Còn gì vui hơn khi bạn vừa được đắm chìm trong thế giới tưởng tượng đầy kịch tính của những bộ phim truyền hình vừa biết được về một ngành học có ích trong cuộc sống? Những chi tiết chuyên ngành được đề cập trong các bộ phim tất nhiên không phải lúc nào cũng chính xác 100% so với thực tế. Tuy nhiên ít nhất những tác phẩm được liệt kê trong bài viết dưới đây vẫn góp phần giúp bạn có sự hứng thú nhất định về nghề nghiệp của các nhân vật chính để từ đó chủ động tra cứu thêm.
“Prison Break”: Kỹ sư xây dựng
Nhân vật Michael Scofield trong siêu phẩm truyền hình “Prison Break” từng làm mưa làm gió khắp nơi trên thế giới là một kỹ sư xây dựng. Cụ thể hơn thì Michael từng giữ nhiệm vụ thi công cho nhà tù giam giữ anh trai mình nên có thể nắm rõ đường đi nước bước trong nhà tù để thoải mái đi lại và thực hiện kế hoạch giải cứu anh trai thoát khỏi án tử do bị vu oan bởi các thế lực cầm quyền tàn ác. Công việc kỹ sư xây dựng ngoài thực tế tất nhiên không thể nào kịch tính và hồi hộp như trong phim mà sẽ bao gồm các đầu việc như phác thảo bản vẽ công trình, lựa chọn chất liệu phù hợp, tư vấn kỹ thuật, quản lý dự án hay làm việc trực tiếp với kiến trúc sư để công trình xây dựng khi bàn giao có thể vận hành một cách an toàn. Bạn sẽ không chỉ ngồi trong văn phòng để xử lý bản vẽ mà còn phải trực tiếp ra công trường làm việc nên nếu bạn tự thấy mình thích làm ở văn phòng hơn thì công việc này sẽ không thực sự phù hợp.
>> Ngành Kiến trúc: Mọi điều bạn cần biết
“Breaking Bad”: Kỹ sư hóa học
Nhân vật chính Walter White trong phim “Breaking Bad” ban đầu làm công việc thầy giáo dạy Hóa nhưng sau khi phát hiện mình bị ung thư sắp phải lìa đời thì ông quyết định đi vào con đường tội phạm là… bào chế ma túy đá hòng kiếm tiền để lại cho vợ con. Nhân vật này không thực sự làm công việc kỹ sư hóa ở trong phim nhưng việc biến nguyên liệu thô thành sản phẩm cụ thể trong quá trình bào chế ma túy đá chính là bản chất cốt lõi của nghề. Kỹ sư hóa ngoài đời sống đóng vai trò không nhỏ trong việc sản xuất ra những vật dụng mà bạn tiêu thụ hàng ngày như quần áo, mỹ phẩm, thuốc thang hay thậm chí là thực phẩm. Một mặt trái của nghề bạn cần lưu ý khi muốn theo đuổi ngành này là phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, đôi khi còn là chất độc hại nên rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe khá cao nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn.
>> 10 ngành học cho những ai đang băn khoăn trong việc chọn ngành
“How to get away with murder”: Luật sư
Nội dung của “How to get away with murder” kể về đời sống học tập và làm việc của một nhóm sinh viên ngành Luật nên bạn sẽ có thể tham khảo môi trường giảng dạy và đào tạo ngành Luật ở nước Mỹ. Ngôi trường trong phim không có thật ở ngoài nhưng những điều một sinh viên Luật cần có như kỹ năng ăn nói thuyết phục, dành hàng giờ liền để đọc tài liệu hay sự cạnh tranh khốc liệt để giành một suất thực tập ở công ty luật đều được đổi ngũ sản xuất khắc họa một cách hợp lý. Theo dõi các sinh viên luật tham gia vào những vụ đấu tố trong phim có thể giúp bạn hình dung công việc thực tế của một luật sư. Bộ phim sẽ cho bạn thấy ranh giới đúng sai vô cùng mong manh và thực thi công lý chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Nhưng chính vì công việc bảo vệ lẽ phải rất gian nan nên vai trò luật sư mới có ý nghĩa to lớn với xã hội.
>> Ngành Luật: Mọi điều bạn cần biết
“The Good Doctor”: Bác sĩ
Nhân vật chính của bộ phim là một bác sĩ nội trú mắc chứng tự kỷ cố gắng vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để thích nghi với môi trường làm việc áp lực cao và đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắc khe trong bệnh viện. Ngoài những thông tin về Y khoa được đề cập trong phim (mà bạn sẽ phải tra cứu thêm để hiểu cặn kẽ) thì tác phẩm truyền hình này còn cho bạn thấy những vấn đề không màu hồng mà những người làm việc trong ngành y tế phải đối mặt mỗi ngày. Chẳng hạn như áp lực thời gian trong việc cấp cứu, thời gian làm việc dài do phải trực đêm hay sự giày vò vì sai sót của mình vô tình khiến bệnh nhân thiệt mạng nhưng vẫn phải chấp nhận để tiếp tục làm nghề. Tiếp xúc với bệnh tật mỗi ngày trong ngành y tế không phải là điều mà ai cũng có thể chịu đựng được. Nhưng thông qua bộ phim bạn cũng sẽ nhận ra rằng bác sĩ thường được gọi là “thiên thần áo trắng” hoàn toàn hợp lý vì nhờ có họ mà mọi người mới có đời sống thể chất lẫn tinh thần khỏe mạnh. Đôi khi nhờ có bệnh tật mà con người mới ngộ ra nhiều điều trong cuộc sống nên bộ phim này cũng khắc họa nhiều câu chuyện cảm động và có thể khiến bạn rơi nước mắt.
>> 7 thử thách khi du học ngành Y chưa ai nói với bạn
“Mad Men”: Quảng cáo
Bộ phim truyền hình kéo dài tới 7 mùa “Mad Men” có nội dung xoay quanh một công ty quảng cáo ở New York trong thập niên 60. Nếu bạn quan tâm tới lĩnh vực đòi hỏi sáng tạo cao như Marketing, PR hay Communications thì vẫn nên theo dõi bộ phim nổi tiếng này. Trong lĩnh vực quảng cáo, có sáng tạo tới đâu thì mục đích cuối cùng vẫn là phải bán được hàng nên cần phải làm việc một cách chiến lược với nỗ lực lớn thì mới có thể cạnh tranh và thành công trong nghề. Sau khi xem phim, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng lĩnh vực quảng cáo trông có vẻ hào nhoáng với những hình ảnh long lanh và rực rỡ là vậy nhưng thực tế lại tiêu tốn nhiều chất xám cũng như sức lực hơn đó giờ vẫn tưởng. Nhưng chính sự cạnh tranh đó mới khiến quảng cáo trở nên hấp dẫn vì bạn luôn được đắm chìm trong môi trường sáng tạo và tươi mới mỗi ngày. Đó là lý do dù ngành này có vất vả ra sao thì vẫn rất nhiều người chấp nhận theo đuổi nó tới cùng.
>> Phân biệt ba lĩnh vực Marketing, PR và Quảng cáo