3 yếu tố tốc độ, công nghệ và khối lượng công việc khiến cho những lá thư xin việc trở nên lỗi thời trong mắt các nhà tuyển dụng, theo CEO trang Jobvite, Rachel Bitte. Nhiều nhà tuyển dụng nói rằng họ thực sự không đọc Thư nguyện vọng (Cover letter) nữa mà “nhảy cóc” qua phần CV/résumé. Trước thực tế này, để trở nên nổi bật, các ứng viên cần trở nên sáng tạo và thay đổi cho phù hợp với “thời thế thế thời”. 4 bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn có một hồ sơ hợp thời!
>> Cover letter/ Motivation letter là gì?
>> Một số câu thông dụng khi viết thư xin việc
1. Thêm mục tóm tắt
Một cách để khoe ra và nhấn mạnh các ưu điểm của bản thân đó là soạn thêm phần tóm tắt. Chỉ trong giới hạn khoảng 2-3 câu và đặt ở đầu hồ sơ trình bày, đoạn tóm tắt này sẽ tổng hợp những thông tin đắt giá nhất, tạo sự khác biệt nhất của bạn so với những ứng viên khác.
Ở phần này, bạn nên chia sẻ về năng lực của bản thân, trả lời được câu hỏi “tại sao vị trí này thích hợp với tôi” và bạn nghiêm túc với công việc này như thế nào. Có thể xem mục tóm tắt như phần thay thế của mục “các mục tiêu” hay xuất hiện trong các sơ yếu lí lịch.
2. Nói nhiều hơn về cá tính bản thân
Các hồ sơ nên đề cập nhiều hơn đến những mối quan tâm cá nhân ở phần cuối lí lịch. Điều này sẽ giúp các nhà tuyển dụng hiểu hơn về cá tính của ứng cử viên. “Cá tính” ở đây không có nghĩa là những tính từ biểu đạt tính cách của bạn mà là những thông tin lồng ghép qua sở thích, các hoạt động tình nguyện hoặc đơn giản là cung cấp tên của các câu lạc bộ mà bạn tham gia.
Nếu đang nộp đơn cho một công ty có văn phòng đại diện ở nhiều nơi, bạn có thể “thổ lộ” với nhà tuyển dụng rằng mình là người thích xê dịch chẳng hạn.
3. “Khoe” thành tựu
Bên cạnh thông tin về quá trình làm việc, học tập và mô tả công việc/khóa học trước đây, bạn có thể gạch đầu dòng bên dưới để nói rõ hơn nhiệm vụ hay các thành tựu mà mình đã đạt được trong quá trình vừa nhắc đến. Đó có thể là một giải thưởng cuộc thi học sinh giỏi, việc “Góp phần làm tăng năng suất X phần trăm cho công ty”… Chính những trải nghiệm này sẽ là cơ hội để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển sinh/tuyển dụng.
>> Các lựa chọn trường Đại học ở nước ngoài
>> Viết “SOP”, khoe sao cho khéo?
4. Cung cấp tài khoản mạng xã hội
Ngày nay, mạng xã hội có thể nói cho nhà tuyển dụng biết nhiều hơn những lá thư xin việc và họ sẽ sử dụng chúng để tìm kiếm ứng viên! Cho nên, các nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ tìm hiểu về bạn ở Twitter, Facebook và LinkedIn dù cho bạn có chủ động chia sẻ chúng hay không. Vì thế, hãy thận trọng với những gì bạn đăng lên các trang tài khoản của mình.
Nguồn: Fastcompany