Tạo bài viết thảo luận

Nhiều bạn đã biết về cuốn sách “Thế giới phẳng”  một tác phẩm của Thomas Friedman và hiện nay thuật ngữ Thế giới phẳng đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển toàn cầu hóa từ những năm đầu của thế kỷ XXI khi mười nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết. Thế giới phẳng đã giúp sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước và công cụ để giao tiếp chính giữa con người với nhau chính là ngôn ngữ. Do đó, có rất nhiều bạn trẻ chọn các ngành Ngôn ngữ để học và theo đuổi sự nghiệp. Và hiện nay, các trường đại học cao đẳng cũng đang đào tạo rất nhiều ngành Ngôn ngữ: ngôn ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Đức, Nga, Tây Ban Nha, song ngành Anh – Trung, Trung – Anh, Thái Lan…

Tuy vậy, tôi vẫn thường xuyên nhận được những câu hỏi băn khoăn về việc theo học các ngành Ngôn ngữ. Trong đó, nổi lên là sự quan tâm về vai trò của việc học ngoại ngữ trong thời đại mà các phần mềm dịch thuật, công cụ dịch thuật đang ngày càng phát triển; có thể học ngoại ngữ dễ dàng tại các trung tâm; học ngoại ngữ ra trường không có “nghề” trong tay. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc học để lấy bằng cử nhân các ngành Ngôn ngữ đã lỗi thời. Trong bài viết này, tôi sẽ tổng hợp 03 băn khoăn lớn nhất và nêu lên ý kiến của mình. Rất mong nhận được sự góp ý, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.

Câu hỏi 1: Nên học trình độ cao đẳng, đại học hay học tại các trung tâm về một ngôn ngữ?

Đầu tiên, theo tôi, việc học ngôn ngữ ở trường đại học, cao đẳng hay trung tâm đều có mục đích là giúp chúng ta sử dụng thành thạo một ngôn ngữ.

1.Tuy nhiên, sự khác biệt là mức độ thành thạo 

Học Ngôn ngữ tại Trung Tâm: tập trung vào 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Học Ngôn ngữ tại trường Đại học, Cao đẳng: được học các kiến thức Nền tảng cơ bản (phát âm, từ vựng, ngữ pháp); Cách hình thành câu; Hình thái của từ ngữ; Giao tiếp (nghe-nói-đọc-viết); Kiến thức chung về khoa học xã hội nhân văn; Cách thức sử dụng ngôn ngữ theo các phong cách khác nhau (giao tiếp thông thường, báo chí, thương mại, du lịch, văn học…); Văn hoá của các quốc gia chính sử dụng ngôn ngữ đó; Phương pháp nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ; Kỹ năng phiên dịch, biên dịch ngôn ngữ. Một số cơ sở đào tạo cũng cung cấp thêm một khối lượng kiến thức về văn phòng, kinh doanh, giảng dạy.

Như vậy, học tại trường Đại học, Cao đẳng sẽ được học chuyên sâu, để trở thành các chuyên gia ngôn ngữ và hoàn toàn có khả năng nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ và học tập ở các trình độ cao hơn, học ở trung tâm chủ yếu đáp ứng nhu cầu giao tiếp.

2.  Về chương trình đào tạo

Học Ngôn ngữ tại Trung tâm thường được giảng dạy theo một giáo trình hoặc chương trình cụ thể của Trung tâm, còn trường Đại học, Cao đẳng xây dựng một chương trình đào tạo từ kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành và các kiến thức các ngành liên quan như văn phòng, du lịch. Chương trình đào tạo của trường đại học, cao đẳng sẽ có hệ thống, chặt chẽ và chuẩn đầu ra rõ ràng.

3.  Về thời gian học 

Thời gian học tại các trường đại học, cao đẳng cũng đòi hỏi sự cam kết thường xuyên, lâu dài. Còn các trung tâm thường có cả các khoá dài hạn và ngắn hạn. Chi phí cũng khác nhau. Bằng cấp của các trường đại học, cao đẳng cũng mang tính chất dài hạn còn khi học ở trung tâm, đa số bạn có thể thi và lấy các chứng chỉ ngắn hạn.

Do đó, tuỳ theo điều kiện, mục đích để chúng ta có thể lựa chọn học tại trung tâm hay các chương trình cao đẳng, đại học.

Câu hỏi 2: Ngôn ngữ có phải chỉ là một công cụ giao tiếp, không phải là một chuyên ngành để làm nghề?

Hiện nay vẫn nhiều người cho rằng các ngành Ngôn ngữ nói chung chỉ là công cụ giao tiếp hỗ trợ trong công việc chứ không thể xem là chuyên ngành để có nghề nghiệp ổn định lâu dài, do đó khó xin việc. Tôi xin đưa ra ý kiến như sau:

Đối với các công việc như nghiên cứu, giảng dạy, thông dịch, biên dịch, nhất là hoạt động nghiên cứu, giảng dạy thì sinh viên ngành Ngôn ngữ sẽ có ưu thế lớn vì họ được đào tạo bài bản, có hệ thống. Do vậy, đây là những nghề, vị trí thu hút nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đối với các vị trí khác tại doanh nghiệp ví dụ như chuyên viên kinh doanh tại công ty xuất nhập khẩu, chuyên viên marketing, chuyên viên văn phòng, thư ký…

  • Đối với vị trí đòi hỏi tính chuyên môn cao về nghiệp vụ thì sinh viên các ngành khác (quản trị kinh doanh, marketing, xuất nhập khẩu…) biết ngoại ngữ sẽ có lợi thế hơn.
  • Đối với vị trí đòi hỏi ngôn ngữ chuẩn xác, độ khó cao thì sinh viên ngành Ngôn ngữ  có thêm nghiệp vụ sẽ có lợi thế hơn.
  • Việc so sánh này còn chưa chính xác, tuỳ thuộc vào thể hiện của bạn khi đi phỏng vấn, các kỹ năng mềm, khả năng học hỏi…

Để khắc phục vấn đề này, khi chọn học các ngành Ngôn ngữ, trong quá trình học, bạn cần định hướng mình sẽ làm gì khi ra trường (cũng phụ thuộc vào sở thích và năng lực bạn khám phá ra khi học tập). Từ đó, bạn đào sâu, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng cho phần này. Ví dụ, bạn muốn theo hướng giảng dạy thì bạn sẽ chọn Chuyên ngành phương pháp giảng dạy, học thêm chứng chỉ sư phạm, xin đi dạy thêm, trợ giảng, dạy kèm, nghiên cứu thêm về lĩnh vực này, chuẩn bị học lên thạc sĩ. Bạn muốn theo hướng làm chuyên viên xuất nhập khẩu, bạn sẽ chọn Chuyên ngành tiếng (…) thương mại, học thêm chứng chỉ kinh doanh xuất nhập khẩu, xin đi làm thêm – thực tập tại công ty xuất nhập khẩu. Việc định hướng sớm về nghề, vị trí bạn muốn làm sau khi tốt nghiệp sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tăng khả năng tìm kiếm việc làm và cơ hội thăng tiến sau này.

Câu hỏi 3: Robot và những phần mềm phiên dịch trực tuyến có khả năng thay thế người có bằng cấp ngoại ngữ trong thời gian tới?

Đúng là các phần mềm dịch thuật, robot dịch đang giúp ích rất nhiều cho người dùng khi phải làm việc với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, con người là hạt nhân của sự sáng tạo, sáng tạo ra trí tuệ, con người quản lý trí tuệ đó và sáng tạo ra trí tuệ khác. Trong hiện tại và tương lai gần, robot và các phần mềm chưa thể thay thế cho người dịch thuật ở các văn bản- đối thoại phức tạp, các phần mềm không thể nắm bắt tâm lý, văn hoá, bối cảnh để truyền tải chính xác. Ngoài ra, thời gian cách ly do đại dịch Covid 19 đã chứng minh, các mối tương tác, tiếp xúc giữa con người với con người luôn cần thiết trong giao tiếp, công việc mà máy móc không thể thay thế. Ngược lại, bạn nên biến robot và các phần mềm trở thành công cụ đắc lực cho mình trong quá trình học tập, giảng dạy và làm việc, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, nâng cao hiệu quả công việc.

Kết luận

Trước khi quyết định theo đuổi một ngành nghề,  bạn cần xác định thế mạnh và yêu thích của mình là ngôn ngữ hay các ngành kinh doanh, marketing, du lịch…và chọn theo thế mạnh, sở thích. Đây vẫn là gốc rễ của việc chọn ngành nghề. Ví dụ, nếu bạn thấy mình niềm đam mê và thế mạnh của mình thuộc về kinh doanh thì bạn nên học các chuyên ngành về kinh tế và có thể trau dồi thêm kỹ năng ngoại ngữ của mình qua việc tự học, học ở trường, trung tâm, gia sư…. Ngược lại, nếu bạn muốn trở thành các chuyên gia về một ngôn ngữ, gắn bó sự nghiệp của mình với ngôn ngữ đó và học ngôn ngữ cũng là thế mạnh của mình thì bạn đừng ngần ngại hãy tìm một ngôn ngữ yêu thích để học lên đại học hay cao đẳng. Việc học hai ngành song song hay văn bằng hai ngành Ngôn ngữ cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc. Có thể khẳng định, quá trình toàn cầu hoá hay thế giới phẳng hiện nay vẫn rất cần và sẽ đưa đến nhiều cơ hội việc làm với nhân lực ngành Ngôn ngữ.

Kim Tuyến

Tạo bài viết thảo luận
Phong cách sáng tạo của bạn là gì?

Phong cách sáng tạo của bạn là gì?

20-09-2021
[Trắc nghiệm] Trắc nghiệm đa trí thông minh MI (Multiple Intelligences)

[Trắc nghiệm] Trắc nghiệm đa trí thông minh MI (Multiple Intelligences)

02-12-2022
Hướng nghiệp có nên chọn ngành lương cao?

Hướng nghiệp có nên chọn ngành lương cao?

09-07-2022
Học sinh trung học có khả năng tự hướng nghiệp hay không?

Học sinh trung học có khả năng tự hướng nghiệp hay không?

14-09-2022
Học gì cho hay giữa ngày phong tỏa?

Học gì cho hay giữa ngày phong tỏa?

14-09-2021
SỬ DỤNG CỬA SỐ JOHARI ĐỂ KHÁM PHÁ BẢN THÂN TRONG TỰ HƯỚNG NGHIỆP

SỬ DỤNG CỬA SỐ JOHARI ĐỂ KHÁM PHÁ BẢN THÂN TRONG TỰ HƯỚNG NGHIỆP

25-02-2022