Tạo bài viết thảo luận

Phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là một xu hướng phát triển chủ đạo mang tính quốc tế trong vòng một thập niên qua, giúp các đô thị tối ưu hóa các nguồn lực và phát triển bền vững trong tương lai.

Việt Nam là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới thành phố thông minh ASEAN là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Đến cuối tháng 6/2020, cả nước có 38/63 tỉnh, thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Điều này làm phát sinh nhu cầu nguồn nhân lực để quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh và bền vững, đó cũng là lý do Ngành Quản lý đô thị thông minh và bền vững ra đời. Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu về ngành học này nhé.

1.Hiểu thế nào về Ngành Quản lý đô thị thông minh và bền vững

1.1 Thế nào là Đô thị thông minh và bền vững

Để dễ hình dung thế nào là đô thị thông minh và bền vững bạn có thể tham khảo mô hình tại Đài Bắc, những chiếc đèn đường có thêm công dụng cập nhật tình hình thời tiết và phân tích lưu lượng xe cộ. Một số ngôi nhà được kết nối Internet vạn vật để kiểm soát lượng điện, nước sử dụng tránh lãng phí. Thay cho người giúp việc, robot làm nhiệm vụ quản gia, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh được bất tiện khi có người lạ sống trong nhà.

Hay gần gũi hơn, tại Việt Nam, thành phố  Đà Nẵng đã được xếp hạng là 1 trong 30 thành phố “sáng kiến thành phố thông minh độc đáo và sáng tạo”, 1 trong 5 thành phố thông minh tiêu biểu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được nêu trong ấn phẩm Top 50 chính quyền thành phố thông minh hàng đầu năm 2020 - 2021 do Tổ chức Chiến lược Eden công bố. Dưới dây là những điều Đà Nẵng đã làm để có được thành tích ấn tượng trên:

  • Đã triển khai hệ thống giám sát tập trung Mini IOC và 6 dịch vụ: giám sát phản ánh, góp ý; giám sát dịch vụ công; giám sát giao thông; giám sát an ninh trật tự đô thị; giám sát an toàn thông tin; giám sát thông tin mạng xã hội và 12 dịch vụ tăng thêm khác như giám sát môi trường nước, không khí; giám sát tình hình dịch bệnh Covid-19, dữ liệu mở, giám sát hành trình xe rác…
  • Đã triển khai Trung tâm giám sát giao thông và điều khiển đèn tín hiệu; gần 200 camera giám sát giao thông thông minh và ứng dụng nhận dạng biển số và phát hiện vi phạm giao thông; thí điểm camera đo đếm lưu lượng và tự động điều khiển đèn tín hiệu điều khiển giao thông theo thời gian thực..; áp dụng Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng thiết bị giám sát hành trình; Phần mềm quản lý giấy phép lái xe; Phần mềm quản lý trạm cân.
  • Đang triển khai giám sát bãi đỗ xe, triển khai hệ thống xe buýt chất lượng cao, hệ thống vé tự động, hệ thống quản lý và giám sát đơn vị vận hành, hệ thống bản đồ giao thông, hệ thống thông tin hành khách thời gian thực tại nhà chờ, hệ thống giám sát an ninh trung tâm, hệ thống cơ sở hạ tầng; Cổng thông tin giao thông trực tuyến.
  • Đã triển khai Trung tâm giám sát an ninh, trật tự qua camera, đồng thời đã huy động người dân, doanh nghiệp trang bị hơn 34.500 camera giám sát an ninh; thí điểm ứng dụng nhận dạng phục vụ công tác quản lý đô thị…
  • Đã triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp (lớp 1, lớp 6); cơ sở dữ liệu dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục; xây dựng Cổng tra cứu điểm thi các cấp (web, SMS, Zalo), thí điểm mạng lưới thiết bị IoT giám sát trường học; hệ thống âm thanh thông báo đến lớp học; hệ thống ánh sáng học đường gồm hệ thống quản lý trung tâm và hệ thống giám sát ánh sáng của 26 phòng học.
  • 100% trạm y tế xã, phường đã triển khai ứng dụng y tế điện tử; Ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử tại 16/16 trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; hình thành Hồ sơ y tế điện tử công dân và quản lý mã (ID) bệnh nhân toàn thành phố.
  • Triển khai ứng dụng chatbot hướng dẫn hỗ trợ du khách tự động; ứng dụng lưu trú trực tuyến để đăng ký và quản lý du khách lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng. Hệ thống chính quyền điện tử với Chatbot tư vấn tự động (cổng dữ liệu mở, Cổng thông tin điện tử, ứng dụng Danang Smart City,…

Thành phố thông minh và bền vững là kết quả quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và các giải pháp sáng tạo của các thành phố nhằm giải quyết nhu cầu của người dân và theo đuổi phát triển kinh tế xã hội bền vững. 

Nganh-Quan-ly-do-thi-thong-minh-va-ben-vung1

1.2 Ngành Quản lý đô thị thông minh và bền vững là gì

Ngành Quản lý đô thị thông minh và bền vững là ngành thuộc lĩnh vực quản trị, đào tạo về việc lập và xây dựng các chính sách, quy chế quản lý quy hoạch, cảnh quan đô thị và vùng ven đô, quản lý hạ tầng và môi trường đô thị, chính sách phát triển kinh tế đô thị, chuyển đổi kỹ thuật số và quản lý thông tin và bảo vệ môi trường theo hướng đô thị thông minh và bền vững. Hay nói một cách khác đây là một ngành học thuộc lĩnh vực quản trị về việc kết hợp công nghệ thông minh và phân tích đô thị để tạo ra các giải pháp cho các thành phố trong tương lai đồng thời chú ý đến sự phụ thuộc lẫn nhau của các yếu tố xã hội, kinh tế, môi trường và công nghệ.

Điểm mới của ngành này so với các ngành Quản lý đô thị truyền thống là hướng tới tính thông minh và bền vững, do vậy sẽ chú trọng đến vai trò của chuyển đổi kỹ thuật số và quản lý thông tin trong việc xây dựng các thành phố; các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường và gắn kết xã hội, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực và ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu. 

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng:

  • Có năng lực phân tích, đánh giá ảnh hưởng và tác động qua lại của các yếu tố/lĩnh vực trong phát triển đô thị như kinh tế, xã hội, môi trường trong đó đặc biệt chú trọng đến yếu tố kinh tế, và có khả năng lựa chọn giải pháp quản lý đô thị tối ưu cho tương lai theo hướng thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường;
  • Nắm vững phương pháp luận của quản lý đô thị, nắm vững các phương pháp và tiến trình quản lý đô thị khác nhau vận dụng các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành khác nhau trong quá trình quản lý đô thị;
  • Có khả năng đề xuất chính sách phát triển đô thị, dự báo sự phát triển của công tác quản lý và các yếu tố ảnh hưởng nhằm xác định tầm nhìn trong tương lai và xây dựng các chiến lược phát triển đô thị trong từng giai đoạn;
  • Có khả năng sáng tạo nhằm tìm ra các giải pháp thích hợp và tiên tiến để giải quyết các vấn đề trong quá trình phát triển đô thị và quy hoạch, tổ chức không gian sống trong đô thị;
  • Có khả năng nắm vững và sử dụng các phương pháp nghiên cứu xã hội và vận dụng trong quy hoạch đô thị;
  • Khả năng giao tiếp và tham vấn cộng đồng để đưa vào công tác quản lý đô thị thực tiễn.

2. Triển vọng của ngành Quản lý đô thị thông minh và bền vững 

Từ một xu hướng quản lý và điều hành đô thị xuất phát từ Mỹ, ý tưởng thành phố thông minh đã chuyển từ khái niệm thành một hướng phát triển chủ đạo mang tính quốc tế trong vòng một thập niên qua, giúp các đô thị tối ưu hóa các nguồn lực và phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Mordor Intelligence, tổng giá trị của thị trường thành phố thông minh trên toàn cầu đạt xấp xỉ 739,78 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến chạm mốc 2036,10 tỷ USD vào cuối năm 2026, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) được dự kiến đạt mức trung bình 18,22%. Thị trường Bắc Mĩ đang là nơi phát triển mạnh mẽ nhất, chiếm tỷ trọng 30%, theo sau là khu vực châu Á - Thái Bình Dương với sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng số.

Việc phát triển thành phố thông minh đã và đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm đẩy mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Hiện Việt Nam có 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới thành phố thông minh ASEAN là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Đến cuối tháng 6/2020, cả nước có 38/63 tỉnh, thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Với xu hướng trên, nhân lực ngành Quản lý đô thị thông minh và bền vững thật sự cần thiết trong hiện tại và tương lai.

Nganh-Quan-ly-do-thi-thong-minh-va-ben-vung2

 

3. Vị trí việc làm sau tốt nghiệp 

  • Chuyên viên quản lý đô thị thông minh, tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, có thể làm việc trong các cơ quan sở ban ngành ở các cấp khác nhau trong lĩnh vực nhà nước,các tổ chức chính trị-xã hội
  • Đảm nhận các công tác về tư vấn điếu phối, thiết kế và xây dựng các chính sách, quy học kinh tế xã hội, thẩm định, đánh giá các dự án trong việc phát triển đô thị.
  • Tham gia vào việc thiết kế cơ sở hạ tầng hay cảnh quan cho đô thị
  • Tham gia vào công việc giám sát thi công công trình cho đến khi hoàn thiện.
  • Tham gia với vai trò quản lý tòa nhà, Kỹ sư nghiên cứu đô thị thông Kỹ sư tư vấn, thiết kế đô thị thông minh trong các tổ chức, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật với các vị trí quản lý dự án, vận hành và khai thác công trình.
  • Giảng viên tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học liên quan đến xây dựng chính sách đô thị và quản lý đô thị.

Kim Tuyến (tổng hợp)

Tạo bài viết thảo luận
Ngành Quản lý công nghiệp

Ngành Quản lý công nghiệp

01-09-2022
Ngành Thương mại điện tử

Ngành Thương mại điện tử

15-04-2022
Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống

Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống

07-07-2022
Ngành Quản trị kinh doanh

Ngành Quản trị kinh doanh

01-07-2022
Ngành Tài chính quốc tế

Ngành Tài chính quốc tế

23-08-2022
Ngành Thẩm định giá

Ngành Thẩm định giá

23-06-2022