Tạo bài viết thảo luận

Chuyên mục Bài viết Cộng tác viên được Hướng nghiệp 4.0 CDM lập ra, là nơi các anh chị, các bạn chia sẻ các trải nghiệm, hướng dẫn, các suy nghĩ trong quá trình học tập, làm việc và lựa chọn nghề nghiệp.

Bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút. Bài viết xin gửi về email: cdm@huongnghiepcdm.edu.vn. Xin trân trọng cám ơn những đóng góp, chia sẻ của quý anh chị và các bạn.

Hôm nay, chúng ta cùng đến với bài viết của Thục Phương về “7 năng lực nên trau dồi suốt đời”

Trong kỉ nguyên của công nghệ – thời đại mà có một nghề nghiệp không còn là an toàn tuyệt đối nữa, chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ bây giờ cần nhiều kỹ năng/năng lực để có một chỗ đứng vững chắc hơn trong nghề nghiệp của mình, vừa có thể độc lập vừa có thể gắn kết được với cộng đồng.

Năm 2018, Hội đồng Châu Âu đã đưa ra những năng lực chính cho tất cả mọi người để phát triển cá nhân một cách hoàn thiện từ khi còn nhỏ đến suốt cuộc đời.

Tại sao lại phải học suốt đời? Chẳng lẽ mười mấy năm đèn sách là chưa đủ?

Học chưa bao giờ là đủ. Đặc biệt là cuộc đời chúng ta gắn liền với sự học hỏi. Trong mười mấy năm đèn sách này, chúng ta chủ yếu học những kiến thức lý thuyết qua những môn khoa học hay xã hội. Chính vì đó mà rất ít người nắm giữ những kỹ năng/năng lực cần thiết để tồn tại, để hòa nhập hay phát triển bản thân một cách toàn diện nhất. Học suốt đời là cách duy nhất để chúng ta tồn tại trong kỉ nguyên của công nghệ. Nói cách khác, chỉ học theo chiều sâu (các môn học chuyên ngành) là chưa đủ mà còn phải học theo chiều ngang (kỹ năng xã hội) nữa. Với mục tiêu là trở thành người có khả năng giao tiếp, ra quyết định, sáng tạo và tư duy phản biện để có thể ứng biến với bất kì sự thay đổi nào trong sự nghiệp.

Vậy, những năng lực mà chúng ta nên học suốt đời đó là gì?

1. Năng lực đọc viết (Literacy competence)

Năng lực đọc viết bằng tiếng mẹ đẻ là năng lực mà hầu hết chúng ta đều được dạy dỗ khi thuở còn bé. Và ngôn ngữ này sẽ đi theo chúng ta đến cả cuộc đời. 

Có phải bạn nghĩ rằng chúng ta chỉ cần học tiếng mẹ đẻ của mình đến hết cấp ba là đủ? Tôi phải nói rằng, không, không bao giờ là đủ. 

Ngôn ngữ là tinh hoa, bạn sẽ không bao giờ có thể cảm nhận được điều này nếu chỉ biết chúng ở dạng cơ bản (ý tôi nói ở đây là cách sử dụng của chúng). Tất nhiên tôi không đề cập đến cách sử dụng ở mức độ chuyên nghiệp như một nhà văn.

Hãy cùng bắt đầu từ định nghĩa cơ bản, tôi sẽ cho bạn biết vì sao chúng ta nên trau dồi năng lực này.

Biết chữ là khả năng nhận biết, lĩnh hội, diễn đạt, tạo (ví dụ cách ghép phụ âm đầu, vần và thanh điệu với nhau tạo nên một từ trong Tiếng Việt) và giải thích các khái niệm, cảm xúc, sự kiện, sự vật và ý kiến ở cả dạng nói và dạng viết. Điều này nghĩa là biết chữ là cây cầu kết nối người với người thông qua ngôn ngữ theo khả năng diễn đạt của mình.

Phát triển khả năng đọc viết tạo cơ sở cho việc phát triển học tập và tương tác ngôn ngữ. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, năng lực đọc viết có thể được phát triển bằng tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ đi học và/hoặc ngôn ngữ chính thức ở một quốc gia hoặc một khu vực nào đó.

Tiếp theo, hãy chuẩn bị những điều kiện tiên quyết sau để trau dồi tiếng mẹ đẻ của mình. 

  • Vốn từ vựng: Bạn có bao giờ suy nghĩ rằng vốn từ hiện tại của bạn đã đủ hay chưa? Tiếng Việt có vô vàn tiếng/từ với vô vàn nghĩa khác nhau, nếu bạn chỉ muốn dùng trong giao tiếp trong cuộc sống bình thường => nó là đủ. Nhưng, nếu ở một môi trường khác có nhiều người địa vị cao, vốn từ thông dụng liệu có đủ hay không? Hay nếu bạn có ước mơ làm trong nhà nước, làm luật sư, hoặc một công việc gì đó sử dụng ngôn ngữ (nói) rất nhiều, vốn từ thông dụng liệu có đủ không đây? Chắc chắn là không rồi, bạn cần phải biết vốn từ nhiều hơn thế để có thể khéo léo hơn trong xã giao, nếu không rất dễ bị đào thải trong những môi trường như vậy.
  • Ngữ pháp: Để khiến người khác có thể hiểu được những gì bạn nói, hãy luôn nhớ rằng một cấu trúc câu luôn có chủ ngữ và vị ngữ, tức là khi viết hay giao tiếp hàng ngày, bạn phải nói có đầu có cuối. Đó cũng giống như một phép lịch sự tối thiểu.
  • Cách sử dụng những từ ngữ: được phân thành hai dạng cơ bản: khẩu ngữ, phong cách viết/văn học. Ngoài ra, trừ những từ ngữ mang đặc trưng riêng của lớp từ khẩu ngữ và phong cách viết, còn lại một số phần lớn từ vựng mang đặc trưng của cả hai được gọi là lớp từ vựng trung hòa. Các từ ngữ ở đây không có những dấu hiệu riêng như dấu hiệu của hai lớp từ nói trên. Chúng có thể được dùng như nhau trong tất cả các phong cách chức năng khác nhau. Ta có thể thấy tính linh động trong cách sử dụng từ ngữ. Cụ thể hơn, bạn có thể đọc sách, truyện, tiểu thuyết hoặc lắng nghe những người có kinh nghiệm, những vị học giả chia sẻ các câu chuyện hoặc giao tiếp với họ, đây là một cách tham khảo vốn từ một cách trực quan nhất. Từ cách đọc và lắng nghe, bạn sẽ biết được nhiều cách sử dụng từ ngữ một cách phù hợp với bản thân mình nhất.

Mối quan hệ giữa năng lực đọc viết và kỹ năng xã hội

Khi nhắc đến điều này, chúng ta không thể không nói đến “giao tiếp”. Có rất nhiều người gặp vấn đề trong giao tiếp, họ không biết cách diễn đạt suy đạt, suy nghĩ, cảm xúc của mình cho người khác như thế nào. Nguyên do lớn nhất là từ việc vốn từ ngữ thiếu thốn/ngữ pháp (nói có đầu có cuối). 

Lấy thí dụ một trường hợp như thế này. 

Bác sĩ: Sức khỏe của anh có vấn đề gì?

Bệnh nhân: Tôi bị đau ở bụng bác sĩ ạ.

Bác sĩ: Đau như thế nào?

Bệnh nhân: … Tôi cũng không rõ, chỉ biết là rất đau ở vùng bụng.

Đau có nhiều cảm giác đau, ở đây người bệnh nhân đã không thể mô tả được mình bị đau âm ỉ, đau nhức, đau như cắt thịt,… hay thế nào đó. => Vốn từ vựng thiếu thốn.

Do đó, để có thể thuận lợi trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, bạn cần trau dồi tiếng mẹ đẻ của mình, nói có đầu có cuối để người nghe có thể hiểu được ý mà bạn muốn diễn đạt.

Hoặc trong công việc/trường học, một kỹ năng mà chúng ta thường xuyên phải sử dụng đó là kỹ năng thuyết trình. Năng lực đọc viết chính là cơ sở cho kỹ năng thuyết trình.

Bên cạnh đó, năng lực đọc viết còn giúp chúng ta xây dựng và trình bày các lập luận nói và viết của mình một cách thuyết phục phù hợp với ngữ cảnh, nâng cao duy phản biện, khả năng đánh giá và xử lý thông tin.

2. Năng lực đa ngôn ngữ (Multilingual competence)

Năng lực này xác định khả năng giao tiếp phù hợp và hiệu quả bằng các ngôn ngữ khác nhau. Nó chia sẻ rộng rãi các khía cạnh kỹ năng chính của ngôn ngữ dựa trên khả năng hiểu, diễn đạt và giải thích các khái niệm, suy nghĩ, cảm xúc, sự việc và ý kiến ở cả hình thức nói và viết (nghe, nói, đọc và viết) theo nhu cầu xã hội hoặc nhu cầu của cá nhân.

Nói dễ hiểu, năng lực này là học ngoại ngữ.

Chúng ta có thể thấy, thời đại hiện nay các nước du nhập văn hóa rất nhiều, và việc thấy nhiều người ngoại quốc ở trong nước, hay thậm chí kết hôn, sinh sống tại một quốc gia khác là một điều hiển nhiên. Vì vậy, biết ngoại ngữ là một lợi thế lớn cho bạn trong xã hội, đặc biệt đối với những ai du học hay có ý định sinh sống ở nước ngoài.

Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến phải học trong chương trình giáo dục ở nhiều quốc gia và phổ biến cả ở trong công việc (nhất là trong những công ty/công việc liên quan đến ngoại ngữ (dịch thuật, giáo viên ngoại ngữ,…). Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy rằng ngôn ngữ này không phù hợp với mình, bạn hãy tìm một ngôn ngữ khác mà bạn cảm thấy hứng thú để học tập như Tiếng Trung, Tiếng Nhật, Tiếng Nga, Tiếng Pháp,... Không ai sinh ra trên đời đều dốt ngoại ngữ cả, vì ngoại ngữ hay tiếng mẹ đẻ đều là công cụ giao tiếp giữa người với người. Bạn có khả năng hiểu, tiếp thu được tiếng mẹ đẻ ắt hẳn sẽ học được một ngoại ngữ mà bạn thích. 

Năng lực đa ngôn ngữ không chỉ giúp bạn có thể tăng khả năng giao tiếp với người thuộc nền văn hóa khác, mà còn giúp bạn thuận lợi hơn trong công việc/học tập, học ngoại ngữ đồng nghĩa bạn sẽ học được một văn hóa khác và hiểu được những quy ước xã hội ở một quốc gia nào đó.

Cách trau dồi năng lực đa ngôn ngữ cũng giống cách trau dồi tiếng mẹ đẻ. Thêm vào đó, bạn nên thường xuyên giao tiếp với người bản địa để luyện tập phản ứng và tăng khả năng nói trôi chảy hơn.

Mối quan hệ giữa năng lực đa ngôn ngữ và kỹ năng xã hội

  • Năng lực đa ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp: Giúp bạn thuận lợi trong môi trường phải sử dụng nhiều đến ngoại ngữ.
  • Năng lực đa ngôn ngữ và kỹ năng lắng nghe: Lắng nghe rất quan trọng trong giao tiếp, từ các cuộc đời thường đến các buổi họp, thuyết trình trong công việc. Lắng nghe tốt giúp cho việc tiếp nhận thông tin và lọc thông tin dễ dàng hơn.
  • Năng lực đa ngôn ngữ và kỹ năng thích nghi với sự thay đổi trong mọi tình huống: Nếu bạn thay đổi môi trường học tập/công việc (học tập/làm việc/sinh sống ngoài nước), ngoại ngữ giúp bạn phần nào trong việc thích nghi với sự thay đổi xung quang nhờ có ngôn ngữ làm cầu nối.

3. Năng lực về công nghệ số (Digital competence)

Trước khi nói về năng lực này, tôi sẽ giải thích công nghệ số là gì.

Công nghệ số hay còn gọi là chuyển đổi số khi dữ liệu đã được số hóa. Hiểu nôm na rằng, nó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thay thế trí tuệ của con người, chúng ta phải sử dụng các “Big Data” để phân tích dữ liệu, biến đổi để tạo ra dữ liệu mới. Ở mức này, công nghệ số đã hỗ trợ con người trong việc sáng tạo ra lĩnh vực mới.

Năng lực công nghệ số là năng lực liên quan đến việc sử dụng và tham gia một cách chắc chắn, có phán đoán và có trách nhiệm vào các công nghệ kỹ thuật số để học tập, làm việc và các hoạt động xã hội. Bao gồm việc hiểu biết về thông tin và dữ liệu, giao tiếp và cộng tác, hiểu biết về phương tiện truyền thông, tạo nội dung kỹ thuật số (bao gồm lập trình), bảo mật (bao gồm cả phúc lợi kỹ thuật số và năng lực liên quan đến an ninh mạng), các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.

Chúng ta nên hiểu các nguyên tắc chung, cơ chế và logic để làm nền tảng cho việc hiểu hơn về các công nghệ kỹ thuật số đang phát triển và biết chức năng cơ bản cũng như cách sử dụng các thiết bị, phần mềm và mạng khác nhau. Mỗi cá nhân nên thực hiện tiếp cận hợp lệ, có độ tin cậy vào các thông tin và dữ liệu được cung cấp bằng phương tiện kỹ thuật số và nhận thức được các nguyên tắc pháp lý và đạo đức liên quan đến việc tham gia vào các công nghệ kỹ thuật số. Tránh việc xâm nhập thông tin riêng một cách bất hợp pháp.

Tương tác với các công nghệ và nội dung kỹ thuật số đòi hỏi thái độ phản ánh, phê phán, nhưng tò mò, cởi mở và hướng tới tương lai đối với sự phát triển của chúng. Nó cũng kêu gọi thực hành có đạo đức, an toàn và có trách nhiệm trong việc sử dụng các công cụ này.

4. Năng lực cá nhân, xã hội và khả năng tự học (Personal, social and learning to learn competence)

Năng lực cá nhân, xã hội và khả năng tự học là khả năng phản ánh bản thân, quản lý thời gian, thông tin hiệu quả; là năng lực làm việc mang tính xây dựng với người khác, duy trì tính kiên cường và quản lý việc học tập, sự nghiệp của chính mình. Nó có khả năng giải quyết một số vấn đề tâm lý như mặc cảm, tự ti, lưỡng lự; có khả năng hỗ trợ một phần nào đó về sức khỏe thể chất, nâng cao trạng thái tinh thần tốt và hướng chúng ta tới một cuộc sống có ý thức tốt hơn về sức khỏe, hướng tới tương lai, đồng cảm và quản lý xung đột trong một số bối cảnh xã hội.

Như chúng ta đã biết, để các mỗi quan hệ giữa các cá nhân và sự gia nhập xã hội thành công, kiến thức về các quy tắc ứng xử và quy tắc giao tiếp (những quy tắc phổ biến được chấp nhận trong xã hội hoặc trong những môi trường khác nhau) là điều cần thiết. Năng lực này cũng đòi hỏi một tâm trí, cơ thể và lối sống lành mạnh, đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc ra quyết định, chiến lược học tập, nó còn ảnh hưởng đến việc "hiểu" được nhu cầu phát triển của bản thân như thế nào. Khi bạn có một trạng thái sức khỏe lẫn tinh thần đều tốt, bạn có thể phát huy hết được những năng lực vốn có của mình và nhận biết được những cơ hội cho bản thân mình.

Mối quan hệ giữa năng lực cá nhân, xã hội, khả năng tự học và kỹ năng xã hội

  • Kỹ năng quản lý thời gian: Quản lý thời gian giúp bạn gia tăng năng suất trong học tập/công việc hiệu quả hơn, làm giảm sự áp lực từ việc quá nhiều deadline và cân bằng cuộc sống hợp lý hơn.
  • Kỹ năng làm việc nhóm: Xu hướng làm việc nhóm hiện nay đang được khuyến khích ở hầu hết các lĩnh vực, xuất phát từ quan niệm “trí tuệ tập thể bao giờ cũng sáng suốt hơn trí tuệ của mỗi cá nhân”. Người ta coi các nhóm làm việc là nhân tố cơ bản tạo nên hiệu quả của vốn nhân lực trong một tổ chức. Vì vậy, trau dồi năng lực cá nhân, xã hội và khả năng tự học giúp chúng ta thuận lợi hơn trong việc chia sẻ kiến thức, bổ sung điểm khuyết thiếu cho nhau để tạo nên một tập thể mạnh mẽ.
  • Kỹ năng đưa ra quyết định: Xác định tình huống (kiên nhẫn tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề), có một cái nhìn khách quan hơn, từ đó tìm được điểm mấu chốt của vấn đề và đưa ra được quyết định đúng đắn để giải quyết các tình huống hiệu quả.
  • Kỹ năng quản lý cảm xúc xã hội: Làm giảm sự căng thẳng trong quá trình giao tiếp, các mâu thuẫn sẽ được giải quyết hài hòa và mang tính xây dựng hơn. Hiểu và nắm bắt cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn thể hiện được suy nghĩ của mình với người khác. Khi nhận diện được cảm xúc, bạn mới có thể điều khiển nó bằng lý trí, suy xét kỹ lưỡng các hành vi, ngôn từ để không gây ra sai lầm đáng tiếc.

Ngoài ra, năng lực này còn giúp bạn ứng biến trong các môi trường da dạng, thể hiện được lòng khoan dung, thấu hiểu, tiếp nhận nhiều quan điểm khác nhau từ phía xã hội và tăng sự tự tin trong cuộc sống.

5. Năng lực về quyền công dân (Citizenship competence)

Khác với những thời đại xưa cũ trước, chúng ta đang sống ở thời đại mà quyền con người được đề cao và tôn trọng hơn. Vì lẽ đó, hiểu biết về quyền công dân cũng là sự cần thiết cho mỗi người.

Năng lực về quyền công dân là khả năng hành động có tính trách nhiệm và tham gia đầy đủ vào đời sống công dân và xã hội, dựa trên sự hiểu biết về xã hội, kinh tế, luật pháp và chính trị, cũng như sự phát triển và tính bền vững toàn cầu.

Năng lực về quyền công dân như một tấm khiên bảo vệ bạn trước những rắc rối, rủi ro xã hội mà bạn không may gặp phải. Do đó, nắm vững những quyền lợi mà bạn được hưởng từ luật pháp nhà nước sẽ giúp bạn thuận lợi hơn trong giải quyết nhiều vấn đề xã hội.

Sau đây là một số kiến thức mà một công dân nên biết:

  • Kiến thức cơ bản về quyền của cá nhân.
  • Kiến thức cơ bản về vị trí cá nhân trong một nhóm, tổ chức công việc, xã hội, kinh tế, văn hóa.
  • Kiến thức về các sự kiện quan trọng trong lịch sử quốc gia và thế giới.
  • Kiến thức về các mục tiêu, chính sách của các phong trào xã hội và chính trị, đặc biệt là biến đổi khí hậu.

Năng lực về quyền công dân liên quan đến khả năng tham gia hiệu quả với những người khác vì lợi ích chung hoặc lợi ích công cộng, bao gồm cả sự phát triển bền vững xã hội. Nó cũng giúp ích cho việc phát triển tư duy phản biện và củng cố các kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như phát triển các lập luận và tham gia xây dựng trong cộng đồng. Sự tham gia mang tính xây dựng bao gồm sự sẵn sàng tham gia vào quá trình ra quyết định dân chủ và hoạt động dân sự ở tất cả các cấp. Nó góp phần cho sự đa dạng về xã hội và văn hóa, bình đẳng giới và gắn kết xã hội, lối sống bền vững, thúc đẩy văn hóa hòa bình và sẵn sàng tôn trọng quyền riêng tư của người khác và trách nhiệm với môi trường. 

6. Năng lực khởi nghiệp (Entrepreneurship competence)

Chắc hẳn bạn cảm thấy kì lạ khi khởi nghiệp được đề xuất thành 1 trong 8 những năng lực nên trau dồi. Khởi nghiệp cũng như một cách ổn định nghề nghiệp bản thân, bạn có thể nuôi sống bản thân và gia đình và lợi thế hơn là bạn nắm mọi quyền chủ đạo trong công việc. Bạn cũng có thể tự điều chỉnh mức thu nhập của mình, khi đó tất cả những doanh thu đều thuộc về bạn vì bạn đã làm việc cho chính mình. Vậy năng lực khởi nghiệp là gì?

Năng lực khởi nghiệp là khả năng hành động dựa trên các cơ hội và ý tưởng, biến chúng thành giá trị cho những người khác. Nó được xây dựng trên sự sáng tạo, tư duy phê phán và giải quyết vấn đề, sáng kiến ​​và kiên trì, và khả năng làm việc cộng tác để lập kế hoạch, quản lý các dự án có giá trị về văn hóa, xã hội hoặc tài chính.

Khởi nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng, để tránh những rủi ro mất mát lớn, nếu bạn là một người có hứng thú với khởi nghiệp thì bạn đã biết mình phù hợp hay muốn theo đuổi một trong sáu loại hình khởi nghiệp sau đây chưa? 

  1. Khởi nghiệp kinh doanh cá thể (sống là để hưởng thụ): những người thuộc loại hình kinh doanh này là những người sống và làm việc vì đam mê, họ làm vì những thú vui cá nhân, vừa làm vừa hưởng, không làm cho ai trừ chính họ.
  2. Khởi nghiệp kinh doanh nhỏ (lao động để nuôi sống gia đình): những người thuộc loại hình kinh doanh này là minh chứng sống động nhất cho "tinh thần kinh doanh". Họ vừa là nhà sáng lập vừa là một công nhân chăm chỉ. Hình thức kinh doanh không phải để mở rộng quy mô như một doanh nghiệp mà nhằm vào một mục đích chính đó là "nuôi sống bản thân và gia đình". Hình thức kinh doanh nhỏ lẻ của họ có thể là cửa hàng gia dụng, thực phẩm, tiệm làm tóc, đại lý du lịch,...
  3. Khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng (tham vọng ông lớn): Những người thuộc loại hình kinh doanh này ngoài việc hưởng lợi nhuận còn chú tâm vào việc tổ chức, quản lý tạo ra những công ty có giá trị liên thành với tham vọng mở rộng quy mô và có một chỗ đứng nhất định trong xã hội hay giới kinh doanh.
  4. Khởi nghiệp hướng chuyển nhượng (từ túi này sang túi khác): Ví dụ tiêu biểu nhất là việc Google thu mua lại YouTube hay Facebook thu mua Instagram. Đây là những nền tảng mạng xã hội phổ biến rộng rãi mà hầu hết chúng ta đều biết đến. Chí phí khởi nghiệp cho loại hình này yêu cầu sự giúp đỡ từ các nhà đầu tư bên ngoài. Và mục tiêu chính của loại hình kinh doanh này không phải sáng lập các tập đoàn rồi mở rộng quy mô mà là nuôi ý tưởng rồi bán lại cho các nhà kinh doanh lớn.
  5. Khởi nghiệp trong công ty lớn (đổi mới hoặc biến mất): Những công ty lớn sở hữu vòng đời hữu hạn. Đa phần chuyển hướng phát triển sang hình thái duy trì và tung ra các sản phẩm phụ bên cạnh sản phẩm chính. Sự thay đổi sở thích của khách hàng, sự tiến bộ của công nghệ, luật pháp, các đối thủ cạnh tranh v..v.. là các tác nhân gây sức ép lên các công ty, đòi hỏi họ phải đưa ra các chính sách mới, tạo ra sản phẩm mới và tìm kiếm khách hàng mới tại các thị trường mới.
  6. Khởi nghiệp hướng xã hội (tạo nên sự khác biệt): khác với những dự án Khởi nghiệp hướng mở rộng, mục tiêu của họ là biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, trội hẳn so với việc làm giàu. Những dự án kiểu này có thể thuộc dạng phi lợi nhuận hoặc chỉ thu về lợi nhuận nhược tiểu.

Trong quá trình bạn trau dồi năng lực này, sự sáng tạo và trí tượng tượng của bạn sẽ được phát huy hiệu quả, tư duy chiến lược và cách giải quyết vấn đề cũng được mở rộng. Năng lực này vừa là cơ sở vừa là tiền lực phát huy các kỹ năng làm việc cá nhân và theo nhóm, cách huy động các nguồn lực và duy trì các hoạt động. Bao gồm cả khả năng đưa ra quyết định tài chính liên quan đến chi phí và giá trị, khả năng giao tiếp và đàm phán hiệu quả với những người khác, và để đối phó với sự bất ổn định, rủi ro bên ngoài là rất quan trọng, như là một phần của quá trình ra quyết định sáng suốt.

7. Năng lực nhận thức và thể hiện văn hóa (Cultural awareness and expression competence)

Năng lực nhận thức và thể hiện văn hóa là việc hiểu và tôn trọng cách thức mà các ý tưởng, ý nghĩa được thể hiện và truyền đạt một cách sáng tạo trong các nền văn hóa khác nhau thông qua nhiều loại hình nghệ thuật và văn hóa khác. Nó liên quan đến việc tham gia phát triển và thể hiện ý tưởng của chính mình và ý thức về vị trí hoặc vai trò trong xã hội theo nhiều cách/bối cảnh khác nhau.

Để trau dồi năng lực này, bạn nên tìm hiểu các nền văn hóa của địa phương, quốc gia, khu vực hay rộng hơn là toàn cầu. Văn hóa bao gồm ngôn ngữ, di sản qua các thời đại và các truyền thống. Văn hoá được thể hiện một cách đa dạng theo nhiều cách thức khác nhau, bạn có thể tìm hiểu văn hóa địa phương/đất nước/khu vực bạn cảm thấy hứng thú thông qua các hình thức báo chí, sách, phim ảnh, kịch sân khấu, âm nhạc, trò chơi, âm nhạc,... 

Việc tăng nhận thức và thể hiện văn hóa giúp cho khả năng diễn đạt, giải thích những suy nghĩ, câu chuyện một cách cụ thể hơn, bạn cũng có thể đồng cảm, thấu hiểu hơn nhiều loại hình và các nền văn hóa khác nhau.

Hãy dùng thái độ tò mò về thế giới để tìm hiểu và học hỏi về các nền văn hóa khác nhau, đồng thời phải có sự tôn trọng trước những cách thức thể hiện văn hóa khác nhau. Cùng với lối tiếp cận đúng đắn, chuẩn mực đạo đức và có trách nhiệm đối với các quyền sở hữu trí tuệ và văn hóa.

Những năng lực thực tế không bao giờ là vô ích, chúng ta gắn liền với đời sống chúng ta, hãy học tập, rèn luyện những năng lực đó thật hiệu quả để thêm phần thú vị cho hành trình sự nghiệp của bạn nhé!

Đỗ Thục Phương

Tài liệu tham khảo:

[1] Kiến nghị của Hội đồng Châu Âu năm 2018 trong tờ Tạp chí Liên minh Châu Âu.

[2] https://op.europa.eu/en/publication-detail/-/publication/297a33c8-a1f3-11e9-9d01-01aa75ed71a1/language-en

[3] https://ngonngu.net/loptu_phongcachsudung/348

[4] https://tuoitredhdn.udn.vn/khoi-nghiep/kien-thuc-khoi-nghiep/6-loai-hinh-khoi-nghiep-ban-can-biet

[5] https://meeyland.com/chuyen-doi-so/tam-quan-trong-cua-cong-nghe-so-hien-nay-ra-sao/

Tạo bài viết thảo luận
Nỗi sợ mang tên “áp lực FOMO” khi chọn ngành

Nỗi sợ mang tên “áp lực FOMO” khi chọn ngành

30-07-2022
Tin hay không các bài trắc nghiệm tính cách?

Tin hay không các bài trắc nghiệm tính cách?

07-09-2022
App học tập – Sử dụng sao cho hiệu quả?

App học tập – Sử dụng sao cho hiệu quả?

24-11-2022
“Đãi cát tìm vàng” - làm sao để tìm thấy chìa khóa giữa… “một rừng” thông tin về hướng nghiệp?

“Đãi cát tìm vàng” - làm sao để tìm thấy chìa khóa giữa… “một rừng” thông tin về hướng nghiệp?

01-12-2022
Tư  duy phản biện, xoá bỏ thiên kiến (Phần 1)

Tư duy phản biện, xoá bỏ thiên kiến (Phần 1)

29-10-2022
Những ngành mới của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Những ngành mới của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

14-07-2022