Tạo bài viết thảo luận

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Các doanh nghiệp chuyển sang xu hướng cần nhân sự tầm bao quát về tất cả yếu tố xoay quanh kinh doanh trên nền tảng công nghệ, đảm bảo tối ưu hiệu quả và tránh rủi ro. 

Thực tế này dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực vừa có kiến thức về kinh tế, vừa có thể vận dụng công nghệ thông tin trở nên cấp thiết. Vì vậy, ngành học Kinh tế số ra đời. Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu về ngành học này, sự khác biệt giữa ngành Kinh tế số và Thương mại điện tử là gì nhé.

1. Ngành Kinh tế số- Kinh doanh kỹ thuật số là gì

Theo từ điển Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,...)." Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. 

Theo báo cáo của UNCTAD (Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển), nền kinh tế số có thể được gắn với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như robot, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), và in ba chiều (3D).

Ngành học Kinh tế số (Digital economy) hay Kinh doanh kỹ thuật số /Kinh doanh số (Digital Business) là ngành đào tạo nhân lực có kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế trong thời đại số; có khả năng vận dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như robot, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data)… vào kinh doanh; có kỹ năng dẫn dắt để chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp; có tư duy nghiên cứu độc lập; có năng lực tự học bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn thích nghi với sự thay đổi của môi trường làm việc.

Theo Hướng nghiệp 4.0 CDM, ngành Kinh tế số có thể xem là sự kết hợp giữa hai lĩnh vực: Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin. Ngành “lai” giữa một hoặc nhiều ngành với công nghệ thông tin đang là xu thế trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ. Vì vậy, đây là ngành được xem là đáp ứng đúng nhu cầu, giúp sinh viên không cần học song ngành hoặc học văn bằng hai vẫn có kiến thức của hai lĩnh vực. 

Sự khác nhau giữa ngành Kinh tế số và Ngành Thương mại điện tử (E- Commerce): ngành Thương mại điện tử nhấn mạnh vào phương thức bán hàng (Marketing, Sàn giao dịch, Thanh toán…) còn ngành Kinh tế số chú trọng vào tư duy chiến lược, lập kế hoạch của một tổ chức trong nền kinh tế số. Nói cách khác ngành Thương mại điện tử sử dụng công nghệ để hỗ trợ các mô hình kinh doanh hiện có, còn Kinh tế số - Kinh doanh kỹ thuật số  tập trung vào cách công nghệ có thể tạo ra giá trị mới và khác biệt cho các tổ chức. Xem thêm về ngành Thương mại điện tử.

Hướng nghiệp 4.0 CDM xếp hai ngành Kinh tế số và Kinh doanh kỹ thuật số vào chung một ngành vì ở Việt Nam hiện nay các trường đào tạo hai ngành này với chương trình và định hướng tương tự nhau. Ở một số trường ngành này còn có tên gọi khác là Quản trị kinh doanh số, Kinh doanh số.

Ngành Kinh tế số - Kinh doanh Kỹ thuật số

2. Triển vọng của ngành Kinh tế số - Kinh doanh Kỹ thuật số 

Trên thế giới

Năm 2021 được xem là năm bùng nổ của kinh tế số thể hiện qua lượng dữ liệu về kinh tế được luân chuyển qua Internet. Theo dự báo, lưu lượng dữ liệu hàng tháng của toàn thế giới sẽ tăng từ 230 exabyte (năm 2020) lên 780 exabyte vào năm 2026.  Báo cáo của Global Digital Report 2022 cho thấy, hiện các thiết bị kết nối toàn cầu là 26,5 tỷ; người dùng số thế giới (kết nối Internet) từ 18-54 tuổi là 3,8 tỷ; quy mô nền kinh tế số chiếm khoảng 15,5%, tương đương 12,7 nghìn tỷ USD trên GDP toàn cầu.

Tại Đông Nam Á, khu vực có khoảng 670 triệu người, kinh tế Internet được dự báo đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 sau khi đã có thêm 60 triệu người dùng internet mới kể từ khi bắt đầu xảy ra dịch COVID-19, nâng tổng số lên 440 triệu người đang sử dụng internet, với hàng chục triệu người tham gia mua sắm trực tuyến và giao hàng thực phẩm…

Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (Word Economic Forum) đến năm 2025 nhu cầu nhân lực có kỹ năng số hoá vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt các công việc về phân tích dữ liệu, chiến lược số hoá, marketing kỹ thuật số, chuyên gia chuyển đổi số. Rõ ràng, thị trường lao động từ nay đến năm 2025 đang rất “khát” nhân lực ngành Kinh tế số - Kinh doanh kỹ thuật số.

Tại Việt Nam

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đang được số hóa nhanh chóng, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và Fintech.

Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số.  Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một số nội dung liên quan như sau:

"Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

- Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP;

- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%;

- Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%;

- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%;

- Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%;

- Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Nhân lực số:

Phát triển nhân lực số theo hướng tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng.

Điểm đột phá là các trường đại học số, người học có thể học và thi trực tuyến, có thể sử dụng học liệu số được cá nhân hóa, có thể được hỗ trợ học tập bởi trí tuệ nhân tạo."

Xem toàn văn Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại đây.  

3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế số - Kinh doanh Kỹ thuật số

  • Thực hiện công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm liên quan đến công nghệ số, chuyển đổi số trong kinh tế và kinh doanh tại các viện nghiên cứu hoặc độc lập thực hiện.
  • Làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước về lập dự án và lập kế hoạch về chuyển đổi số, an toàn và bảo mật thông tin kinh tế từ trung ương tới địa phương.
  • Làm việc tại các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực, các sàn giao dịch điện tử trong và ngoài nước ở các vị trí như: chuyên gia truyền thông và tiếp thị kỹ thuật số, giám đốc kỹ thuật số, giám đốc thương hiệu kỹ thuật số, giám đốc bán hàng kỹ thuật số, nhà phân tích kinh doanh kỹ thuật số, quản lý dự án, nhà tiếp thị internet, quản lý nội dung, nhà phát triển web, điều phối viên truyền thông xã hội, nhà phân tích giá cả, điều phối viên tiếp thị, nhà phân tích thị trường, giám đốc sản phẩm, giám đốc phân phối, người quản lý hoạt động, người giám sát chất lượng và hỗ trợ trực tuyến.
  • Chuyên gia tư vấn các giải pháp chuyển đổi số cho các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu; giúp các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng
  • Khởi nghiệp: thực hiện các mô hình kinh doanh kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu của thị trường. (Tham khảo thêm trường hợp nhóm bạn trẻ người Việt đang rất thành công với dự án game Axie Infinity tại đây)

Có thể nói, cơ hội việc làm của ngành Kinh tế số- Kinh doanh Kỹ thuật số rất rộng, vì sinh viên ngành Kinh tế số- Kinh doanh Kỹ thuật số được cung cấp những kiến thức rộng về cả Quản trị- điều hành và Công nghệ thông tin, đây vốn là 02 lĩnh vực rộng lớn. Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất cần nhân sự có tầm bao quát về tất cả yếu tố xoay quanh kinh doanh trên nền tảng công nghệ, đảm bảo tối ưu hiệu quả và tránh rủi ro. Điều này giúp sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí khá nhau và cơ hội việc làm cao. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều sinh viên có thể cảm thấy khá mơ hồ khi mình biết nhiều, rộng nhưng lại “không chuyên sâu về bất cứ phần nào”. Hướng nghiệp 4.0 CDM khuyên mỗi sinh viên nên tìm ra thế mạnh của mình trong quá trình học để đào sâu. Ví dụ, sinh viên có hứng thú và thế mạnh trong việc sử dụng AI để quản lý nhân sự hay sinh viên khác quan tâm đến vấn đề phân tích dữ liệu để đưa ra chiến lược hoạt động cho doanh nghiệp, các sinh viên có thể tự học thêm các kiến thức chuyên sâu về phần này. 

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp

4. Những tố chất để thành công trong Ngành Kinh tế số- Kinh doanh Kỹ thuật số

  • Đam mê lĩnh vực kinh doanh, nhạy bén trong kinh doanh
  • Có tư duy logic 
  • Kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng thuyết phục và đàm phán 
  • Năng động, tự tin.
  • Không ngừng học hỏi
  • Chịu áp lực tốt.

Ngành Kinh tế số cũng được đề xuất cho các học sinh có thiên hướng về Quản lý (hoặc Xã hội, Nghiệp vụ) trong khảo sát nghề nghiệp Holland. Làm khảo sát Holland tại đây.

5. Ngành Kinh tế số- Kinh doanh Kỹ thuật số học những gì

Các môn học tiêu biểu

  • Về Kinh tế: Kinh tế lượng, Marketing căn bản, Quản trị học, Quản trị chuỗi cung ứng, Quản trị chiến lựơc, Quản trị rủi ro, Quản trị nguồn nhân lực, Kinh tế quốc tế. Lý thuyết tài chính tiền tệ, Thương mại quốc tế, Nguyên lý kế toán, Kế toán tài chính, Phân tích báo cáo tài chính, Tài chính doanh nghiệp, Pháp luật kinh tế, Kinh doanh quốc tế, Thị trường chứng khoán…
  • Về Công nghệ thông tin: Hệ thống cơ sở dữ iệu, Dữ liệu lớn, Lập trình, An toàn và bảo mật thông tin
  • Về các môn học ứng dụng: Lý thuyết kinh tế số, Marketing số, Dữ liệu lớn trong Kinh tế và kinh doanh, Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính, An toàn và bảo mật thương mại điện tử, Các mô hình kinh doanh số, Thanh toán điện tử, Thiết kế website thương mại điện tử ….và các chuyên đề thực tập liên quan

6. Các trường đào tạo ngành Kinh tế số- Kinh doanh Kỹ thuật số

  • Trường Đại học RMIT (ngành Kinh doanh Kỹ thuật số)
  • Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên
  • Trường Đại học Ngoại thương - Cơ sở phía Bắc (ngành Kinh doanh số)
  • Trường Đại học CMC (ngành Quản trị kinh doanh - Chuyên ngành Quản trị kinh doanh số)
  • Trường Đại học Nam Cần Thơ
  • Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (ngành Kinh doanh Quốc tế - Chuyên ngành Kinh tế số và Thương mại Điện tử)
  • Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Kim Tuyến tổng hợp

Tạo bài viết thảo luận
Ngành Quản lý công nghiệp

Ngành Quản lý công nghiệp

01-09-2022
Ngành Logistics

Ngành Logistics

15-05-2022
Quản trị kinh doanh

Quản trị kinh doanh

15-10-2021
Ngành Quản trị sự kiện

Ngành Quản trị sự kiện

03-10-2021
Ngành Kinh doanh quốc tế

Ngành Kinh doanh quốc tế

19-06-2022
Ngành Quản lý bệnh viện

Ngành Quản lý bệnh viện

04-12-2022