Bài viết là những chia sẻ về quá trình học IELTS của cá nhân mình, một học sinh chuyên Văn vừa nhận được kết quả IELTS 8.0 vào tuần trước. Theo mình, luyện thi IELTS cũng cần phải có chiến lược, và chắc hẳn mỗi người sẽ có những bài học kinh nghiệm của riêng mình. Dưới đây là những bài học mình đã rút ra từ chính kinh nghiệm luyện thi IELTS của bản thân, hi vọng sẽ giúp ích cho những bạn có kế hoạch chinh phục kỳ thi này sắp tới.
>> IELTS là gì?
#Bài_học_số_1: Số lượng bài thi thử không tỉ lệ thuận với cơ hội tăng điểm
Cách đây 2 năm (2018), mình từng thi IELTS lần đầu tiên. Lúc đó mình thi IELTS ngay trong giai đoạn thi học kì nên vô cùng áp lực, và cuối cùng mình chỉ đạt 7.0. Tổng điểm 7.0 cũng không phải là thấp, nhưng nó khiến mình chưa thỏa mãn, vì mình biết mình có thể làm được nhiều hơn thế. Sau này nhìn lại, mình mới nhận ra học IELTS cần phải có chiến lược và phương pháp. Ngay sau đây là những thay đổi mình đã áp dụng trong quá trình ôn thi IELTS lần thứ hai.
Về kỹ năng Nghe (Listening) và Đọc (Reading), hồi đó mình nghĩ cứ giải đề và tra đáp án để biết mình sai ở đâu là đủ. Tuy nhiên, mình nhận ra rằng không phải “cày” nhiều bài thi thử thì điểm số của hai kỹ năng sẽ tự động được cải thiện. Mình nghĩ rằng ngoài các phương pháp luyện nghe và đọc qua sách báo, phim ảnh, âm nhạc, podcast… (vốn là những phương tiện đã rất phổ biến), việc quan trọng nhất khi luyện hai kỹ năng này chính là: phải giải mã TẠI SAO mình sai, để sau này không lặp lại những lỗi sai đó. Đề thi có thể luyện ít cũng được, nhưng phải luyện cho đúng, luyện cho ra được vấn đề.
>> Những website hữu ích để luyện kỹ năng nghe (Listening)
#Bài_học_số_2: Học từ vựng là kỹ năng cốt lõi
Có nhiều vấn đề mình đã nhận ra trong quá trình mình luyện hai kỹ năng Nghe và Đọc, nhưng mình sẽ nói về một vấn đề lớn nhất mà mình (và có lẽ nhiều bạn giống mình) đã gặp phải: nếu mình trả lời sai đáp án, rất có khả năng cao vì mình không hiểu được một từ vựng, một hàm ý nào đó trong bài đọc, bài nghe. Vậy nên, để không sai nữa, kỹ năng thiết yếu là học từ vựng, đúc kết và ghi nhớ được những từ mới sau mỗi lần luyện đề.
Đó là lí do trong điện thoại của mình luôn có một ứng dụng bé xinh (Quizlet) chuyên để học các từ vựng mới. Mỗi tập hồ sơ (folder) trên Quizlet được tạo ra dựa trên mỗi tháng tương ứng, cũng như những kỹ năng mà người dùng cho rằng vựng này có thể áp dụng được. Ví dụ: một trong những tập hồ sơ của mình là March 2020 – Listening/Reading. Sau khi luyện đề, mình sẽ tổng hợp các từ vựng mà mình chưa biết và phân loại nó theo hai nhóm: nhóm thứ nhất dành cho những từ vựng thường gặp nhưng chỉ cần làm quen cho biết, và nhóm thứ hai là những từ vựng hay ho mà mình muốn áp dụng trong các bài thi nói hoặc viết.
Đối với từ vựng nhóm một, mình chỉ lưu những định nghĩa hoặc có thể kèm theo một ví dụ trên thẻ thông tin (flashcards) của Quizlet, còn từ vựng nhóm hai thì sẽ được lưu giữ một cách chi tiết, trong đó mình lưu cả cụm từ, các cụm diễn đạt và lưu đến hai hoặc ba ví dụ cho các diễn đạt đó.
Sau khi lưu từ vựng, các bạn đừng để nó “mốc meo” trong đó nha. Mình thường tranh thủ giờ nghỉ trưa, giờ ra chơi, những khi đang đi xe trên đường, hoặc những lúc có thời gian rảnh rỗi để ôn lại những từ vựng đã được lưu trữ trên Quizlet. Việc còn lại chỉ là để Quizlet đánh giá và trung thực khi làm kiểm tra: nếu bạn chưa nhớ thì bấm vô “học lại”, nhớ kĩ rồi thì bấm “hiểu rồi”, nhớ mang máng, sơ sơ, hơi hơi thì cũng phải “học lại” cho chắc 😊.
>> 10 bí quyết học ngoại ngữ của chàng trai nói 9 thứ tiếng
#Bài_học_số_3: “Tầm sư học đạo” và luyện kỹ năng nói cùng với hội bạn cũng quan trọng phết đấy!
Về kỹ năng Nói (Speaking), mình rất biết ơn hai cô giáo của mình là cô Nguyễn Tường và cô Anh Thy. Mình là trường hợp khá đặc biệt, bởi trước khi thi mình chỉ học có đúng một buổi học trực tiếp (offline) với cô Thy và một buổi học qua mạng (online) với cô Tường. Tại buổi học trực tuyến, cô Tường đã giúp mình nhận ra việc nói mạch lạc quan trọng như thế nào, và kết quả là mình đã đạt được 7.5 mặc dù phần 3 mình nói khá buồn cười (may mà phần 1 và phần 2 mình đã có phần thể hiện khá tốt để bù trừ cho phần 3).
Ngoài ra, mình nghĩ điều quan trọng nhất khi đi thi nói chính là sự thoải mái. Khi đi thi, mình ít sử dụng những từ vựng cao siêu hay dùng những câu có ngữ pháp phức tạp, bởi mình muốn người nghe cảm nhận được sự thoải mái của mình trong lúc nói tiếng Anh.
Ngay khi vào phòng thi, mình đã chủ động tạo bầu không khí vui vẻ, hào hứng với giám khảo, và trả lời những câu hỏi như cách mình vẫn nói chuyện với những người bạn của mình: nói về bản thân mình trước, nói tự nhiên, nói thật lòng, biết thì bảo rằng biết, rồi chứng minh mình hiểu biết về vấn đề đó như thế nào, còn nếu không biết thì cứ nói không biết. Nói như vậy không có nghĩa là không sử dụng từ khó trong lúc thi nói, mà quan trọng nhất là phải dùng từ một cách tự nhiên nhất. Để làm được điều này, khi học từ vựng, mình đã tìm cách áp dụng chúng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Phải đánh thức được, áp dụng được thì mới quen từ và áp dụng chúng một cách thoải mái nhất, kể cả là dưới áp lực tâm lý của một kỳ thi.
>> 10 tips hữu ích áp dụng cho ngày thi IELTS Speaking
Một bí quyết cũng rất quan trọng với mình, đó là tìm đến những người bạn cùng chung chí hướng để thực hành. Việc vấn đáp với người đối diện sẽ cho bạn cảm giác như đang trong buổi thi thật, từ đó mới luyện được phản xạ nói. Mình phải gửi ngàn lời cảm ơn đến Hải Giang, Quỳnh Hà, Vân Thư, ba người bạn thường xuyên đọc câu hỏi để mình luyện nói, có lúc phải chịu đựng những câu trả lời dài mấy phút, với những phần trình bày từ hay nhất đến buồn cười nhất của mình. Đó là những người bạn đã chịu khó nói tiếng Anh cùng mình suốt cả ngày trời mà không hề ca thán!
#Bài_học_số _4: Xác định rõ mục tiêu: viết là để người đọc thấu hiểu!
Về kỹ năng Viết (Writing), mình phải cảm ơn cô Liên Như, người đã giúp mình tỉnh ngộ ra “chân lý” của một bài thi viết, đó là cốt để người đọc hiểu mình đang viết gì. Cô Như đã giúp mình tỉnh ngộ trong cách viết Task 2: để được điểm viết cao (hoặc ít nhất điểm 7.0 kỹ năng viết giống mình), quan trọng nhất là nên tránh lối viết cao siêu khiến không ai hiểu, vì viết càng phức tạp thì càng dễ sai.
Trước đây mình rất thích viết dài, với những từ vựng “trên trời” như thể muốn “dọa” người chấm. Ở lần ôn thi này, nhờ có cô Như, mình đã học được lối hành văn ngắn gọn súc tích, chú trọng yếu tố logic cùng kết cấu chặt chẽ của bài viết, và quan trọng là phải dẫn dắt các lý lẽ của mình sao cho thật tự nhiên.
Trước khi bắt tay vào bài viết, mình đã đầu tư hẳn 5 phút để phác thảo những ý chính, nháp hết những luận điểm để giải thích, dẫn chứng cho quan điểm của mình. Với một phác thảo như vậy, mình tin là các bạn cũng sẽ viết được trơn tru hơn rất nhiều, không cần phải vừa viết vừa suy nghĩ rất mệt mỏi.
>> Bí quyết viết luận (assignment) đúng và hay
Việc đọc nhiều, tích lũy nhiều từ cách hành văn của các chuyên gia cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho bài thi viết. Mình thường hay đọc bài của cô Liz (trang IELTS Liz), và thỉnh thoảng cũng đọc thêm bài của thầy Simon nữa (trang IELTS Simon). Khi đọc, mình hay có thói quen rút ra những cụm từ hay ho, học hỏi phương pháp diễn đạt hay, lưu lại học trên Quizlet và tập áp dụng cho những chủ đề tương tự khi viết.
Cuối cùng, để có cảm giác đang làm bài thi thật, mình đã sử dụng mẫu giấy làm bài thi viết (có thể tìm thấy bản PDF trên mạng) để tạo cảm giác như đang làm bài khi đi thi thật, cũng như áng chừng số từ quy định của mỗi bài thi.
Trên đây là những bài học mình đã rút ra sau hai lần ôn thi IELTS, hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn. Mình tin là, với sự nỗ lực và một phương pháp học hiệu quả, phù hợp, ai cũng có thể đạt kết quả đúng như mong đợi. Chúc các bạn thành công!