Tạo bài viết thảo luận

Quá trình toàn cầu hoá đã và đang diễn ra nhanh chóng kéo theo đó là sự hội nhập quốc tế của các quốc gia về tài chính ngày càng sâu rộng. Khái niệm hội nhập tài chính đang dần được thay thế bằng một khái niệm mới rộng hơn, đó là khái niệm “toàn cầu hóa tài chính”. Tại Việt Nam, sự phát triển này đã làm nảy sinh vấn đề làm sao tiếp cận được tốt nhất nguồn vốn của toàn cầu mà tránh được các rủi ro kèm theo, câu hỏi này được đặt ra với cả cấp độ nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp và cả quốc gia. Ngoài ra có thể nhận thấy sự tăng nhanh của đầu tư nước ngoài, sự có mặt ngày càng tăng của các công ty đa quốc gia, các quỹ đầu tư quốc tế tại Việt Nam. Do đó, nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp ngành Tài chính quốc tế tăng cao và ngành này được nhiều bạn trẻ chọn lựa trở thành sự nghiệp của mình.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu về ngành tài chính quốc tế, triển vọng, vị trí việc làm sau tốt nghiệp, những tố chất cần thiết và những cơ sở đào tạo ngành Tài chính quốc tế nhé!

1.Ngành Tài chính quốc tế là gì

Người tiêu dùng, công ty và chính phủ thường không có sẵn tiền để thực hiện chi tiêu, trả nợ hoặc hoàn thành các giao dịch khác. Họ phải vay hoặc huy động vốn. Mặt khác, có những nhà đầu tư, quỹ có tiền và họ muốn có lợi nhuận từ tiền của mình. Quá trình chuyển các nguồn vốn từ chỗ dư tiền đến chỗ cần tiền để sử dụng tiền hiệu quả nhất được gọi là tài chính. Các tổ chức chuyển tiền từ người tiết kiệm đến người cần được gọi là trung gian tài chính, chúng bao gồm các ngân hàng, quỹ tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty đầu tư và công ty tài chính.

Tài chính là một thuật ngữ chỉ sự quản lý tiền và bao gồm các hoạt động như đầu tư, vay, cho vay, lập ngân sách, tiết kiệm và dự báo. Hay nói cách khác tài chính liên quan đến việc lấy tiền từ đâu? Sử dụng tiền như thế nào? 

Có ba loại tài chính chính: tài chính cá nhân, tài chính doanh nghiệp và tài chính công (chính phủ).

Tài chính quốc tế 

-Tài chính quốc tế là khâu tài chính đối ngoại - một khâu trong hệ thống tài chính quốc gia.

-Là các hoạt động thanh toán và tín dụng quốc tế.

-Là quan hệ tài chính của chính phủ các nước với các tổ chức quốc tế.

-Là hoạt động tài chính của các công ty xuyên quốc gia hay công ty đa quốc gia (MNC).

-Tài chính quốc tế là tập hợp của những quan hệ tài chính của các chủ thể có phạm vi hoạt động vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia.

Như vậy, ngành Tài chính quốc tế là ngành học về hoạt động tài chính diễn ra giữa các quốc gia, về sự di chuyển các dòng tiền vốn giữa các quốc gia, gắn liền với các quan hệ quốc tế giữa các chủ thể trong và ngoài nước. Ngành tài chính quốc tế nghiên cứu tỷ giá hối đoái, đầu tư quốc tế, hệ thống tiền tệ quốc tế, cán cân thanh toán quốc tế, thị trường tài chính quốc tế (thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường ngoại hối), nợ quốc gia, các trung gian tài chính quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế, tài chính công ty đa quốc gia.

Phân biệt ngành Tài chính quốc tế với ngành học Tài chính doanh nghiệp

Ngành học Tài chính doanh nghiệp tập trung vào việc quản lý dòng tiền của doanh nghiệp, không phân biệt các quan hệ tài chính trong hoặc ngoài nước. Ngành học Tài chính quốc tế tập trung nghiên cứu các mối quan hệ tài chính vượt ra khỏi biên giới một quốc gia của cả 3 đối tượng: cá nhân, doanh nghiệp (tổ chức), chính phủ.

Sau khi học ngành Tài chính quốc tế, sinh viên có các kiến thức và kỹ năng

  • Nhận biết và giải thích các kiến thức nền tảng về kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật và công nghệ thông tin.
  • Tóm lược và áp dụng một cách có hệ thống các kiến thức về kinh tế, quản trị và kinh doanh, tài chính - kế toán về hoạt động của doanh nghiệp.
  • Nhận biết và giải thích được những quy luật hoạt động của môi trường kinh tế quốc tế và tài chính quốc tế.
  • Nhận biết được quy luật hoạt động, áp dụng các nghiệp vụ trên thị trường tài chính quốc tế.
  • Nhận biết, áp dụng các kiến thức để định giá công ty, phân tịch cơ hội đầu tư và các công cụ tài chính.
  • Nhận biết nguyên tắc cơ bản của việc tạo danh mục đầu tư, phân tích và lập kế hoạch quản lý tài chính và đầu tư, đánh giá rủi ro tài chính của doanh nghiệp các tổ chức tài chính trung gian- bán trung gian trên phạm vi toàn cầu.
  • Giải thích, áp dụng và phân tích một cách có hệ thống các Kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên sâu về hoạt động tài chính quốc tế trong các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian- bán trung gian trên phạm vi toàn cầu.
  • Có kỹ năng tổng hợp và tính toán để ra quyết định về quản trị tài chính và đầu tư quốc tế.
  • Có kỹ năng sơ đồ hóa, phân tích dữ liệu lớn phục vụ tiến trình phân tích và ra quyết định trong phạm vi hoạt động quản lý tài chính quốc tế.
  • Có kỹ năng thảo luận, trình bày và giải thích các vấn đề thay đổi từ môi trường tác động lên hoạt động tài chính quốc tế của doanh nghiệp và tổ chức tài chính trung gian.
  • Có kỹ năng học hỏi và làm việc nhóm để thảo luận và trình bày các giải pháp trong quản trị tài chính và đầu tư quốc tế.

2. Triển vọng của ngành Tài chính quốc tế 

Sau hơn ba mươi năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế trong đó có lĩnh vực tài chính. Thị trường tài chính Việt Nam đã hình thành về cơ bản, tạo tiền đề cho các hoạt động tài chính quốc tế: hoạt động tín dụng quốc tế, thanh toán trong xuất nhập khẩu; hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài; hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài; hoạt động đầu tư ra  nước ngoài; hoạt động kinh doanh ngoại tệ. 

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, trong  đó, làn sóng toàn cầu hoá tài chính cũng làm vai trò của tài chính quốc tế ngày càng trở nên quan trọng.

Về nhu cầu nhân lực, Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại tháng 8/2022, sau đại dịch Covid - 19, thị trường lao động phục hồi tương đối tốt, song tình trạng thiếu lao động cục bộ đang diễn ra, đặc biệt dự báo sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, logistics…Trong đó, tài chính nằm trong nhóm thiếu hụt nhân lực ở mức độ cao nhất, từ 30% – 40%.

Ngành tài chính quốc tế nói riêng và tài chính nói chung đang nằm trong nhóm ngành thiếu hụt nhân lực ở mức cao. Nguồn ảnh: Nataliya Vaitkevich (pexels.com)

3 Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên 

Sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính quốc tế có thể làm việc tại

  • Ngân hàng nhà nước, ngân hàng Phát triển Việt Nam
  • Các tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam (IMF, WB, ADB…)
  • Các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, quỹ tín dụng nhân dân.
  • Các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế.
  • Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 
  • Các công ty tài chính
  • Các tập đoàn, công ty đa quốc gia
  • Các quỹ đầu tư quốc tế tại Việt Nam
  • Các doanh nghiệp kiểm toán
  • Các doanh nghiệp chứng khoán, sàn giao dịch chứng khoán
  • Các doanh nghiệp bảo hiểm
  • Các doanh nghiệp Fintech: ví điện tử, cho vay ngang hàng…
  • Các doanh nghiệp thẩm định giá 
  • Các dự án đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam hoặc của Việt Nam tại nước ngoài.
  • Tự kinh doanh
  • Ra nước ngoài làm việc

Các vị trí đảm nhiệm của sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính quốc tế

  • Chuyên viên đầu tư
  • Chuyên viên quản lý tài chính quốc tế
  • Chuyên viên phân tích (tỷ giá, chứng khoán, thị trường, kết quả kinh doanh…)
  • Chuyên viên tư vấn về tài chính quốc tế 
  • Chuyên viên đánh giá rủi ro tài chính
  • Chuyên viên kinh doanh tiền tệ (ngoại hối)
  • Chuyên viên thanh toán quốc tế
  • Chuyên viên môi giới chứng khoán
  • Chuyên viên môi giới đầu tư
  • Chuyên viên huy động vốn 
  • Chuyên viên mua bán, sát nhập
  • Chuyên viên kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ
  • Chuyên viên kiểm toán (trợ lý/kiểm toán viên)
  • Chuyên viên thẩm định giá
  • Giảng dạy, nghiên cứu

Lưu ý: Các giao dịch của cá nhân khi tham gia thị trường ngoại hối (Forex), thị trường NFT, tiền kỹ thuật số crypto, tiền mã hoá, tiền ảo…ở Việt Nam chưa được pháp luật công nhận. Với kiến thức của mình,chuyên viên ngành Tài chính quốc tế sẽ nhận định được những cạm bẫy, lừa đảo trên thị trường này. Ngoài ra, nếu trong tương lai, khi được pháp luật cho phép, chuyên viên ngành tài chính có thể trở thành các chuyên viên chuyên nghiệp trên các thị trường này.

4. Thu nhập nhân sự ngành Tài chính quốc tế

Các bạn có thể tham khảo mức lương của các vị trí quản lý trong ngành Tài chính theo báo cáo của Adecco năm 2022. Tất nhiên, các bạn ở vị trí chuyên viên sẽ có mức thu nhập thấp hơn.

5. Tố chất cần có để học ngành Tài chính quốc tế

  • Có khả năng tư duy logic
  • Trung thực, cẩn thận
  • Khả năng tính toán, phân tích, dự báo (được trau dồi trong quá trình học).

Cũng như các ngành khác, sinh viên cần trang bị tư duy phản biện, khả năng học hỏi, giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học...Tuy nhiên, do ngành học mang tính quốc tế nên khả năng ngoại ngữ tốt là bắt buộc để học tập, nghiên cứu và cơ hội việc làm tốt. Ngoài ra, thị trường tài chính Việt Nam phát triển muộn hơn so với thế giới; xu hướng toàn cầu hoá, số hoá nền tài chính toàn cầu đang rất mạnh mẽ. Điều này dẫn đến luôn có nhiều kiến thức, kĩ năng mới nên sinh viên cần rèn luyện khả năng tự học và có ý thức học hỏi không ngừng.

Có thể nói, môi trường làm việc năng động, mức thu nhập cao chính là những điểm hấp dẫn nhất của ngành Tài chính quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là ngành yêu cầu khả năng phân tích, tính toán, đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn và kỹ năng.

Chia sẻ rất hữu ích của chị Tố Liên về vị trí Finance Controller với Hướng nghiệp 4.0 CDM

6. Ngành Tài chính quốc tế học những gì

Các môn học tiêu biểu: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Nguyên lý kế toán, Kế toán tài chính, Kinh tế lượng tài chính, Kinh tế lượng tài chính nâng cao, Kế toán quốc tế, Luật kinh doanh các dịch vụ tài chính, Quản trị chiến lược toàn cầu, Lý thuyết tài chính, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính quốc tế, Đầu tư tài chính, Sản phẩm phái sinh, Quản trị và chiến lược ngân hàng, Hoạch định thuế, Tài chính doanh nghiệp nâng cao, Tài chính công ty đa quốc gia, Thị trường ngoại hối, Thị trường vốn và thị trường tiền tệ quốc tế, Chiến lược đầu tư toàn cầu, Quản trị rủi ro tài chính, Điều tiết các định chế tài chính, Chiến lược và hệ thống giao dịch, Công nghệ tài chính, Chuyển giá quốc tế, Sáp nhập, mua lại và tái cấu trúc doanh nghiệp, Phân tích rủi ro và mô hình hóa, Tài chính định lượng, Khởi nghiệp kinh doanh.

7. Các trường đào tạo ngành Tài chính quốc tế trình độ đại học

  • Trường Đại học Ngoại thương
  • Trường Đại học Kinh tế TP.HCM
  • Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM
  • Học viện Tài chính (chuyên ngành Tài chính quốc tế, ngành Tài chính Ngân hàng)
  • Học viện Ngân hàng (ngành Ngân hàng và Tài chính quốc tế - Đại học Coventry, Anh cấp bằng).

Kim Tuyến tổng hợp

 

Tạo bài viết thảo luận
Marketing

Marketing

15-10-2021
Ngành Quản trị kinh doanh

Ngành Quản trị kinh doanh

01-07-2022
Ngành Quản lý công nghiệp

Ngành Quản lý công nghiệp

01-09-2022
Ngành Thẩm định giá

Ngành Thẩm định giá

23-06-2022
Ngành Quản trị nhân lực

Ngành Quản trị nhân lực

27-09-2022
Ngành Quản trị Hàng không

Ngành Quản trị Hàng không

14-06-2022