Nếu bạn thích nấu nướng và đặc biệt đam mê thưởng thức các loại bánh thì nghề làm bánh có thể là lựa chọn tiềm năng cho con đường sự nghiệp tương lai sắp tới. Những chương trình đào tạo nghề làm bánh ở Việt Nam hay nước ngoài đa phần đều có yêu cầu đầu vào tương đối dễ chịu nên khả năng bạn có thể trúng tuyển cũng cao hơn so với các ngành khác.
Nghề làm bánh có nên đến trường học?
Nếu chỉ muốn làm được một món bánh nào đó thì thực tế là bạn không nhất thiết phải đến trường học mà có thể tự mày mò thực hành theo những công thức trên mạng hoặc đăng ký các khóa học trực tuyến có trả phí. Bạn cũng có thể chọn phương án “nghề dạy nghề” bằng cách tìm cơ hội làm phụ tá cho một nghệ nhân làm bánh nào đó để vừa làm vừa học. Tuy nhiên với các lựa chọn tự học kể trên thì chắc chắn bạn sẽ không được học nghề một cách bài bản với các kiến thức nền tảng vững chắc.
Thật vậy, các công thức trên mạng dù tỉ mỉ đến đâu thì bạn cũng khó biết thành phẩm của mình có đạt đủ chuẩn để hành nghề chưa vì không được người có kinh nghiệm trực tiếp đánh giá. Công việc trong gian bếp lúc nào cũng tất bật nên các nghệ nhân làm bánh dù nhiệt tình cách mấy cũng không có nhiều thời gian để truyền đạt bí kíp làm nghề một cách chi tiết cho bạn, nhất là khi công việc chính của họ lúc này không phải là giảng viên đào tạo.
Thực tế thì các công việc liên quan đến bánh trái hiếm khi đòi hỏi bạn có bằng cấp cao mà chủ yếu đánh giá năng lực tạo ra sản phẩm của đầu bếp. Mặc dù vậy nhưng Huongnghiepcdm.edu.vn vẫn khuyên bạn nên chịu khó đầu tư thời gian học nghề làm bánh tại các cơ sở chính quy để trang bị cho bản thân đủ kiến thức cơ bản trong hành trình theo đuổi sự nghiệp dài hơi sắp tới. Chẳng hạn như chỉ có các chương trình đào tạo chính quy mới trang bị cho bạn tư duy sáng tạo nghệ thuật trong làm bánh hay các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến. Chưa kể hầu hết các khóa học làm bánh đều được tổ chức tại một gian bếp được trang bị đầy đủ dụng cụ chuyên nghiệp mà bạn sẽ không thể trải nghiệm nếu tự học ở nhà.
Học nghề làm bánh là học gì?
Tùy vào định hướng, quỹ thời gian và ngân sách cá nhân mà bạn có thể linh động chọn học nghề làm bánh để lấy chứng nhận (certificate), bằng Cao đẳng (Associate’s Degree), bằng Cử nhân (Bachelor’s Degree) hay thậm chí là bằng Thạc sĩ (Master). Mỗi bậc học sẽ có nội dung đào tạo khác biệt như sau:
-
Chương trình cấp chứng nhận nghề làm bánh thường có thời gian học ít hơn 1 năm và chỉ tập trung đào tạo kỹ năng chuyên môn bếp bánh để học viên có thể hành nghề ngay sau khi hoàn tất khóa học.
-
Chương trình Cao đẳng nghề làm bánh sẽ kéo dài trong vòng 2 năm. Ngoài những kiến thức chuyên môn, bạn sẽ còn dành thời gian học các lớp đại cương như Toán hoặc Viết sáng tạo. Kỹ năng tính toán rất hữu ích trong việc kinh doanh và viết lách giỏi sẽ giúp bạn quảng bá được sản phẩm của mình nên các môn học đại cương nhìn chung không hề lãng phí thời gian.
-
Chương trình Cử nhân nghề làm bánh thường dành cho những bạn có định hướng theo đuổi vị trí quản lý khu vực bếp bánh tại nhà hàng hay khách sạn. Vậy nên chương trình học sẽ đào tạo thêm các kỹ năng liên quan đến quản trị nhân sự hay kinh doanh nói chung.
-
Chương trình Thạc sĩ nghề làm bánh sẽ tạo điều kiện cho bạn nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về các sản phẩm mình làm ra bao gồm các kiến thức về khoa học thực phẩm, giá trị dinh dưỡng hay làm chủ khẩu phần ăn của từng người. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ bạn có thể sẽ không trực tiếp vào bếp làm bánh mà giữ vai trò tư vấn dinh dưỡng hoặc giám sát toàn bộ quá trình sản xuất của một loại bánh trên thị trường.
Một số môn học trong các chương trình dạy làm bánh bạn có thể tham khảo như:
-
Kỹ thuật sử dụng dao
-
Cách sử dụng và bảo quản đồ nghề làm bánh
-
Các phong cách làm bánh
-
Cách phát triển thực đơn
-
Tìm hiểu về nguyên liệu làm bánh
-
Vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến
-
Tổ chức tiệc buffet
-
Nghiên cứu về rượu
-
Kiểm soát giá thành thực phẩm
Yêu cầu đầu vào để học nghề làm bánh như thế nào?
Đối với các chương trình học cấp chứng nhận, Cao đẳng hoặc Cử nhân thì bạn chỉ cần tốt nghiệp cấp ba với bảng điểm không quá tệ là được. Nếu bạn có ý định du học nghề làm bánh thì tất nhiên sẽ cần nộp thêm chứng chỉ TOEFL hay IETLS để chứng tỏ cho ban tuyển sinh thấy bạn có thể nghe hiểu nội dung bài giảng. Riêng với chương trình học Thạc sĩ nghề làm bánh thì bạn sẽ cần phải có bằng Cử nhân hoặc kinh nghiệm thực tế trong một khoảng thời gian nhất định. Tốt nhất thì bạn nên chủ động tìm hiểu yêu cầu tuyển sinh của từng trường ở mỗi quốc gia để có thông tin chính xác.
Học nghề làm bánh ở đâu?
Hiện tại ở Việt Nam chưa có trường đại học chính quy nào chuyên đào tạo nghề làm bánh nên bạn chỉ có thể đăng ký học tại các trường nghề tư nhân. Nếu học làm bánh ở Việt Nam thì bạn sẽ có một ưu thế là biết cách làm bánh Việt Nam lẫn Âu Mỹ. Còn nếu bạn du học nghề làm bánh thì sẽ chỉ học được phương pháp chế biến của nước ngoài.
Huongnghiepcdm.edu.vn gợi ý cho bạn một số trường có dạy nghề làm bánh ở nước ngoài như sau:
Mỹ:
-
Central New Mexico Community College
-
Peralta Community College District
-
Alamo Colleges District
-
Valencia College
-
Colleges of Contra Costa
Anh:
- London South Bank University
- Kirklees College
Canada:
- Fanshawe College
- Centennial College
- Conestoga College
- George Brown College
- Red River College
Nếu gặp khó khăn trong việc chọn trường để du học nghề làm bánh phù hợp thì bạn có thể liên hệ với IDP để nhờ các chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm giúp đỡ hoàn toàn miễn phí.
Một số đặc thù của nghề làm bánh bạn cần biết là gì?
Luôn bắt đầu với vị trí thấp
Bất kể bạn học nghề ở trường có học phí đắt đỏ ra sao, bạn quen biết ai hay thành tích học tập của bạn ấn tượng thế nào thì khi bắt đầu sự nghiệp bạn đều phải khởi hành ở vị trí thấp trong bếp, như phụ bếp chẳng hạn. Để có thể trở thành nghệ nhân làm bánh được công nhận thì bạn có thể sẽ phải phấn đấu trong nhiều năm trời.
Làm bánh là công việc dành cho người năng động
Trong quá trình làm bánh, bạn sẽ luôn phải di chuyển trong gian bếp và sử dụng tay chân liên tục. Bạn có thể sẽ phải dùng lực thường xuyên trong công việc nên cần có một sức khỏe đủ tốt để thích nghi. Nếu bạn mong muốn một công việc ngồi bàn giấy nhẹ nhàng và ít vận động thì nghề làm bánh sẽ không là lựa chọn lý tưởng.
Đôi tay lúc nào cũng lấm lem
Vì bạn sẽ phải nhào bột rồi trang trí bánh nên đôi tay của bạn sẽ phải tiếp xúc với các nguyên vật liệu chế biến thường xuyên. Chưa kể môi trường làm việc trong bếp núc thường phải sử dụng các đồ nghề có nhiệt độ cao nên đôi tay của bạn còn gặp rủi ro bị bỏng. Nhưng để làm ra được những chiếc bánh đẹp mắt, ngon miệng và giàu dinh dưỡng thì bạn cần phải chấp nhận điều này.
Kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng
Gian bếp ở nhà hàng, tiệm bánh hay khách sạn có thể được xem là một văn phòng thu nhỏ mà trong đó bạn phải làm việc chung với nhiều người. Bạn có thể một mình làm bánh nhưng nhưng các công đoạn khác như chuẩn bị nguyên liệu hay bày trí cho khách hàng xem sẽ do người khác đảm nhiệm. Vì vậy bạn cần tập kỹ năng làm việc nhóm để có thể phối hợp ăn ý với mọi người vì mục đích chung là đem lại sản phẩm chất lượng nhất cho thực khách.
Học nghề làm bánh có thể làm các công việc gì?
Ngoài trực tiếp đứng vị trí làm bánh, với các kiến thức được học bạn còn có thể làm tư vấn về thực phẩm, nhiếp ảnh mảng thực phẩm, thiết kế ẩm thực cho phim hay viết sách về bếp bánh. Bạn vẫn có thể đảm nhận các vị trí quản lý mọi công đoạn trong quá trình chế biến thực phẩm ở nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch, sòng bạc hay bất kỳ nơi nào cần dịch vụ cung ứng bánh trái. Nếu có đủ năng lực và tiềm lực tài chính, bạn hoàn toàn có thể tìm đường thành lập thương hiệu bánh của riêng mình. Cơ hội nghề nghiệp để làm bánh là không thiếu, quan trọng là bạn có đủ yêu nghề để kiên trì theo đuổi hay không.
Nguồn tham khảo: Academia21, Culinary Lab School, Culinary Schools