Marketing, Quan hệ công chúng (PR) và Quảng cáo là những ngành học thời thượng luôn đổi mới không ngừng nên sẽ phù hợp những bạn yêu thích sáng tạo. Các bạn nên tìm hiểu những điểm giống và khác nhau của ba ngành học thường bị nhầm lẫn này trong bài viết dưới đây để có thể dễ dàng lựa chọn hướng đi tương lai cho mình.
>> Ngành Quan hệ Công chúng: Học gì, học ở đâu, và cơ hội nghề nghiệp
Những điểm giống nhau của Marketing, PR và Quảng cáo
Mục đích chung
Ba ngành này đều có chung một mục đích lớn là giúp doanh nghiệp bán được hàng hoặc cá nhân tạo ra được thu nhập. Ba lĩnh vực này không chỉ áp dụng cho các sản phẩm tiêu dùng mà còn có thể là con người nữa. Nhất là những người hoạt động nghệ thuật luôn cần có đội ngũ đảm nhiệm công việc liên quan đến Marketing, PR và Quảng cáo để có thể bán được hình ảnh của chính mình.
Nền tảng kênh
Marketing, PR và Quảng cáo đều xuất hiện nhan nhản trên các kênh quen thuộc như báo mạng, báo giấy, mạng xã hội, truyền hình, đài phát thanh, sự kiện offline mà bạn được tiếp xúc mỗi ngày. Tuy nhiên phân biệt được hoạt động nào thuộc mảng gì thì các bạn phải học mới biết được.
Tạo sự chú ý của công chúng
Tính chất công việc của cả ba ngành đều yêu cầu phải thu hút được nhiều sự quan tâm của mọi người trong thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh. Chỉ cần được mọi người để ý hơn các thương hiệu đối thủ là coi như có thể thắng được phân nửa trên thương trường khốc liệt.
>> Ngành Marketing: Học gì, ở đâu và triển vọng nghề nghiệp
Và có các điểm khác biệt như sau
Cấp độ
Trong ba ngành học thì Marketing có vị thế cao nhất bao phủ cả PR lẫn Quảng cáo. PR và Quảng cáo thì ngang hàng nhau vì đều là phương pháp để marketing. Nói một cách dễ hiểu hơn thì ngành học Marketing có hai chuyên ngành nhỏ hơn là PR và Quảng cáo.
Mục đích riêng
Mục đích riêng của PR là xây dựng hình ảnh đẹp và bảo vệ danh tiếng của doanh nghiệp hoặc cá nhân trong mắt công chúng. Còn Quảng cáo là để tăng sự hiện diện của sản phẩm để in sâu vào tâm trí của khách hàng tiềm năng, chẳng hạn như một số quảng cáo chỉ đơn giản “đặt để” sản phẩm của mình vào các bộ phim hay MV ca nhạc để mọi người nhớ mặt sản phẩm của mình chứ không thuyết phục khách hàng mua sắm. Suy cho cùng, việc xây dựng hình ảnh đẹp của PR hay tăng tính nhận diện thương hiệu của Quảng cáo cũng chỉ để bán được hàng, mục tiêu tối thượng của Marketing.
Đối tượng tiếp nhận
Đối tượng tiếp nhận các hoạt động của ngành Quảng cáo thường sẽ là khách hàng tiềm năng sẽ chi trả cho sản phẩm hay dịch vụ. Trong khi đó đối tượng tiếp nhận của hoạt động PR sẽ chú trọng hơn vào các tổ chức báo chí, cơ quan chính phủ, nhà đầu tư và các bên khác mà họ không nhất thiết phải là người chi tiền mua sản phẩm hay dịch vụ. Marketing bao hàm cả Quảng cáo lẫn PR nên đối tượng tiếp nhận tất nhiên là tất cả mọi người, tùy thuộc vào từng hoạt động cụ thể.
Nội dung đào tạo
Vì cả ba ngành học đều có các điểm chung nhất định nên nội dung đào tạo sẽ có vài điểm giống nhau ở các môn đại cương nhưng chắc chắn sẽ có các môn khác biệt. Ví dụ như Marketing bạn sẽ được học kỹ năng phân tích thị trường hay lên chiến lược truyền thông hoàn chỉnh; PR sẽ phải học chuyên sâu hơn về các môn chính trị còn Quảng cáo cần phải học các nghề chuyên môn hơn như thiết kế đồ họa hay quay dựng video.
>> Du học Marketing ở đâu có chi phí phải chăng?
Người thảo luận
Quảng cáo đặt nặng việc tự giới thiệu về bản thân còn PR lại chú trọng vào việc người khác nói gì về mình. Một công ty tự nói về mình chắc chắn sẽ phải tốn phí nhưng nếu có định hướng PR tốt thì công ty sẽ được nhiều người cho các nhận định tốt hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn phải trả tiền thuê những người có ảnh hưởng nói tốt về sản phẩm thì đó là Quảng cáo chứ không phải PR. Còn khi bạn thấy một người hoàn toàn xa lạ khen công ty của mình trên các kênh truyền thông thì đó là kết quả của PR. Marketing đòi hỏi phải cả tự nói về mình và được người khác khen ngợi thì mới bán được hàng.
Cách thức thực hiện
Ví dụ như cả ba ngành đều dùng hình thức bài viết trong hoạt động chuyên môn nhưng viết để bán được hàng, viết cho mục đích quảng cáo và viết thông cáo báo chí hoàn toàn khác nhau. Với Marketing, viết để bán hàng có thể sẽ phải ăn theo xu hướng của giới trẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Với Quảng cáo, viết slogan hay kịch bản là phải tạo được xu hướng cho mọi người hưởng ứng. Còn viết thông cáo báo chí trong PR có thể sẽ phải nghiêm túc, chỉn chu và rõ ràng để công chúng không hiểu lầm.
Đối tượng giao tiếp trong công việc
Làm việc trong lĩnh vực Quảng cáo bạn sẽ tiếp xúc với đội ngũ sáng tạo của mình như đạo diễn hình ảnh, copywriter, chuyên viên thiết kế đồ họa, diễn viên lồng tiếng,… còn PR bạn cần làm việc với báo chí, chính quyền, đối tác,… Đặt lên bàn cân so sánh, người chọn theo đuổi lĩnh vực PR sẽ cần phải giỏi giao tiếp hơn. Marketing không chỉ có PR và Quảng cáo mà còn có các phương pháp Tiếp thị số (Digital Marketing) khác nên bạn thậm chí có thể ở nhà làm việc không cần gặp gỡ đồng nghiệp.
>> Du học ngành Digital Marketing: Học gì, ở đâu và triển vọng nghề nghiệp
Tạm kết
Nói chung cả ba lĩnh vực đều bổ trợ qua lại cho nhau nên dù bạn chọn con đường nào thì cũng nên tìm hiểu hai lựa chọn còn lại để bổ sung kiến thức nghề nghiệp cho mình và sẽ có nhiều hướng đi trong con đường sự nghiệp hơn.