến thức chuyên ngành hay ít nhất là kiến thức cơ sở ngành, sẽ không có cơ hội để đào sâu, cọ xát đối chiếu giữa cái được học và thực tế công việc.
Không cân bằng được giữa việc học và việc thực tập
Việc mất cân bằng có thể khiến kết quả học tập của bạn sa sút, công việc thực tập không được hoàn thành tốt hoặc cả hai.
Không chỉ khi đi thực tập sớm, khi đi thực tập nói chung, một số sai lầm thường gặp khác của sinh viên là:
- Im lặng, không đặt câu hỏi.
Các công ty thường có xu hướng đánh giá thấp những nhân viên thực tập, cho rằng đó chỉ là sinh viên không có kỹ năng hay kinh nghiệm, một số người sẽ lợi dụng điều đó và biến bạn thành “chân sai vặt” trong văn phòng mà không học hỏi thêm được gì nhiều về chuyên môn hay kỹ năng.
- Không xây dựng các mối quan hệ.
Đừng bao giờ nghĩ rằng “Mình chỉ là một nhân viên thực tập, không cần phải biết tới những nhân viên khác trong phòng”. Ít nhất trong giai đoạn này, bạn là một phần của nhóm. Hãy thể hiện sự hòa đồng, thân thiện và tận dụng tối đa cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp này để gặp gỡ, mở rộng mối quan hệ. Có thể bạn sẽ ở lại làm việc cho công ty sau kỳ thực tập hay tìm được một công việc ưng ý khác nhờ sự năng nổ của mình.
- Ăn mặc không phù hợp.
Bạn không nên mặc quần đùi, áo ba lỗ, mang những style quá phá cách như quần jean rách… Sẽ không ai nhìn nhận bạn một cách nghiêm túc nếu bạn ăn mặc được cho là “không nghiêm chỉnh” tới nơi công sở. Thứ nhất là không phù hợp với văn hóa công sở, thứ hai là không thể hiện được sự nghiêm túc đối với công việc.
- Làm việc hời hợt, thiếu nhiệt tình hoặc thậm chí tự ý bỏ việc
Nhiều sinh viên thực tập vì cho rằng mình không phải là nhân viên chính thức nên thiếu nhiệt tình, năng nổ tham gia vào các hoạt động của công ty. Họ thường xuyên làm việc riêng, chat chit, chơi game khi có cơ hội. Thậm chí nhiều bạn tự ý rời bỏ công việc của mình mà không thông báo đến người giám sát/ hướng dẫn hoặc sếp của bạn vì nghĩ rằng vị trí công việc của mình không quan trọng. Điều này là sai lầm vì mọi việc bạn làm đều được quan sát, bạn sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp. Trước hết, khả năng bạn bỏ lỡ khả năng được mời làm việc cho chính công ty đang thực tập và công ty có thể đưa những nhận xét không có lợi cho công việc tương lai của bạn trong CV, trong vòng quan hệ công việc của họ.
V. Bài học kinh nghiệm khi đi thực tập sớm
Từ những sai lầm thường gặp ở trên, chúng ta cần:
Đặt ra các mục tiêu cho bản thân
Các mục tiêu cần càng rõ ràng càng tốt. ví dụ như bạn muốn thực tập về Digital Marketing, bạn có thể đưa ra các mục tiêu:
- Nắm được quy trình Xây dựng chiến lược, chiến lược Marketing cho sản phẩm , các chương trình truyền thông, promotion theo định hướng công ty. Phương pháp kế hoạch, triển khai và theo dõi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên các kênh online Google, Facebook, Zalo, Linked In,…
- Triển khai các chiến dịch quảng bá và xây dựng thương hiệu qua các công cụ Digital Marketing (SEO/SEM, Online Advertising, Email Marketing, Mobile Marketing, Social Media, SMS Marketing, Affiliate Marketing…), bao gồm cả triển khai thử nghiệm và đánh giá kết quả.
- Nắm rõ quy định kỹ thuật của từng kênh digital để tối ưu hóa nội dung, hình ảnh và chất lượng quảng cáo.
- Làm việc từ 3h-5h/ngày, có thu nhập từ 2.000.000 đ trở lên
Từ mục tiêu này, bạn sẽ tìm kiếm các vị trí tuyển dụng tương ứng. Mỗi công việc thực tập cũng giống như một công việc chính thức đều có mô tả về công việc phải làm, hình thức, chế độ. Nếu chưa có mô tả cụ thể, bạn hoàn toàn có thể hỏi, tìm hiểu trước khi quyết định. Bạn cũng có thể đặt ra mục tiêu đơn giản hơn hoặc chi tiết hơn phù hợp với năng lực và ngành nghề.
Lập kế hoạch để cân bằng việc học, đi thực tập và cuộc sống
Sau khi có mục tiêu, bạn cần lên kế hoạch thực hiện. Việc này cần phải có sự tính toán, cân nhắc, tính kỷ luật và “đừng quá tham”. Nếu thấy kế hoạch không khả thi, bạn hoàn toàn có thể chỉnh sửa mục tiêu và đặt ra một kế hoạch “dễ thở” hơn. Tuổi trẻ, sức khỏe đều đáng quý, đừng quá gò ép để bị kiệt quệ về cả thể xác và tinh thần.
Đi thực tập khi đã sẵn sàng
Theo cá nhân mình, khi bạn chưa vào cơ sở ngành hay chuyên ngành, không nên đi thực tập. Lí do như đã đề cập ở trên, bạn chưa có kiến thức nền để ứng dụng hay mở rộng, thậm chí bạn cũng chưa thể xác định được mục tiêu thực tập nên sẽ rất lãng phí thời gian, công sức. Năm nhất, bạn có thể dùng thời gian để tham gia câu lạc bộ, rèn luyện kĩ năng tin học, ngoại ngữ hay đi làm thêm.
Bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý nghiêm túc, trách nhiệm khi đi thực tập. Việc tìm hiểu kỹ về công ty, văn hóa công ty, lĩnh vực công ty hoạt động và mô tả công việc thực tập cũng là những việc cần chuẩn bị sẵn sàng.
Các hành động khác để tránh các sai lầm thường gặp ở trên:
- Luôn luôn học hỏi
Những người có kinh nghiệm thường rất thích chia sẻ những kiến thức họ có được cho những ai ham học hỏi, nếu bạn mạnh dạn hỏi, họ sẽ không ngần ngại chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được của mình.
- Hỏi ý kiến đánh giá
Để có thể hoàn thiện bản thân mình, sau 1 tháng, bạn hãy xin nhận xét của người giám sát/ hướng dẫn hay sếp của mình về bạn. Từ đó bạn sẽ biết được mình đã làm tốt những gì và những gì cần cải thiện.
- Chứng tỏ bạn chuyên nghiệp
Duy trì hình ảnh của bạn cả ở trong và ngoài công ty. Thân thiện nhưng tránh “buôn dưa lê bán dưa chuột” và chia bè kết phái trong công ty. Đừng lãng phí thời gian của bạn vào những điều có thể khiến bạn khó xử trong các mối quan hệ, thậm chí đổ bể các mối quan hệ mà bạn đã tốn công gây dựng bằng những cuộc nói chuyện, thư từ cá nhân vô nghĩa.
- Chứng tỏ lòng nhiệt tình
Một nhân viên nhiệt tình và năng nổ luôn được yêu thích, vì nhân viên nhiệt tình có thể ảnh hưởng tốt đến những nhân viên khác trong công ty. Hãy cố gắng gây những ảnh hưởng tích cực lên mọi người.
Thực tập đem lại nhiều lợi ích và thường là bắt buộc với sinh viên trước khi tốt nghiệp. Việc thực tập sớm lại khác, đó là một lựa chọn. Hãy cân nhắc lợi ích và bất lợi và xem bạn đã sẵn sàng để thực tập sớm hay chưa? Đừng ngần ngại đóng góp ý kiến, kinh nghiệm của bạn cho mình về việc thực tập sớm nhé!
Đỗ Thục Phương
Tài liệu tham khảo:
[1] Bài viết về thực tập của Đại học Maryland, Hạt Baltimore trên careers.umbc.edu/
[2] Một số bài viết về thực tập trên careerbuilder.vn
[3] Bài viết về bất lợi của thực tập trên itzone.com.vn