Tạo bài viết thảo luận

Bạn có đang cảm thấy mất phương hướng trước muôn vàn những ngã rẽ của chính mình và nơi ấy chỉ được chọn “một”?

Ở tuổi 18, cái tuổi không quá trẻ cũng chưa hẳn đã trưởng thành và việc đặt bút chọn ngành với bạn lúc này là một bài toán khó. Và lại càng khó hơn khi bạn - người với học lực bình thường, ngoại ngữ không có, tài năng cũng không và càng không biết mình thích gì.

Nhưng bạn đừng lo lắng, hôm nay bạn Kiều Dễm – cộng tác viên của Hướng nghiệp 4.0 CDM sẽ đưa đến cho chung ta công cụ “SWOT” nhằm giúp bạn giải bài toán “khó nhằn” này. 

SWOT LÀ GÌ?

SWOT - mô hình gồm 4 yếu tố đại diện bởi 4 chữ viết tắt: S - Strength (Điểm mạnh), W - Weaknesses (Điểm yếu), O - Opportunities (Cơ hội) và T - Threats (Thách thức). Đây là mô hình giúp doanh nghiệp nắm bắt được tình hình hiện tại về nguồn lực, lợi thế trong kinh doanh hay điểm cần cải thiện, nguy cơ từ bên ngoài cũng như những cơ hội của mình để lên kế hoạch hiệu quả và tránh được các rủi ro trong tương lai.

Và với mô hình này bạn sẽ đi phân tích chính mình, lập bảng SWOT cá nhân chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và cả những thách thức của bản thân để chính bạn sẽ là “chủ nhân” cho những kế hoạch tiếp theo trong đời mình. Có thể nghe đến SWOT bạn sẽ thấy rất lạ nhưng đâu đấy từ mô hình này hành trình “chọn ngành, chọn nghề” của bạn sẽ rút ngắn lại và kết quả sẽ rất bất ngờ bằng một ngành “không thể phù hợp hơn” đấy.

S (STRENGTH) - ĐÂU LÀ ĐIỂM MẠNH CỦA BẠN?

Điểm mạnh - ai trong chúng ta cũng có, chỉ là bạn tìm ra hay chưa mà thôi

Có ai tự ti đến nỗi mà cho rằng là mình không có điểm mạnh gì hông ta? Và dù thế nào thì cũng sẽ có một vài bạn thiếu tự tin như thế, trong đó có mình nhưng lại là mình của trước đây. Sẽ có lúc bạn cảm thấy mình thật nhỏ bé và không biết mình có thể làm được gì so với thế giới rộng lớn ngoài kia nhưng bạn không biết rằng trong chúng ta ai cũng có điểm mạnh và quan trọng ở chỗ là bạn tìm ra hay chưa thôi à.

Vậy làm sao để tìm ra điểm mạnh của mình? 

- Tự đặt câu hỏi: Bạn cảm thấy đầy năng lượng khi làm gì? Việc gì làm trong thời gian dài nhưng bạn không thấy chán? Lĩnh vực nào bạn tham gia được mọi người khen ngợi?... Khi trả lời cũng là lúc bạn tìm ra ưu điểm của mình rồi đó.

- Từ lời nhận xét của người khác: Hãy lắng nghe một cách thông minh, có thể điều đó sẽ đưa bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì có những thứ trước đó bạn chưa nhận ra. Đó có thể là “Sự kiên định của bạn làm tôi nể phục”, “Tôi mong được vị tha như bạn”,...

- Đặt mình vào môi trường và hoàn cảnh sống khác nhau: Hãy nhìn nhận, xem xét, đánh giá để có thể nhận định được đâu là điều mà bạn làm tốt nhất.

- Tham gia những bài trắc nghiệm hoặc các cuộc khảo sát: Chỉ cần hỏi Bác Google với từ khóa “trắc nghiệm khám phá điểm mạnh của bản thân” bạn sẽ nhận được khoảng 2.100.000 kết quả chỉ trong 0,4s. 

W (WEAKNESS) - ĐIỂM YẾU CỦA BẠN LÀ GÌ?

ao nhiêu điểm yếu không quan trọng bằng việc bạn có cố gắng khắc phục nó hay không

Cùng với điểm mạnh ai trong chúng ta cũng sẽ có một hoặc nhiều điểm yếu. Đó có thể là bạn không giỏi tính toán, ngoại ngữ cũng không, luôn cẩn trọng nên rất mất thời gian để làm một điều gì đó, tay chân vụng về, thể lực không tốt, ngại bắt chuyện với mọi người hay nói chuyện trước đám đông,...

Vậy sau khi biết những điểm yếu ấy bạn cần làm gì? 

Điều bạn cần làm lúc này là rèn luyện nhiều hơn để khắc phục dần những điểm yếu của mình. Nếu bạn là người luôn cẩn trọng trong tất cả mọi thứ và mất rất nhiều thời gian cho việc gì đó vì muốn nó hoàn hảo nhất có thể thì nên tạo cho mình thói quen “cài đặt thời gian” trước khi thực hiện để vẫn là 24 giờ nhưng bạn có thể làm được nhiều việc hơn. Hay điểm yếu của bạn là ngoại ngữ thì mình tin rằng việc lập kế hoạch học tập nó mỗi ngày cùng với sự kỷ luật thì một ngày nào đó bạn sẽ bất ngờ với trình độ ngoại ngữ của mình đó.

Và không ai trong chúng ta là “hoàn hảo”, sẽ có những điểm yếu mà bạn dễ dàng khắc phục nhưng một số thì lại không. Điều bạn cần làm lúc này là “chấp nhận” - chấp nhận điểm yếu của bản thân đã được cải thiện ở một mức độ nào đó và cố gắng bổ sung cho mình những điểm mạnh để hỗ trợ điểm yếu đó hoặc để giảm bớt tác động của nó.

O (OPPORTUNITIES) - BẠN CÓ NHỮNG CƠ HỘI NÀO?

Cơ hội - hãy thật sự nhìn lại bạn có những cơ hội nào đang chờ mình nắm bắt

“Có ba điều trong cuộc đời nếu qua đi sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói, cơ hội”

Cái đang gọi là cơ hội ấy không tự sinh ra và mất đi mà điều quan trọng ở đây là bạn có “chủ động” tìm đến và nắm bắt nó hay không mà thôi. Có lẽ trên hành trình bạn đi đôi lúc cảm thấy mệt mỏi khi những cơ hội cứ liên tục đến với người khác còn bạn thì lại không. Nhưng đừng lo, chỉ là bạn chưa biết cách để nhận ra và nắm bắt nó thôi à.

Hãy tìm kiếm cơ hội từ những gì xung quanh bạn như: học bổng du học, công ty gia đình hay từ chính những điểm mạnh mà bạn vừa tìm ra ở trên nữa đó. Bạn giỏi viết lách và viết cả ngày không chán thì cơ hội với thu nhập hấp dẫn từ vị trí biên kịch, nhà báo, Content Writer cho Web,...Hay bạn giỏi ngoại ngữ thì được tiếp cận với kiến thức rộng lớn từ nước ngoài, được làm việc tại các công ty đa quốc gia với cơ hội thăng tiến và mức lương hấp dẫn cũng là cơ hội bạn nên nắm bắt ngay và luôn đấy.

"Tìm kiếm để bắt lấy những cơ hội" là một hành trình dài mà ở đó chính bạn phải rèn luyện nhiều hơn, cố gắng và kiên trì nhiều hơn cùng những điểm mạnh mà mình đã có.

T (THREATS) - ĐÂU LÀ THÁCH THỨC MÀ BẠN PHẢI TRẢI QUA?

Bên cạnh cơ hội, thách thức là điều bạn không thể tránh khỏi

"THÁCH THỨC" sẽ là 2 từ luôn hiện hữu nếu bạn muốn khắc phục những yếu điểm và trong quá trình "tìm kiếm cơ hội". Đó là thứ rất dễ nhận ra, quan trọng là bạn vượt qua như thế nào? Điều bạn cần làm lúc này là "cố gắng", nếu người khác cố gắng 100% thì bạn cố gắng 150%, kiên trì để chinh phục mục tiêu.

Bạn thích viết lách và muốn trở thành một nhà báo được nhiều người biết đến thì thách thức ngay lúc này là bạn phải cố gắng học thật tốt để vào đại học, vào đúng ngành, đúng trường mà nơi ấy bạn có đủ điều kiện để phát triển những kỹ năng cần có. Hay bạn có lợi thế về ngôn ngữ và muốn làm việc trong một công ty đa quốc gia về Marketing thì bên cạnh kỹ năng đã có bạn phải trau dồi nhiều hơn những kiến thức, lối tư duy mà một marketer cần có.

“Set your target and keep trying until you reach it” - Hãy đặt mục tiêu và luôn cố gắng đến khi bạn đạt được nó. Và trên hành trình ấy bao nhiêu thách thức không quan trọng, quan trọng là bạn đã vượt qua và trưởng thành hơn như thế nào.

SAU KHI HOÀN THÀNH BẢNG SWOT BẠN CẦN LÀM GÌ?

Tìm kiếm từ nhiều nguồn về việc lựa chọn nghề nghiệp

Tìm bằng mọi nguồn lực mà bạn có: Google, thầy cô, cha mẹ, bạn bè, ông hàng xóm,.. những người có tầm nhìn và kinh nghiệm giống với những gì mà bạn quan tâm đến ý.

Ví dụ bạn là người hướng nội, cục súc, không thích giao tiếp nhưng tỉ mỉ, chi tiết, thích tính toán thì nên tìm hiểu thử ngành kế toán, kiểm toán. Còn nếu bạn thích chăm sóc người khác, hướng ngoại, thích giao tiếp mà không giỏi việc học hành cho lắm thì bạn nên tìm hiểu về ngành du lịch, nhà hàng khách sạn, F&B,... 

Lựa chọn ngành phù hợp nhất

Hãy để chính bạn lựa chọn đoạn đường mà mình sẽ bước. Vậy như nào là ngành phù hợp nhất? Đó là ngành mà có thể không đúng với người khác nhưng lại rất đúng với bạn, đúng với những điểm mạnh, những giá trị mà bạn hướng đến và cả người mà bạn muốn trở thành sau này.

Và cuối cùng là “HÀNH ĐỘNG” để chinh phục

“A goal without a plan is just a wish”

Điều bạn cần làm ngay lúc này là ngồi dậy lập kế hoạch và bắt tay thực hiện từ những việc nhỏ nhất để đến gần hơn với mục tiêu mà mình đặt ra. Và có thể đôi lúc bạn sẽ cảm thấy chán nản và không muốn tiếp tục nhưng hãy nhớ rằng “những nỗ lực của bạn chắc chắn sẽ có kết quả, chỉ là sớm hay muộn mà thôi”. 

Vậy nên, khi tụi mình còn trẻ hãy cố gắng để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày, đó có thể là tốt hơn 1%, 2% hoặc 10% nhưng hãy vui vì bạn vẫn đang cố gắng mà.

Hãy nỗ lực và kiên trì để chinh phục những mục tiêu mà bạn đã đặt ra

Hy vọng rằng với công cụ “SWOT” này bạn sẽ có được đáp án riêng cho bài toán “chọn ngành, chọn nghề” của chính mình, đáp án mà sau này khi nhìn lại bạn vẫn thấy vui vì mình đã giải “đúng”. 

Kiều Diễm

Phần Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra là nơi  các anh chị, các bạn trẻ chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình  lựa chọn nghề nghiệp.

Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút.

Bài viết xin  gửi về cdm@huongnghiepcdm.edu.vn


 

Tạo bài viết thảo luận
Tư duy phản biện, xóa bỏ thiên kiến (phần 2)

Tư duy phản biện, xóa bỏ thiên kiến (phần 2)

05-11-2022
App học tập – Sử dụng sao cho hiệu quả?

App học tập – Sử dụng sao cho hiệu quả?

24-11-2022
Sinh viên nên làm thêm thế nào cho hiệu quả?

Sinh viên nên làm thêm thế nào cho hiệu quả?

16-02-2023
Những ngành mới của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Những ngành mới của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

14-07-2022
Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

23-06-2022
Những việc mình đã làm để phát triển bản thân trước khi vào đại học

Những việc mình đã làm để phát triển bản thân trước khi vào đại học

30-09-2022