Tạo bài viết thảo luận

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và theo thống kê 1/5 dân số trên thế giới sử dụng tiếng Trung. Ngoài ra, Trung Quốc có chung đường biên giới với Việt Nam, quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hoá của Việt Nam và Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời và đặc biệt quan hệ về kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Tất cả những yếu tố trên đã làm nên sức hút của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc (tiếng Trung) với các bạn trẻ.

Vậy cụ thể ngành Ngôn ngữ Trung Quốc là ngành gì? Triển vọng việc làm ra sao? Nên học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc hay học ngành khác và học thêm tiếng Trung ở ngoài? Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu nhé.

1.Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc là gì?

Ngôn ngữ Trung Quốc là ngành học chuyên nghiên cứu, sử dụng tiếng Trung nhằm giúp cho người học sử dụng tiếng Trung một cách thành thạo ở các kỹ năng nghe, nói, đọc viết. Đồng thời hình thành những kỹ năng mềm mang tính thực hành cao như làm việc nhóm, thu thập thông tin, thuyết trình phân tích tình huống, xử lý tình huống trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, còn trang bị thêm những kiến thức về lịch sử, văn hóa, kinh tế của Trung Quốc cũng như các tình huống, thuật ngữ tiếng Trung trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch, ngoại giao.

Tuỳ theo từng Trường đào tạo, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có thể chia thành các chuyên ngành hoặc không. Các chuyên ngành thường gặp: Tiếng Trung thương mại, Tiếng Trung Du lịch, Biên phiên dịch tiếng Trung, Giảng dạy tiếng Trung…

2.Triển vọng của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với quy mô dân số lớn nhất thế giới. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng về địa lý tự nhiên; tương đồng về văn hóa và đặc biệt là trong thời hiện đại, rất gần gũi, tương đồng về ý thức hệ, về chế độ chính trị...Nhờ đó, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua luôn phát triển theo hướng tích cực, đạt nhiều tiến triển mới. Ngoài tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Ngoài ra, do sự gần gũi về không gian địa lý, cùng sự tiếp xúc về văn hóa lâu dài trong lịch sử, nhân dân hai nước có những điểm tương đồng về văn hóa Á Đông trong nhận thức, tư duy, đặc biệt là về trình độ và thị hiếu thẩm mỹ. Đó cũng chính là cơ sở để hai nước giao lưu, hợp tác văn học, nghệ thuật, tiếp tục kế thừa và nâng lên tầm cao mới. Trong mấy thập niên gần đây, đặc biệt là từ 2008 đến nay, khi hai nước bước vào giai đoạn hợp tác “Đối tác chiến lược toàn diện”, hoạt động giao lưu hợp tác, văn học, nghệ thuật ngày càng được mở rộng với nhiều nội dung và hình thức.

Bên cạnh đó, nếu bạn biết ngôn ngữ Trung, bạn có thể đi bất cứ nơi đâu trên trái đất bởi mức độ phổ biến của tiếng Trung đang ngày một lan tỏa trên toàn thế giới. Tiếng Trung cũng là một trong 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc. Uớc tính, có 25 triệu người đang học tiếng Trung và hơn 200 triệu người đã học tiếng Trung trên toàn cầu.

Do đó, việc học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau và ở nhiều quốc gia khác nhau.

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội việc làm khác nhau. Ảnh: Sora Shizamaki (pexels.com)

3. Cơ hội việc làm ngành Ngôn ngữ Trung Quốc

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có thể làm ở các vị trí

  • Phiên dịch (dịch bằng lời nói) trong các cuộc đối thoại đàm phán- ký kết, hội thảo, hội nghị, phiên dịch cabin.
  • Biên dịch: dịch các văn bản (tài liệu, tin tức, các tác phẩm).
  • Biên tập: biên dịch, kiểm tra chỉnh sửa văn bản.
  • Phóng viên.
  • Chuyên viên văn phòng, chuyên viên nhân sự, thư kí, trợ lý.
  • Chuyên viên xuất nhập khẩu.
  • Chuyên viên kinh doanh: mua bán hàng hoá, dịch vụ.
  • Hướng dẫn viên du lịch.
  • Giảng dạy, nghiên cứu.

Nơi làm việc

  • Các cơ quan truyền thông, báo chí (đài truyền hình, đài phát thanh, báo in, báo online...) các nhà xuất bản tại Việt Nam hoặc cơ sở  nước ngoài.
  • Các cơ quan nhà nước về ngoại giao (bộ ngoại giao, sở ngoại vụ, quản lý xuất nhập cảnh), các cơ quan đại diện-  xúc tiến thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
  • Các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.
  • Các công ty có quan hệ làm ăn, buôn bán với các nước nói tiếng Trung: công ty xuất nhập khẩu, logistics...
  • Tại các công ty, đại lý vé máy bay, du lịch lữ hành
  • Các nhà hàng, khách sạn quốc tế
  • Làm việc tự do.
  • Tại các trung tâm dạy tiếng Trung, các trường học, viện nghiên cứu, dạy kèm.
  • Tự lập các doanh nghiệp mua bán, trung chuyển hàng hoá; dịch thuật; các trung tâm giảng dạy.

Các ý kiến trái chiều về ngành Ngôn ngữ Trung Quốc

Ý kiến 1: Ngôn ngữ chỉ là một công cụ giao tiếp, không phải là một chuyên ngành để làm nghề. 

Hiện nay vẫn nhiều người cho rằng ngôn ngữ Trung Quốc hay các ngành Ngôn ngữ nói chung (Tiếng Anh, Nhật, Hàn...) chỉ là công cụ giao tiếp hỗ trợ trong công việc, chứ không thể xem là chuyên ngành để có nghề nghiệp ổn định lâu dài, do đó khó xin việc. Hướng nghiệp 4.0 CDM xin đưa ra ý kiến như sau:

  • Đối với các công việc như nghiên cứu, giảng dạy, thông dịch, biên dịch thì sinh viên ngành Ngôn ngữ sẽ có ưu thế lớn vì họ được đào tạo bài bản, có hệ thống. Do vậy, đây là những nghề, vị trí thu hút nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp.
  • Đối với các vị trí khác tại doanh nghiệp ví dụ như chuyên viên kinh doanh tại công ty xuất nhập khẩu, chuyên viên marketing, chuyên viên văn phòng, thư ký…

+ Đối với vị trí đòi hỏi tính chuyên môn cao về nghiệp vụ thì sinh viên các ngành khác (quản trị kinh doanh, marketing, xuất nhập khẩu…) biết tiếng Trung sẽ có lợi thế hơn.

+ Đối với vị trí đòi hỏi tiếng Trung chuẩn xác,  độ khó cao thì sinh viên ngành tiếng Trung có thêm nghiệp vụ sẽ có lợi thế hơn.

+ Việc so sánh này còn chưa chính xác, tuỳ thuộc vào thể hiện của bạn khi đi phỏng vấn, các kỹ năng mềm, khả năng học hỏi…

Do đó, Hướng nghiệp 4.0 CDM đưa ra lời khuyên để bạn cân nhắc như sau

  • Trước khi quyết định học, bạn nên xác định thế mạnh và yêu thích của mình là ngôn ngữ hay các ngành kinh doanh, marketing, du lịch…và chọn theo thế mạnh, sở thích, Đây vẫn là gốc rễ của việc chọn ngành nghề.
  • Khi bạn đã chọn học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, trong quá trình học, bạn cần định hướng mình sẽ làm gì khi ra trường (cũng phụ thuộc vào sở thích và năng lực bạn khám phá ra khi học tập). Từ đó, bạn đào sâu, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng cho phần này. Ví dụ, bạn muốn theo hướng giảng dạy thì bạn sẽ chọn Chuyên ngành Phương pháp giảng dạy, học thêm chứng chỉ sư phạm, xin đi dạy thêm, trợ giảng, dạy kèm, nghiên cứu thêm về lĩnh vực này, chuẩn bị học lên thạc sĩ. Bạn muốn theo hướng làm chuyên viên xuất nhập khẩu, bạn sẽ chọn Chuyên ngành tiếng Trung thương mại, học thêm chứng chỉ kinh doanh xuất nhập khẩu, xin đi làm thêm – thực tập tại công ty xuất nhập khẩu. Việc định hướng sớm về nghề, vị trí bạn muốn làm sau khi tốt nghiệp sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tăng khả năng tìm kiếm việc làm và cơ hội thăng tiến sau này.

Ý kiến 2: Robot và những phần mềm phiên dịch trực tuyến có khả năng thay thế người có bằng cấp ngoại ngữ trong thời gian tới.

Đúng là các phần mềm dịch thuật, robot dịch đang giúp ích rất nhiều cho người dùng khi phải làm việc với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, con người là hạt nhân của sự sáng tạo, sáng tạo ra trí tuệ, con người quản lý trí tuệ đó và sáng tạo ra trí tuệ khác. Trong hiện tại và tương lai gần, robot và các phần mềm chưa thể thay thế cho người dịch thuật ở các văn bản- đối thoại phức tạp, các phần mềm không thể nắm bắt tâm lý, văn hoá, bối cảnh để truyền tải chính xác. Ngoài ra, thời gian cách ly do đại dịch Covid 19 đã chứng minh, các mối tương tác, tiếp xúc giữa con người với con người luôn cần thiết trong giao tiếp, công việc mà máy móc không thể thay thế. Ngược lại, bạn nên biến robot và các phần mềm trở thành công cụ đắc lực cho mình trong quá trình học tập, giảng dạy và các công việc, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, nâng cao hiệu quả công việc.

Kinh tế Trung Quốc và quan hệ với Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Zifeng Xia (pexels.com)

4. Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc học những gì

Các học phần tiêu biểu: Lịch sử văn minh phương Đông, Lịch sử Trung Quốc, Văn học Trung Quốc;Dẫn luận ngôn ngữ; Cú pháp học; Cú pháp tiếng Trung Quốc; Từ pháp tiếng Trung Quốc; Nghe tiếng Trung cơ bản- nâng cao; Đọc –hiểu tiếng Trung cơ bản-nâng cao; Nói tiếng Trung cơ bản-nâng cao; Nói trước công chúng tiếng Trung; Đọc báo chí tiếng Trung; Tiếng Trung thương mại; Soạn thảo văn bản hành chính tiếng Trung; Tiếng Hán cổ đại; Lý luận và phương pháp Biên- phiên dịch; Biên dịch Trung Việt cơ bản-nâng cao; Phiên dịch cơ bản-nâng cao; Kinh tế xã hội Trung Quốc; Đài Loan; Chỉnh âm; Tiếng Trung du lịch.

Ngoài ra, tuỳ theo lựa chọn chuyên ngành hoặc lựa chọn các môn học, sinh viên sẽ được học thêm các học phần chuyên sâu về thương mại, du lịch, văn hoá-văn học Trung Quốc.

Hiện các trường đại học có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau và có nhiều hình thức xét không yêu cầu đầu vào môn tiếng Trung, do vậy, thí sinh không biết tiếng Trung trước đó vẫn có thể theo học.

5. Các trường đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc trình độ đại học

Khu vực Miền Bắc

  • Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 
  • Học viện Khoa học Quân sự
  • Trường Đại học Ngoại thương 
  • Trường Đại học Hà Nội
  • Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
  • Viện Đại học Mở Hà Nội
  • Trường Đại học Thăng Long
  • Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
  • Khoa Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên
  • Trường Đại học Đại Nam
  • Trường Đại học Sao Đỏ
  • Trường Đại học Hạ Long

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên

  • Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế
  • Trường Đại học Hà Tĩnh
  • Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
  • Trường Đại học Đông Á
  • Trường Đại học Duy Tân
  • Trường Đại học Phú Xuân
  • Trường Đại học Quy Nhơn
  • Trường Đại học Quảng Bình

Khu vực miền Nam

  • Trường đại học Sư phạm TP.HCM
  • Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM
  • Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM
  • Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM
  • Trường Đại học Tôn Đức Thắng
  • Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
  • Trường Đại học Văn Hiến
  • Trường Đại học Công nghệ TP HCM
  • Trường Đại học Hùng Vương
  • Trường Đại học Mở TP.HCM
  • Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP HCM
  • Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
  • Trường Đại học Văn Lang
  • Trường Đại học Lạc Hồng
  • Trường Đại học Đồng Tháp
  • Trường Đại học Thủ Dầu Một
  • Trường Đại học Trà Vinh
  • Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu

Một số trường có chuyên ngành đào tạo song ngữ Trung – Anh, Anh- Trung: Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Ngoại ngữ Tin học TPHCM, Đại học Ngân hàng TPHCM.

Kim Tuyến tổng hợp

 

 

Tạo bài viết thảo luận