Tạo bài viết thảo luận

Suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm của nhân loại, gốm sứ là một chất liệu vô cùng thông dụng, đóng góp một phần không hề nhỏ vào sự tiện dụng trong đời sống hàng ngày, trong việc thể hiện, lưu trữ những bản sắc của các dân tộc, phong cách sống, tư duy thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Chính vì lẽ đó mà từ thuở xa xưa, hiều làng nghề với nhiều dòng gốm sứ nổi tiếng, mang nét đặc sắc riêng đã ra đời: gốm sứ Bát Tràng, gốm Chu Đậu, gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng, gốm Lái Thiêu, gốm Biên Hòa, gốm Vĩnh Long, gốm Bàu Trúc,… Qua nhiều triều đại lịch sử, bên cạnh các tác phẩm lớn mang tính chất văn hóa như phù điêu, tượng,… gốm sứ còn là chất liệu của những vật dụng bình dị nhất trong cuộc sống: chiếc bát, cái thìa, bộ ấm chén,…gắn liền với cuộc sống của mỗi người. 

Câu hỏi đặt ra là, với một ngành nghề có lịch sử lâu đời như vậy thì hiểu như thế nào về ngành Gốm? Triển vọng nghề nghiệp sau khi ra trường?  Những tố chất cần thiết để có thể theo ngành là gì? Cần phát triển những kĩ năng nào? Những thú vị và thách thức khi theo ngành Gốm? Các môn học tiêu biểu và các trường hiện đang đào tạo ngành này? Để trả lời cho những câu hỏi trên, các bạn hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu qua bài viết của bạn Shi dưới đây nhé!

1. Ngành Gốm là gì?

Để hiểu được ngành Gốm, trước tiên chúng ta cần biết về chất liệu tạo hình chính mà chuyên ngành ngành này hướng tới: gốm sứ.

Gốm sứ là những vật dụng được tạo hình dựa vào sự hòa trộn các nguyên liệu chính là đất sét và nước. Sau khi tạo hình, sản phẩm thường được phơi khô sau đó nung lên để cho ra thành phẩm cuối cùng là những món đồ khác nhau tùy vào mục đích chế tạo. Dựa theo khiếu thẩm mỹ và yêu cầu của người chế tác, gốm cũng thường được phủ trong một hay nhiều lớp chất trang trí có cấu tạo giống sơn và không thấm nước, thường được gọi là men.

Ngành Gốm là ngành học đào tạo sinh viên về mảng chế tác, tạo hình các sản phẩm mang tính ứng dụng và nghệ thuật được cấu tạo nên từ nguyên liệu chính là đất sét. 

Ngành Gốm hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ các nghệ sĩ trẻ tuổi có khả năng đưa chất liệu thuyền thống vào mỹ thuật ứng dụng, qua đó vừa phát huy được tính thực tế và ứng dụng của sản phẩm, bảo tồn được loại hình nghệ thuật truyền thống vừa đưa vào hơi thở của thời đại để giúp ngành Gốm phát triển lên một tầng cao mới. 

2. Triển vọng nghề nghiệp của ngành Gốm

Từ không gian nhỏ như phòng ở, văn phòng, nhà ở đến những không gian rộng lớn như sân vườn, khuôn viên, quảng trường, tượng đài, chúng ta có thể thấy không thiếu những sản phẩm gốm sứ tinh tế. 

Từ xưa đến nay, gốm sứ đã luôn đóng một vai trò quan trọng đối với lịch sử, đời sống, văn hóa và nghệ thuật. Trong thời đại sự phát triển của tư duy thẩm mỹ đang được coi trọng, khi mà con người ta ngày càng ưa chuộng những sản phẩm mang tinh hoa của sự truyền thống và hơi thở đương đại, ngành Gốm có tiềm năng phát triển lớn. Người làm nghề gốm là những nghệ sĩ đem lại các sản phẩm công phu và tinh tế có giá trị lớn hoặc được xem là “vô giá”, là tinh hoa của trí tuệ và tư duy thẩm mỹ của con người. 

Gốm sứ Việt Nam luôn được đánh giá cao trên thị trường quốc tế với chất lượng và kiểu dáng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Với thuận lợi về đặc điểm địa lý, địa hình nhiều đất sét, các làng nghề lâu đời với nhiều nghệ nhân có tay nghề cao, gốm sứ Việt Nam có nhiều triển vọng để phát triển. Cùng với sự phát triển kinh tế trong nước, sự gia nhập của kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, gốm sứ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường, mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gốm sứ Việt sang các thị trường trên toàn cầu, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ, EU,

Sinh viên tốt nghiệp ngành Gốm có thể đảm nhận các vị trí

  • Chuyên viên thiết kế mỹ thuật và tạo mẫu trang trí
  • Chuyên viên thiết kế và tạo mẫu sản phẩm
  • Chuyên viên điêu khắc bằng đắp nặn
  • Chuyên viên thiết kế đồ họa vi tính, nội thất chuyên về sản phẩm gốm sứ.

Nơi làm việc cho sinh viên tốt nghiệp ngành Gốm

  • Công ty thiết kế sản xuất sản phẩm gia dụng, sản phẩm trang trí bằng gốm sứ
  • Công ty thiết kế nội thất, trang trí nội thất, sản xuất sản phẩm nội thất
  • Công ty kiến trúc
  • Công ty thiết kế, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh
  • Các làng nghề, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh gốm sứ
  • Tự mở công ty kinh doanh sản xuất đồ gốm tự do cho riêng mình
  • Thiết kế tự do theo dự án.
Một phần Con đường gốm sứ, Hà Nội. Ảnh: shutterstock.

3. Tố chất cần có của sinh viên ngành Gốm

Để có thể học tập và thực hành tốt chuyên ngành, sinh viên cần có một số những tố chất sau đây:

  • Sự tỉ mỉ, cẩn thận
  • Có óc thẩm mỹ, khả năng sáng tạo
  • Khéo tay, sức khỏe tốt để theo ngành lâu dài
  • Sự chăm chỉ, miệt mài và nhiệt huyết với nghề
  • Sự cầu tiến, sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp
  • Sự năng nổ và nhiệt tình trong học tập
  • Nắm bắt được các xu hướng đang thịnh hành.
Sinh viên ngành Gốm trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai trong giờ thực hành. Ảnh: dncda.edu.vn

4. Các kỹ năng cần phát triển để thành công trong ngành Gốm

  • Các kiến thức cơ bản về thẩm mỹ, hình khối, các quy luật, quy tắc thiết kế: Đây chính là một trong những điều quan trọng nhất đối với mỗi sinh viên thuộc ngành Mỹ thuật nói riêng và Nghệ thuật nói chung. Những môn học căn bản này chính là cơ sở để mỗi cá nhân có thể phát triển phong cách riêng của mình một cách hiệu quả nhất, trôi chảy nhất dù được đặt trong bất cứ một môi trường nào.
  • Kiến thức về tạo hình đất sét, thực hành làm các sản phẩm gốm sứ thật: Những kiến thức thực tế thu được từ kỹ năng này sẽ giúp sinh viên có thể sáng tạo và thiết kế sản phẩm một cách khả thi nhất có thể, tránh việc tạo ra những bản thiết kế phi thực tế hay không thể hoàn thiện được, gây mất thời gian, công sức, của người thiết kế và thi công.
  • Kiến thức về gốm sứ truyền thống và kiến thức về các phong cách khác nhau: Nhạy cảm với các xu hướng hiện đại và hiểu biết về những phong cách truyền thống chính là chìa khóa cho sự kết hợp hài hòa trong thiết kế. - Sự nhạy bén trong xu hướng thị trường và thị hiếu người tiêu dùng: Bên cạnh khả năng sáng tạo, đây cũng là một nguồn ý tưởng dồi dào và luôn chuyển động, giúp cho những sản phẩm gốm sứ của sinh viên – cũng chính là những nghệ nhân tương lai – có chỗ đứng và phát huy được công năng trong đời sống thường nhật.
  • Hiểu biết, y thức về quyền sở hữu trí tuệ: Để có thể bảo vệ được những sản phẩm của mình, đây chính là những kiến thức mà tất cả những sinh viên nghệ thuật chứ không chỉ riêng ngành Gốm nên trang bị để tránh việc những “đứa con tinh thần” của mình bị đánh cắp hay phá hoại, copy lại và tránh việc sao chép, đạo nhái tác phẩm của người khác.
  • Nắm bắt và ứng dụng các xu hướng phát triển của ngành Gốm sứ như: Xu hướng nâng cao tính chất vật liệu gốm sứ truyền thống (bền hơn, chống thấm tốt hơn, cách khí, cách nhiệt); Nghiên cứu, sử dụng các vật liệu gốm sứ mới; Các công nghệ sản xuất mới tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu, giảm lượng chất thải ra môi trường; Xu hướng Marketing số; Cá nhân hóa sản phẩm….
Sinh viên ngành Gốm - Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thuyết trình bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Ảnh: mtud.edu.vn

5. Thú vị và thách thức khi theo học ngành Gốm

Thú vị: 

Ngành Gốm, cũng như những ngành nghề nghệ thuật khác, cũng là mảnh đất màu mỡ cho trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Bạn có thể thổi hồn vào khối đất vô tri vô giác, biến chúng thành những sản phẩm hữu dụng, những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho cuộc sống, cho tâm hồn con người. Sinh viên ngành Gốm có thể đón đầu nhiều cơ hội để thỏa sức thực hành, phát huy đồng thời kiến tạo nên những sản phẩm mới và đặc biệt mang đậm dấu ấn cá nhân. Bên cạnh cơ hội làm việc, các cuộc thi cũng là lựa chọn không tồi để sinh viên thậm chí cả khi chưa tốt nghiệp cũng có thể quảng bá sản phẩm trí tuệ của mình tới với các nhà đầu tư và đại chúng.

Thách thức:

Khác với tưởng tượng của nhiều người về một khung cảnh “màu hồng” với hình ảnh người nghệ nhân ngồi nặn gốm bên khung cửa, nghệ thuật nói chung và Gốm nói riêng đòi hỏi ở sinh viên rất nhiều sự quyết tâm và can đảm. Ngành Gốm yêu cầu sự kiên trì, không ngừng luyện tập, học hỏi, tìm tòi không chỉ trên sách vở mà còn cả trong cảm quan, mắt nhìn, quá trình tạo ra sản phẩm,…Để có thể tạo ra những tác phẩm mới mẻ và đẹp đẽ và có tính năng sử dụng phù hợp, bạn có thể phải tập trung suy nghĩ, sáng tạo nhiều ngày, tạo ra rất nhiều bản vẽ, thử rất nhiều phương án chất liệu, màu sắc, công nghệ sản xuất, sửa sản phẩm.

Ngành Gốm còn yêu cầu sức khỏe, sự dẻo dai của sinh viên để có thể đắp, nặn, bưng bê đất và khuôn,… nhằm tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh. Đối với những tác phẩm càng lớn thì khối lượng cần vận chuyển càng nặng, chưa kể các nguy cơ vỡ, nổ, hỏng,… sản phẩm khiến cho quá trình thực hành có thể phải lặp lại rất nhiều lần, ảnh hưởng tới chi phí tạo ra thành phẩm.

6. Ngành Gốm học những gì?

Các môn học tiêu biểu: Vẽ mỹ thuật cơ sở; Quản lý sản xuất; Nguyên liệu đất Lịch sử; Thiết kế chuyên ngành; Vẽ hình họa chuyên ngành; Chuẩn bị nguyên liệu; Chuẩn bị máy, dung cụ; Chế biến nguyên liệu; Kỹ thuật tạo mẫu, tạo cốt, đổ khuôn; Tạo hình sản phẩm; Kỹ thuật trang trí; Kỹ thuật trang trí nâng cao; Phương pháp phủ men sản phẩm; Kỹ thuật nung đốt, phân loại; Sáng tác, thể hiện mẫu; Sáng tác, thể hiện mẫu nâng cao; Thiết kế mẫu bộ đồ ăn; Sáng tác thiết kế gốm trang trí vách ngăn; Đồ họa trên sản phẩm đồ gốm mỹ thuật; Tạo mẫu, trang trí lọ lục bình; Tạo mẫu trang trí tranh ghép mảnh nhỏ; Sáng tác thiết kế gốm trang trí kết hợp với nước chảy; Tạo mẫu bộ tượng gốm trang trí sân vườn; Tạo mẫu gốm trang trí kiến trúc; Tạo mẫu bộ tượng gốm trang trí nội thất nâng cao; Sáng tác tranh phù điêu gốm; Tạo mẫu tranh tứ quý bằng gốm màu;

Trong quá trình đào tạo, sinh viên cũng thường xuyên đi thực tế tạo các lò gồm nổi tiếng tùy theo địa điểm học như làng gốm Bát Tràng, làng gốm Cù Lao Phố; làng gốm Lái Thiêu, làng gốm Bàu Trúc…

Một bức tranh gốm Bát Tràng. Ảnh: gombattrangcaocap.vn

7. Các trường đào tạo ngành Gốm

  • Bậc đại học: hiện tại chỉ có trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đào tạo chính quy trình độ đại học ngành Gốm.

Khối tuyển sinh

H00: Ngữ văn – Hình họa – Trang trí màu (Bố cục màu)

H07: Toán – Hình họa – Trang trí màu (Bố cục màu).

Sinh viên cũng có thể học ngành gần là ngành Thiết kế công nghiệp, Mỹ thuật công nghiệp, Điêu khắc ở các trường đại học khác nhau có các học phần liên quan và định hướng đi sâu vào phần Gốm sứ.

  • Bậc cao đẳng: Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, ngành Gốm

Shi

Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.

Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút. Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.

 

Tạo bài viết thảo luận
Thiết kế công nghiệp

Thiết kế công nghiệp

26-09-2021
Ngành Phim/Ngành Phim Kỹ thuật số

Ngành Phim/Ngành Phim Kỹ thuật số

12-09-2021
Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh

Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh

26-09-2021
Ngành Thiết kế nội thất

Ngành Thiết kế nội thất

04-06-2022
Ngành Thiết kế trang sức

Ngành Thiết kế trang sức

02-07-2022
Công nghệ điện ảnh - truyền hình

Công nghệ điện ảnh - truyền hình

26-09-2021