Phỏng vấn dựa trên điểm mạnh (Strength-based interview) là hình thức ngày càng được nhiều nhà tuyển dụng sử dụng. Kiểu phỏng vấn này giúp công ty biết được ứng viên có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không đồng thời khiến ứng viên khó có thể chuẩn bị trước, từ đó đưa ra câu trả lời chân thật nhất. Vậy làm thế nào để chinh phục nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn dựa trên điểm manh?
> Bí quyết tìm kiếm công việc lý tưởng mùa Covid-19
> Đón đầu xu hướng tuyển dụng: ưu tiên kỹ năng mềm
Phỏng vấn dựa trên điểm mạnh là gì?
Phỏng vấn dựa trên điểm mạnh (Strength-based Interview) tập trung vào tìm hiểu những gì ứng viên thích làm thay vì những gì họ có thể làm như phỏng vấn năng lực (Competency-based Interview). Thông qua những gì bạn nói về điều mình thích và không thích, nhà tuyển dụng cũng đồng thời biết được về những gì bạn giỏi (hoặc không giỏi).
Phỏng vấn dựa trên điểm mạnh có nền tảng dựa trên tâm lý học tích cực. Theo đó, lí thuyết này quan niệm rằng nếu điểm mạnh của bạn khớp với yêu cầu công việc, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc khi làm việc và có động lực để làm việc tốt hơn, thể hiện nhiều hơn và có xu hướng gắn bó với công ty lâu hơn.
Khác với dạng phỏng vấn năng lực, phỏng vấn điểm mạnh hướng tới cá nhân nhiều hơn và cho phép nhà tuyển dụng có những thông tin đa chiều về tính cách ứng viên. Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ xem xét, đánh giá liệu đó có phải người phù hợp với công ty hay không. Bên cạnh đó, người được phỏng vấn cũng có cơ hội được lựa chọn dựa trên khả năng, điểm mạnh sẵn có của họ.
Tại sao sử dụng phỏng vấn dựa vào điểm mạnh?
Cách tiếp cận dựa trên điểm mạnh đặc biệt hữu ích khi tuyển những người chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Những tập đoàn, công ty lớn như Aviva, EY, Nestle, Unilever,… đều sử dụng kiểu phỏng vấn này trong các chương trình Quản trị viên Tập sự (Management Trainee) hoặc trong các kỳ tuyển dụng mùa thu dành cho sinh viên mới ra trường.
Một lý do nữa mà kiểu phỏng vấn này được các nhà tuyển dụng ưa chuộng đó là ứng viên sẽ có ít cơ hội để chuẩn bị hơn, do đó họ sẽ thường chia sẻ những gì xuất hiện ngay trong đầu mình và đây là những câu trả lời chân thật nhất về sở thích, động lực, năng khiếu của họ. Bên cạnh đó, con người thường thể hiện tốt nhất khi họ nói về điều họ thích. Vì vậy, một cuộc phỏng vấn dựa trên năng lực là một trải nghiệm thú vị, thoải mái hơn cho cả ứng viên lẫn người tuyển dụng.
Một số câu hỏi trong phỏng vấn dựa trên điểm mạnh
Điểm mạnh mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên sẽ khác nhau tùy từng công việc. Ví dụ, với những vị trí cần làm việc với khách hàng, bạn cần cảm thấy tự tin khi giao tiếp và thích nói chuyện với mọi người. Ứng viên có thể kể về những trải nghiệm tham gia hoạt động tình nguyện, tiếp xúc với cộng đồng, tham gia CLB tranh biện hay kinh nghiệm bán hàng. Khi nghe câu trả lời, nhà tuyển dụng sẽ vẽ nên bức tranh về con người bạn một cách nhanh chóng.
Sau đây là một số ví dụ về câu hỏi phỏng vấn dựa trên điểm mạnh:
-
Bạn thích làm gì vào thời gian rảnh?
-
Điều gì tiếp thêm năng lượng cho bạn?
-
Bạn thân sẽ mô tả về bạn như thế nào?
-
Bạn thích bắt đầu một công việc hay hoàn thành nó?
-
Bạn thích bức tranh toàn cảnh hay chi tiết nhỏ hơn?
-
Hãy mô tả một ngày thành công của bạn. Điều gì khiến nó thành công?
-
Bạn tự tin nhất khi làm gì?
-
Điểm yếu của bạn là gì?
-
Bạn thích học môn gì ở trường?
-
Kể về khi bạn đạt được một thành tựu bạn rất tự hào
-
Bạn ghét làm việc gì nhất?
-
Bạn cảm thấy mình có đủ thời gian để hoàn thành danh sách những việc cần làm mỗi ngày không?
-
Việc gì thường thừa lại trong danh sách cần làm của bạn?
-
Làm thế nào để bạn duy trì động lực?
-
Bạn cảm thấy thế nào về các thời hạn?
-
Bạn có nghĩ vị trí này sẽ giúp phát huy điểm mạnh của bạn không?
Làm thế nào để trả lời các câu hỏi phỏng vấn dựa trên điểm mạnh?
Những câu hỏi về điểm mạnh sẽ không có câu trả lời đúng hay sai. Điều quan trọng ở đây là bạn trả lời một cách chân thật.
Giống như những cuộc phỏng vấn khác, bạn nên đưa vào một số ví dụ để minh họa cho điều mình nói. Những ví dụ này có thể lấy từ mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn từ học tập, kinh nghiệm đi làm, hoạt động ngoại khóa,…
Nếu bạn được hỏi về điểm yếu, hãy tránh những câu trả lời chung chung và công thức như là “Tôi là người cầu toàn”. Hãy thật sự nghĩ về những gì khiến bạn chật vật trong quá khứ và là điểm yếu thật sự của bạn, ví dụ như thiếu kỹ năng tổ chức, thiếu tự tin khi giao tiếp hoặc nói chuyện trước đám đông chẳng hạn. Tuy vậy, hãy luôn suy nghĩ theo hướng cầu tiến và giải thích được rằng bạn sẽ làm thế nào để bù đắp cho điểm yếu đó và làm thế nào để cải thiện điều này. Ví dụ, nếu thiếu kỹ năng tổ chức, bạn có thể nói về việc sử dụng báo thức, ứng dụng nhắc việc hay các ứng dụng hỗ trợ để sắp xếp công việc hợp lý hơn. Luôn kết thúc câu trả lời bằng một tinh thần lạc quan, tích cực!
Khi trả lời, người phỏng vấn cũng sẽ ghi chép lại về ngôn ngữ cơ thể, tông giọng của bạn để nắm bắt xem bạn thành thật đến mức nào. Nếu bạn đang nói về những điều bạn hứng thú và đam mê, bạn sẽ tỏa sáng và tỏa ra năng lượng khác biệt.
> 16 tính cách được các nhà tuyển dụng chào đón
> Cải thiện hồ sơ việc làm LinkedIn
Chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn dựa trên điểm mạnh
Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng ứng viên khó có thể chuẩn bị cho phỏng vấn kiểu này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ứng viên không thể làm gì để có một buổi phỏng vấn trơn tru, thành công hơn.
Bất kể nhà tuyển dụng sử dụng kiểu phỏng vấn nào, điều đầu tiên bạn cần làm là nghiên cứu về công ty và vị trí mình ứng tuyển. Đọc kỹ yêu cầu để biết điểm mạnh nào công ty đang tìm kiếm. Sau đó, liệt kê tất cả các điểm mạnh của bản thân, cả về học thuật, công việc, quan hệ xã hội cũng như những điều mang lại động lực cho bạn. Nghĩ về những hoạt động bạn thích làm, môn học ưa thích và cả những điểm yếu của bản thân. Khi đã có danh sách, hãy xem lại điểm mạnh của mình có thể giúp gì cho công việc này trong tương lai.
Nguồn: Prospects