Tạo bài viết thảo luận

Hướng nghiệp 4.0 CDM xin đưa đến bài viết của Eric Debétaz, Chuyên gia tư vấn tại EHL Advisory Services

EHL là một tập đoàn quốc tế cung cấp một loạt các giải pháp học tập và kinh doanh với các cơ sở ở Thụy Sĩ và Châu Á. Tập đoàn được hỗ trợ bởi mạng lưới cựu sinh viên trên toàn thế giới gồm 30.000 chuyên gia và hàng nghìn đối tác trong ngành khách sạn.

Xã hội và thế giới nghề nghiệp đang thay đổi không ngừng với sự phát triển của công nghệ và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã bắt đầu. Việc này có tác động to lớn đến nền giáo dục, dẫn đến sự ra đời một số xu hướng trong giáo dục. Để có thể tương tác tốt hơn với người học, những người làm giáo dục phải theo dõi sát sao những thay đổi mới nhất và những nhân tố mấu chốt ảnh hưởng đến việc tiếp thu của người học. Sự hiểu biết về những xu hướng này có thể giúp tạo nên môi trường học tập hiệu quả hơn.

Sau đây là năm xu hướng quan trọng nhất:

1. Công nghệ hóa việc học tập và giảng dạy

Lĩnh vực giáo dục cũng không nằm ngoài cuộc bùng nổ công nghệ trong hai thập kỷ gần đây. Máy vi tính và mạng internet đã thay đổi nhiều thứ từ cách tiếp cận thông tin mà đến cách tổ chức lớp học. Tính đến mùa thu 2017, có hơn 6,5 triệu người học đăng ký học từ xa tại những tổ chức đào tạo có cấp bằng sau trung học.

Sự phát triển công nghệ đồng nghĩa với sự xuất hiện của một lượng lớn công cụ và phương tiện hỗ trợ để giúp người học có được giáo dục chất lượng cao qua Internet.

Xu hướng này tạo ra một số lợi ích và cả hạn chế cho những giáo viên và tổ chức giáo dục.

Ví dụ, công nghệ có thể sẽ không thúc đẩy những người học học thêm các kỹ năng mềm. Người học có thể sẽ không có nhiều cơ hội để tương tác với những bạn cùng lớp như những lớp học truyền thống. Một ví dụ khác, cơ hội để trở thành lãnh đạo của nhóm cũng sẽ ít hơn trước.

Nền tảng trực tuyến có thể sẽ khiến giáo viên phải thay đổi cách dạy của mình. Họ có thể gặp một số thách thức trong việc xây dựng giáo án và việc đảm bảo người học sẽ tập trung vào bài giảng khi không gặp trực tiếp với giáo viên.

Ngược lại, sự xuất hiện của những lớp học trực tuyến và các giáo trình tích hợp công nghệ cũng mang đến những cơ hội cho giáo viên và tổ chức giáo dục. Nhiều giáo viên đã ngay lập tức chú ý đến ưu điểm công nghệ đem lại là có thể giúp thời khóa biểu của người học trở nên linh hoạt hơn. Nhiều nền tảng công nghệ tạo ra cơ hội cho người học xem bài giảng trực tuyến hoặc xem lại những bản ghi. Giáo viên có thể ứng dụng những tính năng này để hỗ trợ người học.

Bản chất “trực tuyến” của những khóa học này cũng có thể nâng cao kỹ năng của những giáo viên, để họ thử nghiệm những cách giảng dạy, học tập khác nhau. Những người học ưu tú có được thêm tài nguyên học tập và những thử thách để thúc đẩy họ đào sâu tìm hiểu vấn đề mà không ảnh hưởng đến việc học chung của lớp.

Hệ thống quản lý học tập cũng sẽ giúp giáo viên theo dõi tiến trình học tập của người học dễ dàng hơn trong suốt khóa học. Hệ thống quản lý  giúp giáo viên thấy được người học của mình tham gia vào các buổi học trực tuyến hoặc những buổi học được ghi hình lại như thế nào, qua đó, giáo viên có thể phụ đạo kịp thời cho người học nếu cần thiết.

2. Rèn luyện kỹ năng mềm - một xu thế mới trong giáo dục đại học

Theo như báo cáo của Future of Jobs (lược dịch: Tương lai của những ngành nghề), một số kỹ năng quan trọng trong môi trường làm việc là tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, quản lý nhân sự và sáng tạo. Những nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy những chuyên gia thế hệ mớii, những người biết cách quyết định và thể hiện khả năng lãnh đạo của bản thân.

Để sinh viên có sự chuẩn bị tốt cho sự nghiệp tương lai, trường học phải giúp sinh viên sở hữu và phát triển những kỹ năng này.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, xu hướng về việc học online sẽ biến việc này trở thành một thách thức cho những giảng viên. Họ sẽ phải tìm cách để cân bằng thời gian sử dụng thiết bị trong lớp học với việc khuyến khích sinh viên tương tác trực tiếp với nhau để phát triển kỹ năng mềm. 

Những trường đại học nào tìm được cách thức hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển những kỹ năng này sẽ có cơ hội để phát triển. Cụ thể là những trường này sẽ có lợi thế cạnh tranh. Sinh viên của họ sẽ dễ kiếm việc làm hơn và tỉ lệ thành công của cựu sinh viên sẽ tăng lên, tạo thành một vòng tuần hoàn tích cực vì những sinh viên tương lai sẽ có xu hướng đăng ký vào những trường có tỉ lệ thành công của cựu sinh viên cao.

3. Xu hướng giảm thời gian tập trung (giảm khoảng chú ý)

Khi công nghệ trở nên phổ biến, khoảng chú ý của người trẻ cũng thay đổi. Một nghiên cứu của Microsoft đã khảo sát về khoảng chú ý vào năm 2000 - bình minh của thời đại cách mạng di động - và năm 2015. Họ  nhận thấy khoảng chú ý đã giảm mạnh  4 giây, từ 12 giây còn 8 giây. Sự sụt giảm này được xem là lỗi của công nghệ và sự thu hút liên tục của nó với  người dùng.

Sự thay đổi trong khoảng chú ý cũng có thể được xem là một cách để phân biệt những thế hệ khác nhau. Ví dụ như thế hệ Millennials (Gen Y, được sinh ra trong khoảng 1981 - 1996), những người mà phần lớn trong số họ lớn lên khi đã có công nghệ di động, sẽ có đặc điểm khác với những thế hệ trước họ như thế hệ X (Gen X, được sinh ra trong khoảng 1965 - 1980) và thế hệ Boomers (được sinh ra trong khoảng 1946 - 1964).

Đáng chú ý, những người thuộc thế hệ Millennials cho biết rằng khi gặp những nội dung cuốn hút, họ có xu hướng chú ý lâu hơn những người thuộc các thế hệ trước. Tuy nhiên, khi các nội dung đó không khiến họ thấy thú vị, họ sẽ là những người đầu tiên rời đi.

Để thu hút sự chú ý của những người thuộc thế hệ Millennials, nội dung phải có những hình ảnh cùng lời thoại xuất sắc và một kịch bản thú vị. Nhóm người trẻ này quan tâm đến những cách diễn đạt và mặt hình ảnh của nội dung hơn là những phân khúc tuổi khác.

Sự khác biệt trong sức chú ý cũng xuất hiện trong hành vi của những người thuộc thế hệ Millennials so với những nhóm tuổi khác. 77% đã cho biết rằng họ sẽ mở điện thoại nếu họ không có thứ gì khác hấp dẫn sự chú ý. Tuy vậy, đối với những người trên 65 tuổi, chỉ 10% có cùng hành vi tương tự.

Sự thay đổi trong xu hướng về sự chú ý đã gây nên một tác động to lớn, giáo viên phải điều chỉnh lớp học để giữ cho người học chú ý vào bài giảng. Giáo viên phải tìm cách để thiết kế lớp học sao cho những người học - đa số thuộc thế hệ Millennials – tập trung và bắt kịp cách truyền tải cũng như tốc độ học. Trong khâu thiết kế khóa học, họ phải chú ý đến tầm quan trọng của cách diễn đạt và hình ảnh.

Cũng đừng quên rằng khi người học thấy các tài liệu hấp dẫn và thu hút, sự họ chú ý của họ sẽ tăng lên rất nhiều. Người học thời nay ưa thích sự thách thức và đề cao việc tương tác. Giáo viên biết cách tương tác sẽ rất có ích cho lớp học.

4. Tạo điều kiện để người học trở thành trung tâm 

Công nghệ phát triển cũng làm thay đổi cách mà giáo viên liên hệ với người học và lớp học. Với một nguồn tài nguyên đa dạng trong tay, người học có đủ công cụ cần thiết để tự khám phá một lượng lớn tri thức và sự kiện. Trong môi trường này, nhiều người học không còn đánh giá cao cách truyền đạt kiến thức truyền thống nữa. Thay vào đó, vai trò của giáo viên là trở thành những người hỗ trợ. Công việc của giáo viên là giúp đỡ người học tìm ra phương pháp học tập, cách để yêu thích việc học và làm sao để khám phá và hiểu những thông tin người học tìm được.

Việc này có thể mang đến một số thách thức cho những giáo viên, họ phải tự cải thiện kỹ năng mềm về mặt lãnh đạo và giải quyết vấn đề. Họ phải học cách khơi mào những cuộc trò chuyện và kiến tạo môi trường đề cao khả năng làm việc nhóm.

Những giáo viên giỏi nhất là những người có thể giúp người học làm chủ quá trình học tập của bản thân.

Khi những giáo viên tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập của người học, họ cũng sẽ nhận được những phản hồi tức thời về độ hiệu quả của cách dạy của mình. Khả năng xây dựng và hỗ trợ phát triển những kỹ năng tự học trong lớp học cũng thể hiện rõ ràng qua tài liệu học tập giáo viên sử dụng cho lớp học của mình.

Những giáo viên muốn tập trung vào sự phát triển của người học hơn là truyền tải kiến thức đơn thuần sẽ thấy phương pháp giảng dạy này vô cùng có ích.

5. Xu hướng học tập suốt đời

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều làm thay đổi bản chất của việc làm và ngành nghề một cách đáng kinh ngạc. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 có thể ảnh hưởng đến đến 50% số công việc, sự phát triển của công nghệ sẽ dẫn đến sự thay đổi cách thức làm việc. Những chuyên gia muốn giữ vững vị trí trong lĩnh vực của mình sẽ phải liên tục cập nhật những kỹ năng mới. Họ không thể cho rằng chỉ mỗi sự giáo dục đã nhận được trong nửa đầu sự nghiệp chuyên môn là đã đủ cho phần còn lại của sự nghiệp.

Thay vào đó, sau có được bằng cấp vẫn bắt buộc phải học tập. Việc này khiến những tổ chức giáo dục phải xây dựng tư duy không ngừng phát triển bản thân cho người học cũng như giảng viên và nhân viên của mình. Những lớp học phải cung cấp kỹ năng tự học để những người học có thể tiếp tục học tập và tìm hiểu trong lĩnh vực của họ.

Những trường học có thể làm chủ được kỹ năng này sẽ có cơ hội giữ kết nối với những cựu sinh viên trong suốt sự nghiệp của họ. Trường học có thể tiếp tục quảng bá những khóa học giúp cựu sinh viên tiếp cận những tiến bộ mới và các cựu sinh có thể quay lại trường để được hỗ trợ và học thêm khi cần.

Việc này tạo ra những cơ hội cho các trường học khi xây dựng được những chương trình học tập cho người lớn để hỗ trợ các cựu sinh viên phát triển trong môi trường nghề nghiệp đang biến động hiện nay.

Công nghệ khiến cả xã hội đổi thay, nó cũng mang đến những thay đổi to lớn đến cách mọi người kiếm tiền và chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai. Những tổ chức biết cách bắt kịp và dẫn đầu xu hướng sẽ đạt được thành công và phát triển. Hãy xem xét những xu hướng này ảnh hưởng như thế nào đến nền giáo dục và ý nghĩa của chúng với những trường đại học trong tương lai.

Diễm Quỳnh dịch (Theo Eric Debétaz - ehl.edu)

Xem bài viết gốc tại đây

Tạo bài viết thảo luận
[Anh] Giới trẻ muốn và cần các khía cạnh hiện đại của công tác hướng nghiệp

[Anh] Giới trẻ muốn và cần các khía cạnh hiện đại của công tác hướng nghiệp

10-10-2022
Sự thay đổi của khóa học trực tuyến đại chúng mở sau 10 năm

Sự thay đổi của khóa học trực tuyến đại chúng mở sau 10 năm

16-01-2022
Những xu hướng sẽ thay đổi diện mạo giáo dục đại học

Những xu hướng sẽ thay đổi diện mạo giáo dục đại học

12-01-2022
Công nghệ số sẽ định hình lại ngành công nghiệp ô tô

Công nghệ số sẽ định hình lại ngành công nghiệp ô tô

20-09-2021
Hướng nghiệp quan trọng hơn bao giờ hết với thanh thiếu niên (phần 1)

Hướng nghiệp quan trọng hơn bao giờ hết với thanh thiếu niên (phần 1)

19-09-2022
Hướng nghiệp tư vấn nghề ở Đức – cấu trúc và dịch vụ

Hướng nghiệp tư vấn nghề ở Đức – cấu trúc và dịch vụ

12-09-2021