Bạn nên bỏ ngoài tai khi nghe ai đó bảo chơi game là vô bổ vì sở thích này có thể là dấu hiệu chứng tỏ bạn nên theo đuổi lĩnh vực game, vốn có giá trị lên đến gần 135 triệu USD trong năm 2018 (theo gameindustry.biz). Dưới đây là một số ngành học bạn có thể đăng ký để dấn thân vào công việc sáng tạo game.
Khoa học Máy tính
Học gì trong ngành:
Đây là ngành học nền tảng có độ phủ kiến thức rộng ở mảng lập trình mà game chỉ là một nhánh nhỏ. Chọn học ngành này bạn sẽ không được học chuyên sâu về game nhưng bù lại sẽ được trang bị nhiều kiến thức cơ bản và chủ chốt để có thể theo đuổi nhiều đường hướng khác bên cạnh game trong lĩnh vực công nghệ. Các kỹ năng được học trong ngành có thể kể đến như viết phần mềm, xác định và sữa lỗi phần mềm, quản lý dữ liệu, tìm hiểu trí tuệ nhân tạo,… Ngành này phù hợp với những bạn yêu thích Toán học và suy luận. Một số trường đại học còn có khóa học giảng dạy Khoa học Máy tính định hướng chuyên sâu vào game mà bạn có thể cân nhắc.
Học xong có thể làm gì:
Bạn có thể chọn làm lập trình web, lập trình ứng dụng điện thoại, kỹ sư phần mềm, quản lý hệ thống, quản lý dữ liệu hoặc quản lý dự án công nghệ.
>> Danh sách trường có đào tạo ngành Khoa học Máy tính
Kỹ sư phần mềm
Học gì trong ngành:
Ngành Kỹ sư phần mềm cũng là lựa chọn tối ưu nhất cho những bạn yêu thích game nhưng vẫn muốn có những lựa chọn khác để cân nhắc cho sự nghiệp tương lai. Trong ngành này bạn sẽ được học cách hệ thống phần mềm được tạo ra gồm việc lập trình và các kiến thức cơ bản như mạng lưới và dữ liệu. Nếu bạn thích học những kiến thức có thể áp dụng được ngay vào thực tế công việc thì đây là ngành học phù hợp với bạn.
Học xong có thể làm gì:
Phần mềm đóng vai trò quan trọng trong đời sống nên ngoài làm việc trong mảng game thì bạn còn có thể đầu quan vào những lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, giáo dục và giải trí. Một số vị trí bạn có thể làm như lập trình viên ứng dụng, quản trị viên hệ thống, lập trình game, lập trình web, thiết kế web, kỹ sư phần mềm, tư vấn kỹ thuật, chuyên viên phân tích hệ thống…
>> Các trường có khóa học Kỹ thuật lập trình máy tính
Lập trình và phát triển game
Học gì trong ngành:
Ngành học này sẽ cho bạn biết toàn bộ quá trình sản xuất một tựa game từ giai đoạn lên ý tưởng đến khi hoàn thành. Bạn còn được học thêm về lịch sử của lĩnh vực game. Ngoài các kiến thức về quá trình làm game, bạn sẽ thu nạp thêm các kỹ năng khác như lập trình, kiểm định chất lượng, kể chuyện thu hút và quảng bá sản phẩm.
Học xong có thể làm gì:
Một số công việc bạn có thể làm là nhà sản xuất game, người viết kịch bản cho game, chuyên viên thiết kế game, chuyên viên thiết kế chuyển động, lập trình game,…
Sản xuất âm thanh
Học gì trong ngành:
Âm nhạc là yếu tố không thể thiếu trong game nên nếu bạn yêu nhạc mà không giỏi tính toán hay lập trình vẫn có thể chọn học ngành này để làm việc trong lĩnh vực game. Bạn không chỉ được học kiến thức về lịch sử âm nhạc mà còn được trau dồi kỹ năng phối khí và sản xuất âm thanh để ứng dụng cho các tựa game.
Học xong có thể làm gì:
Các công việc bạn có thể làm sau khi học ngành này là kỹ thuật viên âm thanh, nhà sản xuất âm nhạc, chuyên viên phối khí, kỹ thuật viên phát thanh, biên tập viên âm thanh và nhiều vị trí khác.
>> Các trường có khóa học Kỹ thuật âm thanh
Chuyển động kỹ thuật số
Học gì trong ngành:
Chuyển động (Animation) là yếu tố không thể thiếu của bất kỳ loại game nào. Chương trình học này sẽ đào tạo các kiến thức liên quan đến tạo hình 3D và thiết kế chuyển động để bạn có thể áp dụng không chỉ cho các nhân vật trong game mà còn trong các video quảng cáo, chương trình truyền hình và vô số sản phẩm hình ảnh khác.
Học xong có thể làm gì:
Trong lĩnh vực game thì bạn có thể làm họa sĩ minh họa, nghệ sĩ kỹ xảo, chuyên viên chuyển động, thiết kế game,… còn trong các lĩnh vực khác bạn có thể đảm đương các vị trí như đạo diễn phim hay đạo diễn hình ảnh.
>> Các trường đào tạo ngành Chuyển động kỹ thuật số
Thiết kế game
Học gì trong ngành:
Ngành học này sẽ không tập trung vào mảng kỹ thuật của game mà lại chú trọng vào khía cạnh nghệ thuật với các kỹ năng như viết lách và vẽ vời. Bạn sẽ được học cách sáng tạo nên câu chuyện trong game để thu hút người chơi. Bên cạnh đó bạn sẽ biết cách tạo hình nhân vật, dựng 3D, thiết kế chuyển động. Ngành học cũng đào tạo bạn các kỹ năng để thiết kế giao diện game sao cho bắt mắt và sinh động.
Học xong có thể làm gì:
Các vị trí như nghệ sĩ vẽ cảnh vật, nghệ sĩ dựng 3D, nghệ sĩ thiết kế nhân vật, chuyên viên tạo chuyển động, nghệ sĩ tạo hình, nghệ sĩ kỹ xảo,… sẽ là những lựa chọn tiềm năng cho bạn sau khi hoàn tất ngành học này.
>> Các trường có khóa học Thiết kế game
Tạm kết
Tương tự như phim ảnh, game là một lĩnh vực đòi hỏi nhiều khâu sản xuất khác nhau nên bạn có nhiều hơn một lựa chọn về ngành nghề để có thể góp công sức vào việc sáng tạo game. Mỗi ngành học kể trên hầu như đều trang bị cho bạn những kiến thức nền tảng cơ bản để có thể áp dụng cho mảng khác trong cùng lĩnh vực nên bạn không nhất thiết phải quá cân đo đong đếm trong việc chọn ngành nào là tốt nhất cho sự nghiệp làm game. Nếu làm game là ước mơ của bạn thì học ngành nào cũng sẽ là bước đệm quan trọng để bạn tiếp tục học hỏi và theo đuổi sự nghiệp.