Để giúp hình dung về Hệ thống nhúng và IoT, Hướng nghiệp 4.0 CDM xin giới thiệu chia sẻ của anh Lê Huỳnh Kha Luân (31 tuổi), người phụ trách kỹ thuật của mô hình, sản xuất nấm bào ngư đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Bình Định, Việt Nam:
“Trong nhà trồng nấm này chúng tôi bố trí giàn làm mát, quạt hút và giàn phun sương công nghệ Thụy Sĩ do Việt Nam lắp ráp hoàn toàn tự động. Nếu nhiệt độ trong nhà trồng tăng cao, giàn làm mát tự động bật lên để điều hòa nhiệt độ ổn định 25-26 độ C. Hoặc nếu độ ẩm trong nhà trồng không đủ để nấm mọc thì giàn phun sương cũng tự động bật để bổ sung độ ẩm cho nhà nấm mà không cần tác động của con người, chúng tôi chỉ theo dõi mọi vận hành trong nhà nấm qua điện thoại”
Xem đầy đủ bài viết về mô hình trên tại đây
Đây chính là một ứng dụng thiết thực của Hệ thống nhúng và IoT tại Việt Nam, nhưng ngoài nông nghiệp, ngành này còn có thể ứng dụng tại các lĩnh vực nào, triển vọng ra sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé
1.Hiểu thế nào về Ngành Hệ thống nhúng và IoT
- Hệ thống nhúng: là một hệ thống được tích hợp cả phần cứng và phần mềm phục vụ cho các bài toán chuyên dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, tự động hóa điều khiển, quan trắc và truyền thông
Ví dụ như: Máy giặt đo khối lượng quần áo bạn bỏ vào và chọn chu trình giặt, ước lượng thời gian hoàn thành. Lò vi sóng lập chương trình rã đông tùy theo loại thực phẩm bạn bỏ vào. Đa số các thiết bị, máy móc có microchip và thiết bị cảm biến đều có sự điều khiển của hệ thống nhúng. Hệ thống nhúng có mặt ở hầu hết các thiết bị trong nhà từ máy lạnh, máy giặt cho đến tivi, tủ lạnh, hay các thiết bị dùng trong nhà bếp. Hệ thống nhúng là nền tảng cốt lõi của hầu hết các thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe, điều khiển Robot và các thiết bị tự động hóa khác.
- IoT: viết tắt của Internet of Things, nghĩa là Internet vạn vật, một hệ thống kết nối các các thiết bị, con người qua mạng Internet.
- Ngành Hệ thống nhúng và IoT: có thể hiểu đơn giản là ngành tạo ra các thiết bị, cỗ máy thông minh, kết nối Internet phục vụ cho các lĩnh vực khác nhau.
Dễ hiểu hơn, bạn có thể hình dung là khi tất cả mọi thứ đều được kết nối với nhau qua mạng Internet và bạn có thể kiểm soát mọi đồ vật của mình chỉ bằng một thiết bị thông minh như smartphone, tablet, PC hay thậm chí chỉ bằng một chiếc smartwatch nhỏ bé trên tay. Việc kết nối có thể được thực hiện qua Wi-Fi, 4G, 5G, Bluetooth, ZigBee,…
Như vậy, khác với các ngành lập trình thông thường, Hệ thống nhúng và IoT sẽ làm việc về cả phần mềm và phần cứng. Phần mềm trong ngành này có đặc điểm riêng là được lưu trữ trong các chip bộ nhớ ROM hoặc bộ nhớ flash kích thước nhỏ, dung lượng bộ nhớ thấp.
2.Triển vọng của ngành Hệ thống nhúng và IoT
2.1 Triển vọng phát triển
IoT là một trong bốn trụ cột của cách mạng công nghiệp 4.0, có tính ứng dụng cao, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế số mọi quốc gia. Chính bởi vậy, chuyên ngành đào tạo này hứa hẹn có tốc độ phát triển rất mạnh trên thế giới.
“IoT sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hơn 3.000 tỉ USD trong năm 2026.” – Dự báo được đưa ra bởi tạp chí Business Insider, dựa trên khảo sát thường niên về Internet of Things, phỏng vấn với 35 công ty, tập đoàn lớn về công nghệ.
Theo Cisco, nhà cung cấp giải pháp và thiết bị mạng hàng đầu hiện nay: “Đến năm 2020, có khoảng 50 tỷ đồ vật kết nối vào Internet, thậm chí con số này còn gia tăng nhiều hơn nữa”.
Tiến sỹ Timothy Chou – tác giả cuốn sách “Precision: Principles, Practices and Solutions for the Internet of Things” (tạm dịch: “Chính xác: Nguyên lý, Thực thi và Giải pháp cho IoT”) cho biết IoT là lĩnh vực mới trên thế giới. Tất cả các nước, phát triển hay đang phát triển đều đang ở vạch xuất phát khi bước chân vào lĩnh vực này và đây là cơ hội bình đẳng cho các nước.
Các xu hướng IoT trong tương lai
- Nông nghiệp thông minh
- Đô thị thông minh
- Nhà máy thông minh
- Văn phòng thông minh
- Nhà thông minh
- Hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh
- Công nghiệp thông minh
Cùng với đó là sự ra đời của hàng loạt thiết bị thông minh đã và đang được phát triển: kính thông minh minh tích hợp quay phim, chụp hình, gọi điện thoại, nghe nhạc, kiểm tra lịch trình, nghe nhạc loa thông minh, ô tô thông minh, đồng hồ thông minh …
Xem thêm Top IoT Projects 2021 tại đây.
2.2 Các vị trí làm việc
- Làm việc trong các doanh nghiệp phần mềm, điện tử- viễn thông và điều khiển tự động với các vị trí: lập trình viên IoT, chuyên viên phân tích và hệ thống IoT, chuyên tư vấn & thiết kế các hệ thống IoT, lập trình phần cứng, chuyên viên phát triển sản phẩm…
- Làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước với các vị trí: chuyên viên phân tích và tư vấn IoT, quản lý dự án phát triển IoT, chuyên viên triển khai dự án IoT…
- Sau khi có đủ kiến thức và kinh nghiệm sẽ làm chủ nhiệm dự án, CTO, CIO
- Tự khởi nghiệp trong lĩnh vực lập trình hệ thống nhúng, điều khiển tự động, kinh doanh thiết bị và giải pháp IoT, triển khai giải pháp IoT.
Để tăng khả năng tìm kiếm việc làm khi tốt nghiệp, sinh viên nên tự thực hiện các dự án hoặc tham gia các dự án vì sẽ có những khoảng cách giữa học và thực tế khi thực hiện dự án: ví dụ như chương trình chạy được nhưng chạy thời gian dài có thể lỗi, hao pin, gây hư hỏng thiết bị, cần cải tiến trong khi trong chương trình học thường chỉ dừng lại ở việc chương trình chạy được.
Các tập đoàn công ty lớn như FPT, Viettel, VNPT, VNG là những đơn vị thường xuyên tuyển dụng nhân lực Hệ thống nhúng và IoT
2.3 Mức thu nhập
Theo báo cáo Vietnam IT Market Reprt 2021 của TOPDev
Ghi chú: theo phần ngành, IoT nằm trong nhóm #2 High Tech
Tại Mỹ, mức lương trong ngành IoT cũng rất cao, trung bình là 95. 951 USD/năm theo báo cáo của Glassdoor.com tính đến 9/2021 dựa trên 6.665 mẫu thông tin.
3. Các tố chất cần có để học ngành Hệ thống nhúng và IoT
- Niềm đam mê
- Kỹ năng lắng nghe, học hỏi
- Khả năng tư duy logic
- Yêu thích hoặc không gặp khó khăn khi học Toán, Lý
- Thích tìm cách giải quyết vấn đề
- Tiếng Anh: vì các tài liệu chủ yếu bằng tiếng Anh nên cần kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng này nếu chưa tốt có thể bổ sung khi khi học.
Có thể thấy, các tố chất cần cho ngành này tương tự như sinh viên các ngành khác của lĩnh vực công nghệ thông tin. Điểm thú vị của ngành này là không chỉ tạo ra các chương trình mà còn đưa chương trình này vào các thiết bị, làm việc với cả phần mềm và phần cứng. Nên nếu bạn nào yêu thích việc tạo ra các sản phẩm hữu hình như kính thông minh, vòng đeo tay thông minh, loa thông minh, xe thông minh, hệ thống tưới tiêu thông minh… nên lựa chọn ngành này.
4. Sinh viên sẽ được học những gì trong ngành Hệ thống nhúng và IoT
Các môn học tiêu biểu: Thiết kế và phân tích hệ thống số; Hệ thống vi điều khiển; Kỹ thuật vi xử lý; Hệ thống nhúng; Thiết kế vi mạch bán dẫn thiết kế FPGA, SoC, HW/SW; thiết kế MBD; Lập trình căn bản; Mạng máy tính căn bản; Lập trình cấp cao Python; Kiến thức IoT, HĐH thời gian thực; Dịch vụ đám mây; Lập trình ứng dụng Android kết nối thiết bị IoT; Khoa học dữ liệu; Ứng dụng máy học phân tích dữ liệu Io; Lập trình C; Lập trình C nhúng cho vi điều khiển nâng cao.
Kiến thức về Hệ thống nhúng và IoT rất rộng và công nghệ luôn được cải tiến. Ngoài chương trình học, sinh viên nên tự học các khóa đào tạo, các chứng chỉ của các ông lớn công nghệ.
Các sinh viên hoặc người đang làm trong ngành công nghệ thông tin, ngành kỹ thuật như điện – điện tử, lập trình, khoa học máy tính, công nghệ cơ điện tử… sẽ có nhiều thuận lợi khi chuyển sang ngành Hệ thống nhúng và IoT hoặc học thêm về Hệ thống nhúng và IoT.
5. Các trường đào tạo ngành Hệ thống nhúng và IoT
- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
- Trường Đại học FPT
- Trường ĐH Điện lực
- Trường ĐH Quy Nhơn
- Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
- Trường ĐH trực tuyến FUNIX
- Trường Đại học PHENIKAA
- Cao đẳng Việt Mỹ
- Các khóa học ngắn hạn offline và online của các trung tâm
- Các khóa học về IoT của Đại học California, Irvine; Microsoft, Đại học Stanford, Cisco, Arcitura.
Tùy theo Trường đào tạo, tên gọi của ngành có thể có khác biệt như Hệ thống nhúng và IoT, IoT, Lập trình nhúng và IoT, Hệ thống nhúng thông minh và IoT…