Tạo bài viết thảo luận

Từ xưa, ông cha ta vẫn xem “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Con người được xem là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, xã hội. Con người là trung tâm của mọi sự vận động, quyết định tới sự phát triển bền vững của xã hội. Nguồn lực con người luôn đóng vai trò then chốt dù ở bất kỳ thời đại nào. 

Với doanh nghiệp, phát huy được nhân tố con người sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng nguồn lực con người là công việc thường xuyên, lâu dài của mỗi doanh nghiệp. Làm sao để doanh nghiệp có được những nhân sự phù hợp, sử dụng họ tốt nhất, phát huy những tiềm năng của nhân sự để cống hiến cho công việc là một việc làm mang tính khoa học và là một nghệ thuật. Điều này đã làm nảy sinh ngành Quản trị nhân lực.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu ngành Quản trị nhân lực là gì, triển vọng ra sao, cơ hội việc làm ngành Quản trị nhân lực, tố chất cần có, các môn học tiêu biểu và các trường đào tạo ngành Quản trị nhân lực trình độ đại học.

1.Ngành Quản trị nhân lực là gì

Quản trị nhân lực là ngành thuộc lĩnh vực quản trị bao gồm hoạch định chiến lược, lên kế hoạch, tiến hành thực hiện kế hoạch, đánh giá và cải tiến về nguồn nhân lực: gồm tuyển dụng, lương thưởng, đào tạo và phát triển nhân lực, xây dựng và cải thiện quan hệ giữa những người lao động với nhau và với doanh nghiệp.

Hay nói một cách khác quản trị nhân sự là sử dụng các công cụ, phương pháp và giải pháp để khai thác hợp lý và có hiệu quả năng lực, sở trường của người lao động nhằm đạt được các mục tiêu  chiến lược của doanh nghiệp và làm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân của người lao động. 

Mục tiêu của quản trị nhân lực là giảm chi phí sử dụng lao động, tăng năng suất lao động, đảm bảo ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường, tăng hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Nhiệm vụ của Quản trị nhân lực 

  • Hoạch định các chiến lược liên quan đến nhân lực của doanh nghiệp.
  • Lập các kế hoạch thực hiện chiến lược nhân lực.
  • Xây dựng các quy trình, chính sách liên quan
  • Thực hiện các công việc: tuyển dụng, đào tạo – huấn luyện; đánh giá (bao gồm quản lý khối lượng công việc, thời gian làm việc và quản lý hiệu suất); duy trì nhân lực (tạo động lực, giải quyết xung đột - tranh chấp); động viên người lao động (chế độ lương, thưởng, tuyên dương); đãi ngộ (bao gồm chế độ phúc lợi, thăng tiến và xử phạt).
  • Đánh giá, cải tiến công tác quản trị nhân lực.

2. Triển vọng của ngành Quản trị nhân lực

Quản trị nhân lực có vị trí quan trọng trong doanh nghiệp:

  • Quản trị nhân lực giúp phát huy vai trò của con người, nhân tố chính tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp. Con người là nhân tố chính tạo ra hàng hoá, dịch vụ. Dù công nghệ, máy móc có phát triển, con người vẫn là tài sản đặc biệt, giúp tạo ra giá trị thặng dư. Doanh nghiệp khó phát triển bền vững nếu thiếu nguồn lực sức lao động. 
  • Con người chính là nguồn lực có tiềm năng vô tận,  quản trị nhân lực sẽ giúp phát huy tiềm năng của mỗi người, đặc biệt là tiềm năng có từ kỹ năng khéo léo và sự sáng tạo, trí tuệ của con người.
  • Khi thế giới đang có có xu hướng dịch chuyển sang nền kinh tế trí thức, trình độ con người ngày càng trở nên quan trọng. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng, vì vậy quản trị nhân lực vẫn chiếm vai trò quan trọng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. 

Có thể nói, bộ phận nhân sự được ví như "trái tim" của doanh nghiệp, là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. 

Cả nước hiện nay có số lượng lớn doanh nghiệp cũng như các đơn vị hành chính và đó chính là môi trường thu hút tuyển dụng ngành quản trị nhân lực rất lớn trước mắt và lâu dài.Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tính đến 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,3% về số doanh nghiệp và tăng 4,7% về số lao động so với năm 2016; phấn đấu đến năm 2025, cả nước có từ 1,3-1,5 triệu doanh nghiệp.

Khi môi trường kinh doanh mà các doanh nghiệp phải đối mặt ngày càng trở nên cạnh tranh và phức tạp, triết lý quản lý đã thay đổi từ chú trọng quản lý tài sản sang quản lý nguồn nhân lực. 

3. Cơ hội việc làm ngành Quản trị nhân lực

Sinh viên ngành Quản trị nhân lực có thể đảm nhận các vị trí

  • Chuyên viên thu hút và giữ chân nhân tài (Talent acquistion)
  • Headhunter: cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự thay mặt cho người sử dụng lao động. Headhunter được các công ty thuê để tìm kiếm tài năng và xác định các cá nhân đáp ứng các yêu cầu công việc cụ thể.
  • Chuyên viên tuyển dụng
  • Chuyên viên đào tạo nội bộ
  • Chuyên viên chính sách nhân sự
  • Chuyên viên truyền thông nội bộ
  • Chuyên viên phát triển con người và hỗ trợ đào tạo
  • Chuyên viên phát triển nhân viên và nâng cao kỹ năng 
  • Chuyên viên pháp lý nhân sự và quan hệ lao động
  • Chuyên viên hành chính nhân sự
  • Chuyên viên sức khoẻ và an toàn nơi làm việc
  • Chuyên viên tiền lương, thưởng, phúc lợi
  • Chuyên viên tổ chức sự kiện nội bộ
  • Chuyên viên tư vấn xây dựng văn hoá doanh nghiệp
  • Chuyên viên đào tạo kỹ năng cho nhân sự.

Tuỳ theo quy mô, hình thức của từng doanh nghiệp mà các chức danh trên có thể phân ra chi tiết hơn hoặc được gộp lại.

Chuyên viên quản trị nhân lực có thể làm việc trong tất cả các loại hình doanh nghiệp,  trong tất cả các khu vực nhà nước hay tư nhân, doanh nghiệp tư vấn – đào tạo về quản trị nhân sự, doanh nghiệp trung gian về tuyển dụng hoặc tự mở doanh nghiệp.

Như vậy, nhân sự ngành Quản trị nhân lực có nhiều vị trí khác nhau có thể đảm nhiệm. Sau thời gian tích luỹ kinh nghiệm và trau dồi kiến thức, kỹ năng, nhân sự ngành quản trị nhân lực có thể đảm nhận các vị trí quản lý như trưởng bộ phận, trưởng phòng, giám đốc nhân sự, CEO.

Tuyển dụng chỉ là một trong rất nhiều vị trí của ngành Quản trị nhân lực

Hiện có nhiều người làm trong lĩnh vực quản trị nhân lực không tốt nghiệp ngành Quản trị nhân lực. Họ có thể học Quản trị kinh doanh, Luật kinh tế, Kinh doanh quốc tế, Tài chính, thậm chí học các ngành kỹ thuật, nhân văn khác. Họ có thể được học các lớp học ngắn hạn, bồi dưỡng hoặc chỉ dựa vào kinh nghiệm. Nhân sự ngành Quản trị nhân lực phải cạnh tranh với lực lượng này. Tuy nhiên, xét về mặt chuyên môn, nhân sự học đúng ngành sẽ được đào tạo bài bản và có nhiều lợi thế hơn nhân sự làm trái ngành.

Theo Hướng nghiệp 4.0 CDM, thú vị của ngành Quản trị nhân lực là bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người ở những lĩnh vực khác nhau. Qua đó, có thể  học hỏi, được chia sẻ từ những câu chuyện của họ, mở rộng kiến thức và vốn sống. Bạn cũng có thể xây dựng được nhiều mối quan hệ tốt đẹp, giúp ích cho cả sự nghiệp và cuộc sống của bạn.

Điểm thú vị tiếp theo đến từ vai trò quan trọng của Quản trị nhân lực, khi bạn tuyển dụng được một nhân sự phù hợp, bạn giúp người lao động có được môi trường để phát huy, doanh nghiệp có được nhân sự giỏi. Niềm hạnh phúc giống như bạn đã “se duyên” thành công cho người lao động và doanh nghiệp. Ngoài ra, quản trị nhân lực cũng là người hiểu về tâm tư, nguyện vọng của người lao động, luôn sát cánh với họ để động viên, khuyến khích và tạo môi trường làm việc tốt nhất cũng như đề xuất các giải pháp với doanh nghiệp. Và nhỡ khi mối duyên trên có khó khăn, tranh chấp, quản trị nhân lực lại là người đứng ra hoà giải, giải quyết. 

Tuy vậy, nhân sự quản trị nhân lực cũng gặp không ít khó khăn, bạn có thể gặp những người có thái độ ứng xử không phù hợp. Bạn cũng chịu áp lực từ người lao động, người sử dụng lao động, ngành này được ví như “làm dâu trăm họ”. Ví dụ doanh nghiệp có ngân sách hạn hẹp nhưng đòi tuyển được người thật giỏi, ứng viên thì lúc nào cũng muốn tăng lương, còn sếp thì áp KPI, deadline,…Điều này, đòi hỏi người quản trị nhân lực phải khéo léo, hiểu về tâm lý, giao tiếp. Hay để đào tạo ra được một nhân sự giỏi, doanh nghiệp phải mất thời gian, tiền bạc nhưng khi thành thạo, họ lại "nhảy" sang công ty đối thủ. Nguyên nhân có thể do mức lương và chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp hiện tại chưa thực sự hấp dẫn. Lúc này, người quản trị nhân lực giỏi sẽ phải là người đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp tốt để dung hòa.

4. Tố chất để thành công trong ngành Quản trị nhân lực

Tuỳ theo vị trí sẽ có yêu cầu khác nhau, tuy nhiên, nhìn chung cần: 

  • Tầm nhìn tư duy chiến lược về định hướng phát triển của doanh nghiệp
  • Kỹ năng lắng nghe, giao tiếp 
  • Kỹ năng đánh giá năng lực, ra quyết định, lập kế hoạch và giao việc
  • Kỹ năng quan sát, cập nhật và học hỏi những kiến thức về ngành quản trị nhân lực và cả về lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động. 
  • Kỹ năng xây dựng và duy trì mối quan hệ
  • Kỹ năng thuyết phục
  • Tôn trọng đối tác, ứng viên, người lao động và người sử dụng lao động
  • Tư duy sáng tạo và linh hoạt; tố chất nhạy bén, kiên nhẫn, tận tụy
  • Người quản trị nhân lực giỏi cần tạo được môi trường nhiều động lực để khơi dậy tài năng trong mỗi con người, thúc đẩy tổ chức phát triển đồng thời liên tục học hỏi tri thức quốc tế, bắt kịp xu hướng hội nhập.

Tất nhiên, những tố chất, kỹ năng này được hình thành và trau dồi trong quá trình đi học, đi làm.

Trong ngành quản trị nhân lực, nhân sự cần theo đuổi và có các chứng chỉ SHRM, PHR, SPHR hoặc CIPD.

Ngành Quản trị nhân lực được đề xuất cho các học sinh có kết quả cao ở nhóm Xã hội và nhóm Quản lý trong khảo sát Holland.  Làm khảo sát nghề nghiệp Holland tại đây.

Ngành Quản trị nhân lực cần nhiều tố chất để thành công

5. Ngành Quản trị nhân lực học những gì

Các môn học tiêu biểu: Kinh tế vi mô; Kinh tế vĩ mô; Thống kê trong kinh tế và kinh doanh; Quản trị học; Nguyên lý kế toán; Hệ thống thông tin quản lý; Kinh tế nguồn nhân lực; Quản trị nhân lực; Quản trị chiến lược; Quản trị nhân lực quốc tế; Phân tích và quản lý thực hiện công việc; Quản trị thù lao lao động; Tổ chức và định mức lao động; Luật lao động; Tâm lý học lao động; Quản trị chiến lược; Tuyển dụng nhân lực; Quan hệ lao động; Phát triển nguồn nhân lực; Quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp; Hệ thống thông tin nguồn nhân lực; Văn hóa và đạo đức kinh doanh; Kỹ năng đàm phán; Kỹ năng giao tiếp

6. Các trường đào tạo Quản trị nhân lực trình độ đại học

Khu vực miền Bắc 

  • Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân
  • Trường Đại học Nội Vụ
  • Trường Đại học Thương Mại
  • Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội
  • Trường Đại học Công Đoàn
  • Trường Đại học Lao Động – Xã Hội (Cơ sở Sơn Tây)
  • Trường Đại học Lao Động – Xã Hội (Cơ sở Hà Nội)
  • Học Viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam
  • Trường Đại học Thành Đô
  • Trường Đại học Phương Đông
  • Trường Đại học Thành Tây
  • Trường Đại học Hải Phòng
  • Trường Đại học Phenikaa

Khu vực miền Trung

  • Trường Đại học Kinh Tế – Đại Học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Kinh Tế – Đại Học Huế
  • Trường Đại học Quy Nhơn
  • Trường Đại học Đông Á – Đà Nẵng
  • Khu vực miền Nam
  • Trường Đại học Kinh tế TPHCM (Trường Đại học UEH)
  • Trường Đại học Tôn Đức Thắng
  • Trường Đại học Lao Động – Xã Hội (Cơ sở phía Nam)
  • Trường Đại học Kinh Tế -Tài Chính TPHCM
  • Trường Đại học RMIT
  • Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
  • Trường Đại học Mở TPHCM
  • Trường Đại học Hoa Sen
  • Trường Đại học Trà Vinh

Kim Tuyến tổng hợp

Tạo bài viết thảo luận
Ngành Kinh doanh quốc tế

Ngành Kinh doanh quốc tế

19-06-2022
Ngành Quản trị Hàng không

Ngành Quản trị Hàng không

14-06-2022
Ngành Quản lý công nghiệp

Ngành Quản lý công nghiệp

01-09-2022
Ngành Truyền thông Marketing tích hợp

Ngành Truyền thông Marketing tích hợp

31-01-2023
Ngành Kinh tế số - Kinh doanh Kỹ thuật số

Ngành Kinh tế số - Kinh doanh Kỹ thuật số

22-05-2022
Ngành Kinh tế thể thao

Ngành Kinh tế thể thao

27-09-2021