Cách mạng công nghiệp 4.0 làm phát sinh nhiều vị trí việc làm đòi hỏi nguồn nhân lực phải có kiến thức liên ngành để một người có thể đảm nhận được công việc của hai – ba người, thậm chí là nhiều người thuộc các lĩnh vực khác nhau. Nhân lực liên ngành sẽ giúp nâng cao hiệu suất, hạn chế thiệt hại do sự phối hợp kém hiệu quả của các nhân sự ở các lĩnh vực khác nhau.
Một trong những ngành học đáp ứng cung cấp đào tạo kiến thức liên ngành, kết hợp hai lĩnh vực lớn kinh tế và kỹ thuật là ngành Quản lý công nghiệp. Ngành này có lịch sử lâu đời và trong thời đại công nghiệp 4.0 lại càng được nhiều bạn trẻ quan tâm, lựa chọn.
Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu ngành Quản lý công nghiệp là gì, triển vọng phát triển, vị trí việc làm, thuận lợi và khó khăn, ngành quản lý công nghiệp học những gì nhé!
1.Ngành Quản lý công nghiệp là gì
Quản lý công nghiệp là ngành giao thoa giữa hai lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật, là việc quản lý các hệ thống và quy trình công nghiệp, kết hợp tối ưu các nguồn lực con người, nguyên vật liệu, máy móc và phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất.
Như vậy, quản lý công nghiệp vừa cung cấp cho người học những kiến thức về quản trị (kinh tế) vừa cung cấp những kiến thức nền tảng kỹ thuật công nghệ về hệ thống sản xuất, chất lượng sản phẩm….Các kỹ sư/cử nhân quản lý công nghiệp có năng lực phân tích, thiết kế và quản lý các hệ thống sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Họ có khả năng đưa ra những giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng những nguồn lực có giới hạn về con người, vốn, máy móc thiết bị, năng lượng và thời gian nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo thời gian giao hàng.Trong thời đại ngày nay, ngành học này vượt ra khỏi các khía cạnh kỹ thuật và kết hợp các khái niệm kinh doanh để giúp tối ưu hóa và quản lý sản xuất hoặc các quy trình kinh doanh khác. Vì vậy, nếu ban đầu, việc ứng dụng quản lý công nghiệp chỉ giới hạn trong các ngành sản xuất nhưng ngày nay, đã lan rộng sang các hoạt động phi sản xuất, xây dựng, vận chuyển, vận hành và bảo trì hàng không, các tiện ích công cộng. Các công ty giao nhận, hậu cần, sàn giao dịch điện tử, các công ty dệt may, sản xuất- phân phối hàng tiêu dùng….đều cần nhân sự quản lý công nghiệp.
Tuỳ theo chương trình và thời gian đào tạo, các trường có thể cấp bằng cử nhân hoặc kỹ sư quản lý công nghiệp, thí sinh cần tìm hiểu kỹ khi lựa chọn trường học, ngành học.
2.Triển vọng của ngành Quản lý công nghiệp
Công nghiệp hoá là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Việt Nam, có vai trò đưa cả nền sản xuất vật chất và đời sống văn hóa – xã hội của đất nước lên trình độ mới. Nền kinh tế Việt Nam có quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao. Cả nước hiện có khoảng 60.000 – 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Tốc độ tăng trưởng bình quân công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 là 7,16%, năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, tốc độ tăng trưởng là 4,05%, năm 2022 đã hồi phục với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 8,48% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành.
Về số lượng các khu chế xuất, khu công nghiệp, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là khu công nghiệp). Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đến năm 2030, cả nước có thêm 177 khu công nghiệp, tổng số lượng khu công nghiệp sẽ là 558, gấp gần 1,5 lần so với số lượng hiện nay.
Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành Quản lý công nghiệp
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cách thức vận hành trong sản xuất và công tác quản trị. Nếu trước kia các công việc được thực hiện thủ công hoặc độc lập thì nay toàn bộ quá trình quản lý, sản xuất, kiểm soát đều được cung cấp bởi thời gian thực và có sự hỗ trợ tương tác trực tuyến, liên kết chặt chẽ thông qua dữ liệu đám mây (Cloud), Internet vạn vật (IoT), an ninh mạng (Cyber Security). Hệ thống sản xuất chuyển từ tính chất nhận diện và thay đổi theo ngữ cảnh (context-aware manufacturing systems) sang tự động hóa và tối ưu theo mô hình kinh doanh các yếu tố trong sản xuất.
Quá trình này tạo thành các xu hướng nhà máy thông minh, quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá sản xuất. Cùng với đó là xu hướng sản xuất bền vững, sản xuất sạch, xanh và đưa ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.
3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành quản lý công nghiệp có các kiến thức
- Nắm vững và vận dụng các kiến thức nền tảng về kinh tế: Quản lý sản xuất; Quản lý chất lượng; Quản lý dự án; Quản trị nhân lực; Quản trị tài chính; Marketing; Tài chính; Chuỗi cung ứng…
- Có kiến thức cơ bản về lập mô hình bài toán kinh tế từ các tình huống kinh doanh; vận dụng các phương pháp giải những bài toán quy hoạch để đưa ra các phương pháp sản xuất tối ưu cho doanh nghiệp trong những trường hợp thực tế.
- Có kiến thức cần thiết để xác định đúng và giải quyết được yêu cầu cơ bản của nhà máy và xí nghiệp; Quản lý quá trình sản xuất công nghiệp (hoạch định chiến lược, lập kế hoạch sản xuất, tổ chức thực hiện và kiểm tra, quản lý bảo trì máy móc, quản lý công nghệ, điều hành dây chuyền sản xuất…); Dự báo và hoạch định nhu cầu vật tư; Đưa ra những cải tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và sử dụng năng lượng; Tham gia thiết kế và bố trí nhà máy, dây chuyền sản xuất, hệ thống hậu cần, và có khả năng mô phỏng hệ thống sản xuất…; Quản lý và tổ chức nhân sự; Quản lý tài chính trong sản xuất.
- Có kiến thức cơ bản về quản lý chất lượng, kiểm soát, cải tiến và đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ, xây dựng và đánh giá hệ thống quản lý chất lượng toàn diện.
- Có kiến thức về lập và quản lý chuỗi cung ứng, dự án công nghiệp – dịch vụ; quản lý thời gian, chi phí của dự án; quản trị rủi ro.
Các vị trí sinh viên ngành quản lý công nghiệp đảm nhận
- Chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng. Cụ thể hơn là các vị trí chuyên viên thu mua, chuyên viên điều độ, chuyên viên quản lý kho, chuyên viên cung ứng, chuyên viên logistics, chuyên viên quản lý vận tải….:chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện tất cả các hoạt động liên quan đến sản xuất và phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ. Họ làm việc với các nhà cung cấp, nhà sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần bên thứ ba khác để đảm bảo rằng nguyên vật liệu, sản phẩm có được hoặc được giao cho khách hàng đúng thời hạn với chi phí tốt nhất.
- Chuyên viên kế hoạch sản xuất, chuyên viên kế hoạch bán thành phẩm/thành phẩm: Căn cứ theo năng suất máy móc và nguồn lực nhân công tiến hành lập kế hoạch sản xuất; kiểm soát nguyên liệu đầu vào và ra theo từng đơn hàng; theo dõi tiến độ sản xuất, số lượng bán thành phẩm, thành phẩm sản xuất; theo dõi, đối chiếu số liệu bán thành phẩm sản xuất, luân chuyển, tồn kho với các phân xưởng sản xuất; thống kê số lượng hàng hóa, sản phẩm trong nhà máy sản xuất, nhập liệu hệ thống; theo dõi năng suất lao động, với định mức thống kê và báo cáo kết quả, báo cáo sản xuất định kỳ và theo yêu cầu.
- Chuyên viên hậu cần, chuyên viên điều phối, điều độ sản xuẩt: Họ làm việc với các nhà cung cấp và nhà sản xuất, nhà vận chuyển, khách hàng để đảm bảo rằng sản phẩm được giao cho khách hàng đúng thời hạn và với chi phí có thể thuê được. Họ tổ chức thực hiện và kiểm tra lịch trình sản xuất, theo dõi, trực tiếp xem xét, làm việc với các bộ phận liên quan và xác nhận thời gian giao hàng cho khách hàng, lập kế hoạch đặt hàng gia công ngoài, tổ chức thực hiện công tác lập lệnh xuất hàng, điều xe xuất hàng và kiểm soát việc xuất hàng, báo cáo kết quả.
- Giám sát sản xuất: Theo dõi kế hoạch sản xuất, giám sát các bộ phận sản xuất thực hiện theo đúng kế hoạch, tiến độ sản xuất; phân tích các báo cáo sản xuất; kiểm soát chất lượng, bảo trì để giải quyết các vấn đền liên quan đến tiến độ và chất lượng; đề xuất các giải pháp sản xuất tinh gọn, cải thiện dây chuyền sản xuất để giảm lãng phí và tăng năng suất lao động; thiết lập và kiểm soát các mục tiêu của từng bộ phận trực thuộc sản xuất; kiểm soát việc công nhân sản xuất tuân thủ nội quy lao động, quy trình sản xuất, 5S, an toàn lao động.
- Chuyên viên quản lý chất lượng/giám sát chất lượng sản xuất: kiểm soát tất cả các hoạt động chất lượng, tuân theo quy trình chuẩn; lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng; nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất; thực hiện đánh giá trong và ngoài về chất lượng sản phẩm.
- Giám đốc sản xuất: xây dựng chiến lược và kế hoạch sản xuất ngắn, trung và dài hạn, tổ chức sản xuất nhằm đáp ứng kế hoạch sản xuất; đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất; quản lý, sử dụng và phân bổ nguồn lực như thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu,…một cách hiệu quả; theo dõi, giám sát và lập các báo cáo định kỳ về tình hình sản xuất; giám sát chỉ đạo triển khai công việc theo đúng quy trình công nghệ; phát hiện các sai sót, hạn chế của kế hoạch; thực hiện, hướng dẫn điều chỉnh, cải tiến kịp thời; xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn ISO, IATF và các tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm khác; đào tạo, huấn luyện nhân viên sản xuất.
- Điều phối viên dự án, quản lý dự án: Điều phối viên dự án là người lập kế hoạch, tổ chức và giám sát tất cả các hoạt động liên quan đến một dự án cụ thể. Một điều phối viên dự án có thể phụ trách điều hành các dự án liên quan đến hậu cần, xây dựng hoặc tổ chức thực hiện các chiến dịch sản xuất, marketing, quảng cáo…. Quản lý dự án là cấp cao hơn ở vị trí này.
Ngoài ra, các vị trí khác trong doanh nghiệp trong các bộ phận sản xuất, chuyên viên các phòng ban: kế hoạch, tài chính, nhân sự…sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý công nghiệp đều có thể làm việc.
Các đơn vị/doanh nghiệp sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý công nghiệp có thể đảm nhận:
Như đã đề cập ở phần 1 bài viết này, tốt nghiệp ngành quản lý công nghiệp có thể làm ở các đơn vị sản xuất, giao nhận, hậu cần, sàn giao dịch điện tử, các công ty dệt may, sản xuất – phân phối hàng tiêu dùng và bất cứ loại hình công ty nào và ở tất cả các khu vực: trong và ngoài nước, nhà nước và tư nhân. Tất nhiên, những doanh nghiệp sản xuất, logistics sẽ là nơi thu hút nhều lao động ngành này nhất nên các khu công nghiệp, khu chế xuất luôn có nhu cầu cao về lao động ngành quản lý công nghiệp.
Ưu và nhược điểm chính của ngành Quản lý công nghiệp
Có thể xem xét 3 tin tuyển dụng điển hình như sau:
- Tuyển dụng nhân viên quản lý sản xuất của một công ty chuyên sản xuất nồi hơi, bồn chịu áp lực: yêu cầu về bằng cấp của họ là sinh viên ngành chuyên ngành Kỹ thuật (Ứng dụng/ Cơ khí/ Điện – Điện tử), Quản lý công nghiệp, Sản xuất – Vận hành sản xuất hoặc An toàn Lao động.
- Tuyển dụng nhân viên kế hoạch bán thành phẩm của một công ty chuyên sản xuất bút bi, yêu cầu là chuyên ngành Quản lý công nghiệp hoặc các khối ngành thuộc khối kinh tế.
- Tuyển dụng chuyên viên quản lý vận tải của một công ty chế biến thực phẩm, yêu cầu bằng cấp là Quản lý công nghiệp, Logistics, Chế biến thực phẩm.
Qua đây, có thể thấy ưu điểm của ngành quản lý công nghiệp là đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ mới với cơ hội việc làm của sinh viên rất rộng mở, hầu như các vị trí yêu cầu kiến thức về kinh tế hay về kỹ thuật họ đều có thể tham gia tuyển dụng. Do đó, cơ hội việc làm cũng tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm khi sinh viên tốt nghiệp phải cạnh tranh với sinh viên đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, cụ thể như sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Logistics, Cơ khí chế tạo máy, Cơ điện tử,…Hơn nữa, vì là ngành kết hợp (liên ngành) nên lượng kiến thức và kỹ năng của sinh viên ngành Quản lý công nghiệp sẽ phải trang bị là rất lớn. Thông thường phải mất ít nhất vài năm sau khi ra trường để có thể thành thạo trong nghề.
4. Tố chất để thành công trong ngành quản lý công nghiệp
Ngành Quản lý công nghiệp thích hợp cho các bạn trẻ có xu hướng nghề nghiệp vừa thuộc nhóm quản lý, vừa thuộc nhóm kỹ thuật theo trắc nghiệm Holland. Làm khảo sát nghề nghiệp Holland tại đây.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người học không những phải có chuyên môn tốt mà còn cần phải có kiến thức về khoa học, công nghệ để nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng những thành tựu nghiên cứu, sáng tạo mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, sinh viên quản lý công nghiệp cần có kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và kỹ năng về tự động hóa, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, nhà máy thông minh và những kiến thức về lập trình robot và làm việc trong môi trường số.
Đây thực sự là một thách thức không nhỏ, vì vậy cần phải xác định rõ ràng những vấn đề cốt lõi của công nghiệp 4.0 và có lịch trình chặt chẽ để trang bị những kỹ năng quan trọng này.
Một số kỹ năng về công nghệ số mà sinh viên cần làm chủ: kỹ năng phân tích dữ liệu trong Big data, Cloud; kỹ năng lãnh đạo nhóm qua hệ thống thông tin; kỹ năng vận hành hệ thống quản trị tài nguyên doanh nghiệp ERP.
Trong quá trình, học tập, làm việc nên xem xét lấy thêm các chứng chỉ như Lean six sigma (chứng chỉ quản lí tập trung theo nhóm nhằm cải thiện hiệu suất của một tổ chức), ISO (tiêu chuẩn quốc tế) ở các cấp độ khác nhau để tăng cường, nâng cao các kiến thức đã được học tại trường và có ưu thế hơn về cơ hội việc làm.
5. Ngành Quản lý công nghiệp học những gì
Các môn học tiêu biểu: Quản trị đại cương, Kinh tế học vĩ mô, Kinh tế học vi mô, Kế toán tài chính, Thống kê trong kinh doanh, Hành vi tổ chức, Kế toán quản trị, Hệ thống sản xuất, Quản lý nhân sự, Lập và phân tích dự án, Quản trị chiến lược, Quản lý sản xuất, Quản lý công nghệ, Quản lý chất lượng, Quản lý sản xuất theo Lean và sáu Sigma, Quản lý dự án công nghiệp, Mô hình hoá và mô phỏng hệ thống công nghiệp, Đồ án thiết kế vị trí và mặt bằng, Quản lý hàng tồn kho, Quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý kỹ thuật bảo trì công nghiệp, Tự động hoá sản xuất, Lập kế hoạch và điều độ sản xuất, Cải tiến năng suất.
Do kiến thức của ngành quản lý công nghiệp rộng nên tuỳ theo định hướng của từng trường, chương trình có thể khác nhau như tập trung vào phần kinh tế, phần sản xuất hay phần kỹ thuật.
6. Các trường đào tạo ngành Quản lý công nghiệp trình độ đại học
Khu vực miền Bắc
- Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
- Trường Đại học điện lực
- Khoa Quản trị và Kinh doanh – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
- Trường Đại học công nghệ dệt may Hà Nội
Khu vực miền Trung
- Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng
- Trường Đại học Công nghiệp Vinh
Khu vực miền Nam
- Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM
- Trường Đại học Bách Khoa TP. HCM
- Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
- Trường Đại Học Công Nghệ Miền Đông.
- Đại học Cần Thơ
- Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ
- Trường Đại học Nam Cần Thơ