Tạo bài viết thảo luận

Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.

Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút.

Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.

Hãy cùng đến với bài viết của Diễm Quỳnh về phương pháp tìm kiếm thông tin trong hướng nghiệp nhé!

79,500,000.

80,400,000.

230,000,000.

Bạn có biết ba con số trên là gì không?

Ba con số này tương ứng với số kết quả tìm kiếm hiện ra trên Google sau khi bạn lần lượt gõ vào thanh tìm kiếm Google các từ khóa “nên làm nghề gì”, “nên học ngành gì” và “hướng nghiệp”.

Từ khi thế giới bước vào thời đại 4.0, điện thoại thông minh trở thành “vật bất ly thân” của nhiều người, hành động đầu tiên khi chúng ta có một thắc mắc là rút điện thoại ra và nhập câu hỏi vào các trình duyệt tìm kiếm như Google, Bing, Safari…Các học sinh đang hoang mang chọn ngành - chọn nghề trước ngưỡng cửa cấp ba - đại học cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, chỉ với 3 câu hỏi cơ bản nhất trong việc xác định hướng đi sau này như trên, Google đã hiện ra từ chục triệu đến trăm triệu kết quả tìm kiếm. Giữa vô vàn kết quả như thế, thật khó để chúng ta tìm được và chắt lọc được những thông tin đáng tin cậy và cần thiết cho việc hướng nghiệp.

Nhiều người trong chúng ta vô thức hình thành thói quen “Click vào bài viết đầu tiên” sau khi vừa nhấn Enter trên thanh tìm kiếm, rồi ngấu nghiến đọc hết bài viết đó mà không xem xét kỹ càng. Vô hình trung, thói quen này tạo ra một lỗ hổng lớn trong tìm kiếm thông tin về hướng nghiệp - bài viết đầu tiên khả năng cao không phải là bài đáng tin nhất và hữu ích nhất, mà chỉ là một bài viết được… gắn quảng cáo để xuất hiện ngay vị trí đó. Có thể nói, công nghệ hiện đại cho chúng ta quá nhiều quyền năng để tiếp cận thông tin, khiến đôi lúc chúng ta quên mất rằng không phải thứ gì trên mạng Internet cũng đáng tin và hữu dụng.

Vì thế, điều quan trọng trong việc tìm kiếm là phải tìm được, chắt lọc được thông tin hướng nghiệp hữu ích và đáng tin cậy. Để làm được điều này, chúng ta phải trả lời các câu hỏi:

1. Tôi cần tìm kiếm thông tin gì?

Quy trình hướng nghiệp đơn giản có thể được chia làm ba bước chính: hiểu về bản thân, hiểu về ngành nghề, xem xét sự tương thích giữa bản thân và ngành nghề đó. Từ đó, các bạn cũng tìm kiếm thông tin theo các bước này.

1.1 Hiểu về bản thân

Nếu chúng ta chọn một ngành nghề mà ta không hề yêu thích hay đam mê, thì những ngày đi làm sẽ chỉ là những giờ phút vô cùng cực nhọc. Ước mơ và đam mê của bản thân sẽ giúp bạn hiểu rõ mình muốn gì và nó sẽ là động lực thúc đẩy bạn đến với thành công. Ví dụ như bạn luôn muốn làm một nhà trị liệu tâm lý vì muốn giúp đỡ những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hay bạn muốn học ngành chăm sóc sắc đẹp vì bạn muốn được làm đẹp cho mọi người, muốn nhìn thấy nụ cười tự tin của những khách hàng. Đối với những bạn chưa có được ước mơ hay đam mê thì sở thích sẽ là một định hướng trong việc chọn ngành. 

Bên cạnh đó, việc xác định khả năng của bản thân cũng quan trọng không kém vì nó sẽ giúp chọn ngành nghề phát huy được điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của mình.

Ở bước này, một số từ khóa để tìm kiến “Các bước tìm hiểu về bản thân?”, “Cách xác định sở thích, đam mê của bản thân”, “Các phương pháp xác định điểm mạnh, điểm yếu của mỗi người”, “ Các bảng câu hỏi tìm hiểu bản thân”, “Các trắc nghiệm giúp bạn hiểu về bản thân”, “Trắc nghiệm xem bạn phù hợp với ngành nghề gì”, “Giá trị nghề nghiệp là gì?”, “Cách xác định giá trị nghề nghiệp”…

1.2 Hiểu về ngành nghề

Việc tìm kiếm các thông tin liên quan về ngành, nghề, các vị trí công việc khi ra trường, môi trường học tập và làm việc trong tương lai cũng quan trọng không kém.

Ở bước này, các bạn có thể nhập tên ngành, tên nghề, tên trường và có thể thêm cacscumj từ như: ngành A làm gì, ngành A học gì, cơ hội việc làm ngành A, các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp của ngành A, khó khăn và thuận lợi khi học/làm ngành A, tố chất cần có khi học ngành A, các trường đào tạo ngành A, mức thu nhập ngành A.

Khi tìm kiếm thông tin về ngành nghề, bạn có thể sử dụng các nguồn sau:

  • Các bài viết về ngành trên trang web các cơ sở đào tạo, các đơn vị trong lĩnh vực việc làm, lao động. Sau khi gõ tên ngành vào thanh tìm kiếm, hãy đọc những bài viết tóm tắt về ngành này của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Bạn sẽ nắm được thông tin tổng quát về ngành học, cũng như nên chú ý để tìm điểm đặc trưng của từng trường hay điểm khác nhau của chương trình đào tạo, môi trường học khi nhiều trường cùng đào tạo một ngành. Ngoài ra, các trang web của các đơn vị trong lĩnh vực việc làm, lao động như Navigos, TopDev, Addeco, Jobsgo sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về thị trường lao động, tiêu chí và xu hướng tuyển dụng, mức thu nhập.
  • Các bài viết trên các trang web ngành nghề: Mỗi ngành nghề thường có một vài trang web tin tức chuyên ngành, ở đó, hãy tìm những bài viết giới thiệu về ngành, hoặc những bài viết chia sẻ của người trong ngành. Bạn sẽ nắm được trải nghiệm làm việc, bức tranh thị trường lao động và thuận lợi, khó khăn ngành nghề dưới góc độ của người đang làm việc,
  • Các group ngành nghề trên các mạng xã hội: Khi tham gia các nhóm này, hãy chú ý đến các bài ghim ở đầu nhóm hoặc một số bài viết về đặc điểm/trải nghiệm ngành nghề. Bạn sẽ có được thông tin về tiêu chí, thực trạng ngành, thậm chí cả những góc khuất vì thường những thông tin kín trong nhóm sẽ được chia sẻ một cách chân thực hơn các thông tin được chọn lọc để đăng lên trang web

1.3 Đánh giá sự tương thích của bản thân với ngành nghề đã tìm hiểu

Chúng ta sẽ sử dụng thông tin đã tìm được ở 02 bước trên để đánh giá độ tương thích các đặc điểm của bản thân với đặc điểm của ngành nghề. Các bạn có thể lập các tiêu chí quan trọng với mình và cho điểm theo thang điểm 10 các tiêu chí này với mỗi ngành nghề, từ đó sẽ xếp hạng được độ phù hợp của các ngành theo điểm từ cao xuống thấp. Tất nhiên, những ngày điểm cao sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Nếu thấy khó khăn, bạn có thể tìm kiếm thêm về cách lập tiêu chí chon ngành, phương pháp lập và cho điểm các tiêu chí hoặc có thể tìm tới các chuyên gia hướng nghiệp để được hướng dẫn thêm.

2. Làm thế nào để tìm chính xác thông tin hướng nghiệp mà tôi cần?

Câu hỏi tiếp theo sau khi chúng ta biết chúng ta cần tìm thông tin gì là chúng ta cần gõ từ khóa như thế nào để kết quả trả về chính xác những gì chúng ta cần. 

Nhiều người có thói quen nhập toàn bộ cum từ/câu như khi đang nói chuyện với bạn bè vào thanh tìm kiếm của Google mà không biết rằng những từ ngữ không cần thiết trong câu hỏi sẽ làm nhiễu bộ lọc tìm kiếm và có thể dẫn đến nhiều kết quả không liên quan. Các kết quả này xuất hiện chỉ vì trong nội dung có xuất hiện các từ bạn gõ vào, thâm chí còn không đúng trật tự câu. 

Sau đây là một số mẹo để bạn có thể dùng để khiến Google tự lọc ra những thông tin liên quan nhất:

  • Chỉ ghi ngắn gọn những từ khóa cần thiết vào thanh tìm kiếm
  • Đặt từ khóa quan trọng (như tên trường, tên ngành bạn cần) vào “ngoặc kép”
  • Loại bỏ những từ khóa nhiễu (như các ngành có tên gần giống) bằng cú pháp [ - “từ khóa nhiễu”]
  • Đối với những từ khoá không nhiều kết quả trả về, có thể tìm các kết quả bằng ngôn ngữ khác, tiếng Anh chẳng hạn.
  • Hãy sử dụng chế độ ẩn danh khi tìm kiếm. Như vậy, lịch sử tìm kiếm của bạn sẽ không bị ghi nhận, và bạn sẽ dễ tìm được các thông tin mới mẻ hơn.
  • Hãy thử đọc các trang tìm kiếm khác ngoài trang đầu.

Ngoài ra, việc xác định nguồn thông tin cũng trở thành một lợi thế lớn trong việc tìm kiếm để tiết kiệm thời gian và giúp chúng ta xác định được độ tin cậy của thông tin. Một số nguồn thông tin được xem là có độ tin cậy cao:

  • Trang web chính thức của Bộ giáo dục, Sở giáo dục
  • Trang web chính thức của các cơ sở giáo dục
  • Trang web của các tổ chức hướng nghiệp, dự án hướng nghiệp uy tín.
  • Trang web chính thức của các đơn vị dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động, kết nối việc làm uy tín.
  • Trang web của các đài truyền hình, báo có uy tín.

Bạn có thể truy cập thẳng vào những trang web này, tìm kiếm thông tin hướng nghiệp trong chính các trang web đó, hoặc kết hợp [thông tin cần tìm + địa chỉ/tên trang web] khi dùng công cụ tìm kiếm. 

Bạn cũng có thể tham gia các group của các sinh viên, người đi làm cùng lứa tuổi hoặc cùng ngành, các trang confession của trường học để đặt câu hỏi, đọc các chia sẻ, bình luận. Các group này thường cập nhật thông tin nhanh chóng.Tuy nhiên, thông tin từ các nguồn này khó được kiểm chứng về độ xác thực và mang nặng tính chủ quan.

3. Làm thế nào để tôi chọn lọc được nguồn tin - bài viết đáng tin cậy?

Nếu ta chỉ tìm kiếm thông tin, đọc hết mà không xử lý chắt lọc, giữ lại những thông tin cần thiết, bỏ đi các thông tin không đánh tin cậy, không phục vụ cho mục đích chọn ngành nghề, thì chẳng khác gì đi chợ mua nguyên liệu rồi bỏ thẳng vào nồi luôn mà không chế biến vậy. Với lượng thông tin thu thập được, chúng ta cần đánh giá độ tin cậy của nguồn tin, đối chiếu, đánh dấu những điểm mâu thuẫn hay đáng ngờ để quyết định xem giữ lại hay loại bỏ. 

Cách đánh giá độ tin cậy của nguồn tin như đã đề cập ở bước 2 là chúng ta dựa vào đơn vị, quản lý, uy tín của website nhưng hiện cũng có rất nhiều website giả mạo hoặc nhìn vào tên của đơn vị, chúng ta cũng không thể biết được đơn vị đó có uy tín hay không. Lúc này, chúng ta có thể nhìn vào URL, hay còn gọi là địa chỉ/tên miền của trang web. Một số quy ước thường gặp: trang web của chính phủ thường có đuôi “.gov”; Trang web về giáo dục thường có đuôi “.edu”; Trang web của các tổ chức phi lợi nhuận thường có đuôi “.org”; Trang web của cá nhân thường có đuôi “.com”.

Quan trọng hơn, ta cần so sánh nguồn thông tin “đáng ngờ” với các thông tin từ các nguồn khác, xem bài viết đó có được trích dẫn, chia sẻ từ các trang uy tín khác không hay ngược lại, có những trang nào chia sẻ nội dung trên hoặc đăng tải nội dung tương tự. 

Tác giả của bài viết cũng khá quan trọng. Bài viết sẽ đáng tin cậy hơn nếu được viết bởi một chuyên gia, người có ảnh hưởng trong lĩnh vực của họ. Bạn cũng có thể theo dõi các trang web, tài khoản mạng xã hội của những chuyên gia, nhà khoa học, youtuber, tiktoker.. để được chia sẻ thêm thông tin. Tuy nhiên, bạn cần xem kĩ các thông tin họ đã chia sẻ trước đó và nội dung thông tin để tránh tài khoản giả mạo, tài khoản bị hack. Bên cạnh đó, nên xem về thời gian viết bài. Một bài viết từ nhiều năm trước có thể sẽ không còn giá trị hoặc không phù hợp với tình hình mới.

4. Thái độ tôi nên có lúc tìm kiếm thông tin về hướng nghiệp là gì?

Việc giữ được thái độ khách quan khi tìm kiếm thông tin là vô cùng quan trọng nói chung và trong việc tìm kiếm thông tin hướng nghiệp nói riêng. Để không bị mê mẩn và cuốn theo những lời mời gọi hấp dẫn từ những trang web quảng bá cho các đơn vị đào tạo đã là không hề dễ, việc để không bị những lời đánh giá tiêu cực ở các bài confession hay nhóm sinh viên nghe qua rất chân thực còn khó hơn rất nhiều. 

Vì vậy, trước hết trong lúc tìm kiếm thông tin trên mạng Internet hay bất cứ đâu, chúng ta phải luôn giữ cái đầu lạnh để chắt lọc thông tin một cách thông minh, tỉnh táo và cẩn trọng. Chúng ta cũng cần biết về “phong cách” của trang đang chia sẻ thông tin. Những bài viết từ các trang web của các cơ quan nhà nước, báo chí thường sẽ cung cấp thông tin khách quan và giữ thái độ trung lập nhưng có thể sẽ mang nặng tính đưa tin và không đi sâu vào phân tích. Còn những bài viết trên trang web các trường thì thường có xu hướng “tô hồng” ngành học và trường học thêm một chút. Ngược lại, nếu chúng ta đào sâu vào các nhóm sinh viên trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn confession, chúng như ta sẽ được tiếp xúc với sự thật “trần trụi” về ngành học, trường học, công việc đó - những kinh nghiệm xương máu được chia sẻ từ các đàn anh đàn chị đi trước trong ngành này. Nhưng các confession này thường được viết khi người viết đang bức xúc, vì vậy, có thể mang nặng tính chủ quan, một chiều và là đôi khi chỉ là một sự việc đơn lẻ. Do đó, để tránh bị cuốn vào vòng xoáy thông tin, chúng ta có thể lọc ra những mặt ích lợi của ngành nghề từ trang web trường hoặc những bài viết quảng bá, cũng như có thể xem xét những gì bất lợi cho ta bằng cách tiếp cận với các nhóm sinh viên hoặc các diễn đàn liên quan.

Khi bạn xác định một thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành nghề của mình thì hãy tìm thêm thật nhiều thông tin về vấn đề đó. Ví dụ, bạn đọc được thông tin ghi chung chung là học và ngành Ngành Nuôi trồng thuỷ sản rất vất vả, cực nhọc. Bạn sẽ dùng từ khoá “Học/làm nuôi trồng thuỷ sản vất vả” để tìm hiểu tiếp về vấn đề này, xem thực sự có như vậy không, vất vả như thế nào, cách khắc phục hay vượt qua của các anh chị đi trước, thành quả đạt được. Qua việc đọc nhiều bài viết khác nhau, từ nhiều nguồn khác nhau về một vấn đề mà bạn thấy là quan trọng, chúng ta có được cái nhìn từ nhiều mặt và sâu sắc để quyết định hướng đi cho bản thân mình.

5. Vậy, tôi sẽ nhận được những gì?

Ích lợi mà bạn nhận được từ việc biết được phương pháp tìm kiếm thông tin sẽ giúp bạn có được những thông tin đáng tin cậy và hữu ích trên hành trình hướng nghiệp của bản thân với một chi phí và thời gian ít nhất. Hơn nữa, bạn còn có thể áp dụng phương pháp trên trong quá trình tìm kiếm bất cứ chủ đề nào, giúp bạn hình thành thói quen tốt trong tìm kiếm tài liệu cho việc học đại học, cao đẳng và công việc sau này.

Diễm Quỳnh

Nguồn tham khảo 

https://rasmussen.libanswers.com/faq/32290

https://www.emasi.edu.vn/tin-tuc/chon-loc-tren-internet/

Tạo bài viết thảo luận
Chọn ngành sở trường, né ngành sở đoản

Chọn ngành sở trường, né ngành sở đoản

12-09-2022
SWOT - CÔNG CỤ TUYỆT VỜI TRONG LỰA CHỌN NGÀNH HỌC

SWOT - CÔNG CỤ TUYỆT VỜI TRONG LỰA CHỌN NGÀNH HỌC

03-06-2022
Thực tập sớm và những điều cần biết

Thực tập sớm và những điều cần biết

24-12-2022
Gần gũi ngành nghề - Sâu xa tính cách

Gần gũi ngành nghề - Sâu xa tính cách

14-10-2022
Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

Chọn ngành nghề theo mô hình Big Five

23-06-2022
Tư duy phản biện, xóa bỏ thiên kiến (phần 2)

Tư duy phản biện, xóa bỏ thiên kiến (phần 2)

05-11-2022