Marketing là một ngành nghề năng động và luôn đòi hỏi sự cải tiến, thay đổi không ngừng, đơn giản là vì… khách hàng luôn có những nhu cầu khác nhau cũng như hành vi, tâm lý của con người cũng không ngừng thay đổi. Chính vì thế, Marketing là một “vũ khí lợi hại” đối với bất cứ một tổ chức, doanh nghiệp nào, bởi nó giúp chúng ta thấu hiểu và đáp ứng mong muốn của khách hàng. Trong bài viết này, cùng Huongnghiepcdm.edu.vn tìm hiểu về quá trình “lớn lên” của ngành Marketing cũng như những xu hướng phát triển của ngành trong tương lai.
> Tất tần tật mọi điều cần biết nếu bạn dự định du học ngành Marketing
> Tìm kiếm các khóa học Marketing
> Tổng hợp học bổng ngành Marketing
Trước năm 1900
Trước những năm 1900, hàng hóa thường được sản xuất thủ công với số lượng nhỏ, dẫn đến sự ra đời của hình thức marketing truyền miệng (word of mouth – WOM). Mọi người bắt đầu giới thiệu sản phẩm, hàng hoá tốt cho nhau. Những người có kinh nghiệm và hiểu biết thường được tin tưởng và được mọi người tham khảo ý kiến khi họ chọn mua hàng hoá. Đây chính là hình thức cơ bản nhất của influencer marketing – những người có ảnh hưởng, có tiếng nói giúp cho sản phẩm của một nhãn hàng nào đó được tiêu thụ và bán tốt hơn. Dần dần, khi việc sản xuất hàng loạt được thiết lập, lượng cung hàng hóa trở nên nhiều hơn, các đơn vị sản xuất bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để bán được nhiều sản phẩm, hàng hóa hơn nữa. Đây chính là lý do ngành marketing mà chúng ta biết đến ra đời.
Đầu những năm 1900
Vào năm 1904, đại học Pennsylvania cung cấp khóa học “Tiếp thị sản phẩm” và thuật ngữ marketing chính thức ra đời. Vào thời điểm này, các ngành công nghiệp đều tập trung vào việc gia tăng sản xuất, khái niệm marketing chỉ được hiểu là việc phân phối sản phẩm hiệu quả đến tay người tiêu dùng.
Đây cũng được xem là kỷ nguyên của Marketing lấy sản phẩm làm trung tâm, được đánh dấu bằng câu nói rất nổi tiếng của Henry Ford: “They can have any color they want as long as it’s black.” (Khách hàng có thể mua xe được sơn với bất kỳ màu gì, miễn là nó có màu đen). Những nỗ lực marketing trong thời kỳ này tập trung vào việc thúc đẩy việc bán ra thị trường những sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất, thay vì thật sự quan tâm đến mong muốn và nhu cầu của khách hàng.
1930
Vào những năm 1920, sự ra đời của radio làm tăng khả năng tiếp cận tới khách hàng của các đơn vị quảng cáo, các ý tưởng tiếp thị bắt đầu được thiết lập để ứng dụng vào kênh truyền thông radio. Mọi nỗ lực marketing vào thời điểm này tập trung vào việc truyền thông để khách hàng biết rằng sản phẩm đang tồn tại.
1950
Sự xuất hiện của TV vào những năm 1941 và sự gia tăng sử dụng điện thoại những thập niên 40, 50 là chất xúc tác quan trọng cho những ý tưởng marketing. Người dùng trở nên càng thông thái hơn, kèm theo việc ứng dụng những công nghệ truyền thông mới vào marketing. Khái niệm Marketing Mix 4P lần đầu tiên xuất hiện trong giai đoạn này, bao gồm Product (sản phẩm), Price (giá), Place (phân phối) và Promotion (xúc tiến thương mại/ quảng bá).
1980
Marketing bắt đầu được cá nhân hóa khởi nguồn vào những năm 89, khi các chuyên gia marketing coi việc bán hàng là xây dựng mối quan hệ và giữ chân khách hàng thay vì những giao dịch 1 lần. Khái niệm Quản lý quan hệ khách hàng (customer relationship management – CRM) cũng trở thành một trong những công cụ mạnh mẽ được sử dụng trong marketing, khi việc tương tác với khách hàng tiềm năng được theo dõi và nghiên cứu, để tiếp tục biến khách hàng tiềm năng thành người mua.
Một khái niệm marketing đáng chú ý trong những năm 80 là tiếp thị du kích (guerrilla marketing) – một chiến lược quảng cáo tập trung vào chiến thuật Marketing độc đáo với chi phí thấp, mang lại kết quả tối đa. Thuật ngữ Marketing du kích được lấy cảm hứng từ chiến tranh du kích – một dạng chiến tranh bất thường và liên quan đến chiến lược chiến thuật nhỏ.
1990
Internet ra đời đã thay đổi cách thức con người giao tiếp và tìm hiểu thông tin. Chính vì thế, các chuyên gia marketing cũng nhanh chóng bắt tay vào thử nghiệm những ý tưởng tiếp thị mới trên Internet. Thuật ngữ Digital Marketing được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1990, khi việc sử dụng Internet ngày càng trở nên phổ biến. Một ý tưởng tiếp thị thông minh hơn được sinh ra trong thập kỷ này là SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) – cố gắng xếp hạng sản phẩm hoặc dịch vụ ở đầu kết quả tìm kiếm của Google hoặc Yahoo.
> Du học chuyên ngành Digital Marketing
2000
Sự ra đời của mạng xã hội đánh dấu một cột mốc quan trọng của marketing. Internet trở nên cá nhân hóa hơn bao giờ hết, và khách hàng có quyền truy cập và chia sẻ thông tin, liên lạc một cách hoàn toàn khác. Giờ đây, những chuyên gia marketing phải thay đổi chiến lược và cách tiếp cận của họ để tiếp cận những khách hàng đang hiện diện trên mạng xã hội.
2010
Internet trở thành con dao 2 lưỡi đối với các nhà tiếp thị, bởi một mặt nó cho phép doanh nghiệp tiếp cận và tìm hiểu thông tin về người dùng tiềm năng, mặt khác nó cũng cho phép người dùng chọn lọc và chặn quảng cáo nếu họ không muốn nhìn thấy chúng, cũng như so sánh các sản phẩm và mua sắm trực tuyến như cách họ chưa thể làm trước đây. Giờ đây, doanh nghiệp cần thực sự quan tâm tới nhu cầu và mong muốn của khách hàng, đồng thời xây dựng mối quan hệ tin tưởng với khách hàng nếu doanh nghiệp muốn trở nên nổi bật trong thị trường đầy sự cạnh tranh.
Chính điều này đã khiến ngành marketing thay đổi từ trường phái Outbound marketing sang Inbound marketing – hình thức marketing dựa trên giá trị. Thay vì “làm phiền” khách hàng bằng những email, tin nhắn quảng cáo mà không quan tâm xem họ có cần đến chúng hay không, inbound marketing giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng bằng cách thu hút họ với những nội dung hữu ích, có giá trị cho khách hàng đồng thời đem đến chất lượng dịch vụ tuyệt vời.
Tương lai ngành Marketing
Trong thời đại 4.0, digital marketing chính là một trong những nền tảng quan trọng nhất và không thể thiếu trong marketing, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng hiệu quả và chính xác. Cùng điểm qua một số xu hướng marketing thịnh hành trong tương lai nhé!
Các công cụ trợ lý ảo
Chúng ta đã có rất nhiều trợ lý kỹ thuật số thông minh như Apple Siri, Google Assistant, Amazon Echo,… hỗ trợ khách hàng bằng giọng nói. Bên cạnh đó, việc sử dụng các công cụ chatbot tự động trả lời tin nhắn khách hàng, giúp doanh nghiệp tư vấn và chốt đơn hàng với khách hàng theo kịch bản tự động cũng giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Theo một nghiên cứu kết hợp giữa Drift, SurveyMonkey, Audience, Salesforce và myclever, những lợi ích hàng đầu của chatbot có thể kể đến việc phục vụ 24/7 (64%), trả lời ngay lập tức cho các câu hỏi (55%) và trả lời cho các câu hỏi đơn giản (55%).
Influencer marketing
Đây là một hình thức marketing sử dụng những influencer (tạm dịch là người ảnh hưởng) để gửi thông điệp của nhãn hàng đến thị trường. Trong thời kỳ cạnh tranh với hàng loạt hàng hóa như hiện nay, hình thức marketing truyền miệng này thường được tin tưởng hơn những quảng cáo bởi doanh nghiệp. Theo nghiên cứu từ Ad Age, 63% người tiêu dùng tin tưởng vào ý kiến của những người nổi tiếng hơn là những gì mà thương hiệu tự nói về mình trên những kênh truyền thông.
Marketing cá nhân hóa
Nếu doanh nghiệp của bạn muốn trở nên nổi bật trong thời đại hiện nay, xu hướng cá nhân hóa và khác biệt trong thông điệp truyền thông là xu hướng tất yếu. Dựa trên các số liệu phân tích (về nhân khẩu học, nền tảng và hành vi…) về khách hàng, doanh nghiệp có thể đưa ra thông điệp chọn lọc, cá nhân hóa tới từng khách hàng thông qua nhiều kênh khác nhau như cá nhân hóa về nội dung truyền thông, email, sản phẩm,….