Chữ nghĩa hoàn toàn có thể giúp bạn có một sự nghiệp xán lạn như bất kỳ ngành nghề nào khác. Nếu bạn nhận ra mình có năng khiếu viết lách thì có thể cân nhắc theo học những ngành dưới đây để biết cách áp dụng kỹ năng của mình vào một công việc cụ thể.
Báo chí
Học gì trong ngành:
Về mặt cơ bản, bạn sẽ được học cách dùng con chữ để cung cấp thông tin đến với độc giả một cách gãy gọn và thu hút. Về mặt nâng cao, bạn còn được hướng dẫn cách sử dụng những công cụ khác như hình ảnh, video hay đài phát thanh để lan rộng thông tin cho công chúng. Lĩnh vực này đỏi hỏi người học phải xông xáo, năng động và chịu khó vì để theo nghề bạn phải sẵn sàng đi lấy tin ở bất kỳ đâu, nhạy bén với thời cuộc và chấp nhận làm việc ngoài giờ.
Có thể làm gì sau khi học xong:
Ngoài lựa chọn trở thành phóng viên cho các tòa soạn, bạn còn có thể làm nhiếp ảnh gia, blogger, phát thanh viên cho đài truyền hình hay đài phát thanh. Lĩnh vực cho bạn theo đuổi thì luôn đa dạng, từ Đời sống Xã hội, Nghệ thuật Giải trí, Thời trang, Ẩm thực, Thể thao,… tha hồ mà chọn.
>> Báo chí từ A đến Z
Marketing
Học gì trong ngành:
Vai trò của Marketing là khuyến khích người tiêu dùng mua hàng nên con chữ của bạn lúc này chỉ có mục tiêu duy nhất là bán được hàng. Bạn sẽ được học cách giật tít, viết nội dung đăng báo, viết nội dung mạng xã hội, soạn thảo kịch bản quảng cáo, viết slogan để người tiêu dùng đọc hoặc xem xong là muốn mua hàng ngay. Ngoài ra bạn còn được học cách viết kế hoạch và viết báo cáo để phục vụ công việc. Ngoài kỹ năng viết lách, chọn học Marketing còn giúp bạn có thể kỹ năng hoạch định chiến lược, phân bổ ngân sách, phân tích thị trường và nhiều mảng khác trong hoạt động kinh doanh.
Có thể làm gì sau khi học xong:
Bạn có thể chọn con đường trở thành content writer (người viết nội dung), nhân viên bán hàng (sale), quản lý thương hiệu (brand manager), chuyên viên tổ chức sự kiện, chuyên viên quan hệ công chúng (public relation specialist). Nếu chịu khó học thêm một số kỹ năng chuyên môn khác thì bạn vẫn có thể làm chuyên viên quay dựng video hay thiết kế đồ họa.
>> Tất tần tật về ngành Marketing
Biên kịch phim Điện ảnh hoặc Truyền hình
Học gì trong ngành:
Biên kịch giữ vai trò viết nên “bộ xương” cho phim để đạo diễn dựa vào đó mà bồi đắp thành những thước phim trên màn ảnh. Khán giả chỉ có thể nghe được những câu thoại bạn viết chứ không thể đọc tác phẩm của bạn như các công việc viết lách khác. Khi chọn học Biên kịch, bạn sẽ biết cách tìm đề tài, nghiên cứu, lập dàn ý, viết thoại, định dạng kịch bản, viết kịch bản dựa vào tiểu thuyết cũng như cách bán tác phẩm của mình để được dựng thành phim.
Có thể làm gì sau khi học xong:
Ngoài trở thành biên kịch phim điện ảnh hay truyền hình, với kỹ năng được học bạn còn có thể viết kịch bản quảng cáo, game show hay các chương trình truyền hình nói chung. Nếu yêu nghề và học hỏi thêm các kỹ năng chuyên môn khác thì bạn cũng có thể làm công việc đạo diễn.
>> Mọi điều bạn cần biết về ngành Biên kịch
Sư phạm
Học gì trong ngành:
Mỗi bộ môn sẽ có phong cách viết khác nhau nhưng nhìn chung dù bạn chọn học sư phạm môn gì thì cũng cần có đến kỹ năng viết. Ngoài viết giáo án là điều chắc chắn, bạn còn có thể đảm nhiệm công việc viết sách bộ môn hay sách giáo khoa. Những gì bạn viết phải dễ hiểu đối với từng đối tượng cụ thể. Khi chọn học Sư phạm, ngoài được đào tạo kiến thức chuyên môn vững vàng thì bạn còn được trang bị các kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng sư phạm để giảng cho người khác hiểu, nói trước đám đông, tương tác với người học, tính kiên nhẫn và sự sáng tạo.
Có thể làm gì sau khi học xong:
Giáo viên là lựa chọn nghề nghiệp phổ biến cho những ai học sư phạm. Bạn có nhiều lựa chọn bậc học từ tiểu học cho đến đại học. Nếu không thích giảng dạy ở trường chính quy thì vẫn còn lựa chọn dạy ở các trung tâm hay tự tổ chức dạy thêm tại nhà. Tùy vào bộ môn bạn chọn bạn vẫn có thể rẽ hướng sang con đường khác có áp dụng các kiến thức đã học. Chẳng hạn như bạn học Sư phạm Hóa thì vẫn có thể thử sức với công việc Kỹ sư Hóa hoặc đầu quân vào các công ty thực phẩm nếu cảm thấy không hợp với công việc giảng dạy.
Các ngành ngôn ngữ (Anh, Trung, Nhật, Pháp,…)
Học gì trong ngành:
Đây là ngành học an toàn nhất cho bạn nào thích viết nhưng lại đắn đo không biết có nên theo đuổi 4 ngành trên hay không. Ngành ngôn ngữ an toàn là vì các kiến thức được học không bao giờ lỗi thời và ngoại ngữ luôn là yếu tố quan trọng trong mọi công việc. Ngoài kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ngôn ngữ, bạn sẽ được học thêm những kỹ năng cứng khác để có thể làm việc sau này như dịch nói, dịch viết, viết luận, thuyết trình, vân vân. Ngoài học viết ngoại ngữ thì bạn còn sẽ có cơ hội viết tiếng Việt khá nhiều trong các môn dịch, từ đó vốn tiếng Việt hiện có của bạn cũng tăng cao. Nếu bạn có thể viết thành thạo với ngoại ngữ mình theo học thì chắc chắn thu nhập sẽ không hề nhỏ.
Có thể làm gì sau khi học xong:
Thời đại này có kỹ năng ngoại ngữ trong tay, nhất là các ngoại ngữ hiếm thì bạn có nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Bạn hoàn toàn có thể dấn thân để trở thành phóng viên, chuyên viên marketing, biên kịch hay giáo viên nếu chịu khó học hỏi thêm các kiến thức bổ trợ. Một số lựa chọn phổ biến của dân ngoại ngữ là làm phiên dịch viên, thư ký hoặc trợ lý cho giám đốc công ty nước ngoài hay hướng dẫn viên du lịch. Với vốn liếng ngoại ngữ sẵn có, bạn cũng có thể tiếp tục du học ở đất nước mình muốn.
>> 10 lý do ngành Ngôn ngữ Anh không hề “vô dụng” như bạn nghĩ