Scrum Master nghe có vẻ như tên của nhân vật trong trò chơi nhập vai nào đó nhưng thực tế thì đây là vị trí quản lý của một dự án. Hãy cùng Huongnghiepcdm.edu.vn tìm hiểu scrum master là gì, vai trò và trách nhiệm của một scrum master cũng như làm thế nào để dấn thân vào công việc này nhé!
Scrum Master là gì?
Trước tiên, “Scrum” chỉ đơn giản là tên gọi của một hình thức dùng để triển khai các dự án có mức độ phức tạp cao, thường thấy trong lĩnh vực phần mềm. Cụ thể hơn, hình thức Scrum sẽ chia nhỏ dự án thành nhiều giai đoạn để dễ theo dõi, quản lý và cải thiện chất lượng sản phẩm một cách liên tục. Từ định nghĩa đó, bạn có thể hiểu Scrum Master là vị trí quản lý cho hình thức phát triển dự án đặc thù này. Scrum Master sẽ trực tiếp làm việc với mọi bên liên quan trong việc phát triển sản phẩm như đội ngũ phần mềm, khách hàng và chủ đầu tư.
Đọc tới đây có lẽ bạn đang thắc mắc Scrum Master có gì khác so với vị trí Project Manager mà mọi người thường biết. Xét về cấp độ công việc, Project Manager có vị trí cao hơn vì Scrum Master chỉ tập trung quản lý phần phát triển sản phẩm. Trong khi đó, Project Manager sẽ có trách nhiệm về nhiều khía cạnh hơn như quản lý ngân sách, đảm bảo đầu ra hay quảng bá sản phẩm.
Scrum Master làm gì?
Ngoài lĩnh vực phần mềm, Scrum Master còn có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực nên nhiệm vụ và trách nhiệm có thể khác nhau ở từng công ty. Nhưng nhìn chung một số đầu việc mà Scrum Master phải làm hàng ngày như:
-
Điều phối cuộc họp liên quan đến dự án
-
Giải quyết, hỗ trợ sớm nhất có thể khi các thành viên gặp vấn đề trong giai đoạn làm việc
-
Huấn luyện nhóm về các nguyên tắc scrum và thực hành
-
Tạo điều kiện thuận lợi cho các thảo luận cởi mở
-
Chủ động xác định và giải quyết các vấn đề
-
Theo dõi và cập nhật tiến trình dự án
-
Đánh giá hiệu suất công việc của nhóm
-
Đánh giá năng lực của từng thành viên sau khi kết thúc mỗi giai đoạn phát triển
-
Đề ra phương hướng cải thiện hiệu quả công việc trong các giai đoạn tiếp theo
Trở thành Scrum Master cần có những kỹ năng gì?
Dù mới bắt đầu hay đang thăng tiến trong sự nghiệp của mình, việc xây dựng những kỹ năng này sẽ giúp bạn phát huy khả năng tốt nhất để giữ vị trí Scrum Master:
-
Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp bạn điều hướng các dự án phức tạp
-
Kỹ năng lên kế hoạch nhanh chóng, thông minh và hiệu quả
-
Khả năng thích ứng cho phép bạn thực hiện các thay đổi khi cần thiết để đạt được kết quả tốt nhất
-
Kỹ năng truyền lửa giúp thành viên nhóm đạt được năng suất tốt nhất
-
Kỹ năng giao tiếp giúp bạn trao đổi thông tin hiệu quả với các thành viên trong nhóm và các bên liên quan
-
Kỹ năng tổ chức giúp bạn quản lý nhiều nhiệm vụ, cuộc họp, nguồn lực dựa trên mức độ ưu tiên
-
Tinh thần phản tư và học hỏi cao để thường xuyên cải tiến và củng cố dự án hoạt động trơn tru
Bên cạnh đó, điều quan trọng là thành thạo kiến thức chuyên ngành, ở đây cụ thể là kiến thức về Scrum, mô hình Agile và những thuật ngữ chuyên ngành chỉ sử dụng trong nghề này, chẳng hạn như: Sprint, User story, Product backlog. Ví dụ như bạn làm việc trong lĩnh vực phần mềm thì phải biết các hoạt động trong lập trình nói chung thì mới có được tiếng nói trong việc điều phối và tiếp thu được nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ đồng đội kịp thời. Ngoài ra, cố gắng trang bị kiến thức về kinh doanh sẽ giúp ích cho bạn trong công việc vì sản phẩm nào làm ra cũng phải có giá trị thương mại.
Học gì để trở thành Scrum Master?
Yếu tố học vấn và bằng cấp
Hầu hết các công ty đều ưu tiên các ứng viên có bằng cử nhân. Ngành học gì sẽ được ưu tiên sẽ tùy vào từng công ty cũng như dự án nên tốt nhất bạn vẫn nên chọn học lĩnh vực mình yêu thích.
Tuy nhiên, những lĩnh vực hàng đầu đang săn đón nhân lực trong vai trò Scrum Master mà bạn nên cân nhắc là:
-
Công nghệ thông tin
-
Logistics và chuỗi quản lý cung ứng
-
Tài chính ngân hàng
Thi lấy chứng nhận Scrum
Chứng chỉ ngành là một cách tuyệt vời để chứng minh kiến thức của bạn đối với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Các lựa chọn phổ biến nhất là Certified ScrumMaster (CSM) từ Scrum Alliance. Trước khi chuẩn bị cho kỳ thi lấy chứng chỉ, bạn có thể bắt đầu xây dựng các kỹ năng thực tế để giúp bạn lãnh đạo nhóm thành công.
Tại sao nên thử sức với vị trí Scrum Master?
Scrum Master là vị trí lãnh đạo nên tất nhiên bạn sẽ được đối mặt với nhiều thử thách cũng như được đóng góp công sức trong sự thành công của công ty. Bạn có cơ hội phát triển các sản phẩm có giá trị tích cực đến thế giới xung quanh, chẳng hạn như dự án tạo ra sản phẩm robot giúp việc thông minh.
Ngoài ra, mức lương và triển vọng công việc của nghề Scrum Master hiện đang được đánh giá cao. Theo báo cáo Most Promising Jobs của LinkedIn 2019, Scrum Master kiếm được mức lương cơ bản trung bình là 103.000 USD/năm với nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp qua từng năm.
>> Đọc thêm: Business Analyst (BA) là gì? Học gì để trở thành một BA thực thụ?
*Bài viết được đóng góp và chỉnh sửa bởi Do An Khang.
Bài viết được chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 9/5/2022.