Khối ngành y tế nói chung và ngành bác sĩ đa khoa nói riêng gắn liền với đời sống, sức khỏe của mỗi người, mỗi gia đình. Bác sĩ là người chúng ta nghĩ đến đầu tiên khi bị bệnh, bị thương. Họ là những “thiên thần áo trắng” nắm trong tay sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Đặc biệt, khi đại dịch Covid 19 xảy ra, vai trò của các y bác sĩ được đặc biệt coi trọng. Đây là ngành nghề cao quý, cứu người, vì vậy, rất nhiều bạn đã có mơ ước : “Mình muốn trở thành bác sĩ! Hoặc cụ thể hơn, khi bạn chọn ngành nghề thì xuất hiện ý nghĩ “Mình muốn thi vào trường Y” và đôi khi là do gia đình tác động “Con nên thi vào trường Y, bởi vì thế này, thế nọ…”
Thế nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, liệu mình đã thật sự hiểu về ngành học Bác sĩ, và cụ thể là bác sĩ đa khoa? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của bạn Bụi gửi về cho Hướng nghiệp 4.0 CDM nhé
1. Ngành Bác sĩ đa khoa là gì
Ngành Bác sĩ đa khoa (hay còn gọi là Y đa khoa hay còn gọi là Y khoa) là ngành đào tạo bác sĩ đa khoa có đủ y đức, có kiến thức khoa học cơ bản và y học cơ sở vững chắc, có kiến thức và kỹ năng cơ bản về lâm sàng và cộng đồng, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, có trình độ ngoại ngữ và năng lực nghiên cứu khoa học, có khả năng tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học y học trong bảo vệ và chăm sức khỏe nhân dân.
Bác sĩ đa khoa có thể được hiểu là người tốt nghiệp trình độ đại học ngành Y đa khoa (chính quy, cử tuyển, liên thông,…).
Phân biệt bác sĩ và y sĩ: về bản chất, bác sĩ và y sĩ đều hoạt động thiên về bệnh học, khám, chẩn đoán và điều trị. Điểm khác nhau là bác sĩ là người tốt nghiệp bác sĩ trình độ đại học, còn y sĩ là người tốt nghiệp y sĩ trình độ trung cấp (thấp hơn trình độ đại học), từ đó dẫn đến sự khác biệt về trình độ, bổ nhiệm chức danh và hệ số lương.
Xem thêm Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ tại đây
Nhiệm vụ của bác sĩ đa khoa
- Khám bệnh, chữa bệnh: chẩn đoán và xử trí một số bệnh thông thường, cấp cứu thường gặp; Phát hiện tình trạng bệnh nhân vượt quá khả năng điều trị của mình báo cáo bác sĩ cấp cao hơn để có hướng xử trí hoặc chuyển tuyến; Tham gia hội chẩn chuyên môn; Thực hiện quản lý và cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh.
- Tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lựa chọn dịch vụ y tế phù hợp.
- Quản lý, điều trị, theo dõi và hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân mạn tính, bệnh nhân ngoại trú tại cộng đồng.
- Tham gia công tác phòng bệnh và giáo dục sức khỏe, tổ chức và quản lý các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.
- Tham gia giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
- Hợp tác, hỗ trợ về chuyên môn với các đồng nghiệp và với các nhân viên y tế; tham gia chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật.
- Tham gia biên soạn tài liệu chuyên môn, xây dựng quy chế, quy trình kỹ thuật chuyên môn thuộc lĩnh vực được giao.
- Tham gia hướng dẫn viên chức, học sinh, sinh viên chuyên ngành y.
- Tham gia, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
2. Triển vọng của ngành Bác sĩ đa khoa
Cùng với sự phát triển kinh tế, sự bùng phát của dịch bệnh, lối sống không lành mạnh, suy giảm chất lượng môi trường sống… thì nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cũng tăng lên. Dẫu cho mỗi năm có hàng ngàn sinh viên khối ngành y dược tốt nghiệp ra trường, thế nhưng “cơn khát” nhân viên y tế vẫn luôn là bài toán nan giải đặt ra cho nền y tế Việt Nam. Bộ Y tế cho biết năm 2022 ước tính Việt Nam sẽ đạt 10 bác sĩ/10.000 dân, ngang với Ấn Độ, cao hơn Indonesia, trong khi tỷ lệ này ở Australia là 36, Pháp là 34, Trung Quốc là 22.
Sự thiếu hụt nhân lực tại các cơ sở y tế công lập cũng như tư nhân mở ra một thị trường việc làm rộng lớn hơn cho những ai muốn theo đuổi khối ngành y tế nói chung và bác sĩ nói riêng. Theo các kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên Y khoa sau tốt nghiệp (được công bố cùng đề án tuyển sinh hàng năm của mỗi trường) cho thấy hầu hết tỷ lệ này đạt trên 90%.
3. Con đường phát triển của bác sĩ đa khoa sau khi tốt nghiệp
Sau 6 năm nỗ lực dùi mài ở trường đại học, bạn tốt nghiệp và cầm trong tay tấm bằng bác sĩ đa khoa như một phần thưởng danh giá. Tuy nhiên tới đây bạn chưa thể “đi làm”, bởi trong 6 năm học kia bạn được cung cấp những kiến thức căn bản nhất về tất cả các chuyên khoa, mỗi chuyên khoa biết một chút nhưng lại không chuyên sâu và đầy đủ. Để có thể khám, chữa bệnh độc lập, bạn còn cần một điều kiện nữa mang tên Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh(CCHN).
Xem thêm bài viết Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa thì làm gì của bác sĩ Mào Thạch Sơn tại đây
Con đường phát triển sau tốt nghiệp đại học:
- Bác sĩ nội trú là 1 chương trình đào tạo dành cho các sinh viên Y khoa chính quy đã học xong hệ Đại học và muốn học lên cao hơn. Đây là ước mơ của rất nhiều sinh Y khoa. Bởi vì tỷ lệ chọi đầu vào cực cao nhất là ở các trường top đầu; sau khi tốt nghiệp sẽ nhận được bằng Bác sĩ nội trú và Chuyên khoa I, có cơ hội làm việc tại các bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Bác sĩ nội trú được đào tạo tập trung trong 3 năm (không bị gián đoạn), chú trọng về cả lý thuyết và thực hành.
- Trở thành bác sĩ tại cơ sở y tế với ít nhất 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp, có giám sát, hướng dẫn để lấy CCHN; chủ động hoặc được cử đi học cao học, định hướng chuyên khoa (chuyên khoa I, chuyên khoa II).
- Trở thành cán bộ nghiên cứu tại một cơ sở nghiên cứu y khoa trong hoặc ngoài nước.
Các bác sỹ tiến hành một ca phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)
4. Tố chất cần có của một bác sĩ đa khoa
Là người chủ động can thiệp vào thứ quý giá nhất của con người – sức khỏe và cả tính mạng- một bác sĩ không chỉ phải được đào tạo khắt khe về trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, mà còn cần trau dồi cho mình tư tưởng tốt đẹp, các kỹ năng mềm cũng như thái độ chuyên nghiệp, nhất là khi y tế đang là một ngành dịch vụ được cả xã hội quan tâm. Vì vậy để theo học ngành Bác sĩ đa khoa và hành nghề sau này, người học cần có các tố chất sau:
- Lương tâm, trách nhiệm cao với nghề.
- Niềm đam mê mãnh liệt với ngành y: Chỉ có như vậy bạn mới có thể kiên trì vượt qua được chông gai suốt chặng đường mười năm ròng rã. Nếu không, cho dù bạn có đỗ vào ngành y khoa thì chặng đường học tập và làm việc sẽ là những tháng ngày khó khăn hoặc bạn sẽ cảm thấy vô cùng khổ sở.
- Sức khoẻ tốt: Sức khoẻ là trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội. Một người học y khoa và trở thành một bác sĩ cần phải có sức khoẻ tốt mới có thể làm gương cho người bệnh; đáp ứng được việc tiếp thu một khối lượng kiến thức khổng lồ, làm việc cường độ cao, nguy cơ phơi nhiễm bệnh tật, cũng như áp lực tâm lí đến từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cấp trên, truyền thông và cả xã hội.
- Cẩn trọng, tỉ mỉ: một chi tiết nhầm hay bỏ lỡ sẽ dẫn đến chẩn đoán sai lệch hoặc một bất cẩn khi thực hiện thủ thuật có thể dẫn đến điều trị không hiệu quả, để lại những tác động xấu đến sức khoẻ của người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong.
- Linh động, quyết đoán: có nhiều trường hợp cấp cứu mà bệnh cảnh đó quá phức tạp, hoặc bác sĩ chưa từng đọc trong y văn, hoặc thậm chí y văn chưa từng mô tả. Ngoài ra, có nhiều tình huống thiếu thốn về vật tư thiết bị y tế, đòi hỏi một bác sĩ ngoài kiến thức chuyên môn vững chắc thì còn cần hết sức linh hoạt để có thể xử trí kịp thời, cứu sống người bệnh.
- Can đảm, bình tĩnh: bên cạnh việc phải đối mặt với một tình trạng cơ thể không lành lặn như chảy máu, dập nát mô, hoặc các mẫu bệnh phẩm như dịch tỵ hầu, đờm, phân, nước tiểu… các bác sĩ còn phải đối mặt với cái chết của người bệnh; nguy cơ phơi nhiễm với nguồn bệnh, tâm lý kích động của người nhà,…
- Kỹ năng giao tiếp: kỹ năng giao tiếp tốt có thể giúp bạn khai thác bệnh sử, tiền sử tốt hơn, giúp cho việc chẩn đoán và tiên lượng bệnh; khuyên nhủ người bệnh thực hiện hành vi sức khoẻ có lợi; an ủi, động viên bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; không chỉ vậy, việc giao tiếp tốt còn có thể giúp bạn học hỏi, thảo luận cùng các đồng nghiệp để cùng phát triển.
Tuy thầy thuốc là một nghề cao quý, xã hội đòi hỏi khắt khe về mọi mặt, khối lượng công việc nhiều, thế nhưng vấn đề lương và trợ cấp, phụ cấp bác sĩ ở cơ sở y tế công lập vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng nhiều bác sĩ bỏ công làm tư hoặc phải đổi nghề. Bên cạnh đó, gần đây khi các trường đại học lần lượt thực hiện tự chủ kinh tế khiến học phí các trường – đặc biệt là trường công lập – tăng lên đáng kể, đã đặt ra bài toán khó cho nhiều bạn trẻ ấp ủ hoài bão nhưng điều kiện không không thuận lợi.
Bác sĩ đa khoa là ngành phải chịu nhiều áp lực. (Ảnh: Jonathan Borba pexels.com)
5. Ngành Bác sĩ đa khoa học những gì?
Các môn khoa học cơ bản: Hoá học, Vật lý, Di truyền, Xác suất-Thống kê, Tin học, Ngoại ngữ (có ngoại ngữ chuyên ngành), Thể chất, Giáo dục quốc phòng-an ninh, Pháp luật, Triết học, Tư tưởng, …
Các môn y học cơ sở: Sinh lý, Lý sinh, Giải phẫu, Mô phôi, Hoá sinh, Sinh lý bệnh, Giải phẫu bệnh, Miễn dịch, Dược lý, Dịch tễ, Sức khoẻ môi trường-Sức khoẻ nghề nghiệp, Kinh tế y tế, Huấn luyện kỹ năng, …
Các môn chuyên ngành: Nội/Ngoại cơ sở, Nội/Ngoại bệnh lý, Phụ Sản, Nhi, Truyền nhiễm, Gây mê hồi sức, Mắt, Tai mũi họng, Da Liễu, Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền, Pháp Y, Tổ chức và quản lý y tế, Thực tập cộng đồng, …
Điểm đặc biệt khi theo học ngành bác sĩ đa khoa là trong quá trình học, sau khi đã hoàn thành các môn tiền lâm sàng (khoa học cơ bản và y học cơ sở), người học sẽ được trực tiếp-liên tục thực hành tại các cơ sở y tế (đi học lâm sàng), với bệnh nhân thật, mặt bệnh thật, được hướng dẫn và “cho làm” những công việc mà một bác sĩ sau này sẽ đảm nhận. Từ đó có cơ hội tập luyện nhiều hơn các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, sinh viên cũng sẽ được học hỏi kinh nghiệm của chính các bác sĩ điều trị tại khoa/phòng mình được phân công.
Bụi
Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.
Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút.
Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.