Nếu bạn luôn yêu thích việc tính toán và có thể dành cả ngày để “chơi” cùng những con số mà không biết chán, danh sách ngành học dưới đây chính là ngành học lý tưởng, giúp bạn phát huy thế mạnh của mình. Cùng tìm hiểu ngay thôi!
> Tìm kiếm khoá học phù hợp với bạn
Ngành toán học
Học gì trong ngành: Lựa chọn du học dễ thấy nhất dành cho các bạn học sinh, sinh viên giỏi toán là… du học ngành toán học (Mathematics). Toán học được xem là một môn khoa học trừu tượng, nghiên cứu về các khái niệm trong quan hệ không gian và số, bao gồm các dạng hình học, đại số và số học.
Thông thường, các chương trình ngành toán có sự kết hợp giữa toán học thuần túy (lý thuyết và trừu tượng) và toán học ứng dụng (ứng dụng thực tế vào thế giới). Bạn sẽ được trang bị kiến thức về các chủ đề toán học như đại số trừu tượng, giải tích, số phức, phương trình vi phân, hình học, lý thuyết số, xác suất và thống kê.
Học xong có thể làm gì: Sinh viên tốt nghiệp toán học thường được đánh giá cao trong mắt các nhà tuyển dụng bởi ngành học này yêu cầu sinh viên phải mài giũa về kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề và xử lý dữ liệu. Bạn có thể theo đuổi nhiều ngành nghề kinh tế khác nhau như Ngân hàng (Banking), Định giá (Actuarial), Kế toán (Accountant) hay Tài chính (Finance).
Ngoài ra, nếu yêu thích việc nghiên cứu, bạn có thể làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu toán học – tìm tòi và áp dụng các phương pháp toán học mới để tìm ra giải pháp cho các vấn đề, bao gồm các định lý sâu và trừu tượng. Bên cạnh đó, nếu sở hữu khả năng giao tiếp tốt hay ưa thích việc giảng dạy, làm việc với con người, hãy cân nhắc con đường trở thành giảng viên.
Ngành tài chính
Học gì trong ngành: Theo học ngành tài chính, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về cách tài chính đã ảnh hưởng và định hình các hoạt động trong doanh nghiệp, tổ chức như thế nào. Các môn học quan trọng trong ngành tài chính có thể kể đến kế toán, thống kê, phương pháp toán học, kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô và công nghệ thông tin.
Mặc dù nhiều trường đại học trên thế giới không yêu cầu sinh viên có trình độ chuyên môn cụ thể để theo học ngành tài chính, việc sở hữu thành tích học tập tốt (đặc biệt là về toán học) sẽ giúp con đường theo đuổi ngành tài chính của bạn trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.
Học xong có thể làm gì: Ngành học tài chính mở ra nhiều cơ hội việc làm khác nhau cho các bạn sinh viên với mức lương cao. Sinh viên tốt nghiệp có thể lựa chọn làm việc tại các vị trí trong ngân hàng như quản trị rủi ro, định giá, phân tích tài chính, tín dụng ngân hàng, thanh toán quốc tế… Bên cạnh đó, bạn có thể lựa chọn làm việc tại các công ty kế toán, kiểm toán hoặc các bộ phận kế toán, tài chính của bất kỳ doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân nào.
Sau khi đã có thâm niên kinh nghiệm trong nghề, bạn có thể theo đuổi con đường trở thành nhà quản lý tài chính với một số nhiệm vụ chính như giám sát dòng tiền, lập kế hoạch và chiến lược kinh doanh dài hạn, quản lý ngân sách, cung cấp báo cáo tài chính, đảm bảo đáp ứng các quy định tài chính và đánh giá các cơ hội để giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
Khoa học máy tính
Học gì trong ngành: Ngành khoa học máy tính (Computer science) bao gồm việc nghiên cứu một cách có hệ thống các thuật toán để hỗ trợ việc thu nhận, xử lý, lưu trữ, truyền thông và truy cập thông tin. Bạn sẽ được học về các nguyên tắc cơ bản của lập trình máy tính (computer programming) cũng như toán học nền tảng. Cụ thể, bạn sẽ cần thành thạo về toán học rời rạc – một nhánh toán học liên quan đến các đối tượng có giá trị riêng biệt – cũng như thành thạo về tổ chức máy tính, các thuật toán, lập trình và thiết kế phần mềm.
Học xong có thể làm gì: Công nghệ máy tính luôn là ngành học “hot”, đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hiện đại. Bạn có thể theo đuổi cơ hội nghề nghiệp trong rất nhiều ngành nghề, tổ chức khác nhau: tổ chức tài chính, công nghệ thông tin, công ty sản xuất phần mềm, công ty truyền thông, cơ quan chính phủ, trường đại học và bệnh viện.
Các vị trí công việc phổ biến trong ngành có thể kể đến vị trí phân tích (kinh doanh, hệ thống hoặc kỹ thuật), quản trị viên (cơ sở dữ liệu hoặc mạng), các lĩnh vực phát triển khác (như web, trò chơi, hệ thống, sản phẩm, chương trình và phần mềm) hay các vị trí nghiên cứu học thuật về máy tính và các công nghệ liên quan.
Ngành thống kê
Học gì trong ngành: Ngành thống kê đòi hỏi sinh viên phải thành thạo các kỹ năng phức tạp và các phương pháp thu thập thông tin, phân tích dữ liệu tiên tiến. Được giảng dạy trong các khoa toán tại các trường đại học, thống kê có thể được xem là một nhánh của xác suất toán học. Chính vì vậy, một nền tảng vững chắc về toán học là điều cần thiết cho bất cứ ai muốn theo học thống kê. Bên cạnh đó, ngành học này cũng đòi hỏi sự hiểu biết liên quan tới các môn khoa học xã hội như kinh tế, xã hội học, kế toán và tài chính,…
Học xong có thể làm gì: Tuy ngành học này khá phức tạp nhưng nguyên tắc cơ bản của ngành xoay quanh các vấn đề: thu thập và sắp xếp dữ liệu, phân tích dữ liệu và đưa ra diễn giải, kết luận dựa trên quá trình đó. Bạn sẽ được giao nhiệm vụ quản lý, thu thập và sắp xếp dữ liệu bằng các phương pháp khảo sát, thí nghiệm và phân tích theo ngữ cảnh. Sau đó, bạn có thể được yêu cầu tạo báo cáo và tư vấn cho khách hàng , đồng nghiệp về các chiến lược khả thi, ví dụ như đưa ra quyết định tài chính cho các mục tiêu kinh doanh trong tương lai.
Ngành thống kê có tác động đến rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến dược phẩm, từ quảng cáo đến bảo hiểm. Vì thế, bạn có thể lựa chọn theo đuổi nghề nghiệp này trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau: khoa học tính toán, phân tích dữ liệu, khoa học môi trường, nghiên cứu thị trường, y tế và chăm sóc sức khỏe hay làm việc trong các vị trí về thống kê tại các bộ và cơ quan thuộc Chính phủ.
Ngành Kỹ thuật
Học gì trong ngành: Từ robot cho đến hàng không, hay các công nghệ y tế đến thiết kế tòa nhà thông minh, ngành kỹ thuật (engineering) là một lĩnh vực rất rộng lớn và có nhiều chuyên ngành khác nhau cho bạn lựa chọn, tuỳ vào thế mạnh và sở thích của mình. Một số chuyên ngành kỹ thuật phổ biến có thể kể đến:
-
Khoa học vũ trụ (Aerospace Engineering)
-
Kiến trúc (Architecture)
-
Cơ khí Hóa chất và Vật liệu (Chemical and Materials Engineering)
-
Kỹ thuật xây dựng (Civil Engineering)
-
Điện (Electrical Engineering)
-
Cơ khí (Mechanical Engineering)
-
Kỹ thuật y sinh (Biomedical Engineering)
-
Kỹ thuật môi trường (Environmental Engineering)
Để làm việc trong hầu hết các ngành kỹ thuật, bạn cần có kỹ năng toán học và khoa học tốt, tạo tiền đề vững chắc cho việc học các chuyên ngành chuyên sâu sau này.
> Du học ngành kỹ thuật: Học gì, học ở đâu và cơ hội nghề nghiệp
Học xong có thể làm gì: Sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành Kỹ thuật thường được săn đón tại rất nhiều quốc gia trên toàn cầu, bởi ngành học này có vai trò không thể thiếu trong sự phát triển nhiều lĩnh vực của đời sống. Sở hữu một tấm bằng Kỹ thuật, bạn có thể trở thành kỹ sư trong ngành nghề của bạn, hoặc lựa chọn chuyển sang các công việc khác như thiết kế, sản xuất và thử nghiệm các sản phẩm mới.