Tạo bài viết thảo luận

Trong lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại, do điều kiện cách biệt về chủng tộc và địa lý, đã ra đời khái niệm phương Đông và phương Tây. Mỗi “phương” được xem là có những đặc điểm khác biệt về truyền thống, tư duy, lí luận, tín ngưỡng, tôn giáo,…

Ở Việt Nam, hiện có nhiều trường đào tạo ngành nghiên cứu về khu vực phương Đông được gọi là ngành Đông Phương học. Tuy nhiên, xuất phát từ tên gọi có phần “đao to, búa lớn” trên, nhiều bạn trẻ khó hình dung và có thông tin rõ ràng về ngành học này.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu ngành Đông Phương học là gì? Triển vọng của ngành Đông Phương học trong toàn cầu hóa hiện nay, cơ hội việc làm, tố chất để học ngành Đông Phương học, các môn học tiêu biểu và các trường đào tạo ngành Đông Phương học trình độ đại học nhé!

 

1.  Ngành Đông Phương học là gì

Theo cố GS.NGND Phan Huy Lê: "Phương Đông là khái niệm của phương Tây, xuất phát từ cách nhìn của phương Tây để chỉ một vùng rộng lớn của thế giới bao gồm châu Á trải rộng sang cả châu Phi và ngành khoa học nghiên cứu về khu vực đó được gọi là Đông phương học”. Theo một số tài liệu khác phương Đông ngoài các quốc gia Á, Phi còn bao gồm cả châu Đại Dương.

Đông Phương học là ngành học nghiên cứu toàn diện về lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế, ngôn ngữ, mối quan hệ ngoại giao- kinh tế – chính trị…của các quốc gia phương Đông.

Do phương Đông là một khu vực rộng lớn, phần kiến thức đại cương và cơ sở ngành sẽ tìm hiểu chung về toàn bộ khu vực này nhưng phần chuyên ngành các sinh viên sẽ đi sâu vào tìm hiểu về đất nước, con người và đặc biệt là ngôn ngữ của một quốc gia cụ thể như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… hay một khối các nước như Ả Rập học (gồm khoảng 22 quốc gia), Đông Nam Á (11 quốc gia). Phần kiến thức chuyên ngành này sẽ quyết định đến vị trí, công việc sau này nên thí sinh nên tìm hiểu kỹ về các chuyên ngành. Một số trường sẽ yêu cầu bạn chọn chuyên ngành ngay khi xét tuyển, nhập học, một số trường cho sinh viên lựa chọn sau giai đoạn đại cương, thí sinh cũng cần tìm hiểu các thông tin này.

Phân biệt ngành Phương học chuyên ngành Trung Quốc học/Nhật Bản học/ Hàn Quốc học và các ngành Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học: các chuyên ngành của Đông Phương học và các ngành học trên đều đào tạo sinh viên am hiểu sâu về đất nước và con người của các quốc gia trên, năng lực ngôn ngữ (tiếng Trung, Hàn, Nhật) tốt nên có sự tương đồng lớn về chương trình đào tạo. Tuy nhiên, thông thường ngành Đông Phương học sẽ có thêm các học phần về tổng thể các nước Á- Phi hay theo khu vực Đông Á, khu vực Đông Nam Á, khu vực Thái Bình Dương, mối quan hệ về kinh tế, chính trị giữa các quốc gia ở các khu vực trên với nhau…Ngoài ra, như đã nói ở trên, một số trường cho phép bạn chọn chuyên ngành sau giai đoạn đại cương của ngành Đông phương học, trong khi các ngành Trung Quốc học/Nhật Bản học/ Hàn Quốc học bạn sẽ phải xác định ngay từ đầu quốc gia chúng ta sẽ nghiên cứu, học tập. Bên cạnh đó, các chuyên ngành như Indonesia học, Ấn Độ học, Thái Lan học chưa có mã ngành riêng và nếu muốn học, thí sinh phải đăng kí học ngành Đông Phương học.

Phân biệt ngành Đông Phương học và các ngành Ngôn ngữ Trung/ Ngôn ngữ Nhật,…: nếu các ngành ngôn ngữ tập trung nghiên cứu về ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết, biên - phiên dịch, cách sử dụng ngôn ngữ trong các lĩnh vực: thương mại, du lịch,…) thì các chuyên ngành của Đông phương học ngoài phần ngôn ngữ sẽ được học về các đặc điểm chung về văn hóa, chính trị, mối quan hệ các quốc gia trong khu vực và đặc biệt là nghiên cứu sâu về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người của quốc gia chuyên ngành như Nhật, Hàn, Trung,…

2.Triển vọng của ngành Đông Phương học

Ngành Đông Phương học ra đời xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu thuộc địa của các nước phương Tây nhưng hiện nay ngành học này đã phục vụ lợi ích của chính các quốc gia ở khu vực Á – Phi.

Quá trình toàn cầu hóa đang ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của các quốc gia. Sự giao lưu toàn cầu hóa thể hiện qua sự gia tăng ngày càng mạnh mẽ của các luồng giao lưu quốc tế về hàng hoá, dịch vụ và các yếu tố sản xuất như vốn, công nghệ, nhân công...qua sự hình thành và phát triển các thị trường thống nhất trên phạm vi khu vực và toàn cầu, qua sự gia tăng số lượng, quy mô và vai trò ảnh hưởng các công ty xuyên quốc gia tới nền kinh tế thế giới. Toàn cầu hóa về kinh tế cũng dẫn đến toàn cầu hóa văn hóa trở thành một xu thế khách quan; giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế trở thành một xu thế tất yếu. 

Tại Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng ta, là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức kinh tế đa phương và khu vực. Đến nay, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước, có quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ với hơn hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). 

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng là điểm sáng của Việt Nam. Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) lớn thứ 3 trong khu vực vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. 

Xu thế toàn cầu hoá và sự hội nhập kinh tế, văn hóa của Việt Nam đã dẫn đến nhu cầu cao nhân lực có khả năng giao tiếp tốt về ngoại ngữ, phong cách làm việc trong môi trường đa văn hóa, am hiểu những kiến thức tổng quát về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục… của các quốc gia đối tác. Từ đó, ta có thể thấy triển vọng phát triển sự nghiệp tốt cho sinh viên ngành Đông Phương học.

Có thể nhận thấy, các trường đào tạo ngành Đông Phương học đã chọn các chuyên ngành là nghiên cứu các quốc gia có mối quan hệ kinh tế, văn hóa chặt chẽ với Việt Nam, có vốn đầu tư vào Việt Nam lớn hoặc triển vọng cao để làm việc tại các quốc gia trên của lao động Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Úc…

Toàn cầu hóa kinh tế, văn hóa làm nảy sinh nhu cầu cao nguồn nhân lực ngành Đông Phương học. Ảnh: Unplash

3. Cơ hội việc làm của sinh viên ngành Đông Phương học

Sau khi tốt nghiệp sinh viên ngành Đông Phương học có thể đảm nhận các công việc

  • Chuyên viên tại các cơ quan nhà nước: bộ ngoại giao, văn phòng chính phủ, văn phòng Quốc hội, Ban Tôn giáo chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Tổng cục Du lịch, sở ngoại vụ, Bộ – sở văn hóa – thể thao và du lịch, đại sứ quán, lãnh sự quán, tham tán thương mại….
  • Chuyên viên tại các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (UNDP, UNESCO…), các tổ chức phi chính phủ, các quỹ quốc tế tại Việt Nam
  • Chuyên viên đối ngoại, thư ký, phiên dịch, biên dịch, nhân sự, hành chính - văn phòng, …cho các công ty, tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam, các công ty Việt Nam có giao dịch thương mại với nước ngoài.
  • Phóng viên, biên tập viên, biên dịch tại các đơn vị báo chí, công ty truyền thông, nhà xuất bản.
  • Phiên dịch, biên dịch tự do.
  • Chuyên viên, hướng dẫn viên du lịch tại các công ty du lịch.
  • Giảng viên, chuyên viên nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu.
  • Làm việc tại nước ngoài.

Tất nhiên, công việc sẽ gắn liền với quốc gia bạn chọn là chuyên ngành học.

Do ngành Đông Phương học có nhiều hướng đi nên bạn cần xác định: một là chuyên ngành học, hai là định hướng công việc sau khi ra trường để có thể đào sâu và có thể bổ sung kiến thức, chứng chỉ nghiệp vụ.

Sinh viên ngành Đông Phương học nên tự định hướng công việc để đào sâu và bổ sung nghiệp vụ. Ảnh: Unplash

 

4. Tố chất để học ngành Đông Phương học

  • Yêu thích tìm hiểu về lịch sử, địa lý, văn hóa nhất là khi bạn yêu thích tìm hiểu một quốc gia hoặc một khu vực cụ thể,
  • Có khả năng ngôn ngữ
  • Khả năng giao tiếp tốt
  • Năng động, có tư duy cởi mở

Các kỹ năng trên bạn có thể trau dồi, phát triển trong quá trình học nên yếu tố cần nhất vẫn là sự đam mê, yêu thích.

Ngành Đông Phương học được đề xuất cho các bạn có điểm cao về Xã hội trong trắc nghiệm thiên hướng nghề nghiệp Holland. Làm trắc nghiệm Holland tại đây.

5. Ngành Đông Phương học học những gì

Các môn học cơ sở ngành: Lịch sử văn minh thế giới; Cơ sở văn hóa Việt Nam; Xã hội học đại cương; Tâm lí học đại cương; Logic học đại cương; Thống kê cho khoa học xã hội; Kinh tế học đại cương; Khu vực học đại cương; Lịch sử phương Đông; Văn hoá - Văn minh phương Đông; Phương Đông trong toàn cầu hóa; Quan hệ quốc tế Đông Bắc Á; Tôn giáo khu vực Đông Bắc Á ; Kinh tế Đông Bắc Á; Tôn giáo ở Nam Á và ĐNA; Tổng quan khu vực Nam Á và Đông Nam Á; Ngôn ngữ - tộc người Nam Á – Đông Nam Á; 

Các kiến thức chuyên ngành: tùy theo chuyên ngành, chúng tôi lấy ví dụ 02 chuyên ngành

  • Nhật Bản học

Nhập môn Nghiên cứu Nhật Bản; Địa lí Nhật Bản; Lịch sử Nhật Bản; Văn hoá Nhật Bản; Kĩ năng tiếng Nhật 1,2,3,4 ; Ngữ pháp tiếng Nhật 1,2,3 ; Ngữ pháp tiếng Nhật nâng cao; Kĩ năng tiếng Nhật nâng cao; Tư tưởng – Tôn giáo Nhật Bản; Chính trị Nhật Bản; Chính sách ngoại giao của Nhật Bản; Kinh tế Nhật Bản; Văn học Nhật Bản; Nghệ năng truyền thống Nhật Bản; Nghệ thuật Nhật Bản; Văn hoá giới trẻ Nhật Bản; Xử lí tư liệu và viết luận văn trong Nghiên cứu Nhật Bản.

  • Trung Quốc học

Nhập môn nghiên cứu Trung Quốc; Địa lí Trung Quốc; Lịch sử Trung Quốc; Văn hoá Trung Quốc; Tiếng Hán 1,2,3,4; Đọc hiểu tiếng Hán; Đối dịch Trung - Việt; Kĩ năng viết tiếng Trung cơ bản; Kĩ năng viết tiếng Trung nâng cao; Kinh tế Trung Quốc; Chính sách ngoại giao của Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; Tiến trình văn học Trung Quốc; Quan hệ kinh tế Trung Quốc – ASEAN; Tiếng Hán chuyên ngành.

6. Các trường đào tạo ngành Đông Phương học trình độ đại học

  • Trường Đại học Khoa Học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Các chuyên ngành: Ấn Độ học, Korea học, Trung Quốc học, Thái Lan học.
  • Trường Đại học Khoa Học – Đại học Huế. Các chuyên ngành: Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Trung Quốc học và Đông Nam Á học.
  • Trường Đại học Thái Bình Dương. Các chuyên ngành: tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc
  • Trường Đại học Yersin. Các chuyên ngành: Nhật Bản, Hàn Quốc,Thái Lan.
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM. Các chuyên ngành: Ả Rập học; Ấn Độ học; Indonesia học; Thái Lan học; Trung Quốc học; Úc học.
  • Trường Đại học Văn Hiến. Các chuyên ngành: Nhật Bản học, Hàn Quốc học.
  • Trường Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH). Các chuyên ngành: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
  • Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM (HUFLIT). Các chuyên ngành: Nhật Bản học, Hàn Quốc học.
  • Trường Đại học Văn Lang. Các chuyên ngành: Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học. Các chuyên ngành: Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học.
  • Trường Đại học Công nghệ Miền Đông. Các chuyên ngành: Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học.

Kim Tuyến tổng hợp

Tạo bài viết thảo luận
Ngành Tâm lý học

Ngành Tâm lý học

18-06-2022