Ngày nay, thuật ngữ QA kiểm định chất lượng không còn quá xa lạ, đặc biệt đối với những bạn đang làm hoặc đang tìm hiểu về ngành Công nghệ thông tin. Nhưng liệu bạn đã hiểu hết về ngành nghề này chưa? Bộ phận QA là gì? QA làm gì? Để tìm câu trả lời chi tiết và rõ ràng nhất cho những thắc mắc này, đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!
QA viết tắt của từ gì? Bộ phận QA là gì?
Viết tắt của Quality Assurance, QA bao gồm những hoạt động giám sát, theo dõi và quản lý để đảm bảo quy trình phát triển sản phẩm được thực hiện theo 1 chuẩn nhất định. Nói cách khác, bộ phận QA sẽ định ra các quy trình, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá sát sao, và thay đổi nếu cần thiết để đảm bảo các quy trình được thực hiện đúng và đạt yêu cầu.
QA kiểm định chất lượng cần học gì?
Với tính chất của của công việc QA, một số ngành học sau đây có thể giúp ích bạn rất nhiều trong con đường sự nghiệp sau này:
-
Ngành Quản lý chất lượng: Ngành học này sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành như: quản trị chất lượng; kỹ thuật quản trị chất lượng; hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn; quản trị công nghệ; quản trị sản xuất; quản trị dự án; thiết kế hệ thống chất lượng; đo lường chất lượng;… Từ đó, bạn có thể đảm nhận các công việc liên quan đến lập kế hoạch, phân bổ và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của Công ty.
-
Ngành Công nghệ thông tin: Với ngành học này, bạn sẽ được đào tạo về các kiến thức cơ bản trong IT và lập trình (ngôn ngữ lập trình, hệ thống phần mềm, các công cụ hỗ trợ QA,…). Nhờ thế, các bạn sinh viên tốt nghiệp Công nghệ thông tin có thể dễ dàng theo đuổi công việc kiểm định chất lượng và làm tốt trong nhiều dự án khác nhau.
-
Các chuyên ngành về lĩnh vực bạn đang theo đuổi: Cụ thể, nếu bạn có dự định sau này sẽ làm QA tại các ngân hàng, bạn có thể theo học ngành tài chính để được trang bị các kiến thức cơ bản về ngân hàng và tài chính. Tương tự, nếu yêu thích công việc trong lĩnh vực vận tải, ngành học Logistics có thể là một sự lựa chọn tốt cho con đường làm nghề QA sau này của bạn.
> Du học ngành Quản lý chất lượng
QA làm gì?
Công việc QA hàng ngày phải làm bao gồm những đầu việc chính sau:
-
Đề xuất, đưa ra quy trình phát triển sản phẩm để phù hợp với từng dự án.
-
Đưa ra những tài liệu hướng dẫn cho cả team để cùng thống nhất mục tiêu, đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
-
Kiểm tra, audit việc thực thi quy trình xem các bộ phận có thực hiện theo đúng quy trình đã đề ra hay không.
-
Nhắc nhở đội ngũ developers thực hiện đúng quy trình.
-
Theo dõi và điều chỉnh quy trình phù hợp với từng yêu cầu.
> QC là gì? Học ngành gì phù hợp để trở thành một QC?
Trở thành QA cần có những kỹ năng gì?
Để hoàn thành tốt công việc QA kiểm định chất lượng, bên cạnh các kiến thức chuyên môn, bạn cần trau dồi một số kỹ năng mềm sau đây:
-
Hiểu rõ về CMMI, ISO,… trong phần mềm để xây dựng chuẩn quy trình cho team.
-
Kỹ năng tổ chức, logic và có hệ thống để xây dựng quy trình hợp lý, vạch ra được các kế hoạch và phân chia nhiệm vụ cho từng phòng ban.
-
Kỹ năng giao tiếp tốt để truyền đạt thông tin hiệu quả giữa nội bộ trong team.
-
Kỹ năng quản lý thời gian giúp nhân viên QA dễ dàng giám sát và theo dõi tiến độ công việc.
Tại sao nên thử sức với vị trí nhân viên quản lý chất lượng?
Nhân viên quản lý chất lượng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp. Từ doanh nghiệp công nghệ, đào tạo, sản xuất, vận tải, ngân hàng,… loại hình nào cũng cần có bộ phận QA. Vậy nên, có thể nói, cơ hội nghề nghiệp của nghề này hiện nay đang rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế phát triển và sự mở cửa hội nhập, sự tăng nhanh của các doanh nghiệp nước ngoài thì nhu cầu này càng lớn hơn nữa.
Bên cạnh cơ hội nghề nghiệp rộng mở, nghề nghiệp này cho phép bạn được tiếp xúc với nhiều người và nhiều bộ phận khác, từ đó mở rộng nhiều mối quan hệ cho bản thân. Hơn nữa, tùy thuộc vào năng lực và quy mô công ty, một nhân viên QA có thể nhận mức lương lên đến 25 triệu.