Tạo bài viết thảo luận

Các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp đang phục vụ đắc lực cho đời sống kinh tế xã hội. Chúng ta cần có chỗ ở, trường học, bệnh viện, văn phòng, đường xá, cầu cống, quán ăn, quán cà phê, khách sạn, resort, nhà hát, rạp chiếu phim, khu vui chơi,… Tất cả đều cần thiết với mỗi người và cả nền kinh tế. Ngoài ra, nhiều công trình vừa có công năng sử dụng vừa là những tác phẩm nghệ thuật.

Để xây các công trình như thế nào để bền chắc, không lún, sụp, chịu được tác động của thời tiết, khí hậu trong một ngân sách nhất định vừa đem lại sự thoải mái, tiện dụng nhất cho các đối tượng sử dụng đã trở thành một ngành khoa học. Ngành này được gọi chung là ngành xây dựng.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu về ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng/ Công nghệ kỹ thuật xây dựng/Kỹ thuật xây dựng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ngành học trên là gì? Triển vọng ra sao? Các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp? Học gì và học ở đâu?  Đặc biệt là những khó khăn và thuận lợi của ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng/ Công nghệ kỹ thuật xây dựng/Kỹ thuật xây dựng.

1.Ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng/ Công nghệ kỹ thuật xây dựng/Kỹ thuật xây dựng là gì

Xây dựng là quy trình thiết kế và thi công các công trình xây dựng, bao gồm tất cả cá hoạt động liên quan đến kỹ thuật thiết kế và thi công hạ tầng.

Ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng/ Công nghệ kỹ thuật xây dựng/Kỹ thuật xây dựng là ngành học về quy trình thiết kế và thi công các công trình xây dựng, bao gồm tất cả cá hoạt động liên quan đến kỹ thuật thiết kế và thi công hạ tầng. Đây cũng có thể xem là một ngành dịch vụ thực hiện theo yêu cầu cho mỗi khách hàng riêng biệt, đó là các cơ sở hạ tầng có quy mô nhỏ đến lớn như căn hộ, toà nhà, khu đô thị, công trình công cộng.

Do 03 ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng/ Công nghệ kỹ thuật xây dựng/Kỹ thuật xây dựng tuy có tên gọi khác nhau nhưng mục tiêu đào tạo chính của các trường đại học hiện nay đều khá tương tự nhau là đào tạo các kỹ sư có khả năng khảo sát, thiết kế, thi công, tư vấn giám sát, kiểm định chất lượng, quản lý công trình xây dựng nên sau đây sẽ gọi chung là ngành Kỹ thuật xây dựng.

Ngành Kỹ thuật xây dựng thường được chia ra các chuyên ngành 

  • Xây dựng dân dụng và công nghiệp
  • Xây dựng cầu đường
  • Xây dựng công trình thủy lợi
  • Xây dựng công trình biển
  • Xây dựng đô thị
  • Vật liệu xây dựng

Khi không chia chuyên ngành, ngành Kỹ thuật xây dựng thường học về xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Sự khác biệt giữa ngành Kiến trúc và ngành Kỹ thuật xây dựng

  • Công việc của kiến trúc sư là đưa ra ý tưởng, lên bản vẽ đảm bảo tính thẩm mỹ, hợp lý với các yêu cầu về bố cục và công năng của chủ đầu tư. Thông thường yêu cầu công việc của kiến trúc sư là thiết kế tổng thể 2D hoặc 3D, phân chia các khu vực, bộ phận của công trình, thiết kế - mô phỏng từng bộ phận của công trình, ước tính thời gian xây dựng, ước tính chi phí, đề xuất vật liệu sử dụng.
  • Sau khi công việc của kiến trúc sư hoàn thành, kỹ sư xây dựng sẽ dựa trên kết quả công việc của kiến trúc sư, tính toán khả năng chịu lực của móng, tải trọng động và tải trọng tĩnh để tính toán kết cấu, lên thiết kế thi công và lập phương án thi công, chi phí, thời gian, nhân lực, máy móc, vật liệu cụ thể. Kỹ sư xây dựng cũng là những người tư vấn, giám sát, thi công, kiểm định chất lượng công trình. Do đó, có thể nói, để có một công trình xây dựng,thì công việc đầu tiên thuộc về kiến trúc sư để lên ý tưởng, bản vẽ, kỹ sư xây dựng sẽ là người đưa bản vẽ và ý tưởng của kiến trúc sư thành hiện thực.
  • Một kỹ sư xây dựng phải đánh giá thiết kế do kiến ​​trúc sư cung cấp và tính toán phương án thi công. Đương nhiên, một kiến trúc sư giỏi sẽ đưa ra một phương án khả thi, ít phải điều chỉnh, còn nếu thiết kế không khả thi, không hợp lí thì bắt buộc kỹ sư xây dựng phải có ý kiến để điều chỉnh. Xem thêm chia sẻ về nghề kiến trúc sư của kiến trúc sư Phương Khanh với Hướng nghiệp 4.0 CDM.

2. Triển vọng của ngành Kỹ thuật Xây dựng 

Ngành Xây dựng luôn giữ vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là lực lượng chủ yếu tạo ra tài sản cố định, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những năm gần đây, ngành Xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ quản lý lẫn công nghệ kỹ thuật thi công, vì vậy đã có thể thay thế nhà thầu ngoại trong vai trò tổng thầu ở nhiều dự án lớn có yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao tại thị trường trong nước. Nhờ vậy, những Công ty xây dựng hàng đầu đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp ra thị trường nước ngoài. Áp dụng những thành tựu từ cách mạng công nghiệp 4.0; các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực học hỏi và đã có khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng tổng hợp với chất lượng cao, đặc biệt trong việc xây dựng những công trình nhà ở cao tầng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hiện cũng đang gặp một số khó khăn cần được tháo gỡ về vốn, biến động giá vật liệu, thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép, thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng.

Báo cáo đánh giá về thực trạng chất lượng nhân lực ngành Xây dựng của Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, năm 2020 có hơn 7 triệu lao động đang làm việc trong ngành Xây dựng. Nhiều chuyên gia trong ngành Xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực của ngành xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000 – 500.000 lao động mỗi năm. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì số lượng lao động năm 2030 có thể đạt tới con số khoảng 12 – 13 triệu người. Hiện nay, tỷ lệ nhân lực ngành Xây dựng qua đào tạo ở Việt Nam đạt khoảng 65%. Mục tiêu đến năm 2030 là tăng tỷ lệ lao động ngành Xây dựng qua đào tạo đạt mức khoảng 75%.

Tuy vậy, nhiều công trình lớn ở nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực của nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát và vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp… cho thấy chất lượng nguồn nhân lực ngành Xây dựng của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì vậy, nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Xây dựng nói chung và ngành Kỹ thuật xây dựng nói riêng luôn ở mức cao.

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Kỹ thuật xây dựng luôn ở mức cao.

3.Các vị trí việc làm cho kỹ sư xây dựng sau khi tốt nghiệp 

Kỹ sư xây dựng có thể đảm nhận các vị trí

  • Kỹ sư tư vấn, thiết kế
  • Kỹ sư thẩm tra thiết kế
  • Kỹ sư khảo sát, trắc địa, trắc đạo
  • Kỹ sư lập dự toán
  • Kỹ sư thi công, chỉ huy công trình
  • Kỹ sư giám sát thi công
  • Kỹ sư quản lý chất lượng công trình
  • Kỹ sư kiểm định mẫu
  • Kỹ sư thẩm định chất lượng công trình
  • Kỹ sư kiểm toán 
  • Giảng dạy, nghiên cứu

Các đơn vị kỹ sư xây dựng có thể làm việc

  • Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng: Bộ Xây dựng, UBND các cấp, Sở Xây dựng,…
  • Ban quản lý các dự án xây dựng
  • Công ty phát triển dự án
  • Công ty tư vấn thiết kế 
  • Công ty thẩm tra thiết kế
  • Công ty thi công
  • Công ty tư vấn giám sát
  • Công ty thẩm định chất lượng công trình xây dựng
  • Công ty kinh doanh nhà ở, bất động sản
  • Các trường đại học, viện nghiên cứu (giảng dạy, nghiên cứu).
  • Tự lập doanh nghiệp sau khi đã tích luỹ đủ kinh nghiệm

Cũng có thể phân chia các công việc, vị trí trong ngành Kỹ thuật Xây dựng ra thành: nhóm làm việc ngoài công trường, nhóm làm việc trong văn phòng, nhóm làm việc tại các công xưởng.

Theo Hướng nghiệp 4.0 CDM, điểm hấp dẫn của ngành kỹ sư xây dựng trước hết nằm ở ý nghĩa của công việc. Bạn sẽ được tham gia  vào một ngành có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Bạn sẽ được thấy từ những bãi đất trống, khu vực hoang vu, các toà nhà được mọc lên; bạn sẽ thấy niềm vui khi được an cư của các gia đình khi chuyển đến ngôi nhà mới, niềm hạnh phúc của người dân khi có cầu, có đường…

Một ưu điểm nữa là có nhiều vị trí cho bạn cơ hội gặp gỡ và làm việc với nhiều khách hàng và đồng nghiệp khác nhau.

Ưu điểm tiếp theo nhưng cũng là thử thách đó là mỗi công trình đều có đặc điểm địa chất, nhu cầu, yêu cầu, đặc điểm văn hoá khác nhau với ngân sách khác nhau nên kỹ sư xây dựng sẽ luôn có nhiều phương án giải quyết khác nhau. Ngoài ra, công nghệ trong ngành luôn thay đổi, kỹ sư xây dựng luôn có những điều mới để học hỏi.

Ngược lại, về khó khăn nếu bạn làm việc tại công trường, phải làm ca (ngoài giờ hành chính), đối mặt với bụi bẩn, nắng, mưa, thời tiết oi bức…Đặc biệt, với khí hậu nước ta, với công trình xây nhà cao tầng hoặc biệt thự trong giai đoạn đổ mái, nhiệt độ ngoài trời kết hợp với nhiệt từ sàn bê tông phả lên khiến chúng ta mệt mỏi, nóng bức và rất dễ say nắng.

Khó khăn nữa là tại Việt Nam vẫn có khoảng cách khá lớn giữa đào tạo tại trường và thực tế nên sinh viên cần phải tự học hỏi và nên tham gia thực tập, làm thêm để cọ xát thực tế.

Kỹ sư xây dựng giúp bản vẽ trở thành các công trình thực tế

Là nữ có nên học ngành Kỹ thuật Xây dựng hay không

Do vấn đề làm việc ngoài trời cần sức khoẻ nên nhiều bạn nữ e ngại khi chọn học ngành này. Mặc dù vậy, như đã đề cập ở trên, còn nhiều vị trí như tư vấn, thiết kế, lập dự toán, lập hồ sơ thầu…làm việc ở văn phòng, rất thích hợp cho nữ. Bên cạnh đó, nếu bạn nữ nào đảm bảo sức khoẻ và yêu thích thì vẫn có thể làm việc tại công trường.

4. Các yêu cần cần có trong ngành Kỹ thuật xây dựng

Một số yêu cầu nổi bật

  • Khả năng tư duy logic, học tốt hoặc không gặp khó khăn khi học các môn Toán, Lý tại chương trình phổ thông
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề
  • Kỹ năng tự học
  • Tinh thần trách nhiệm cao

Ngành Kỹ thuật Xây dựng được đề xuất cho các bạn học sinh có thiên hướng kỹ thuật theo khảo sát nghề nghiệp Holland. Làm khảo sát nghề nghiệp Holland tại đây.

Kỹ thuật xây dựng được phân thành nhiều chuyên ngành khác nhau nên trong quá trình học sinh viên có thể suy nghĩ và đào sâu vào một lĩnh vực cụ thể như: nhà ở dân dụng, nhà xưởng, đường, cầu cống, công trình thuỷ lợi, công trình công cộng,… Hoặc bạn có thể định hướng đến các vị trí việc làm nhưu tư vấn thiết kế hay kỹ sư thi công,..Điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng và sở thích các sinh viên khám phá trong quá trình học.

5. Ngành Kỹ thuật xây dựng học những gì

Một số môn học tiêu biểu: Hóa học đại cương; Cơ kỹ thuật-Tĩnh học; Cơ kỹ thuật- Động lực học; Bản đồ học và GIS; Sức bền vật liệu; Hình hoạ và vẽ kỹ thuật; CADD; Cơ học kết cấu; Cơ lưu chất; Kiến trúc; Thủy văn và Thủy lực; Cơ học đất; Vật liệu xây dựng; Kết cấu bê tông; Kết cấu thép; Nền móng; Trắc địa; Kỹ thuật Thi công; Cấp thoát nước; Quản lý xây dựng; Công trình giao thông; Động lực học công trình; Nhà cao tầng; Các đồ án và báo cáo chuyên đề.

Công trình Cầu Rồng tại Đà Nẵng. Nguồn ảnh: commons.wikimedia.org

6. Các trường đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng/ Công nghệ kỹ thuật xây dựng/Kỹ thuật xây dựng 

Khu vực miền Bắc

  • Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
  • Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
  • Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội
  • Trường Đại học Thuỷ Lợi
  • Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp – Đại học Thá Nguyên
  • Trường Đại học Phenikaa
  • Trường Đại học Công Nghệ Đông Á

Khu vực miền Trung 

  • Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Duy Tân
  • Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
  • Trường Đại học Nha Trang
  • Trường Đại học Phan Thiết

Khu vực miền Nam

  • Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM
  • Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
  • Trường Đại học Bách khoa TPHCM
  • Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM
  • Trường Đại học Công nghệ TPHCM
  • Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM
  • Trường Đại học Tôn Đức Thắng
  • Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh
  • Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
  • Trường Đại học Bình Dương
  • Trường Đại học Công nghệ Miền Đông
  • Trường Đại học Trà Vinh
  • Trường Đại học Lạc Hồng
  • Trường Đại học Cần Thơ
  • Trường Đại học Tây Đô
  • Trường Đại học Nam Cần Thơ

Kim Tuyến tổng hợp

 

 

 

Tạo bài viết thảo luận