Tạo bài viết thảo luận

Hướng nghiệp 4.0 xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Anthony Mann về kết quả nghiên cứu hiệu quả các hoạt động hướng nghiệp mà thanh thiếu niên tham gia và thái độ về nghề nghiệp tương lai của họ có ảnh hưởng đến kết quả nghề nghiệp khi  trưởng thành hay không.

Tác giả bài viết: Tiến sĩ Anthony Mann, chuyên gia phân tích chính sách cao cấp của Tổng cục Giáo dục và Kỹ năng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD*. Ông từng là cán bộ chính sách của chính phủ Anh và là chuyên gia về việc làm cho người trẻ, đào tạo nghề, học thuật và hướng nghiệp hơn 20 năm qua.

 Ông là đồng tác giả của nhiều nghiên cứu liên quan đến hướng nghiệp, gần đây nhất là nghiên cứu How Young People Explore, Experience and Think About Their Futures: A New Look at Effective Career Guidance (tạm dịch “Cách thức thanh thiếu niên khám phá, trải nghiệm và suy nghĩ về tương lai của mình: Cái nhìn mới về hướng nghiệp hiệu quả”).

 Nghiên cứu này gồm 12 cuộc điều tra dài hạn tại 10 quốc gia để đánh giá xem các hoạt động hướng nghiệp mà thanh thiếu niên tham gia và thái độ về nghề nghiệp tương lai của họ có ảnh hưởng đến kết quả nghề nghiệp khi trưởng thành hay không.

Ông cũng đang chủ trì dự án Career Readiness (tạm dịch Sẵn sàng cho nghề nghiệp)của OECD, phân tích các nghiên cứu quốc tế hiện có khác nhau để các chuyên gia hướng nghiệp và chuyên gia giáo dục cũng như các nhà hoạch định chính sách nắm được điều gì thực sự hiệu quả trong hướng nghiệp để họ có thể giúp đỡ thanh thiếu niên tốt hơn trên con đường học tập và đối mặt những biến động trong thế giới  nghề nghiệp.

Tại sao cần nghiên cứu về hiệu quả của các hoạt động và chương trình hướng nghiệp?

Có lý do xác đáng để tin rằng hướng nghiệp đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với thanh thiếu niên. Thời gian sinh viên phải học đang ngày càng kéo dài và càng khó quyết định trong việc học (cái gì, ở đâu, bao lâu… ) khi thị trường lao động trở nên khó đoán trước với tác động của quá trình chuyển đổi số, đại dịch và biến đổi khí hậu. Hơn nữa, ở nhiều quốc gia, giáo dục sau trung học ngày càng bị thương mại hóa.

Sự nắm bắt về hiệu quả của các hoạt động hướng nghiệp vốn bị hạn chế do thiếu bằng chứng thực tế. Để khẳng định về tác động của các phương pháp hướng nghiệp, chúng ta cần dữ liệu về học sinh và sau đó theo dõi học sinh đó đến khi trưởng thành. Điều đặc biệt là nghiên cứu của chúng tôi sử dụng dữ liệu từ các cuộc khảo sát dài hạn. Đây là những khảo sát theo dõi số lượng lớn người trẻ từ tuổi vị thành niên đến tuổi trưởng thành. Đối tượng nghiên cứu bao gồm nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ thành công của một người trong công việc: giới tính, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn, nơi sinh sống. Sau đó, phân tích xem  các yếu tố trên có mối liên hệ đến kết quả công việc sau này của học sinh hay không.

Trên khắp thế giới, nhiều nghiên cứu dài hạn đã được thực hiện, nhưng đáng ngạc nhiên là rất ít nghiên cứu phân tích mối liên hệ nói trên. Ngoài ra, quy mô lớn là điểm đặc biệt của dự án Sẵn sàng cho nghề nghiệp của OECD. Tất nhiên, bộ dữ liệu của điều tra dài hạn không hoàn hảo. Các câu hỏi được soạn thảo dựa trên thực tế tại thời điểm nhiều năm trước và hiện nay, nhóm nghiên cứu cũng phải sử dụng bộ câu hỏi này. Tuy nhiên, đây là cách thu thập minh chứng tốt nhất để xác nhận các tác động lâu dài của các hoạt động hướng nghiệp.

Điều quan trọng là các minh chứng này giúp các cơ quan quản lý, trường học và gia đình hiểu được lợi ích thực sự của việc đầu tư vào hướng nghiệp. Nó cũng mang lại niềm tin cho các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện về cách thức thực hiện để nâng cao hiệu quả hướng nghiệp và mối liên hệ với các lý thuyết.

5 kết luận nổi bật từ nghiên cứu của OECD “Cách thức thanh thiếu niên khám phá, trải nghiệm và suy nghĩ về tương lai của mình: Cái nhìn mới về hướng nghiệp hiệu quả” 


Kết luận đầu tiên là hướng nghiệp thực sự có thể thực hiện được mục tiêu đề ra đó là giúp những người trẻ đạt được thành công trong công việc sớm hơn so với trường hợp không được hướng nghiệp. Trong các nghiên cứu, chúng tôi tìm kiếm các mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa các yếu tố trong cuộc sống thanh thiếu niên ở tuổi 15 và việc gia tăng tỷ lệ có việc làm, tăng thu nhập và sự hài lòng hơn trong nghề nghiệp ở tuổi 25. Các nghiên cứu khác và việc mở rộng phạm vi nghiên cứu này cho thấy sự thuyết phục của mô hình gồm 11 chỉ số về mức độ sẵn sàng cho nghề nghiệp của thanh thiếu niên. Nghiên cứu cũng có dữ liệu mới đến từ nhiều quốc gia. Nó mang lại cho chính phủ và các trường học niềm tin rằng đầu tư vào hướng nghiệp có thể mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, sinh viên, nhà tuyển dụng và cho xã hội.

Thứ hai, mặc dù được nhiều người đồng ý rằng học sinh cần khám phá các nghề nghiệp khác nhau trong khi vẫn còn đi học, nhưng nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của người sử dụng lao động và những người đã đi làm. Trong số các chỉ số đã được xác nhận, có nhiều hoạt động chỉ có thể do người sử dụng lao động tổ chức thực hiện (hội chợ việc làm, tọa đàm nghề nghiệp, tìm hiểu việc làm, tham quan nơi làm việc, trải nghiệm môi trường làm việc) và những hoạt động khác được thực hiện hiệu quả hơn khi có sự tham gia của nhà tuyển dụng (thực hành phỏng vấn, các chương trình đào tạo ngắn hạn về chuyên môn nghề nghiệp) .

"Học sinh cần khám phá các nghề nghiệp khác nhau trong thời gian đang học, nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của người sử dụng lao động và những người đẫ đi làm tham gia vào quá trình đó ".

Kết luận thứ ba là cùng với việc làm thêm trong thời gian học, việc tham gia các hoạt động tình nguyện được cho rằng sẽ giúp thanh thiếu niên làm việc hiệu quả hơn sau này. Ngoài kết luận của chúng tôi, một số nghiên cứu chất lượng tốt gần đây cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hoạt động tình nguyện và việc đạt hiệu quả công việc tốt hơn. Chúng tôi chưa có đủ dữ liệu để xác nhận vị trí làm thêm hay làm tình nguyện, nhưng chúng tôi cho rằng nếu tìm được việc làm đúng chỗ, trải nghiệm như vậy sẽ có lợi cho thanh thiếu niên. Khi những người trẻ tiếp xúc với những người đang làm việc trong trường học hoặc nơi làm việc, họ có nhiều cơ hội học tập.

Kết luận thứ tư liên quan đến một lĩnh vực thường không được xem là trọng tâm của các chương trình hướng nghiệp. Trong nghiên cứu của chúng tôi và trong các nghiên cứu khác, cách thanh thiếu niên nghĩ về tương lai nghề nghiệp có liên quan đến kết quả công việc.  Ví dụ, chúng tôi nhận thấy những thanh thiếu niên không thể kể tên công việc mà họ muốn làm khi lớn lên (PISA- cho chúng tôi biết rằng 25% thanh thiếu niên trên toàn OECD có sự không chắc chắn về nghề nghiệp như vậy) thường làm việc sau này kém hơn kỳ vọng so với xuất thân, trình độ và đặc điểm cá nhân. Điều tương tự cũng đúng với những sinh viên muốn làm các công việc chuyên môn và quản lý yêu cầu trình độ đại học nhưng lại không có ý định học đại học so với những học sinh có sự chuẩn bị về học vấn cho tương lai trong công việc. Tham vọng nghề nghiệp lớn hơn là điều có lợi cho thanh thiếu niên.
 
Kết quả nghiên cứu từ dữ liệu ở nhiều quốc gia nêu bật tầm quan trọng của việc thanh thiếu niên có thể tự tin hình dung và hoạch định tương lai của mình. Khi các chỉ số đạt được mức độ nhất định, điều đó thể hiện rằng thanh thiếu niên đang suy nghĩ chín chắn về tương lai, hiểu về mối liên hệ giữa những gì họ cần học, nơi họ học và mức độ họ áp dụng những điều đó vào tương lai tưởng tượng. Do đó, chúng tôi cho rằng hướng nghiệp nên bắt đầu trước tuổi 15. Lý tưởng nhất là từ tiểu học, trẻ em nên được giúp đỡ để phát triển kiến thức về công việc và nghề nghiệp, từ đó xoá bỏ những định kiến về việc chỉ có các tuýp người nhất định có thể thành công trong các ngành nghề nhất định và để hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa việc học cần có và tương lai mong muốn sau này.
 
Cuối cùng, bằng cách sử dụng các bộ số liệu khác nhau, chúng tôi tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng những thanh thiếu niên thể hiện suy nghĩ sáng suốt hơn về tương lai có nhiều khả năng tham gia vào nhiều hoạt động hướng nghiệp, bao gồm cả nói chuyện với cố vấn nghề nghiệp, qua đó khám phá tiềm năng của mình và có các trải nghiệm nghề nghiệp. Các hệ thống hướng nghiệp hiệu quả khuyến khích và tạo điều kiện cho sự tò mò, giúp học sinh liên tục hình dung về tương lai sau này. Hướngnghiệp hiệu quả cần được bắt đầu sớm, thường xuyên và được tích hợp tốt vào việc học hàng ngày. Học hướng nghiệp có thể là một phương tiện rất hiệu quả để đưa việc học vào cuộc sống và có thêm lợi ích là tăng động lực học tập cho học sinh. Sẽ là quá muộn nếu hướng nghiệp tại thời điểm kết thúc học trung học. Hướng nghiệp hiệu quả cho phép học sinh đưa ra quyết định phù hợp, quyết định con đường học vấn tiếp theo, không chỉ ảnh hưởng đến những gì học sinh chọn để học, mà còn ảnh hưởng đến mức độ tham gia vào các hoạt động nghiên cứu của các em."

"Kết quả nghiên cứu dài hạn giúp chính phủ, trường học và gia đình hiểu được lợi ích thực sự của việc đầu tư vào hướng nghiệp ".

Hết phần 1

Xem tiếp phần 2 tại đây

Kim Tuyến (theo Anthony - educaweb.com)

*OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC). Hiện nay, số thành viên của OECD là 34 quốc gia, chủ yếu là các nước phát triển như  Mỹ, Canada, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nhật Bản, Phần Lan, Úc, New Zealand, Hàn Quốc....

 

Tạo bài viết thảo luận
VÌ SAO THẾ HỆ Z BỎ QUA TRƯỜNG ĐẠI HỌC?

VÌ SAO THẾ HỆ Z BỎ QUA TRƯỜNG ĐẠI HỌC?

16-12-2021
Xu hướng công nghệ giáo dục

Xu hướng công nghệ giáo dục

21-09-2021
Sự thay đổi của khóa học trực tuyến đại chúng mở sau 10 năm

Sự thay đổi của khóa học trực tuyến đại chúng mở sau 10 năm

16-01-2022
TỔNG KẾT SỰ KIỆN “BÁN ZÌ CHO NHÀ TUYỂN DỤNG”

TỔNG KẾT SỰ KIỆN “BÁN ZÌ CHO NHÀ TUYỂN DỤNG”

02-12-2021
5 xu hướng giáo dục năm 2022

5 xu hướng giáo dục năm 2022

16-09-2022
Anh: Áp dụng trí thông minh nhân tạo xét duyệt hồ sơ đại học

Anh: Áp dụng trí thông minh nhân tạo xét duyệt hồ sơ đại học

21-09-2021