Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ thầy giáo ‘thần tượng’ của trường đại học Ngoại Thương (Hà Nội) – thầy Hoàng Anh Duy mà Hotcourses Việt Nam đã có dịp giới thiệu lần trước trong bài viết chia sẻ về kinh nghiệm săn học bổng du học của thầy. Lần này, Hotcourses Việt Nam có cơ hội trò chuyện với thầy Duy kỹ hơn về kinh nghiệm luyện tiếng Anh trước và trong khi đi du học, từ đó nâng cao kỹ năng hòa nhập với môi trường mới.
Chào thầy, cám ơn thầy đã đồng ý trả lời phỏng vấn với Huongnghiepcdm.edu.vn. Lần này, HCVN mong được trao đổi với thầy về các bí quyết rèn luyện khả năng tiếng Anh trước và sau khi đi du học.
Về việc chuẩn bị trước khi lên đường
Thầy Hoàng Anh Duy những ngày du học đầu tiên tại Anh
Q: Trước khi lên đường du học, trình độ tiếng Anh của thầy ở ngưỡng nào? Thầy đã lên kế hoạch ôn luyện tiếng Anh bao nhiêu lâu trước khi lên đường du học?
A: Trước khi đi du học, mình đơn thuần chỉ dùng tiếng Anh ở mức giao tiếp bình thường nhưng thú thực là còn thiếu tự tin và chưa dám chủ động trò chuyện với người nước ngoài, nhất là nói chuyện qua điện thoại; về kỹ năng đọc thì mới chỉ đọc các quyển sách và hiểu những phần đơn giản nhất và rất hiếm khi dùng đến kỹ năng viết.
Việc học tiếng Anh, theo mình là cả 1 quá trình và nó cần liên tục nếu không sẽ bị xao nhãng và quên nhanh. Vì vậy, thực sự là mình học tiếng Anh từ cấp 1 đến giờ, học trên lớp có, tự học có và miệt mài ở 1 số trung tâm tiếng Anh cũng có. Nhưng thực sự chú tâm ôn luyện có đầu tư và ở mức độ tập trung từ năm thứ 4 bởi vì đây là thời điểm quan trọng khi mình sắp ra trường. Nếu đi du học hoặc thi vào một tập đoàn, công ty nào đó thì khả năng tiếng Anh là rất cần thiết. Sau khi ra trường, mục tiêu của mình là học MBA, mà chương trình này yêu cầu có ít nhất 2 năm kinh nghiệm và như vậy 2 năm vừa đi làm và ôn luyện tiếp tục với mình.
>> Bí quyết học tiếng Anh cấp tốc chuẩn bị đi du học
Q: Loại bài thì tiếng nào đã được thầy lựa chọn và tại sao?
A: Mình đã quyết định chọn học Master tại trường ĐH Leicester, Anh quốc khoảng gần 1 năm trước khi mình đi du học và yêu cầu đầu vào của trường cũng giống nhiều trường khác là IELTS phải tối thiểu 6.5 và không có kỹ năng nào dưới 6.0. Và công cuộc luyện thi IELTS bắt đầu, mục tiêu là ít nhất 6.5.
Ngoài việc tham gia giảng dạy tại ĐH Ngoại Thương (Hà Nội), thầy cũng là một người dẫn chương trình rất được yêu mến trên sóng truyền hình và các sự kiện lớn
Q: Trong quá trình ôn thi, thầy đã sử dụng những nguồn tài liệu tham khảo nào?
A: Có rất nhiều nguồn tài liệu, nhưng cũng chính vì thế mà mình thấy khá hoang mang vì không biết tài liệu nào hiệu quả và nên học. Vì thế, việc đầu tiên mình làm là hỏi các anh chị hoặc các bạn đã thi hoặc đang ôn thi IELTS cùng thời điểm với mình. Cách này rất hay vì người thật việc thật.
Sau khi nhận được lời khuyên hữu ích từ họ, mình đã mua các quyển bài thi IELTS Cambridge về làm và tự luyện tập ở nhà. Thêm vào đó, mình có tham khảo một số Tips trong làm bài thi IELTS từ các anh chị đã thi và có được chia sẻ trên một số webs và forums để áp dụng.
Q: Phương pháp trong việc học ngoại ngữ rất quan trọng, thầy có một cách học hiệu quả nào có thể chia sẻ với các bạn sinh viên không? Để nâng cao khả năng nghe-nói, thầy đã làm thế nào để tạo ra cơ hội thực hành cho mình?
A: Phương pháp học thì có thể sẽ hiệu quả khác nhau tùy từng người, nhưng phương pháp học hiệu quả theo mình phải tùy theo cả các kỹ năng. Ví dụ với kỹ năng đọc, thì cần đọc nhiều các bài viêt, bài báo, sách tiếng Anh để thấy cách viết và truyền tải ý tưởng trong văn phong nước ngoài, qua đó nắm được ý chính và logic. Từ đó, cũng có thể học hỏi để áp dụng vào kỹ năng viết để có cấu trúc, văn phong tốt, từ/cụm từ hay và đắt.
Riêng kỹ năng nghe và nói thì lúc đầu, đây là 2 kỹ năng mà mình kém nhất vì mình sợ nói chuyện với người nước ngoài, sợ nói sai, sợ không hiểu họ nói gì và xấu hổ. Vì thế, nếu không nghe người nước ngoài nói bằng accent và intonation của họ thì chắc khó mà nâng cao được kỹ năng này. Rất may mắn cho mình là vào thời điểm đó, mình nhận lời dẫn chương trình Chuyện phiếm với người nước ngoài của Đài truyền hình HN. Khi làm việc và biên tập nội dung talkshow này thì cần phải trao đổi bằng tiếng Anh với các bạn đến từ nhiều nước khác nhau, họ đều nói được tiếng Anh tốt nên từ cảm giác ái ngại, xấu hổ, từ áp lực của chương trình mà mình đã dần dần tự tin, chủ động trò chuyện, trao đổi với họ nên nghe và nói quen dần và khá lên. Sau này, những lúc rảnh còn bật BBC và vào youtube cứ bật các đoạn tin, bài họ nói tiếng Anh lên nghe, không hiểu lắm cũng nghe cho quen tai. 🙂
>> Luyện tiếng Anh với BBC Learning English
Thầy Duy cùng các đồng nghiệp tại trường Ngoại Thương
Vấn đề tăng cường khả năng tiếng trong khi du học
Q: Khi sang đến quốc gia mà tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa, thầy có gặp những trở ngại ban đầu trong việc hiểu bài hay không? Có kỉ niệm “sốc tiếng Anh” nào mà thầy vẫn còn nhớ mãi?
A: Mình sang Anh muộn nên vào học luôn. Chính vì vậy mà ngay buổi học đầu tiên vào lớp đã hoang mang tột độ. Thầy giáo nói rất nhanh và nhiều nội dung rất khó, mình không theo được. Khi thầy giáo có kể chuyện vui gì đó, hầu hết cả lớp đều hiểu và cười vang, mình thì chẳng hiểu gì và không hiểu sao họ lại cười. Lúc đấy thấy lạc lõng ghê.
Vì vậy, kinh nghiệm là các bạn đừng nên sang muộn, nên đên đó sớm để làm quen với môi trường, quen cách nói và tốc độ nói, khẩu ngữ của người sống bên đó thì đến khi bắt đầu học sẽ không bị bỡ ngỡ như mình.
>> “Nhập môn” tiếng lóng cho du học sinh Vương quốc Anh
>> Những lưu ý về việc bắt chuyện với bạn mới khi đi du học
Q: Thầy cảm nhận có sự khác biệt nào giữa tiếng Anh lý thuyết và thực tế hay không?
A: Tất nhiên là cũng có 1 số điểm khác biệt tùy từng nơi và từng người mà bạn tiếp xúc. Ví dụ như thực tế nhiều người bên ngoài họ nói rất nhanh hoặc rất khó nghe, chứ không vừa phải hoặc phát âm chuẩn mực như trong các đoạn băng mà mình nghe khi ôn luyện thi. Rồi có nhiều từ đặc biệt mà ở Anh họ nói nuốt âm, nhiều âm câm, như tên thành phố mình ở Leicester (đọc thành Les’tơ), hay Norwick (đọc thành Norick)…
>> Tự luyện IELTS với 0 đồng học phí
Q: Bản thân thầy đã làm thế nào để tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh khi đi du học?
A: Lúc đầu mình thấy tự ti, nhưng nếu cứ mãi như thế thì học không hiểu gì và phí phạm thời gian học ở đây. Vì thế, động lực quyết tâm thay đổi được thôi thúc mạnh mẽ. Trên lớp, không ngồi 1 mình góc lớp nữa và chủ động làm quen và ngồi cạnh các bạn, có những người bản xứ hoặc đến từ nước nói tiếng Anh, có bạn tiếng Anh rất tốt vì sang đây đã lâu,… không hiểu bài, không theo kịp có thể hỏi các bạn. Riêng việc trò chuyện cũng có thể làm mình luyện nghe nói rất nhiều. Giờ nghỉ giải lao hoặc sau giờ học, có thể chủ động hỏi hoặc nhờ thầy cô giải đáp. Ngoài giờ học, mình chịu khó đi đến các khu thăm quan, khu mua sắm, khu chợ để hòa nhập vào cuộc sống ở đây, biết cách giao tiếp trong cuộc sống thường ngày của những người ở đây. Rồi tham gia các hoạt động của Hội sinh viên, cafe hoặc party với các bạn trong lớp. Đây là những bài học mà có khi trên lớp ta không thể biêt hết được.
>> 5 ghi nhớ để thực sự tận hưởng cuộc sống du học
Q: Sự đầu tư của thầy trong việc tăng cường khả năng tiếng Anh có sự khác biệt giữa hai thời điểm trước và trong khi du học hay không?
A: Khác biệt lớn nhất nằm ở sự quyết tâm và động lực. Bây giờ giống như mình leo lên lưng hổ rồi, không quyết tâm không được vì mình đang sống, đang học tập ở đây mà. Không thay đổi thì không hiểu gì, không học được, không sống tốt được. Nhưng cũng chính môi trường lại mang lại cho mình cơ hội tốt nhất để thay đổi. Quanh mình toàn người nói tiếng Anh, thầy cô, bạn bè, hàng xóm, người bán hàng,… Nên sự tăng cường là điều tất yếu. Chưa kể đến lúc nộp assignments, presentations, rồi kỳ thi đến, việc học, đọc, trao đổi, làm việc nhóm lên cao hơn lúc nào hết.
Và rồi cứ thế, mình quen với nó lúc nào không hay. Đến khi về lại bồi hồi, lại nao nao cũng nên.
Q: Cuối cùng, xin mời thầy chia sẻ những lời khuyên hữu ích cho việc rèn luyện tiếng Anh cho các sinh viên Việt Nam đang có kế hoạch đi du học?
A: Cơ hội đang đến với các bạn đấy! Hãy nắm lấy nó và tận dụng tốt nó! Việc học tiếng Anh là cả 1 quá trình nên các bạn hãy chuẩn bị từ bây giờ, đừng ngắt quãng. Hãy đặt cho mình mục tiêu rõ ràng và chủ động luyện tập, giao tiếp để tăng cường cả khả năng nghe nói với các giọng bản xứ, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước. Bây giờ chúng ta cũng may măn vì có những kinh nghiệm hiệu quả mà nhiều người chia sẻ, những websites có uy tín và đáng tin cậy. Chắc chắn các bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị với cuộc sống của du học sinh và chắc chắn sẽ có 1 môi trường tốt để nâng cao hiệu quả khả năng tiếng Anh của bạn. Chúc các bạn thành công!
>> “Thầy giáo thần tượng” trường Ngoại thương: Săn học bổng là cả một quá trình
>> Gợi ý chọn trường du học Anh
Hotcourses Việt Nam xin cám ơn và chúc thầy mọi điều tốt lành!