Planner là vị trí khá đa dạng, có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, Planner được miêu tả tập trung trong ngành Marketing. Được ví như “hoa tiêu” cho những chiến dịch quảng cáo, planner đặc biệt cần có những yếu tố và khả năng phù hợp. Vậy Planner là gì? Học gì để trở thành Planner trong lĩnh vực truyền thông? Cùng Huongnghiepcdm.edu.vn giải đáp các thắc mắc về công việc này qua bài viết sau đây nhé.
Planner là gì?
Planner, gọi nôm na là “người lập kế hoạch”, là người sắp xếp và lên kế hoạch cho dự án, chiến lược quảng cáo hay một vấn đề thuộc phạm vi công việc của mình. Marketing là lĩnh vực cần nhiều nhân lực cho vị trí này nhất, bởi những bản kế hoạch cần được thiết kế một cách rõ ràng, chi tiết và có tính khả thi cao.
Cụ thể, Planner định hướng và kết nối những hành động cần triển khai để dự án có thể thực hiện hóa, đưa quảng cáo gần với người tiêu dùng hơn, thu nhỏ khoảng cách giữa sáng tạo và chiến lược, giúp chiến dịch truyền thông trở nên hiệu quả và thành công.
Planner nên bắt đầu với vị trí nào?
Trước khi trở thành một planner thì ban đầu, bạn thường phải xuất phát ở vị trí cơ bản hơn trong tổ chức hay các công ty truyền thông để đúc kết kinh nghiệm, kiến thức ngành. Với các vị trí sau đây, bạn sẽ có một nền tảng khá tốt để chuyển sang làm Planner:
-
Account executive: công việc là mắt xích quan trọng giữa doanh nghiệp và các khách hàng. Làm account yêu cầu bạn biết phân tích và hiểu nhu cầu thực sự của khách hàng, từ đó điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp với yêu cầu.
-
Copywriting: công việc mang tính sáng tạo, khả năng thuyết phục thông qua con chữ cũng như sự thấu cảm tâm lý khách hàng và nền tảng của quảng cáo.
-
Market research – Nghiên cứu thị trường: thực tế thì khá nhiều planner được tuyển dụng từ các công ty chuyên nghiên cứu thị trường bởi vị trí này có nhiệm vụ chính khá tương đồng với công việc của một Planner cần thực hiện.
Phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng cũng như quy mô, loại hình doanh nghiệp mà mức lương của planner trong lĩnh vực Marketing dao động theo. Tuy nhiên, vì đi lên từ các vị trí nền tảng, thu nhập của planner được xếp vào mức khá cạnh tranh, đã từ 18-25 triệu/tháng với dưới 1 năm kinh nghiệm.
Những vị trí Planner phổ biến trong ngành Marketing
Marketing Planner
Đằng sau các chiến dịch Marketing thành công luôn là hình ảnh của các Marketing Planner. Họ phụ trách việc viết, lên kế hoạch, trình bày chi tiết và giải thích chiến lược quảng bá thương hiệu tổng thể. Đồng thời, Marketing Planner cũng cần phối hợp với bộ phận tài chính, sản xuất và hành chính của công ty để dự báo tác động của các chiến lược marketing khác nhau. Sau cùng, họ thực hiện đánh giá chi phí và sự tiếp nhận của người tiêu dùng hoặc khách hàng đối với chiến dịch Marketing.
Strategic Planner
Strategic Planner giúp xác định phương hướng của công ty và xây dựng kế hoạch để thực hiện các mục tiêu kinh doanh. Trong vai trò này, tư duy chiến lược là kỹ năng quan trọng nhất. Hơn nữa, Strategic Planner có khả năng phân tích với khả năng tổ chức mạnh mẽ và có kinh nghiệm trong nghiên cứu thị trường và hoạt động kinh doanh, giúp công ty thích ứng nhanh với những thay đổi và phát triển của thị trường.
Brand Planner/Account Planner
Các nhà hoạch định truyền thông, hay còn được gọi là các nhà hoạch định thương hiệu (brand planner/account planner) hay chiến lược gia thương hiệu (brand strategies), thường là những người làm trong các công ty quảng cáo (agency) và sáng tạo nên các chiến dịch quảng cáo cho các khách hàng khác nhau.
Brand Planner hay Account Planner được coi là “tiếng nói của người tiêu dùng” trong quá trình sáng tạo nên các chiến dịch quảng bá thương hiệu. Họ tìm ra những thông điệp nào cần được truyền đạt và nên chọn các kênh nào để tiếp cận người tiêu dùng. Để làm được điều này, họ nghiên cứu xu hướng và người tiêu dùng để viết định hướng sáng tạo (Creative Briefs) và đánh giá ý tưởng.
Media Planner
Media Planner sẽ làm việc với khách hàng để giúp họ đưa ra các quyết định về việc lên các chiến dịch truyền thông cụ thể ra sao. Công việc chính của một Media planner tập trung vào việc sắp xếp các nội dung quảng cáo tới các kênh truyền thông khác nhau nhằm tối đa hóa khả năng tiếp cận tới nhiều đối tượng mục tiêu của khách hàng. Các kênh truyền thông có thể kể đến như: TV, báo đài, mail, podcast,… Media Planner cũng theo dõi hiệu suất của quảng cáo sau khi thực hiện, để báo cáo cho khách hàng biết chỉ số ROI (tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư) Marketing của chiến dịch đó đạt bao nhiêu, và liệu có nhận được giá trị như mong muốn.
hotcourses.vn
Planning Manager
Planning Manager là người đứng đầu bộ phận kế hoạch, có trách nhiệm nghiên cứu và xác định các mục tiêu kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn cho doanh nghiệp. Họ cũng có trách nhiệm quản lý dự án, xây dựng các kế hoạch chi tiết và đưa ra chiến lược phù hợp để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh. Đồng thời Planning Manager còn phải nghiên cứu thị trường, xác định và phân tích các xu hướng mới trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
Muốn làm Planner thì cần học gì?
Sự hiểu biết về Marketing và Quảng cáo là yếu tố quan trọng gần như tiên quyết để trở thành những Planner trên. Bằng cấp liên quan và phù hợp nên thuộc chuyên môn kinh tế, cụ thể là chuyên ngành Marketing, Quảng cáo, Truyền thông Đa phương tiện, Quản trị Kinh doanh,…
Đối với nghề này, chứng chỉ bằng cấp chính quy không phải là thành phần đưa ra quyết định duy nhất. Lời khuyên của rất nhiều Planner cho những người mới chập chững vào nghề chính là đọc, không ngừng trau dồi, tìm tòi và nghiên cứu. Đọc báo cáo của các thương hiệu lớn, mọi điều mới đều cần đọc. Nếu không nghiên cứu cái mới, planner sẽ không thể tạo nên cái mới. Lấy ví dụ, trong bối cảnh truyền thông trong thế kỷ 21, các media planner cũng cần nhận ra rằng, họ không chỉ nên nhắm mục tiêu trên các chương trình truyền hình quốc gia và tạp chí, báo chí lớn mà còn phải làm quen với tất cả các trang web, blog và các nền tảng truyền thông xã hội để tiếp cận người tiêu dùng.
Nếu bạn có thắc mắc về du học các ngành liên quan về Marketing, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Những tố chất cần có để trở thành một Planner thực thụ
Kỹ năng phân tích thông tin
Để đưa ra một dự án hay ho, thứ nhất một Planner cần có chức năng thu thập các thông tin một cách chọn lọc. Vì sau cùng, chiến lược vẫn cần bám sát với thực tế (như đong đếm các thành phần khách hàng, xu hướng chung của thị trường, hoạt động của các đối thủ,…).
Kỹ năng nhận định đánh giá và thấu cảm
Sau khi đã tìm kiếm thông tin, bạn cần phải đưa ra được nhận định, đánh giá cho tình hình hiện tại. Từ những kiến thức mà bản thân có, cũng với ngẫm nghĩ logic, những đánh giá này hoàn toàn có thể sẽ làm nền tảng vững chắc để đưa ra những khuyến cáo sau đó trong dự án, cũng như xác định cho sự sáng tạo mà không bị ‘lệch’ khỏi bức tranh tổng quan. Bên cạnh đó, nắm bắt được suy nghĩ và trải nghiệm thông qua tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng.
Giàu trí tưởng tượng
Tất cả các công ty, qua những chiến dịch nghiên cứu thị trường, đều gần như có cùng một dữ liệu. Sự khác biệt nằm ở các Planner sẽ làm gì với dữ liệu đó. Sức sáng tạo sẽ giúp tạo những bước nhảy vọt trong phương thức marketing. Nhà hoạch định chiến lược tốt không chỉ mở khóa dữ liệu thông tin của khách hàng. Họ cần biến chúng thành một câu chuyện, thành nguồn truyền cảm hứng, khiến những thông tin thực sự “sống”, thật sự có ích.
Lập trường vững vàng và kỹ năng thuyết phục
Khi đưa ra chiến lược, không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ của các bên trong bộ phận marketing, như ý tưởng không được hiểu thấu đáo, bên chi ngân sách lại hoài nghi về mức phí bỏ ra. Tất cả chỉ là một vài trở ngại có thể khiến planner lung lay ý định ban đầu.
Lập trường vững vàng là yếu tố không thể thiếu của một nhà hoạch định chiến lược tài ba. Tính chất công việc thiên về sáng tạo. Nhưng sự sáng tạo rất cần được các planner thêm bớt hợp lý để bức tranh tổng thể, nêu rõ mục đích ban đầu không bị thay đổi. Bên cạnh đó, kỹ năng giải thích, thuyết phục cũng không thể xem nhẹ. Một chiến dịch quảng cáo thành công có thể ra đời nếu chính những người thực hiện không thể nắm được mục tiêu ý nghĩa mà công ty hướng tới.